lãnh hải của Đại Việt trên vùng đất phương Nam
Mặc dù trước thế kỉ XVII đã có nhiều người Việt đến Đông Nam Bộ khai khẩn đất hoang, làm ăn sinh sống nhưng những hoạt động của họ chưa được xem là hợp pháp. Mãi đến năm 1620, sau khi chúa Nguyễn gả công chúa Ngọc Vạn cho vua Chey Chetta II, mở đầu cho kỷ nguyên mới trong mối bang giao giữa hai nhà nước thì người Việt đến Đông Nam Bộ làm ăn sinh sống mới được xem là “danh chính ngôn thuận”. Ý nghĩa của cuộc hôn nhân này như tấm “hộ chiếu” để người Việt di dân hợp pháp vào vùng đất Đông Nam Bộ dưới vương triều Chey Chetta II. Với lời xin của Ngọc Vạn, Chey Chetta II đồng ý cho người Việt di cư sang khai hoang sinh sống ở Mô Xoài (Bà Rịa) và Nông Nại (Đồng Nai). Tuy chưa có sự thỏa thuận để nhượng hẳn vùng đất này cho Phú Xuân, nhưng trong thực tế, người Việt đã gần như làm chủ vùng đất này, và nó trở thành bàn đạp để người Việt tiến dần xuống phía Nam vì cuộc mưu sinh, và cũng là sự khởi đầu cho việc thực hiện những mong muốn của chúa Nguyễn muốn mở mang lãnh thổ của mình về vùng đất phương Nam còn hoang vắng
này. Cuộc hôn nhân này, một mặt tạo hậu thuẫn để che chở và phát triển số lưu dân người Việt đến sinh sống an toàn ở đất Chân Lạp ngày càng đông, mặt khác, tạo cơ sở thuận lợi cho chúa Nguyễn từng bước hợp pháp hóa sự kiểm soát của mình đối với những vùng đất đã được khai khẩn.
Thời gian từ năm 1623 đến năm 1698 có thể xem như là giai đoạn hình thành chính quyền của người Việt ở đất Gia Định với những sự kiện chính sau đây:
Thứ nhất là thiết lập trạm thu thuế
Năm 1623, sau hai chiến thắng vang dội của Chân Lạp (có sự giúp sức của quân đội Đàng Trong của Đại Việt) trước quân Xiêm, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đã gửi một sứ bộ mang theo nhiều tặng phẩm đến Oudong để đảm bảo với quốc vương Chân Lạp về sự ủng hộ và tình hữu nghị của triều đình Huế, đồng thời dâng lên quốc vương Chân Lạp một bức thư trong đó chúa Đàng Trong ngõ ý mượn xứ Prei Nokor (sau này là Sài Gòn) và Kas Krobei (sau này là Bến Nghé) của Chân Lạp để lập các trạm thuế thương chính trong vòng 5 năm, vì hai nơi này có nhiều lưu dân người Việt đến làm ăn sinh sống và xin vua Chey Chetta II nhượng vùng đất Mô Xoài để lập khu dinh điền. Nhờ sự vận động của hoàng hậu Ngọc Vạn nên cả hai đề nghị của chúa Nguyễn đều được vua Chân Lạp chấp thuận [62, tr.29-30]. Sau sự kiện này, triều đình Thuận Hóa đã khuyến khích người Việt di cư đến đây làm ăn, rồi lấy cớ để giúp chính quyền Chân Lạp giữ gìn trật tự, chúa Nguyễn đã phái tướng lãnh đến đóng đồn ở Prey Kor.
Trạm thu thuế của chúa Nguyễn ở Sài Gòn hiện nay ở khu vực nào chưa xác định được rõ ràng. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu trong địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh phỏng đoán thì sở thuế tọa lạc trên đất Chợ Cầu Kho ở quận 1, sát bên rạch Bến Nghé. Còn theo Nguyễn Đình Tư thì sở thu thuế Kas Krobey nằm ở cột cờ Thủ Ngữ trên bến Bạch Đằng, còn Prey Nokor nằm ở khu vực chợ Tân Kiểng trên bến Hàm Tử ngày nay.
Với sự kiện lập hai đồn quan thuế tại Sài Gòn – Bến Nghé, có thể nói chúa Nguyễn đã tiến thêm một bước quan trọng trên con đường Nam tiến. Đây được xem là chỗ đứng chân của người Việt, tạo ra một đầu cầu vững chắc cho chương trình di dân của người Việt vào đất Chân Lạp ngày càng mạnh mẽ hơn.
Thứ hai là việc lập đồn binh
Năm 1679 (tức 56 năm sau khi lập đồn thu thuế và 5 năm sau khi Ong Nộn đóng ở Sài Gòn), chúa Nguyễn cho lập đồn dinh Tân Mỹ. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí thì: “Đầu năm Kỷ Mùi (1679), Thái Tông Hiếu Triết Hoàng đế triều ta sai tướng mở biên cảnh, lập đồn dinh Tân Mĩ” [79, tr.1666], theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, đồn binh này nằm ở gần ngã tư Cống Quỳnh – Nguyễn Trãi ngày nay. Đồn binh này được lập vào đầu năm 1679 thì giữa năm này một nhóm người Hoa "phản Thanh phục Minh" do Dương Ngạn Địch và Trần Thắng Tài đứng đầu được đưa tới Mỹ Tho và Biên Hòa. Như vậy, việc lập đồn binh – một hình thức căn cứ quân sự, một thứ chính quyền bán chính thức của chúa Nguyễn được đặt ở Sài Gòn là một nhu cầu tất yếu và khá kịp thời. Đồn binh ra đời lúc này vừa có thể hỗ trợ kịp thời cho phó vương Nặc Nộn đóng ở đây, vừa bảo vệ tính mạng và tài sản cũng như mọi quyền lợi khác cho số lưu dân người Việt đang sống rải rác khắp miền Đông Nam Bộ lúc bấy giờ và lại vừa có thể hướng dẫn các nhóm người Hoa tỵ nạn mới tới đây làm ăn sinh sống.
Trong Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức đã viết về việc lập đồn binh này như sau: Trấn Gia Định xưa có nhiều ao đằm, rừng rú, buổi đầu thời Thái Tông (Nguyễn Phước Tần 1648 - 1687) sai tướng vào mở mang bờ cõi, chọn nơi đất bằng rộng rãi, tức chỗ chợ Điều Khiển ngày nay, xây cất đồn dinh làm chỗ cho Thống suất tham mưu trú đóng, lại đặt dinh Phiên Trấn tại lân Tân Thuận ngày nay, làm nha thự cho các quan Giám quân, Cai bộ và Ký lục ở, được trại quân bảo vệ, có rào giậu ngăn cản hạn chế vào ra, ngoài ra thì cho dân trưng chiếm, chia lập ra làng xóm, phố chợ [25, tr.216].
Theo Nguyễn Đình Đầu“vị trí của chợ Điều Khiển ở ngã ba đường Nguyễn Trãi với đường Nam Quốc Cang. Lân Tân Thuận cũng ở trên đường Nguyễn Trãi khoảng xóm Chợ Đũi” [29, tr.153].
Đến thời điểm năm 1697, sau khi phần đất cuối cùng của Chiêm Thành (Phan Rang, Phan Rí, Phan Thiết) trở thành phủ Bình Thuận, thuộc lãnh thổ nước ta thì ảnh hưởng của Đàng Trong đã tiến tới sát biên giới Chân Lạp. Vùng đất giáp giới ấy chính là vùng Đông Nam Bộ, là địa bàn cư ngụ của cư dân đa số là người Việt, người Hoa và một số ít người bản địa với một số định chế hành chính bán chính thức của chúa Nguyễn lập ra trước đó hàng để thu thuế, giữ gìn trật tự, trị an…[96, tr.159].
Trong điều kiện thực tế về lãnh thổ, dân cư và chính quyền bán chính thức như vậy, mùa xuân năm Mậu Dần (1698), chúa Nguyễn lệnh cho quan thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam, xem xét dân tình, hoạch định việc cai trị. Kết quả chuyến công cán của Nguyễn Hữu Cảnh đã “lấy đất Nông Nại đặt làm phủ Gia Định, lấy đất Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng nên dinh Trấn Biên, lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình lập dinh Phiên Trấn. Mỗi dinh lập ra chức Lưu thủ, Cai bạ và Ký lục để cai trị” [25, tr.112].
Chúng ta điều biết từ cuối thế kỉ XVI, đầu thế kỉ XVII đã có lưu dân người Việt đến Mô Xoài (Bà Rịa) Đồng Nai (Biên Hòa) và nhiều địa phương khác để tiến hành khai khẩn đất hoang, lập ra những làng Việt trên vùng đất Đông Nam Bộ, nhưng những làng này chưa phải là những đơn vị hành chính chính thức của chúa Nguyễn. Mãi đến khi Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược đất Đồng Nai, lập nên phủ Gia Định thì chúa Nguyễn mới bắt đầu chính thức hợp pháp hóa về mặt nhà nước đối với các xứ Đồng Nai (huyện Phúc Long) – Sài Gòn (huyện Tân Bình), sáp nhập hẳn vào lãnh thổ Đàng Trong. Sự kiện lập chính quyền vào năm 1698 được coi như là một tất yếu, một việc đã rồi, chính thức hóa một sự thể “ dân làng mở đất trước nhà nước đến quản lí sau”.
Theo tác giả Nguyễn Đình Đầu trong Địa lý lịch sử thành phố Hồ Chí Minh thì quy chế hành chính của Chúa Nguyễn thời đó như sau: dinh hay doanh) là đơn vị hành chánh (như tỉnh ngày nay), dinh chia ra nhiều phủ, phủ chia ra nhiều huyện, huyện chia ra nhiều tổng, tổng chia ra nhiều xã hay thôn. Là đất mới lập, dân còn ít nên dinh Phiên Trấn chỉ bao gồm có một huyện Tân Bình, cũng như dinh Trấn Biên chỉ có một huyện Phước Long. Trên hai huyện đó, tức trong cả hai dinh mới có một phủ Gia Định [29, tr.156].
Tác giả Nguyễn Đình Tư trong bài Nguyễn Hữu Cảnh với sự sắp đặt nền hành chính tại Đồng Nai - Gia Định thì cho rằng cách sắp đặt hành chính của Nguyễn Hữu Cảnh trên đất Đồng Nai - Gia Định “có trái với thủ tục đã được áp dụng trong phương pháp duyên cách ở miền ngoài. Đó là phủ cao hơn dinh”
[116, tr.16]. Theo tác giả: vào thời điểm 1698, vùng đất Nam bộ còn ít, công cuộc khai khẩn mới bắt đầu nên các đơn vị hành chính hãy còn giản lược. Dinh Phiên Trấn chỉ có huyện Tân Bình, còn dinh Trấn Biên chỉ có huyện Phước Long và hai huyện này chỉ có mỗi phủ Gia Định. Huyện Phước Long có 4 tổng là Phước Chánh, Bình An, Long Thành, Phước An, còn 4 tổng của huyện Tân Bình là Bình Dương, Tân Long, Phước Lộc và Thuận An, còn số thôn ấp thì không rõ.
Các đơn vị hành chính cơ sở của Nam Bộ chỉ mới có thống kê đầy đủ từ năm 1818 trong sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức. Các đơn vị ấy bao gồm thôn, phường, lân, ấp. Có lẽ, lúc Nguyễn Hữu Cảnh sắp xếp các đơn vị hành chính đầu tiên thì các đơn vị hành chính cơ sở cũng không ngoài những danh xưng này, vì từ năm 1698 là năm Nguyễn Hữu cảnh thiết lập nền hành chính ở Đồng Nai – Gia Định cho đến năm 1779 khi Nguyễn Ánh khôi phục lại phần đất Nam Bộ không thấy có sự thay đổi nào về hành chính. Lúc bấy giờ chưa có đơn vị xã, mặc dù ở Thuận Hóa, Quảng Nam đã có danh xưng này. Điều đó chứng tỏ các đơn vị hành chính lúc ban đầu là đất rộng nhưng nhân khẩu chưa nhiều. Vì vấn đề địa lý mà buộc lòng phải kết hợp một số hộ trong
khu vực riêng biệt thành một đơn vị tùy theo nhân khẩu mà gọi là thôn, phường, lân, ấp [116, tr.15].
Vì không có bản kê danh sách thôn, phường mà Nguyễn Hữu Cảnh đã đặt cho các đơn vị hành chính cơ sở lúc bấy giờ, nên chúng ta không thể biết chính xác. Tuy nhiên cứ theo cách đặt tên thôn xã ở Đông Nam Bộ, chúng ta có thể suy đoán một số thôn phường thời Gia Long đã có từ thời Nguyễn Hữu Cảnh. Cách đặt tên đó như sau: một tên thôn có từ thời Nguyễn Hữu Cảnh, sau đó dân số phát triển, ruộng đất khai phá thêm nhiều, quá mức một thôn được ấn định. Do nguyện vọng của dân chúng và hào lý của thôn đó, chính quyền cấp trên bèn chia thôn ấy ra làm hai, ba, hay bốn thôn khác. Khi đặt tên các thôn mới này, người ta vẫn giữ tên khai sinh gốc chỉ thêm các chữ nhất, nhị, tam, tứ hay đông, tây, nam, bắc vào sau thành tên thôn mới, chẳng hạn như thôn Tân Sơn sau chia thành Tân Sơn Nhứt và Tân Sơn Nhì, Hanh Thông thành 2 thôn Hanh Thông và Hanh Thông Tây, Bình Lý thành 2 thôn Bình Lý và Bình Lý Đông… [116, tr.16].
Về cách đặt tên lúc ban đầu, chúng ta thấy Nguyễn Hữu Cảnh có dụng ý khi chọn các mĩ từ. Trước hết là tên phủ Gia Định, chọn hai từ này, ý Nguyễn Hữu Cảnh muốn nói lên rằng vùng đất này từ nay đã xếp đặt ổn định, tốt đẹp, không còn thay đổi, xáo trộn nữa, dân chúng sẽ được an cư lạc nghiệp. Khi đặt tên cho huyện Phước Long là huyện địa đầu của Đông Nam Bộ, ông mong muốn cho dân chúng ở đây được hưởng phước đức đầy ùn, vĩnh viễn sống trong cảnh sung túc. Ngoài cái ý ấy chúng ta còn thấy cái ý khác của ông là muốn tôn vinh công ơn chúa Nguyễn đối với phần đất này thật là lớn lao, tròn đầy, vì chúng ta biết chữ phước là chữ lót của họ Nguyễn từ Nguyễn Phước Nguyên trở đi [116, tr.16].
Còn cái tên Tân Bình thì đã quá rõ ràng, đây là vùng đất mới bình định xong, dân chúng từ nay được an cư lạc nghiệp dưới sự che chở của triều đình chúa Nguyễn. Nhưng về mặt thầm kín, chúng ta thấy Nguyễn Hữu Cảnh muốn
lưu lại một địa danh mà mỗi lần nhắc đến, người ta nghĩ đến ông, vì Tân Bình là quê hương thứ hai của ông, sau khi cha con ông từ giã huyện Tống Sơn theo Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa đã định cư tại đây [116, tr.16].
Cũng trong ý nghĩa đó, khi chọn các mĩ từ đặt tên cho thôn, ông đã dùng chữ Tân và chữ Bình đặt lên đầu như thôn Tân An, Tân Thạnh, Tân Hội, Tân Mỹ…Bình Lý, Bình Quý, Bình Hòa, Bình An, Bình Phước…ngoài ra ông còn dùng các mỹ từ khác để cầu sự tốt lành cho dân chúng như các chữ Hanh, An, Vĩnh, Phước, Long, Phú, Thạnh… Bấy giờ Nguyễn Hữu Cảnh lấy sông Sài Gòn làm ranh giới thiên nhiên cho hai huyện Phước Long và Tân Bình.
Nguyễn Hữu Cảnh, sau khi sắp xếp xong nền hành chính của phủ Gia Định ông phải rút quân về dinh Bình Khang vì ông là trấn thủ ở đó. Do vậy ông bổ nhiệm các quan đảm nhiệm các chức vụ cai trị ở phủ, dinh và các huyện. Đứng đầu dinh Phiên Trấn có Giám quân, có viên cai bạ và viên ký lục phụ tá. Còn tại huyện Tân Bình thuộc tỉnh thành Gia Định có quan trấn thủ, người ta gọi đó là dinh Phiên Trấn, Dinh này có một viên kí lục, một viên cai án và một viên tri bạ. Ty Tướng thần lại có một viên Câu Kê, hai viên lại ty, ba viên cai lại, bảy viên thủ hợp và mười người thư lại [23, tr.185-186], tại huyện Phước Long cũng vậy [116, tr.16].
Bên cạnh những việc làm trên, nhà nước còn tiến hành kiểm kê nhân khẩu, đo đạc ruộng đất, lập sổ sách, trên cơ sở đó chuẩn định các loại thuế, đặc biệt là thuế đinh và thuế điền. Chính nguồn thu thuế này đã đảm bảo cho bộ máy hành chính các cấp hoạt động và cung cấp kinh phí cho quân đội thường trú.
Để khuyếch trương lưu thông hàng hóa và phát triển thương mại trong xứ, Nguyễn Hữu Cảnh cho nạo vét, khai thông các con đường thủy ven các nhánh sông, lấy khu chợ nổi Nhà Bè cổ (ở ngã ba sông Bình Dương) làm trung tâm giao dịch. Từ đó tỏa về các ngã: Cù Lao Phố, Bến Nghé, Cần Giờ, Rạch Cát Vũng Gù (Cần Giuộc) và Gò Vấp [126, tr.90].
Để có thể ngăn chặn các cuộc xâm lược từ bên ngoài, chúa Nguyễn đã thống nhất việc chỉ huy quân đội ở phía Nam cho chức quan Điều Khiển và cho xây dựng dinh thự Điều Khiển ở phía nam dinh Phiên Trấn. Ngoài ra, ông cho bổ sung và hoàn thiện thêm các lực lượng như bộ binh, thủy binh, tinh binh. Với lực lượng khá hùng hậu đó, ông cho đặt các cơ đội thường xuyên canh phòng để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia trên vùng đất mới [126, tr.90].
Để phát triển nông nghiệp ở vùng đất mới, và tạo cơ sở xã hội cho nền hành chính chính thức của quốc gia vừa mới được thiết lập tại Đồng Nai – Gia Định. Nguyễn Hữu Cảnh đã cho người đi khắp các địa phương từ Nam Bố Chính trở vào nam, vận động, chiêu mộ những người dân có vật lực cũng như những người dân nghèo khổ, xiêu tán di dân vào Sài Gòn, Đồng Nai, Gia Định lập nghiệp, khai khẩn đất hoang. Điều này đã giúp cho vùng Đông Nam Bộ nhanh chóng trở thành một vùng đất đầy sinh lực của quốc gia Đại Việt hồi bấy giờ [126, tr.90].
Đối với di dân người Hoa, Nguyễn Hữu Cảnh chủ trương tập hợp họ lại thành hai đơn vị hành chính đó là xã Thanh Hà tại Trấn Biên và xã Minh Hương tại Phiên Trấn. Từ đó người Hoa trở thành dân hộ chính thức của nước ta tức là công dân nước Đại Việt.
Như vậy, từ sau khi Nguyễn Hữu Cảnh vào nam kinh lược, thì chúa Nguyễn đã xác lập được quyền quản lý về mặt nhà nước đối với xứ Đồng Nai -