Đông Nam Bộ là cửa ngõ thông thương của Đàng Trong với nước ngoài

Một phần của tài liệu đông nam bộ trong tiến trình mở đất phương nam (thế kỉ xvii – xviii) (Trang 131 - 142)

Thế kỉ XVII – XVIII, Đông Nam Bộ trở thành cửa ngõ thông thương của Nam Bộ, của Đàng Trong với thế giới thông qua thương cảng Cù Lao Phố hay còn gọi là Nông Nại Đại Phố và cảng thị Sài Gòn – Gia Định.

Nông Nại đại phố xưa được xác định là vùng Cù Lao Phố hiện nay, thuộc xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Đây là một cù lao giữa hai nhánh sông với vị thế thuận lợi lớn về đường thủy. Xưa kia đây chính là điểm trung gian giữa miệt hạ lưu và thượng lưu sông Đồng Nai trước gọi là Phước Long giang.

Cù Lao Phố mang nhiều tên gọi khác nhau, ngoài tên Nông Nại Đại Phố, còn có các tên: Đại Phố, Đông Phố, Giản Phố, Cù Châu, Bải Rồng. Trước năm 1698, Cù Lao Phố có 3 xóm (xóm Chợ Chiếu, xóm rạch Lò Gốm và xóm Chùa) là những điểm cư trú và khai thác đầu tiên của người Việt chứ chưa phải là đơn vị hành chính của chúa Nguyễn. Đến năm 1698, khi Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược đất Đông Phố, chia lập thôn ấp, lập bộ đinh, bộ điền thì Cù Lao Phố là xã Bình Hoành nằm trong phạm vi xứ Đồng Nai, thuộc huyện Phước Long, dinh Trấn Biên. Dần dần trên cơ sở thôn cũ, hình thành nên những xóm làng trù mật, Cù Lao Phố phát triển thành 3 thôn: Nhất Hòa, Nhị Hòa và Tam Hòa [10, tr.82].

Cù Lao Phố, là địa bàn thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp. Nơi đây là một bãi phù sa nằm ở giữa sông Đồng Nai, có hai rạch nhỏ là rạch Ông Án và rạch Lò Gốm, đưa nước sông Đồng Nai chảy vào những cánh đồng trong lòng cù lao, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trồng trọt ở đây nhưng khu vực ven bờ cù lao lại không thích hợp cho việc sản xuất nông nghiệp vì chịu ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều xuất hiện với biên độ lớn và thời gian xuất hiện nhanh. Dài theo mé sông ở Cù Lao Phố có nhiều đất

sét, rất thuận lợi cho nghề gốm phát triển. Ngòai ra, Cù Lao Phố có hệ thống sông bao quanh thuận tiện cho giao thông đường thủy từ bắc xuống nam, lên Cao Miên và xuống miền Tây Nam Bộ [10, tr.80].

Nhóm người Hoa của Trần Thượng Xuyên đầu tiên định cư trên vùng đất Bến Gỗ, nhưng nhận thấy ưu điểm của Cù Lao Phố nên họ đã quyết định di chuyển về đây. Sau khi về đây định cư, Trần Thượng Xuyên cùng với những nhà hào phú, quý tộc đi theo ông đã xây dựng nên Nông Nại đại phố, một thương cảng xuất nhập khẩu lớn nhất miền Đông Nam Bộ thời bấy giờ. Gia Định thành thông chí cho biết: Phố lớn Nông Nại. Ở đầu phía tây của cù lao Đại Phố, lúc mới mở mang, Trần Thượng Xuyên chiêu tập người thương buôn nước Trung Quốc đến lập ra phố xá, mái ngói tường vôi, lầu quán cao ngất, dòng sông rực rỡ, ánh nhật huy hoàng, liền nhau tới 5 dặm, chia làm 3 đường phố, đường phố lớn lát đá trắng, đường phố ngang lát đá ong, đường phố nhỏ lót đá xanh, toàn thể đường bằng phẳng như đá mài, kẻ buôn tụ tập, thuyền đi biển, đi sông đều đến cuốn buồm neo đậu, đầu đuôi thuyền đậu kế tiếp nhau, thật là một chỗ đô hội. Các nhà phú thương buôn bán to lớn chỉ ở đây là nhiều hơn [25, tr.238].

Cù Lao Phố được như vậy là do việc thương mại ở đây được tổ chức khéo léo, Trần Thượng Xuyên chiêu tập người buôn nước ngoài, nhất là người Tàu đến kiến thiết, đây là những thương buôn chuyên nghiệp, có vốn to và giàu kinh nghiệm. Một số theo Trần Thượng Xuyên đến trước, đã tạo lập cơ sở đầu tiên ở Bến Gỗ, nhưng do thương mại ngày càng phát triển, nên đã tìm đến Cù Lao Phố là nơi sông sâu, thuận tiện cho tàu biển ra vào.

Kiểu buôn bán ở Cù Lao Phố là dạng xuất nhập khẩu, có nhiều kho hàng dự trữ hàng hóa nhập vào và dự trữ hàng hóa thu mua, với nhiều chân rết. Quang cảnh buôn bán sầm uất ấy đã được Trịnh Hoài Đức mô tả: Từ trước thuyền buôn đến đây thả neo xong thì lên bờ thuê phố ở, đến nhà chủ mua hàng kê khai toàn bộ hàng hóa có trong thuyền trình sở thuế; chủ mua hàng định giá mua tất cả

hàng hóa xấu tốt không sót lại thứ gì. Đến ngày trương buồm trở về, gọi là hồi Đường, nếu chủ thuyền muốn mua thứ gì thứ kê khai trước, người chủ vựa theo đơn đặt hàng mua dùm, hai bên chủ khách đều tiện, thanh toán hóa đơn rõ ràng rồi, khách cứ đàn hát vui chơi, đã được nước ngọt sạch sẽ, lại không có lo trùng hà ăn thủng ván thuyền, chỉ đợi tới ngày lui thuyền, chở hàng đầy khoang mà về xứ [25, tr.30].

Trong hoạt động thương mại, giao dịch của Cù Lao Phố đều do các thương nhân Hoa kiều chiếm địa vị quan trọng. Họ đã nắm hầu hết các mặt hàng xuất nhập khẩu, vì thế nơi ăn chốn nghỉ cho đến nơi vui chơi, giải trí cho khách buôn và quan trọng hơn hết là chỗ tồn trữ hàng hóa và điạ bàn phân phối hàng hóa được họ chuẩn bị rất kĩ. Ví dụ: Nông Nại đại phố có các dịch vụ như Phố Lầu nơi đàn hát vui chơi giải trí, cung cấp nước ngọt cho khách buôn, Bến Gỗ là nơi sửa chữa thuyền bè, cung cấp các phụ dụng cho thuyền buồm…phục vụ các tàu buôn đi biển đường dài cho khách thương hồ viễn xứ. Như vậy có thể nói Nông Nại đại phố là thương cảng phát triển với quy mô thương mại – dịch vụ tương đối đầy đủ để phục vụ cho con người và lượng hàng hóa được luân chuyển qua thương cảng này [6, tr.45].

Trong lịch sử phát triển, Cù Lao Phố được hình thành như một cảng sông sâu trong nội địa nên đã có ưu thế tối ưu như một trung tâm thu mua hàng hóa được từ nhiều nguồn, đa dạng và thương mại phát triển của một khu vực được khai phá sớm. Ngay vùng Cù Lao Phố là nơi sớm tập trung các ngành nghề thủ công: dệt chiếu, làm tơ lụa, làm gốm, mộc, đúc đồng, làm pháo hay chăn nuôi tằm, trồng mía, nấu đường…Đặc biệt những sản phẩm của Cù Lao Phố được xem là những hàng đặc sản được nhiều nơi đặt mua [10, tr.83].

Ngoài nguồn hàng cung cấp tại chỗ, thương cảng Cù Lao Phố còn tiếp nhận các nguồn hàng hóa từ nơi khác đến trên vùng Đồng Nai thông qua những đại lý hay còn gọi là “chân rết” người Hoa ở các chợ, các hàng xóm xa xôi. Những người Hoa theo Trần Thượng Xuyên vào Biên Hòa, ngoài những binh

lính vẫn giữ nguyên đội ngũ “Long Môn” dưới quyền chỉ huy của ông, còn có hàng loạt các quý tộc phong kiến và thương nhân giàu có cùng gia quyến quê ở Quảng Đông, Hải Nam, Phước Kiến, Triều Châu, Hẹ. Ngoài một số sống tập trung ở Bàn Lân (Bến Gỗ), Cù Lao Phố, còn có những người sống rải rác trong phạm vi vùng Đồng Nai với tính cách là những đại lý thu mua nguyên vật liệu, hàng hóa tại chỗ cung cấp về Cù Lao Phố như ở Tân Bản (lúa gạo), Mỹ Khánh, Bình Long (hàng vàng bạc), Chợ Đồn (nằm trong làng Bình Long xuất lu, hũ, cát, đá ong), Tân Mai, Vĩnh Thanh, Bình Trước, Bình Phước (lúa gạo), Đồng Bản, Thủ Đồn Xứ (gỗ quý, thú rừng), Bình Sơn (đá rửa dùng tô nhà), Phú Hội (xuất trà), An Lợi (sầu riêng), Long Tân (chuối), Phước An (cá Buôi, sò huyết), Phước Khánh (lúa gạo thơm), Tam An (tôm càng), Hội Bài (cá), Long Phước (chuối, xoài)…[66, tr.124].

Hàng hóa trao đổi, mua bán ở Cù Lao Phố rất đa dạng. Nguồn xuất khẩu chính của Cù Lao Phố là lúa gạo, lúa gạo ở Đồng Nai rất nổi tiếng, rất nhiều và rất rẻ: mỗi tiền (60 đồng) đong được 16 đấu thóc. Lường theo bát gạt ngang thì cứ ba bát ấy ngang với ba chục quan bát (bát của nhà nước, nhỏ hơn bát của dân buôn ở chợ). Mỗi quan mua được 300 quan bát làm bằng đồng. Giá cả rẻ như vậy các nơi khác chưa từng có [23, tr.155-156]. Kế đến là nguồn gỗ quý dùng để đóng tàu thuyền (vì giao thông đường thủy là chủ yếu) và xây dựng nhà ở, đình chùa. “Phủ Gia Định có nhiều thứ gỗ tốt, xét sổ sách của Cai Bạ Nguyễn Khoa Thuyên thì ở hai xứ là nguồn Đồng Môn và thủ Quang Hóa huyện Phước Long có gỗ sao, gỗ trắc, gỗ dầu, gỗ giáng hương và gỗ gụ. Nguồn Ba Can thuộc huyện Tân Bình có gỗ trắc và gỗ giáng hương” [24, tr.225], [65, tr.123].

Bên cạnh mặt hàng gạo, hàng lâm sản quý, Cù Lao Phố còn có các mặt hàng thổ sản như: đường phèn, đường phổi, đường cát (huyện Phước Chánh, trấn Biên Hòa) mỗi năm bán cho thuyền buôn nước ngoài trên 600.000 cân, không kể mật và đường đen dùng trong xứ. Ở làng Bến Gỗ huyện Long Thành có mỏ quặng sắt, dân mở lò đào nấu gang sắt, đúc các vật phẩm như lưỡi cày,

chảo, rèn cuốc liềm…để bán cho dân bản xứ và các tàu buôn. Trấn Biên Hòa có nhiều mỏ đá ong, “người thợ mỏ đào ra, nhân khi đất còn ướt, tùy theo thước tấc rộng dày thế nào, mà chặt ra thành khối, để dãi ra giữa gió và mặt trời, lâu ngày đất ấy cứng lại, búa đẽo cũng không vô, dùng xây vách tường, sân thềm, kè sông và xây mộ, cứng rắn không thua gì đá núi” [25, tr.197]. Muối trắng “sản xuất ở vùng Vũng Dương thuộc huyện Phước An, giá rất rẻ, 100 cân (cân ta bằng gần 0,5kg) giá là 1 tiền kẽm. Lãnh, là, vải, lụa thì nơi nào cũng có nhưng ở huyện Phước An trấn Biên Hòa có thứ lãnh thâm mềm láng là tốt nhất trong cả nước. Rượu thì ở Thạch Than ngon hơn nhiều nơi khác. Giấy bản ở huyện Phước An, thuốc lào ở huyện Long Thành, lá buông ở huyện Phước Bình, vỏ gai và đuốc nhựa trám ở huyện Long Khánh… [55, tr.211].

Bên cạnh các mặt hàng kể trên, Cù Lao Phố còn bán các loại nông sản như hạt tiêu, hạt sen, chuối, xoài, trà, các loại hải sản như tôm càng, cá, sò huyết, hải sâm, đồi mồi, vây cá, bóng cá, da rái cá …hàng lâm sản khai thác được như: ngà voi, sừng tê giác, gạc nai, gân nai, da tê, da ngựa núi, huyền phách, các loại dược thảo, sáp ong, mật ong là những mặt hàng xuất khẩu rất được các chủ thuyền buôn ưa chuộng đặt hàng, các loại khoáng sản như sắt, đá ong, cát…, các hàng mĩ nghệ thủ công như: nữ trang bằng vàng bạc, vật dụng bằng đồi mồi, đóng thuyền, làm cột buồm bằng gỗ quý, đồ gốm, chiếu cũng là những mặt hàng xuất khẩu ở Cù Lao Phố [10, tr.85].

Nguồn hàng nhập khẩu vào Cù Lao Phố, phổ biến nhất là là đồ sứ Trung Quốc (đặc biệt là sứ nhà Thanh), tơ lụa, vải bố, thuốc bắc và các loại dược phẩm, đồng để đúc chuông, gạch ngói dùng để trang trí, các loại vật liệu dùng để xây dựng chùa, miếu và các loại khác như nhang đèn, giấy tiền vàng bạc… [10, tr.85].

Sự phồn thịnh của thương cảng Cù Lao Phố, với tư cách là trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế, không chỉ riêng của Đông Nam Bộ mà còn của cả đất Đàng Trong kéo dài đến năm 1776 thì chấm dứt. Nguyên nhân chủ yếu, là

khi công cuộc khai hoang tiến nhanh về miệt dưới (đồng bằng sông Cửu Long ngày nay) thì vị trí trung tâm của đất phương Nam lúc này tất nhiên phải chuyển xuống vùng Bến Nghé - Sài Gòn. Mặt khác, khi Cù Lao Phố đã trở thành “xứ đô hội” của vùng đất mới, thì tự nó cũng trở thành nơi diễn ra những cuộc tranh chấp về quyền lực chính trị. Trước hết năm 1747, bọn khách thương người Phước Kiến do Lý Văn Quang cầm đầu tự xưng là “Giản Phố Đại Vương” tập trung bè đảng, toan đánh úp lấy dinh Trấn Biên. Âm mưu bạo loạn bị dập tắt, nhưng gây nhiều thiệt hại cho Cù Lao Phố. Kế đến trận chiến giữa Nguyễn Ánh và Tây Sơn, nhất là biến cố năm 1776 đã tàn phá Cù Lao Phố, cộng đồng người Hoa tại các nơi này đã xiêu tán, tìm các nơi khác sinh sống. Sau biến cố, dẫu có một số người Hoa trở lại sinh sống nhưng Nông Nại đại phố đã không còn như xưa: “Đất này trở thành vườn gò hoang. Sau khi Trung hưng tuy có người trở về, nhưng chưa bằng một phần trăm (mười phần ngàn) lúc trước” [25, tr.238], [65, tr.124].

Như vậy, Cù Lao Phố hình thành như một cảng sông sâu trong nội địa (cách biển 100km), nhờ đặc điểm địa lý tối ưu của nó và do yêu cầu thực tế đòi hỏi phải có một trung tâm thương mại của khu vực được khai phá sớm nên đã nhanh chóng trở thành một trung tâm thương mại, một cửa ngõ thông thương và giao dịch với nước ngoài của vùng Đông Nam Bộ nói riêng và Nam Bộ nói chung. Chính vì thế, mà nhà văn Sơn Nam đã khẳng định: Cù Lao Phố là “một cảng quan trọng đầu tiên của Nam Bộ, đón nhận thương thuyền nước ngoài, hưng thịnh suốt khoảng 90 năm” [59, tr.10].

Ngoài Nông Nại Đại phố, Đông Nam Bộ còn thông thương với thế giới thông qua cảng thị Sài Gòn – Gia Định. Cảng thị Sài Gòn- Gia Định được khởi đầu từ một điểm tụ cư của người Việt là Prei Nokor (Sài Gòn) và Kas Krobey (Bến Nghé). Năm 1623, chúa Nguyễn Phúc Nguyên được sự đồng ý của vua Chân Lạp đã đặt hai trạm thu thuế để quản lý việc buôn bán ở đây. Nhờ vậy, từ những năm 20 của thế kỉ XVII, thị trấn Prei Nokor và Kas Krobey ngày càng trở

nên tấp nập, bởi hoạt động mở mang, khai khẩn ruộng đất và buôn bán của lưu dân người Việt.

Theo một tư liệu của người Nhật nói về “quan hệ Nhật Bản – Việt Nam trong thời kỳ Châu Âu” của Ogura Sadao, xuất bản năm 1987 tại Tokyo đã vạch ra hải trình của thương thuyền Nhật Bản trong suốt những nhăm 1604 đến năm 1635: “đó là con đường từ Phố Hiến (Hưng Yên), Nghệ An – Tonkin, Annam như Huế (Senoa), Cacciam (cù lao Chàm) - Hội An (Faifo), Champa, rồi Giao Chỉ (Cauchinchina) - tức Sài Gòn xưa - sau đó tiếp tục đến Chân Lạp (Cambodia), Xiêm (Siam), Patani, Luzon, Olucca, Brunei, Marica (thuộc Malacca)…Tổng cộng trong suốt 32 năm này, nhiều thương thuyền Nhật Bản đã đến 19 cảng của các nước Châu Á, trong đó có Prei Nokor và Kas Krobey.

Ogura Sadao còn cho biết thêm những hàng hóa được mang từ Nhật Bản đến Tongkin, Annam (Hội An) và Cauchinchina, chủ yếu là hàng xa xỉ phẩm và các mặt hàng quân nhu như vàng, bạc, đồng, tiền vàng, tiền bạc, tiền đồng, sắt, tiền kẽm, giáo, mũ trụ, áo giáp, áo lụa cao cấp, tranh, tượng, dù, mùng, đồ gốm, đồ sứ, đồ thủ công mỹ nghệ, đồ dùng trang sức gương soi…hoặc đồ gia dụng, ấm đun nước, hay ngọc trai, thủy ngân, diêm sinh, gỗ thơm trừ sâu, bột mì…để từ đó họ đổi lấy các đặc sản địa phương nước ta, như: tơ tằm, sa tanh, nhung, the, sa kén, vải bông, trầm hương, kỳ nam, bạch đàn, gỗ quý, gỗ son (red sandal wood), củ nâu (nguyên liệu nhuộm), da hươu, da cá mập, đồi mồi, ngà voi, sừng trâu, san hô, tiêu, tổ yến, mật, mật mía (đường), đá quý, hổ phách, tinh thể (rock crystal), đồ gốm, chì, kẽm, quế và các loại thuốc nam…[95, tr.33].

Tất nhiên, đây mới chỉ là bước đầu trong quan hệ buôn bán với thương nhân nước ngoài, bởi lẽ khu vực định cư và số lưu dân người Việt ở đây còn ít ỏi, nguồn hàng hóa chưa thật sự phong phú cho lắm. Cũng có thể thương thuyền Nhật Bản cũng như tàu bè các nước khác chỉ dừng chân ở Prei Nokor và Kas Krobey trong một thời gian ngắn, do vị trí thuận lợi của Sài Gòn, để rồi tiếp tục cuộc hải trình về phía đông hoặc sang phía tây.

Như vậy, trên vùng đất Đông Nam Bộ này, Prei Nokor và Kas Krobey đã sớm trở thành trung tâm thu hút lưu dân người Việt, để rồi sau đó nhanh chóng biến thành Sài Gòn – Gia Định , một trung tâm thành thị, trung tâm kinh tế và là điểm hội tụ văn hóa Đại Việt.

Trên cơ sở phát triển về kinh tế, xã hội, dân cư trên địa bàn Đồng Nai – Gia Định. Năm 1698, chúa Nguyễn đã sai Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào nam kinh lược, từ đây vùng này trở thành đơn vị hành chính của chính quyền Đàng Trong. Sau sự kiện này, số lưu dân người Việt đến tụ cư quanh vùng Sài

Một phần của tài liệu đông nam bộ trong tiến trình mở đất phương nam (thế kỉ xvii – xviii) (Trang 131 - 142)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(178 trang)