Điều kiện kinh tế-xã hội và tình hình thanh niên Nghệ An hiện nay

Một phần của tài liệu Giáo dục chính trị, tư tưởng cho thanh niên tỉnh Nghệ An trong giai đoạn hiện nay (Trang 38 - 53)

2.1.1. Đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Nghệ An - Đặc điểm địa lý, tự nhiên, dân số

Nghệ An là một tỉnh thuộc vùng Bắc Trung bộ; nằm trong toạ độ từ 18o33'10" đến 19o24'43" vĩ độ Bắc và từ 103o52'53" đến 105o45'50" kinh độ Đông. Phía Bắc giáp tỉnh Thanh Hoá, phía Nam giáp tỉnh Hà Tĩnh, phía Đông là Biển Đông, phía Tây giáp các tỉnh Xiêng Khoảng, Bô-ly-khăm-xay, Hủa- phăn thuộc nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào với đường biên giới dài 419 km.

Với diện tích 16.498,5km2, Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước. Nằm ở Đông Bắc dãy Trường Sơn, Nghệ An có địa hình rất đa dạng, phức tạp: có cả miền núi, trung du, đồng bằng, biển, đảo và thềm lục địa. Địa hình Nghệ An bị chia cắt bởi các hệ thống đồi núi, sông suối hướng nghiêng từ Tây - Bắc xuống Đông - Nam. Đỉnh núi cao nhất là đỉnh Pu-xai-lai-leng (2.711m) ở huyện Kỳ Sơn, thấp nhất là vùng đồng bằng huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành, có nơi chỉ cao đến 0,2 m so với mặt nước biển (đó là xã Quỳnh Thanh huyện Quỳnh Lưu). Đồi núi chiếm 83% diện tích đất tự nhiên của toàn tỉnh. Vùng đồi núi được tạo thành bởi dãy Trường Sơn trùng điệp phía Tây chạy từ huyện Kỳ Sơn qua Tương Dương, Con Cuông, Thanh Chương vào các tỉnh phía Nam và dãy Phù Hoạt chạy từ Bắc thượng nguồn sông Lam đổ xuống các vùng Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp. Chuyển tiếp giữa vùng đồi núi cao phía Tây và vùng đồng bằng ven biển là vùng trung du gồm các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Anh Sơn, Thanh Chương… Vùng đồng bằng hẹp, chỉ có 17% diện tích toàn tỉnh, độ phì nhiêu của đất không đều, bị chia cắt bởi nhiều sông lạch và những đồi núi lẻ ăn thông ra biển, tạo thành những vùng tập trung: Diễn Châu - Yên Thành - Quỳnh Lưu,

Nam Đàn - Hưng Nguyên - Nghi Lộc, lòng chảo Đô Lương. Tuy vậy, đây cũng là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi cho nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng bao gồm rừng, nhiều khoáng sản quý, biển.

Nghệ An có nhiều sông ngòi. Tổng chiều dài sông suối trên địa bàn tỉnh là 9.828 km, mật độ trung bình là 0,7 km/km2. Sông lớn nhất là sông Cả (sông Lam) bắt nguồn từ huyện Mường Pẹc tỉnh Xiêng Khoảng (Lào), có 151 phụ lưu, có chiều dài là 532 km (riêng trên đất Nghệ An có chiều dài là 361 km), diện tích lưu vực 27.200 km2 (riêng ở Nghệ An là 17.730 km2). Tổng lượng nước hàng năm khoảng 28.109 m3 trong đó 14,4.109 là nước mặt.

Hải phận rộng 4.230 hải lý vuông, từ độ sâu 40m trở vào nói chung đáy biển tương đối bằng phẳng, từ độ sâu 40 m trở ra có nhiều đá ngầm, cồn cát. Vùng biển Nghệ An là nơi tập trung nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế cao. Bãi biển Cửa Lò là một trong những bãi tắm đẹp và hấp dẫn, đó là lợi thế cho việc phát triển nhành du lịch ở Nghệ An. Bờ biển Nghệ An có chiều dài 82 km, có 6 cửa lạch thuận lợi cho việc vận tải biển, phát triển cảng biển và nghề làm muối (1000 ha).

Nghệ An nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, chịu sự tác động trực tiếp của gió mùa Tây - Nam khô và nóng, còn gọi là gió Lào (từ tháng 4 đến tháng 8) và gió mùa Đông Bắc lạnh, ẩm ướt (từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau). Đây được coi là một trong những vùng khí hậu khắc nghiệt nhất của Việt Nam.

Nghệ An có dân số hơn 3,1 triệu người, mật độ trung bình 177 người/km2, thuộc vào tỉnh có dân số đông trong cả nước. Tuy nhiên, dân số Nghệ An phân bố không đều, chủ yếu tập trung tại các vùng trung du và đồng bằng. Nghệ An là tỉnh có nhiều dân tộc cùng sinh sống, đó là người Kinh, Khơ Mú, Đan-lai, Thái, Thổ, H'Mông, Ơ Đu...

Về mặt hành chính, Nghệ An có 1 thành phố trực thuộc là thành phố Vinh, 3 thị xã; 17 huyện gồm: 10 huyện miền núi là Thanh Chương, Kỳ Sơn,

Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Tân Kỳ, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn; 7 huyện đồng bằng: Đô Lương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành. Nghệ An có 479 đơn vị hành chính cấp xã gồm 462 xã phường và 18 thị trấn.

- Đặc điểm kinh tế - xã hội:

Trải qua nhiều thời đại, Nghệ An bao giờ cũng là vùng đất phên dậu của Tổ Quốc. Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú đã có nhận xét như sau: “Nghệ An núi cao, sông sâu, phong tục trọng hậu, cảnh tượng tươi sáng, gọi là đất có danh tiếng hơn cả ở Nam Châu. Người thì thuần hoà mà chăm học, sản vật thì nhiều thức quý của lạ…, được khí tốt của sông núi nên sinh ra nhiều bậc danh hiền…, thực là nơi hiểm yếu như thành đồng, ao nóng của nước và là then khoá của các triều đại”.

Nhân dân Nghệ An có bề dày truyền thống yêu nước cách mạng. Từ cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng năm 40 cho đến cuộc khởi nghĩa Lý Bí năm 542 chống lại ách đô hộ của phong kiến phương Bắc, nhân dân vùng đất này luôn là lực lượng và chỗ dựa tin cậy. Đến thế kỷ VIII, dân Hoan Diễn (bao gồm cả Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay) đã vùng dậy khởi nghĩa chống ách cai trị của nhà Đường dưới sự lãnh đạo của Mai Thúc Loan. Mảnh đất này cũng từng là “đất đứng chân” của Lê Lợi trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh, là nơi người anh hùng áo vải Quang Trung dừng chân để tuyển quân cho cuộc “Bắc tiến” thần tốc, khi đó, hàng vạn trai tráng xứ Nghệ đã trở thành cánh quân chủ lực góp phần vào cuộc đại thắng giặc Thanh tại Ngọc Hồi, Đống Đa mùa xuân Kỷ Dậu (1789).

Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, Nghệ An một lần nữa chứng tỏ ý chí quật cường chống giặc ngoại xâm với các cuộc khởi nghĩa của Trần Tấn, Đặng Như Mai, Nguyễn Xuân Ôn, Lê Doãn Nhã vào cuối thế kỷ XIX. Đây là nơi khởi phát phong trào Đông Du do nhà yêu nước Phan Bội Châu lãnh đạo vào đầu thế kỷ XX. Mảnh đất này cũng là nơi sinh ra và nuôi dưỡng người

thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành - người đã ra đi tìm đường cứu nước, đã tìm ra con đường đúng đắn cho cách mạng Việt Nam là con đường của chủ nghĩa Mác - Lênin, đã mở ra cho dân tộc Việt Nam một thời đại mới - thời đại của độc lập và tự do.

Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập và bắt đầu lãnh đạo cách mạng ở trong nước, phong trào yêu nước cách mạng của nhân dân Nghệ An cùng với nhân dân Hà Tĩnh được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng đã phát triển thành cao trào cách mạng mà đỉnh cao là Xô-viết Nghệ Tĩnh - là cuộc tập dượt cho Cách mạng Tháng Tám thành công.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Nghệ An là một hậu phương vững chắc, là nơi cung cấp một phần quan trọng sức người, sức của cho tiền tuyến, là nơi sáng danh với những câu khẩu hiệu “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “xe chưa qua, nhà không tiếc” để cùng với cả nước đi đến thắng lợi cuối cùng.

Xét về nhiều mặt, Nghệ An là một trong những tỉnh thực sự có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã phát biểu tại Đại hội VI Đảng bộ tỉnh (năm 1961) như sau: “Trong nước ta, hàng ngàn năm nay, Nghệ An vẫn là nơi xây dựng cơ sở chống ngoại xâm, giữ vững nước nhà. Khi nào phía Bắc mất, người ta lại vào đây để xây dựng lực lượng, gây dựng sức mạnh giải phóng cả nước”.

* Về kinh tế, Nghệ An là một tỉnh có vị trí địa lý là nơi giao lưu giữa 2 miền đất nước, có nhiều lợi thế về mặt tài nguyên, giao thông để phát triển. Trong 5 năm (2010-2015), kinh tế tỉnh Nghệ An đã đạt được một số thành tựu đáng kể. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt khá với 7,89%. GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 29 triệu đồng/người/năm, tăng 2 lần so với 2010. Cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ và công nghiệp xây dựng.

Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân 6,32%; công nghiệp và xây dựng đạt trên 15%; dịch vụ đạt 11,3%. Thu ngân sách hàng năm tăng khá, năm 2015 dự kiến đạt 10.034 tỷ đồng. Thu hút đầu tư có bước chuyển biến tích cực với 373 dự án mới đầu tư trên tổng số vốn đăng ký là 86.372,5 tỷ đồng, trong đó có những công trình lớn như Dự án phát triển đô thị Vinh, Dự án Khôi phục nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc, Dự án hỗ trợ các xã vùng ngập lũ Năm Nam…

Trong những năm qua, công nghiệp của Nghệ An tập trung phát triển ở 3 khu vực là Vinh - Cửa Lò gắn với Khu kinh tế Đông Nam, Khu vực Hoàng Mai và khu vực Phủ Quỳ với 10 khu công nghiệp, trong đó phát triển nhiều ngành công nghiệp có thế mạnh như chế biến thực phẩm - đồ uống, chế biến thuỷ hải sản, dệt may, vật liệu xây dựng, cơ khí, sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, chế tác đá mỹ nghệ, đá trang trí, sản xuất bao bì, nhựa, giấy...

Du lịch là ngành đang ngày càng phát huy thế mạnh của mình với những bãi tắm đẹp trải dài trên bờ biển dài 82 km; với vườn quốc gia Pù-mát và hàng trăm di tích lịch sử - văn hoá, đặc biệt là di tích lịch sử Kim Liên - Nam Đàn, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội không ngừng được tăng cường, nhất là giao thông và thuỷ lợi, nước sạch và điện. Từ nguồn vốn huy động trong dân và các nguồn vốn khác đã xây dựng được 1.245 km đường nhựa và 1.580 km đường bê tông; Kiên cố hoá 4.420 km kênh mương; xây dựng thêm 10 nhà máy nước sạch đưa tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước sạch lên 85%... Hệ thống các đô thị cũng được nâng cấp. Thành phố Vinh được công nhận đô thị loại I, Thị xã Cửa Lò đạt đô thị loại III; thành lập thị xã Hoàng Mai; nhiều thị trấn, trung tâm của các huyện được quy hoạch, xây dựng và nâng cấp, nhiều khu đô thị mới được hình thành và phát triển, bộ mặt nông thôn, đô thị đã có nhiều khởi sắc.

Tuy nhiên, kinh tế Nghệ An vẫn còn một số yếu kém trong phát triển. Tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, chuyển dịch cơ cấu còn chậm; thu ngân sách còn chưa đủ chi; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, cơ hội và yêu cầu phát triển của tỉnh. Một số chỉ tiêu Nghị quyết của Đại hội đã không đạt, như tốc độ tăng trưởng, thu hút đầu tư, một số mũi đột phá của nền kinh tế đạt thấp so với mục tiêu như xi măng, chăn nuôi đại gia súc, chế biến hàng xuất khẩu… Quy mô nền kinh tế còn nhỏ, hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp còn thấp; sức cạnh tranh của sản phẩm còn yếu. Quản lý quy hoạch, đất đai và môi trường một số nơi chưa tốt, gây bức xúc trong nhân dân. Quản lý hoạt động khai thác khoáng sản còn yếu kém; hiệu quả khai thác và chế biến tài nguyên khoáng sản còn thấp.

* Văn hoá - xã hội

Giáo dục đào tạo chuyển biến rõ rệt: 21/21 huyện, thành, thị được công nhận phổ cập THCS; 100% xã có trường mầm non; cơ bản hoàn thành kế hoạch nâng cấp các trường trung cấp, cao đẳng lên cao đẳng và đại học, nâng số trường đại học lên 6 trường và trường cao đẳng, trung cấp lên 10 trường.

Chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân trong 5 năm qua được nâng lên, các hoạt động y tế được xã hội hoá mạnh mẽ, các cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập phát triển nhanh với 7 bệnh viện mới được thành lập.

An sinh xã hội được đảm bảo; giải quyết việc làm đạt 35.660 người mỗi năm, tỷ lệ người thất nghiệp thành thị còn 3,55%; tỷ lệ hộ nghèo còn 7,5%.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” có nhiều tiến bộ với hơn 80% gia đình được công nhận gia đình văn hoá; 47% làng, bản, khối, phố đạt văn hoá, 100% xã phường có thiết chế văn hoá. Các hoạt động văn hoá ngày càng đáp ứng được nhu cầu của nhân dân.

Trong văn hoá - xã hội vẫn còn nhiều vấn đề gây bức xúc trong nhân dân, như tỷ lệ lao động thiếu việc làm còn lớn; tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp; đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là nhân dân vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn; chất lượng giáo dục toàn diện chưa cao, chênh lệch giữa miền núi và miền xuôi còn lớn; vấn đề y đức vẫn còn gây nhức nhối cho xã hội…

Nói đến con người và văn hoá Nghệ An là nói đến truyền thống hiếu học. Việc học của người Nghệ là có thể nói đã trở thành đạo học. Đã từ lâu, nơi đây đã hình thành một xã hội học tập và việc học hành đã trở thành một tiêu chí đánh giá nhân cách của các thành viên trong gia đình và xã hội. Mảnh đất này đã sản sinh ra rất nhiều nhân tài cho đất nước. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Về tôn giáo, Nghệ An hiện có 4 tôn giáo là Công giáo, Phật giáo, Tin Lành và Phật giáo Hoà Hảo. Công giáo có 8 giáo hạt, 85 giáo xứ, 326 giáo họ với 246.657 tín đồ, 100 linh mục. Toà Giám mục Xã Đoài phụ trách 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đóng trên địa bàn huyện Nghi Lộc. Đại chủng viện Vinh - Thanh là một trong 6 đại chủng viện ở Việt Nam là nơi đào tạo linh mục cho 2 giáo phận Vinh và Thanh Hoá. Phật giáo có khoảng 23.000 tín đồ, có 12 chùa, 3 vị tăng và 1 ni cô trụ trì. Tin Lành có khoảng 85 tín đồ nhưng chưa có cơ sở thờ tự và cũng chưa có tổ chức được đăng ký điểm nhóm. Phật giáo Hoà Hảo có 4 hộ với 16 tín đồ.

Tình hình hoạt động của các tôn giáo trên địa bàn Nghệ An cơ bản ổn định, tuy nhiên, cũng có lúc, có nơi gây ra một số vấn đề phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội. Đáng quan tâm nhất là vấn đề đất đai liên quan đến tôn giáo vẫn còn những điểm nhạy cảm, khó giải quyết. Bên cạnh đó, vẫn có những linh mục vận động giáo dân không chấp hành các chủ trương, chính sách, quy định của chính quyền địa phương, gây mất đoàn kết lương - giáo, gây khó khăn không ít cho một số chính quyền cấp xã và cấp huyện.

2.1.2. Tình hình thanh niên tỉnh Nghệ An hiện nay

- Cơ cấu

Thanh niên Nghệ An hiện có khoảng 713,748 người, chiếm khoảng 25% dân số và 47% lực lượng lao động của tỉnh. Tỷ lệ tập hợp thanh niên trong tổ chức đạt 70%. Phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của tuổi trẻ Việt Nam và quê hương cách mạng anh hùng, thanh niên Nghệ An đã có bước trưởng thành nhanh chóng, phần lớn thanh niên sống có lý tưởng, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và sự phát triển của tỉnh nhà; không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ; sẵn sàng đảm nhận những việc mới, việc khó, biết sẻ chia, chung sức cùng cộng đồng xã hội. Qua thực tiễn xuất hiện ngày càng nhiều điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, được cấp uỷ, chính quyền các cấp và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Bảng 2.1: Số lượng, cơ cấu thanh niên tỉnh Nghệ An, năm 2014

Một phần của tài liệu Giáo dục chính trị, tư tưởng cho thanh niên tỉnh Nghệ An trong giai đoạn hiện nay (Trang 38 - 53)