5. Phòng Lao động – TB&XH
2.4 Phong cách lãnh đạo lựa chọn
Đồng chí Vương Văn Bút, lựa chọn phong cách lãnh đạo dân chủ với quan niệm:
Phong cách dân chủ là đặc trưng cơ bản của phong cách lãnh đạo, quản lý, nhất là đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở cơ sở. Trong mọi hoàn cảnh, tinh thần ấy phải thấm sâu vào suy nghĩ và hành động của mỗi người, góp phần khơi dậy sự tham gia nhiệt tình và những đóng góp sáng tạo của quần chúng trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, cơ quan, đơn vị. Theo đó, thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi vấn đề, vì: "Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến". Phong cách lãnh đạo dân chủ chính là mỗi người cán bộ lãnh đạo không phải đứng trên tập thể mà phải gắn bó với tập thể, tôn trọng tập thể, đặt mình trong tập thể, lắng nghe ý kiến của tập thể; không bao giờ đặt mình cao hơn tổ chức, ở ngoài sự kiểm tra, giám sát của tổ chức mà luôn luôn tranh thủ bàn bạc với tập thể để có được quyết định chính xác và kịp thời nhất. Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi, cũng là một nghĩa vụ của mọi người, nên người cán bộ lãnh đạo phải biết động viên, khuyến khích để cho cấp dưới “cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến", tức là để cấp dưới không sợ nói sự thật và cấp trên không sợ nghe sự thật.
Người lãnh đạo muốn có phương pháp lãnh đạo tốt, có phong cách gần gũi quần chúng cần phải mở rộng dân chủ để phát huy sức mạnh của tập thể, vì đề ra chủ trương, nghị quyết đã khó nhưng người thực hiện là tập thể, là quần chúng. Do đó, có dân chủ, bàn bạc tập thể mới cùng thông suốt, nhất trí để cùng quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị; tránh được hiện tượng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược"; tránh được sự mất đoàn kết vì sự chuyên quyền, độc đoán, áp đặt chủ quan…
Phong cách lãnh đạo dân chủ phải được thể hiện từ việc lớn cho đến việc nhỏ, ở tất cả các lĩnh vực; trong đó, người cán bộ lãnh đạo phải nhận trách nhiệm cá nhân, hoàn thành tốt nhiệm vụ được tập thể giao phó và tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách theo tinh thần:
"Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách, tức là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tức là dân chủ tập trung". Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã nói "lãnh đạo không tập thể, thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là hỏng việc. Phụ trách không do cá nhân, thì sẽ đi đến cái tệ bừa bãi, lộn xộn, vô chính phủ. Kết quả cũng là hỏng việc. Tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách cần phải luôn luôn đi đôi với nhau", để “Đảng ta tuy nhiều người, nhưng khi tiến đánh thì chỉ như một người”. Muốn làm được như vậy, phải đề cao vai trò của tập trung, thực hiện tập trung trong Đảng để tạo sự thống nhất ý chí và hành động, tạo thành sức mạnh lãnh đạo to lớn trong tiến trình cách mạng. Cùng với tập trung, cũng luôn phải chú ý thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng, làm cho Đảng tập trung được trí tuệ, tăng cường sức mạnh lãnh đạo của Đảng.
Người cán bộ lãnh đạo không có phong cách làm việc dân chủ mà độc đoán, chuyên quyền sẽ dẫn đến kìm hãm tính tích cực, sáng tạo của đảng viên và nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, trong thực tế, chúng ta đã ra sức kêu gọi phải nâng cao sáng kiến và lòng hăng hái, nhưng đến nay, cán bộ và đảng viên vẫn ít sáng kiến, ít hăng hái. Đó là vì lẽ gì? “Vì nhiều lẽ. Mà trước hết là vì: Cách lãnh đạo của ta không được dân chủ, cách công tác của ta không được tích cực. Nếu ai nói chúng ta không dân chủ, thì chúng ta khó chịu. Nhưng nếu chúng ta tự xét cho kỹ, thì thật có như thế”...
Người cán bộ lãnh đạo thấu triệt những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về phong cách lãnh đạo dân chủ thường không quyết định mọi việc theo ý kiến chủ quan của mình mà luôn mở rộng dân chủ, tranh thủ, động viên mọi người tham gia vào các quyết định khi tiến hành quản lý, điều hành và giải quyết các nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Đồng thời, trong công tác lãnh đạo, luôn thực hiện phân quyền phù hợp, không ôm đồm, không chỉ góp phần tạo sự đoàn kết, nhất trí trong tổ chức mà còn giúp cấp dưới chủ động trong việc thi hành công tác; tạo điều kiện để cán bộ, nhân viên trong tập thể có cơ hội phát huy sáng kiến, năng động, sáng tạo, do đó, tinh thần làm việc được nâng cao, nhằm "đem
hết sức dân, tài dân, của dân làm cho dân”...là những người đã nắm rõ công việc, nhiệm vụ và cách thức tiến hành công việc.