Giải pháp phát triển sản xuất hàng mây tre đan để xuất khẩu

Một phần của tài liệu Một số giải pháp thúc đẩy xuất khẩu mây tre đan của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ (Trang 26 - 30)

2. Nhóm giải pháp vĩ mô

2.2. Giải pháp phát triển sản xuất hàng mây tre đan để xuất khẩu

 Nguyên vật liệu

Thị trường cung ứng nguyên vật liệu cho các làng nghề chủ yếu là thị trường địa phương tại chỗ. Tuy nhiên trong những năm gần đây, việc cung ứng nguyên vật liệu mây tre đan đã gặp nhiều khó khăn, nguồn nguyên liệu taị chỗ chỉ đủ duy trì cho các cơ sở sản xuất nhỏ chứ không đáp ứng đủ để mở rộng quy mô sản xuất. Nguồn nguyên liệu này chỉ là một trong nhiều loại nguyên liệu cần có của các cơ sở sản xuất mây tre đan. Vì vậy, việc sản xuất của nhiều làng nghề mây tre đan phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên vật liệu tại các địa phương khác và thị trường quốc tế. Một cách tổng thể, Nhà nước cần thực hiện một số công việc sau:

- Xây dựng một cách hài hòa kế hoạch sản xuất, khai thác hợp lý và cung ứng nguyên liệu mây tre. Rà soát điều chỉnh lại quy hoạch sử dụng đất, từ đó lên phương án cụ thể giải phóng mặt bằng hỗ trợ các đơn vị có yêu cầu mặt bằng sản xuất. Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu, đặc biệt là phát triển các vùng nguyên liệu tập trung đủ sức cung cấp nguyên liệu ổn định cho sản xuất. Chính quyền cấp tỉnh, huyện tạo mọi điều kiện, hỗ trợ cần thiết để các doanh nghiệp liên kết, liên doanh xây dựng vùng nguyên liệu mây tre.

- Xây dựng các vùng nguyên liệu mây tre tập trung trên cơ sở phân công lao động hợp lý và chuyên môn hóa sản xuất, đồng thời xây dựng tiêu chuẩn hóa cho các nguyên liệu để đảm bảo chất lương đồng bộ cho sản phẩm và tiết kiệm cho sản xuất.

- Kịp thời tiến hành điều tra nghiên cứu, phát triển nguồn nguyên liệu hiện có hoặc tạo ra các nguồn nguyên liệu thay thế cho nguồn nguyên liệu mây tre đang bị cạn kiệt thông qua một số biện pháp sau:

 Xúc tiến nghiên cứu , điều tra về các mặt hàng mây tre truyền thống.

 Mở rộng nghiên cứu, tìm tòi , đổi mới công nghệ, kĩ thuật, cách thức khai thác, mẫu mã, nguyên vật liệu mới cho các mặt hàng mây tre đan truyền thống.

 Đưa các đề tài nghiên cứu, sản xuất mây tre đan về các trường đại học, viện nghiên cứu. Công bố và triển khai thí điểm các đề tài khả thi.

 Kỹ thuật và công nghệ

Đổi mới và ứng dụng công nghệ hiện đại kết hợp với công nghệ truyền thống tại các làng nghề không chỉ đòi hỏi sự phát triển của thị trường công nghệ và khả năng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất mà còn đòi hỏi sự nâng cao năng lực quản lý, sự đổi mới về cơ chế chính sách trong lĩnh vực này. Do đó, để nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ tại các cơ sở sản xuất và các làng nghề, cần tập trung vào một số vấn đề chủ yếu sau:

- Xóa bỏ đọc quyền đối với các cơ quan Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia vào quá trình nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cho các cơ sở sản xuất tại các làng nghề.

- Thực hiện chế độ kiểm tra, kiểm soát thị trường nhập khẩu máy móc, công nghệ nhằm đảm bảo chất lượng của máy móc thiết bị nhập về, tránh tình trạng nhập những công nghệ cũ kĩ, lạc hậu của nước ngoài. Đồng thời hạn chế nhập khẩu những thiết bị mà trong nước có khả năng sản xuất và cung cấp với chất lượng tốt và giá cả phù hợp.

- Kích thích nhu cầu đổi mới công nghệ trên cơ sở nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất kinh doanh.

- Có biện pháp hỗ trợ nguồn vốn đầu tư phục vụ mục đích cải tiến công nghệ. Thực hiện chế độ ưu đãi tín dụng và hỗ trợ vốn đối với các ngành nghề và cơ sở sản xuất áp dụng công nghệ tiên tiến hiện đại.

- Phát triển các hoạt động cung cấp thông tin, tư vấn và chuyển giao công nghệ thông qua việc thành lập các trung tâm tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ chuyển giao công nghệ.

- Tăng cường các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ cho các làng nghề truyền thống. Sự lãnh đạo và hỗ trợ trực tiếp của các cơ quan, đặc biệt là sở khoa học, công nghệ và môi trường đối với các làng nghề là rất cần thiết. Cơ quan này cần quan tâm, theo dõi và quản lý các làng nghề về khâu kỹ thuật, giúp các làng nghề tiếp cận và ứng dụng công nghệ

mới. Tuy nhiên, công việc này cũng phải phù hợp với tiềm năng và sự phát triển của mỗi làng nghề như khả năng tài chính, nguồn nguyên liệu hiện có, cách thức tổ chức sản xuất kinh doanh, lực lượng lao động hiện có… Bên cạnh đó, việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ kỹ thuật mới phải được thực hiện kết hợp với công nghệ kỹ thuật truyền thống, tạo nên một hệ thống kỹ thuật linh hoạt thúc đẩy nhau phát triển, đảm bảo cho các sản phẩm mây tre đan đủ sức cạnh tranh trên thị trường Hoa Kỳ nói riêng và thị trường quốc tế nói chung.

- Đào tạo đội ngũ lao động có năng lực, mở các lớp huấn luyện định kỳ cho người lao động để nâng cao trình độ văn hóa và trình độ chuyên môn, đảm bảo cho người lao động có đủ trình độ để tiếp thu và làm chủ được công nghệ mới. Thay đổi cách nghĩ và cách làm truyền thống của người sản xuất, tạo điều kiện cho họ tiếp cận với trang thiết bị và công nghệ hiện đại.

- Xây dựng môi trường pháp lý cho sự liên kết khoa học công nghệ với sản xuất kinh doanh thông qua việc ban hành và thực hiện các cơ chế, chính sách, quy định nhằm khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và các dự án chuyển giao công nghệ, khuyến khích các hoạt động tư vấn dịch vụ, cung cấp thông tin về đổi mới công nghệ cho các làng nghề.

 Kết cấu hạ tầng

- Đối với hệ thống giao thông

 Đẩy mạnh khảo sát và quy hoạch phát triền đồng bộ hệ thống giao thông trong và ngoài làng nghề nhằm đảm bảo sự lưu thông giữa các làng nghề và làng nghề với bên ngoài.

 Kết hợp giữa xây dựng, cải tạo, duy trì và bảo dưỡng hệ thống giao thông hiện có.

 Tăng cường nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước và ngân sách địa phương bên cạnh việc huy động, đóng góp của dân cư, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế…

 Tăng cường đầu tư nâng cấp công trình, đổi mới thiết bị kĩ thuật của các trung tâm bưu điện, liên lạc ở các xã, huyện, thị trấn, trạm khu vực.

 Các cấp chính quyền và hiệp hội ngành nghề cần có sự hỗ trợ trong việc cung cấp thông tin về kinh tế, văn hóa, xã hội, công nghệ và thị trường, giúp các doanh nghiệp và các hộ sản xuất nâng cao kiến thức và nắm bắt kịp thời thông tin về kinh tế thị trường, điều chỉnh sản xuất theo yêu cầu của thị trường.

Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước thì bản thân những làng nghề, các doanh nghiệp mây tre cũng cần chủ động hơn nữa trong việc hình thành mối liên kết, tạo sức mạnh tập thể trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị sản phẩm của mình.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp thúc đẩy xuất khẩu mây tre đan của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ (Trang 26 - 30)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(35 trang)
w