Giải pháp đối với các cơ quan quản lý

Một phần của tài liệu Một số giải pháp thúc đẩy xuất khẩu mây tre đan của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ (Trang 30 - 35)

2. Nhóm giải pháp vĩ mô

2.3.Giải pháp đối với các cơ quan quản lý

 Tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các đơn vị sản xuất, xuất khẩu hàng mây tre đan, nâng cao tính linh hoạt và khả năng thích ứng nhanh, thể hiện qua khả năng thích nghi với các thay đổi của môi trường để tồn tại và phát triển. Khả năng này sẽ được tăng cường trong một môi trường lành mạnh và năng động. Do đó, các chính sách và giải pháp của Nhà nước cần tập trung vào việc tạo lập môi trường ấy. Qua đó, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mặt hàng mây tre đan phải chú ý tới các vấn đề giảm chi phí, tăng năng suất, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Theo đó, cần có một chính sách khuyến khích sự hình thành và phát triển các chủ thể có tính linh hoạt cao, cho phép ra quyết định nhanh, đảm bảo tín hiệu thị trường được đi đúng hướng.

 Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thiết lập các chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển mặt hàng mây tre đan theo hướng tích cực với nhiều chủng loại, mẫu mã hàng xuất khẩu mới.

 Tăng cường tính minh bạch và phổ cập của các chính sách, pháp luật, công cụ khuyến khích, biểu thuế quan, các chế độ ưu đãi của Đảng và

Nhà nước tới các làng nghề, hộ sản xuất, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng mây tre đan sang thị trường Hoa Kỳ.

 Nâng cao kỹ năng xuất khẩu và văn hóa xuất khẩu thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp sản xuất hàng mây tre đan. Kỹ năng xuất khẩu được thực hiện thông qua các sàn giao dịch, thương mại điện tử…trong khi kỹ năng văn hóa xuất khẩu chứa đựng các yếu tố như liên kết dọc, liên kết ngang, coi trọng người tiêu dùng, văn hóa kinh doanh…Hai mảng này đã bắt đầu được quan tâm ở nước ta trong những năm gần đây, tuy nhiên vẫn chưa thực sự được chú trọng đầu tư phát triển. Để tăng cường hơn nữa hiệu quả của các yếu tố này, cần có sự quan tâm và đầu tư của cơ quan quản lý Nhà nước, các hiệp hội để liên kết chặt chẽ hơn các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu, để các doanh nghiệp có cơ sở trong việc xây dựng các mối quan hệ thuận lợi cho viêc phát triển sản xuất kinh doanh.

 Tiếp tục hoàn thiện và phát triển môi trường, thể chế để thúc đẩy xuất khẩu hàng mây tre đan sang thị trường Hoa Kỳ.

- Cung cấp thông tin về thị trường và cách thức tiệp cận các nguồn thông tin có giá trị thương mại ở Hoa Kỳ, xây dựng website riêng của thương vụ để giúp các doanh nghiệp tiếp cận thị trường Hoa Kỳ và quảng cáo cho hàng mây tre đan của Việt Nam.

- Xúc tiến phát triển các sàn giao dịch điện tử, thương mại điện tử. Một ví dụ cho phương pháp này đã được áp dụng là cổng thương mại điện tử xuyên biên giới tại eBay.vn với các tính năng ưu việt giúp khắc phục tất cả những rào cản và hỗ trợ các cá nhân và doanh nghiệp Việt Nam bán hàng lên eBay.com. Ngoài việc hỗ trợ về mặt ngôn ngữ: dịch thông tin sản phẩm sang tiếng Anh, đăng bán sản phẩm lên trang ebay.com Mỹ, trả lời mọi thắc mắc của người mua….; Các doanh nghiệp, cá nhân còn được ebay.vn tư vấn, hướng dẫn cách mua và bán hàng sao cho hiệu quả và ít rủi ro nhất, giúp giải

quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình giao dịch và đặc biệt với sự hỗ trợ về mặt thanh toán…

- Thành lập trung tâm triển lãm, trưng bày các sản phẩm ở các trung tâm kinh tế ở các bang tiềm năng ở Hoa Kỳ như New York, Los angeles, California,…, mở thêm văn phòng và chi nhánh tại những nơi cần thiết.

 Cung cấp các thông tin thị trường chính xác, kịp thời cho các tổ chức và doanh nghiệp xuất khẩu. Hỗ trợ thành lập các trung tâm dịch vụ cung cấp thông tin về thị trường Hoa Kỳ, tư vấn chính sách xuất khẩu và các vấn đề liên quan đến xuất khẩu hàng mây tre đan của Việt Nam.

 Tiếp tục đẩy mạnh và cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho hoạt động xuất khẩu và kiện toàn công tác xúc tiến nhăm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tránh những khoản chi phí trùng lặp không cần thiết.

 Tăng cường ưu đãi đầu tư, thiết lập các công cụ khuyến khích đối với các nghệ nhân, các làng nghề truyền thống và các doanh nghiệp sản xuất.

 Xây dựng mối liên kết giữa các làng nghề mây tre đan - doanh nghiệp – Nhà nước, trong đó, một nhóm làng nghề sẽ được hỗ trợ kỹ thuật, phương pháp mới từ doanh nghiệp và Nhà nước, được doanh nghiệp giúp đỡ tìm bạn hàng và tư vấn xuất khẩu tại thị trường Hoa Kỳ.

 Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mây tre đan tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường, liên kết liên doanh tạo sức cạnh tranh.

 Thành lập tổ chức hỗ trợ phát triển nhóm hàng mây tre đan, theo dõi sát tình hình thực hiện các chủ trương chính sách của Nhà nước, trên cơ sở đó tìm ra các điểm yếu và đề ra các biện pháp khắc phục để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này. Một ví dụ điển hình là sự kiện Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam phối hợp với Trung tâm nghiên cứu và Hỗ trợ phát triển các làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam thành lập Mạng lưới mây Việt Nam, thành viên của Mạng lưới Mây toàn cầu mới đây tại Hà Nội là

một động thái tích cực. Thành viên chính của Mạng lưới Mây Việt Nam bao gồm: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam Trung tâm nghiên cứu và Hỗ trợ phát triển các làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Công Thương của 22 tỉnh thành có nguồn nguyên liệu mây, các nhà nhập khẩu lớn, nhà xuất khẩu hàng mây thủ công mỹ nghệ, các cơ sở chế biến nguyên liệu, các cơ sở thu gom nguyên liệu, các cơ sở cung ứng giống, các nhà cung ứng thiết bị, các đơn vị nghiên cứu, các chuyên gia về mây, các nhà tài trợ quốc tế… Mục tiêu chính của Mạng lưới là hỗ trợ các tỉnh trong việc quy hoạch và quản lý nguồn tài nguyên mây, phát triển vùng nguyên liệu mây mới, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, các kỹ thuật chế biến tiên tiến và thân thiện với môi trường, các thông tin liên quan đến thị trường sản phẩm mây thủ công mỹ nghệ trên thế giới... Thông qua mạng lưới mây Việt Nam, các thành viên cũng có cơ hội liên kết, nghiên cứu, tham quan và học hỏi các mô hình mây trên thế giới, tăng cường cơ hội về xúc tiến thương mại tại các thị trường trọng điểm,cơ hội được hỗ trợ tài chính, thiết bị … để phát triển và chế biến nguồn nguyên liệu mây tại địa phương.

 Thu hút khách du lịch quốc tế, đặc biệt là khách đến từ Hoa Kỳ. Thông qua các hoạt động phát triển du lịch văn hóa, tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống, tìm hiểu các làng nghề truyền thống…để giới thiệu, quảng bá, xuất khẩu tại chỗ các mặt hàng mây tre đan đến các du khách quốc tế.

KẾT LUẬN

Ngành thủ công mỹ nghệ nói chung và mặt hàng mây tre đan nói riêng luôn giữ vai trò quan trọng đối với Việt Nam với hàng trăm làng nghề thủ công truyền thống, hàng ngàn chủng loại sản phẩm đa dạng, phong phú đang không ngừng đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm ổn định cũng như giới thiệu, quảng bá hình ảnh Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Hiện nay, Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu đãi cho phát triển ngành thủ công mỹ nghệ cũng như phát triển mặt hàng mây tre đan xuất khẩu như các chính sách khuyến nông, quy hoạch vùng nguyên liệu, tổ chức hội chợ triển lãm…Bên cạnh những thuận lợi từ nguồn tài nguyên và sự hỗ trợ của Chính phủ thì mặt hàng mây tre đan còn gặp không ít khó khăn nhất là vấn đề về thị trường tiêu thụ cho sản phẩm.

Sau 15 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm kí kết hiệp định thương mại song phương, mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đang có những bước tiến dài và tốt đẹp. Hoa Kỳ ngày càng khẳng định được là một thị trường khổng lồ và tiềm năng cho việc xuất khẩu của Việt Nam. Hàng mây tre đan xuất khẩu của Việt nam sang thị trường này đang chiếm được cảm tình khá tốt từ phía khách hàng của nước bạn. Tuy nhiên, thị phần của Việt Nam trên thị trường Hoa Kỳ vẫn còn rất nhỏ bé so với quy mô nhập khẩu của thị trường này. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ nói chung và mây tre đan Việt Nam nói riêng cần phải nhanh chóng hơn nữa để tìm ra các giải pháp để thâm nhập sâu hơn nữa vào thị trường Hoa Kỳ.

Mặc dù còn nhiều khó khăn trong thủ tục và các quy định của Hoa Kỳ, nhưng với sự cố gắng của Chính phủ và các doanh nghiệp, chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng hàng mây tre đan xuất khẩu của Việt Nam sẽ thâm nhập được sâu hơn nữa vào thị trường Hoa Kỳ. Chúng ta nên tận dụng những lợi thế vốn có của mình để năng cao khả năng cạnh tranh của hàng mây tre đan Việt Nam trên thị trường thế giới nói chung và thị trường Hoa Kỳ nói riêng.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp thúc đẩy xuất khẩu mây tre đan của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ (Trang 30 - 35)