Định hướng nâng cao công tác xuất khẩu lao động
3.2.4. Giải pháp đối với người lao động
Người lao động cần tỉnh táo nắm bắt được các thông tin chính xác. Khi có nhu cầu XKLĐ, hãy liên hệ trực tiếp với cục quản lý lao động nước ngoài và Bộ lao động thương binh và xã hội cũng như cơ quan ban ngành hữu quan ở địa phương, thông qua ban chỉ đạo xã hội địa phương, các công ty có chức năng xuất khẩu lao động, không đi qua môi giới, cò mồi. Riêng với người lao động có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc cần lưu ý rằng hiện trung tâm lao động ngoài nước (OWC) là cơ quan duy nhất được Bộ lao động thương binh và xã hội và Bộ lao động Hàn Quốc uỷ quyền việc thực hiện tuyển chọn và đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại nước này.
Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân, Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng việc thực hiện các giải pháp để phát triển hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài một cách bền vững, trong đó tập trung các giải pháp trọng tâm:
- Đàm phán với các nước nhận lao động Việt Nam để ký kết các thoả thuận và hợp tác trong lĩnh vực tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc. Cho đến nay, Việt Nam đã ký các hiệp định với các nước Hàn Quốc, Malayxia, Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, Ô-man, Qatar; đang đàm phán và chuẩn bị ký kết các hiệp định với Các tiểu Vương quốc Arập Thống Nhất, Ba-ranh, Libi, Liên bang Nga… Đối với các nước nhận lao động Việt Nam nhưng chưa có hiệp định hoặc thoả thuận, chúng ta đã tiếp xúc, đàm phán và tạo ra sự hợp tác chính thức với Chính phủ các nước trên thực tế nhằm phối hợp quản lý, bảo vệ quyền lợi của người lao động Việt Nam.
- Coi trọng công tác quản lý, giám sát hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Bộ LĐ-TB&XH cùng các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương thường xuyên theo dõi, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, gây ảnh hưởng đến quyền lợi đến quyền lợi người lao động.
- Tổ chức bảo vệ quyền lợi người lao động làm việc ở nước ngoài. Chính phủ Việt Nam giao cho các đại diện Việt Nam ở nước ngoài bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người lao động. Tại các các nước có nhiều lao động Việt Nam làm việc, đã thành lập các Ban Quản lý lao động trong cơ quan đại diện để thực hiện nhiệm vụ này. Ngoài ra, luật pháp Việt Nam cũng quy định các doanh nghiệp làm dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phải có trách nhiệm cử đại diện các nước nhận lao động để bảo vệ quyền lợi người lao động.
- Hỗ trợ người lao động có đủ năng lực và kiến thức cần thiết để có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình khi làm việc ở nước ngoài. Mọi người đi làm việc ở nước ngoài được đào tạo, bồi dưỡng về tay nghề, kiến thức pháp luật, phong tục tập quán, các ứng xử trong công việc và cuộc sống của nước sẽ đến làm việc.
Bên cạnh những giải pháp thúc đẩy công tác xuất khẩu lao động thì các cơ quan, các cấp ngành và bộ phận hữu quan cũng cần tìm giải pháp giải quyết việc làm cho người hoàn thành hợp đồng lao động trở về nước. Bởi vì vấn đề việc làm cho người lao động khi về nước hiện nay vẫn còn thiếu một chiến lược lâu dài, người lao động khi trở về nước thì việc làm vẫn rất là bấp bênh. Vì vậy người lao động hầu như không yên tâm khi về nước. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng người lao động khi hết hợp đồng không muốn trở về nước mà sống bất hợp pháp ở nước người.