Chúng ta hãy quay trở lại kết quả theo dõi, chịu ảnh hưởng của sự kiểm duyệt, công việc xây dựng đưa cho những ý tưởng tiềm tàng một phương sách diễn tả mới. Những ý tưởng tiềm tàng chỉ là những ý tưởng hữu thức của chúng ta khi thức dậy, những ý tưởng mà ta biết rõ. Phương sách diễn tả mới có nhiều điểm không hiểu. Chúng ta đã nói rằng, phương sách đó quay trở lại những tình trạng có từ lâu, ngày nay không còn nữa, của sự mở mang trí thức, của tiếng nói biểu diễn, của những liên quan có tính cách tượng trưng, có thể của những điều kiện có từ trước khi ngôn ngữ của chúng ta được mở mang. Chính vì thế nên chúng ta gọi phương sách diễn tả này là phương sách cổ lỗ, đi thụt lùi.
Từ nhận xét này, các bạn có rút ra kết luận nếu chúng ta khảo sát công việc xây dựng này, chúng ta có thể biết được những dữ kiện quý báu về những buổi đầu của sự mở mang trí thức của con người. Tôi cũng hy vọng thế, nhưng công việc này chưa ai
làm cả. Thời tiền sử mà công việc xây dựng giấc mơ đưa chúng ta quay về có hai mặt: trước hết có thời tiền sử cá nhân, thời thơ ấu; sau đó là thời tiền sử của sự tiến hóa của sự mở mang các cơ quan trong người. Biết đâu một ngày kia người ta lại chẳng minh định được rõ ràng xem trong sự hoạt động của tinh thần tiềm tàng có những phần nào thuộc về thời tiền sử của sự mở mang các cơ quan trong thân thể, đó là một điều không phải là không làm được. Ví dụ như chính vì thế cho nên chúng ta mới được quyền coi sự tượng trưng hóa như một gia tài của môn khảo cứu về sự mở mang của các cơ quan trong thân thể.
Nhưng đó không phải là tính cách độc nhất cổ lỗ của giấc mơ. Kinh nghiệm hẳn đã cho các bạn biết về chứng mất trí nhớ trong thời thơ ấu. Tôi muốn nói là những năm đầu tiên trong đời sống, vào khoảng năm, sáu, hay tám tuổi gì đó thường không để lại dấu vết trong trí nhớ của mình. Có nhiều người cho rằng mình nhớ được hết mọi sự từ đầu đến cuối trong đời mình, những trường hợp không nhớ được gì cả bao giờ cũng nhiều hơn. Sự kiện này đáng lẽ phải làm cho mình ngạc nhiên mới phải. Năm hai tuổi đứa bé biết nói; chẳng mấy lúc nó biết hướng về trạng thái tinh thần phức tạp, biết diễn tả tình cảm bằng những cử chỉ và lời nói mà sau này nó sẽ quên đi và được người ta nhắc lại cho biết. Trí nhớ của đứa bé trong những năm đầu tiên tất nhiên đỡ nặng nề, mềm mỏng, bén nhạy hơn trong những năm sau đó, ví dụ như năm thứ tám chẳng hạn, và do đó nhớ những cảm giác và sự việc hơn. Vả lại không có gì cho phép ta nghĩ rằng công việc của trí nhớ là một công việc cao cả và khó khăn. Nhiều khi có những người có một trình độ trí thức thấp nhưng lại có trí nhớ rất tốt.
Thêm một điểm đặc biệt nữa: đời sống trí nhớ trong những năm đầu tiên của thời thơ ấu không đầy đủ: có những kỷ niệm nổi bật lên trên, những kỷ niệm tương ứng với những cảm giác cụ thể, không cần nhớ lại lâu. Những kỷ niệm về những biến cố sau đó được lựa chọn trong trí nhớ: điều gì quan trọng được giữ lại, điều gì không quan trọng bị bỏ đi. Đối với những kỷ niệm trong thời thơ ấu thì không thể. Chúng không tương ứng với những biến cố quan trọng trong cuộc đời, dù theo quan niệm của đứa trẻ. Những biến cố đó tầm thường vô nghĩa lý đến nỗi nhiều khi ta tự hỏi tại sao ta lại không quên đi nhỉ? Tôi đã khảo cứu nhiều về sự mất trí nhớ trong thời thơ ấu và sự việc tại sao lại có nhiều kỷ niệm còn được giữ lại trong thời đó, mặc dầu đứa bé quên hết những điều khác. Tôi đi đến kết luận là ngay cả đối với trẻ con, chỉ những kỷ niệm quan trọng mới không bị mất đi thôi. Chỉ có điều là những sự hoạt động tinh thần như sự cô đọng, sự di chuyển mà điều quan trọng được thay thế bằng những yếu tố kém quan trọng hơn trong trí nhớ. Vì sự kiện đó tôi gọi những kỷ niệm trong thời thơ ấu là những kỷ niệm bao bọc bề ngoài, chỉ cần phân tích kỹ lưỡng là chúng ta lôi được nhưng cái gì che giấu dưới cái bao đó ra.
Trong việc trị bệnh bằng phân tâm học, chúng ta luôn luôn phải lấp những chỗ trống trong các kỷ niệm về thời thơ ấu. Trong nhiều trường hợp, chúng ta đã được những kết quả khả quan, nghĩa là gợi lại được những điều xảy ra trong thời thơ ấu đã bị quên đi. Những cảm giác gợi lại được đó không bao giờ bị quên nữa, mà chỉ lùi dần vào trong phạm vi của vô thức, lúc nào cũng tiềm tàng trong đó, rất khó nhận biết. Nhưng cũng có khi chúng bất thần từ trong vô thức hiện ra, nhất là trong giấc mơ. Do đó, đời sống giấc mơ tìm được cách lọt vào trong vô thức để thấy lại những kỷ niệm của thời thơ ấu. Chúng ta có nhiều ví dụ rất hay trong văn chương, chính tôi cũng có thể hiến cho các bạn một thí dụ như thế. Đêm nọ tôi nằm mơ thấy một người nào đó giúp cho tôi một
việc gì, tôi thấy người đó rõ ràng trước mắt. Đó là một người thấp, béo, mắt chột hai vai to, đầu rụt. Tôi cho rằng đó là một ông thầy thuốc. Dạo đó mẹ tôi còn sống, tôi hỏi mẹ tôi xem ông bác sĩ trong thành phố quê hương của tôi mà tôi rời bỏ khi mới có ba tuổi ra sao thì mẹ tôi cho biết rằng ông ta người thấp, béo, cổ rụt, vai so, mắt chột. Mẹ tôi cũng nói cho tôi biết ông thầy thuốc đã chăm sóc cho tôi trong trường hợp nào. Việc tìm lại những vật liệu bị quên lãng trong những năm đầu tiên của thời thơ ấu chính là một đặc điểm của tính cách cổ lỗ của giấc mơ.
Chúng ta cũng có thể giải thích như trên đối với một trong các điều bí ẩn khác mà từ trước tới nay chúng ta chưa giải thích được. Tôi đã trình bày cùng các bạn rằng, giấc mơ thường bị kích động bởi những sự ham muốn tình dục xấu xa, nhiều khi không thể kìm hãm được, đến nỗi giấc mơ phải chịu sự kiểm duyệt và biến dạng đi. Khi chúng ta giải thích những giấc mơ đó lại cho người nằm mơ nghe thì người này ầm ầm phản đối; ngay cả khi họ chấp nhận sự giải thích của chúng ta, họ cũng tự hỏi không hiểu sao lại có thể có sự ham muốn như thế, thực trái hẳn với tính tình, khuynh hướng và tình cảm thường ngày của họ. Chúng ta phải lập tức cho họ biết ngay nguồn gốc của những sự ham muốn đó. Những sự ham muốn xấu xa như thế thường bắt nguồn từ trong dĩ vãng, nhiều khi rất gần. Chúng ta có thể chứng minh được rằng ngày xưa những ham muốn đó có được người nằm mơ biết đến. Chúng ta cắt nghĩa cho một bà nghe giấc mơ của bà ta có nghĩa là bà mong muốn cho cô con gái 17 tuổi của bà chết đi, và bà công nhận rằng quả có một thời bà muốn như thế. Đứa bé được sinh ra sau một sự thành hôn gượng ép và đã đi đến sự tan vỡ. Trong lúc có mang đứa bé, trong một cuộc cãi lộn với chồng, bà ta đã lấy tay đấm thùm thụp vào bụng hy vọng là sẽ làm cho cái bào thai bị chết. Có biết bao nhiêu người mẹ bây giờ yêu con như điên, nhưng ngày xưa đã có một thời không hề mong muốn có con, mong cho đứa con chết trước khi sinh, biết bao nhiêu bà đã bắt đầu có những hành động tội ác nhưng may mắn không xảy ra sự gì. Vì thế lòng ham muốn một người mình yêu quý chết đi thường bắt nguồn từ buổi đầu gặp gỡ với người đó.
Chúng ta giải thích cho một người cha biết rằng giấc mơ của ông có nghĩa là ông mong muốn đứa con trai cả mà ông yêu quý chết đi, ông ta công nhận là có một thời quả ông có mong muốn như thế thực. Trong lúc đứa bé còn bú, ông không hài lòng về cuộc hôn nhân, thường tự nhủ là nếu đứa bé chết đi ông sẽ tự do hơn và lợi dụng được sự tự do đó một cách dễ chịu hơn. Trong nhiều trường hợp thù ghét người ta cũng tìm thấy nguyên do tương tự. Những kỷ niệm này có liên can đến những sự kiện thuộc về dĩ vãng, đã từng giữ một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần, đã từng được ý thức bởi đương sự. Các bạn sẽ nói rằng, khi thái độ của chúng ta đối với một người nào đó không thay đổi hay tỏ ra luôn tốt đẹp thì những sự ham muốn và những giấc mơ nói trên không thể có được. Tôi chấp nhận ý kiến đó, nhưng nhắc các bạn rằng các bạn cần để ý đến ý nghĩa của giấc mơ do sự giải thích đưa ra chứ không nên để ý đến sự biểu thị bằng lời nói của người nằm mơ. Có thể trong giấc mơ rõ ràng cái chết của một người thân hiện ra dưới một hình thức ghê sợ, nhưng trong thực tế lại có một ý nghĩa khác hẳn hay chỉ dùng người mình yêu quý để thay thế cho một người khác thôi.
Nhưng một trạng thái giống như thế cũng nêu lên một vấn đề quan trọng hơn nhiều. Các bạn sẽ nói đúng là dù lòng mong muốn này có thực chăng nữa và được khẳng định bằng kỷ niệm gợi lên chăng nữa thì đó cũng không thể là một cách giải thích. Lòng mong muốn này biến mất từ lâu, chỉ còn ở trong vô thức như một kỷ niệm
tầm thường chẳng có gì quan trọng, chẳng có kích thích được ai. Thực tế chẳng có gì chứng tỏ rằng sự kích thích này có đủ quyền lực mạnh mẽ. Thế tại sao lòng mong muốn này lại xuất hiện trong giấc mơ? Vấn đề đặt ra rất đúng. Việc trả lời câu hỏi này sẽ đưa ta đi rất xa, bắt buộc chúng ta phải có một thái độ nhất định đối với nhiều điểm quan trọng trong thuyết về giấc mơ. Trong lúc này chúng ta nên tự giới hạn trong khung cảnh bài học này thôi, chúng ta đã chứng minh được rằng lòng ham muốn bị kìm hãm đóng vai trò của sự kích động trong giấc mơ và tiếp tục khảo sát để xem có phải những lòng ham muốn xấu xa khác cũng bất nguồn ở dĩ vãng của đương sự hay không?
Điểm cần để ý nhất là người nằm mơ thường ích kỷ nên lòng ham muốn luôn luôn gạt bỏ mọi trở lực trên đường phát triển, và chính lòng ham muốn này đã là nguyên nhân phát sinh ra giấc mơ. Mỗi khi có kẻ nào ngăn trở ta trên con đường ta đi, giấc mơ luôn luôn tìm cách tiêu hủy kẻ đó dù kẻ đó là cha, mẹ, anh em, chồng vợ, v.v… Sự độc ác này của loài người thường làm cho ta nằm mơ và ta không sẵn sàng chấp nhận những kết quả tìm ra rằng những sự ham muốn đó bắt nguồn trong dĩ vãng, chúng ta sẽ tìm thấy ngay thời gian của sự việc đó đối với chúng ta sẽ không còn làm chúng ta ngạc nhiên nữa. Chính trong những năm đầu tiên của cuộc đời mà đứa bé chỉ yêu có mình nó thôi, mãi sau này nó mới biết yêu người khác và hy sinh một phần nào cái tôi của nó. Nếu đứa bé có yêu một người nào ngay trong những năm đầu tiên đó chỉ là vì nó cần đến người đó, nghĩa là vì mục đích ích kỷ. Trong thực tế, chính lòng ích kỷ đã dạy cho nó biết yêu mến.
Chúng ta chỉ cần so sánh thái độ của đứa bé đối với anh chị em và đối với cha mẹ là thấy ngay. Đứa bé thường không yêu anh em hay chị em, cho anh chị em là người cạnh tranh với mình, thái độ này kéo dài nhiều năm sau có khi ngoài cả tuổi dậy thì nữa. Thỉnh thoảng nó cũng tỏ ra âu yếm anh em, chị em nhưng thường thì lòng thù địch bao giờ cũng vẫn đi trước. Ví dụ như thái độ của những đứa bé chừng hai tuổi rưỡi đến năm tuổi khi có em mới chào đời, thái độ đối với em thường là không thân thiện. Luôn luôn chúng nói: "Con không muốn có em, cho chim đem nó đi”. Sau đó nó dùng đủ mọi cách để làm giảm giá trị của em, kể cả những cách ác độc. Nếu giữa hai đứa bé không xa nhau lắm về tuổi, khi đời sống tinh thần dồi dào hơn, đứa bé thường sẵn sàng ghét em hơn. Nhưng khi hơn nhau khá nhiều tuổi thì đứa bé có thể có cảm tình với em một phần nào, không phải vì yêu em mà vì em nó có cái gì hay hay, coi em như một con búp bê song; khi cách nhau tám tuổi hay hơn thì đứa bé, nhất là bé gái, thường coi em như con. Nhưng nói thực, một khi trong giấc mơ người ta mong muốn cho anh em hay chị em chết đi, lòng mong muốn này thường bắt nguồn trong thời thơ ấu, có khi trong một thời kỳ chậm hơn trong cuộc sống chúng.
Giữa trẻ con với nhau ít khi không có sự va chạm mạnh mẽ, lý do là đứa nào cũng muốn chiếm độc quyền tình yêu của bố mẹ, chiếm giữ các đồ chơi và một chỗ ngồi. Những tình cảm thù nghịch này xảy ra đối với những đứa lớn cũng như đứa bé. Chính B. Shaw cũng nói: nếu có một người nào mà một người đàn bà Anh ghét hơn ghét mẹ thì đó chính là người chị cả. Sự nhận xét này làm chúng ta ngỡ ngàng. Chị em ghét nhau là một chuyện còn chấp nhận được, tại sao mẹ con lại có thể ghét nhau được.
Cố nhiên là đứa bé bao giờ cũng có cảm tình với cha mẹ hơn là đối với anh chị em: việc cha mẹ con cái không yêu nhau trái với quy luật tự nhiên là sự thù ghét giữa anh chị em. Nhưng trong thực tế người ta thường thấy tình yêu giữa cha mẹ và con cái
thường không đạt tới mức lý tưởng mà xã hội đòi hỏi, và nếu không bị kìm hãm bởi lòng hiếu thảo thì sự thù ghét đó có thể xuất hiện được. Lý do của sự thù ghét này ai cũng biết: đó là cái động lực thường làm cho những người cùng giống xa nhau, ví dụ như con gái xa mẹ, và con trai xa cha. Con gái thường cho mẹ làm nhụt chí của mình và đại diện xã hội để kìm hãm bản năng tình dục của mình. Nhiều khi giữa hai mẹ con có cả một sự thù ghét cạnh tranh. Giữa cha và con trai sự giao thiệp còn căng thẳng hơn nữa. Con trai thường coi bố như tượng trưng cho những sự bó buộc của xã hội mà nó chịu không nổi. Người cha thường làm nhụt ý chí của người con, ngăn trở không cho nó thỏa mãn tình dục hay hưởng thụ của cải. Ví dụ như người con muốn nối ngôi của cha thường mong cho cha chết càng sớm càng hay. Trái lại sự giao thiệp giữa cha và con gái hay giữa mẹ và con trai thân thiện hơn nhiều. Nhất là giữa mẹ và con trai thì lòng yêu tinh khiết hơn, bớt ích kỷ hơn.
Chắc các bạn tự hỏi tại sao tôi lại nói với các bạn những điều tầm thường ai cũng biết đó nhỉ? Bởi vì luôn luôn người ta không chấp nhận điều đó và cho rằng lý tưởng xã hội luôn luôn được tôn trọng. Nhà tâm lý học cũng như những kẻ sống sượng đều nói sự thực cả, nhưng người ta thích để cho những nhà tâm lý học nói hơn. Người ta cứ muốn cho rằng lý tưởng xã hội đạt được trong đời sống thực hàng ngày, nhưng các nhà thi văn