Phân cấp nhiệm vụ chi tương xứng với phân cấp nguồn thu

Một phần của tài liệu Giải pháp hoàn thiện phân cấp quản lý chi đầu tư phát triển từ nguồn vốn ngân sách nhà nước tỉnh Hải Dương (Trang 48 - 64)

Đẩy mạnh phân cấp quản lý ngân sách nhà nước nhằm nâng cao sự chủ động, sáng tạo của các cấp địa phương trong thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách và thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương. Song để đảm bảo các cấp thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao cần thực hiện phân cấp nhiệm vụ chi đặt trong mối quan hệ với phân cấp nguồn thu. Điều này giúp cho các các cấp địa phương có thể đảm bảo nguồn lực để chủ động thực hiện các nhiệm vụ của cấp mình. Để thực hiện phân cấp nguồn thu tương xứng với nhiệm vụ chi ngân sách, các cấp địa phương cần có những giải pháp cụ thể:

Phân cấp nhiệm vụ chi đầu tư cho chính quyền địa phương mỗi cấp phải tương ứng với nguồn thu được phân cấp cho cấp đó. Để đảm bảo nguồn thu được phân cấp cho mỗi cấp cần trao quyền tự chủ cao hơn trong quyết định và quản lý nguồn thu ở địa phương. Đây chính là một trong những biện pháp khuyến khích các địa phương nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu, đồng thời tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Xác định cụ thể hơn nhiệm vụ chi của mỗi cấp chính quyền địa phương để đảm bảo trách nhiệm, quyền hạn của mỗi cấp trong việc thực hiện các nhiệm vụ chi, khắc phục sự chuyển giao nhiệm vụ chi của chính quyền cấp trên cho chính quyền cấp dưới.

Loại bỏ các khoản chi không hiệu quả trong nhiệm vụ chi của ngân sách các cấp bằng cách tăng tính tự chủ cho chính quyền các cấp trong việc quyết định chi tiêu. Điều này có thể tạo điều kiện cho các chính quyền từng cấp chủ động phân bổ ngân sách, gắn chi tiêu với nguồn thu của địa phương mình, đồng thời nâng cao trách nhiệm, hiệu quả trong chi tiêu ngân sách ở địa phương.

3.2.2. Xác định mức độ phân cấp ngân sách giữa các cấp chính quyền địa phương

Trong thời gian vừa qua, việc phân cấp chi đầu tư ngân sách nhà nước cho các các cấp chính quyền địa phương đã được thực hiện khá mạnh mẽ song vẫn chưa thực sự tạo được quyền chủ động thực sự cho các cấp chính quyền địa phương cấp dưới trong thực hiện ngân sách chi đầu tư.

Đối với nước ta trong điều kiện hiện nay, phân cấp là một xu hướng đúng đắn nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Nhưng xuất phát từ thực tiễn, phân cấp chi đầu tư vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là mức độ phân cấp giữa tỉnh, huyện, xã. Hiện tượng tỉnh vẫn là cấp nắm giữ mức phân cấp lớn tại địa phương rất phổ biến và Hải Dương cũng không nằm ngoài thực trạng này. Vì vậy phải xác định được mức độ phân cấp hợp lý giữa các cấp để đảm bảo mỗi cấp đều có thể chủ động trong thực hiện các nhiệm vụ và đảm bảo tính công bằng giữa các chính quyền địa phương trong từng cấp ngân sách.

Tuy vậy việc xác định mức độ phân cấp đến đâu cũng phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố đặc biệt là điều kiện của từng địa phương. Vì vậy, chính quyền cấp tỉnh khi thực hiện phân cấp chi đầu tư ngân sách nhà nước cho các cấp huyện, xã phải căn cứ vào các yếu tố như:

Năng lực quản lý tài chính của chính quyền cấp huyện và cấp xã. Hiện nay, năng lực quản lý của chính quyền cấp huyện và cấp xã của nước ta nói chung, Hải Dương nói

riêng còn nhiều hạn chế. Mà đây chính là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định tới hiệu quả phân cấp quản lý chi đầu tư.

Mặc dù cần căn cứ vào năng lực của chính quyền cấp huyện và cấp xã để thực hiện phân cấp quản lý chi đầu tư. Song cũng cần đảm bảo các chính quyền cấp huyện và cấp xã có đủ nguồn lực vốn đầu tư để cung cấp các dịch vụ cơ bản cho dân cư địa phương.

Cần quan tâm tới vấn đề bất bình đẳng giữa các địa phương. Bởi có huyện nghèo, huyện giàu, có địa phương đáp ứng được nhu cầu chi tiêu song cũng có địa phương phải phụ thuộc vào nguồn bổ sung từ ngân sách cấp trên. Vì vậy, khi xác định mức độ phân cấp cũng phải tính tới yếu tố này để giảm thiểu sự bất bình đẳng giữa các cấp địa phương.

3.2.3. Hoàn thiện định mức phân bổ chi đầu tư phát triển NSNN

Việc xây dựng các tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư NSNN nhằm mục đích phân bổ một cách hợp lý, công bằng và hiệu quả nguồn vốn đầu tư phát triển cho các địa phương để các địa phương có thể phát huy hết các tiềm lực của mình, xây dựng và phát triển địa phương giàu mạnh. Song để tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu quả phân cấp quản lý chi đầu tư NSNN, cần tiếp tục điều chỉnh để những tiêu chí, định mức này thực sự đảm bảo công khai, minh bạch, tạo được sự chủ động, công bằng giữa các địa phương.

Để xây dựng hệ thống định mức, tiêu chuẩn chi tiêu hợp lý cần thực hiện các biện pháp:

Tập trung rà soát các định mức, tiêu chí phân bổ vốn ĐTPT, thay đổi các định mức, tiêu chí chưa thực sự phù hợp. Hiện nay, các tiêu chí, định mức làm căn cứ để phân bổ vốn đầu tư cho các huyện ở Hải Dương là: tiêu chí dân số (dân số trung bình, số người dân tộc thiểu số); trình độ phát triển (tỷ lệ hộ nghèo, số thu ngân sách của các huyện); diện tích (diện tích đất tự nhiên, diện tích đất lúa/diện tích đất tự nhiên); đơn vị hành chính cấp xã; đô thị loại 1, 2, 3 và tiêu chí đặc thù về thực trạng giao thông đường bộ. Trong các tiêu chí này, tiêu chí số thu ngân sách của các huyện (số thu nội địa không bao gồm khoản thu từ sử dụng đất) luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất. Điều này, có thể làm gia tăng khoảng cách phân bổ chi đầu tư giữa các địa phương, vì những huyện giàu đương nhiên sẽ có số thu nội địa lớn hơn những huyện nghèo. Vì vậy, việc xác định điểm cho tiêu chí này cần có sự cân

nhắc để đảm bảo công bằng giữa các địa phương, vừa khuyến khích các địa phương có nguồn thu lớn vừa đảm bảo cho các địa phương còn có số thu thấp. Hơn nữa, cũng cần xác định lại điểm của những tiêu chí như tỷ lệ hộ nghèo, số người dân tộc thiểu số theo hướng tăng mức vốn phân bổ cho các tiêu chí này nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho các địa phương còn yếu kém.

Đồng thời, ban hành đầy đủ và hợp lý các định mức có tính khoa học đảm bảo cho quản lý chi đầu tư ngân sác nhà nước. Đồng thời, việc ban hành các tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển cần phải đảm bảo tương quan hợp lý để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của quốc gia. Ưu tiên, tạo điều kiện hơn nữa cho các vùng khó khăn để góp phần thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế, thu nhập và mức sống. Hơn nữa, bảo đảm sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, tạo điều kiện để thu hút tối đa các nguồn vốn khác cho đầu tư phát triển. Bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng trong phân bổ vốn đầu tư phát triển.

3.2.4. Xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp địa phương trong quản lý chi ĐTPT ngân sách nhà nước

Ngân sách địa phương ở nước ta bao gồm ngân sách cấp tỉnh, ngân sách cấp huyện và ngân sách cấp xã. Các cấp ngân sách này có sự lồng ghép với nhau, ko có tính độc lập tương đối, ngân sách cấp dưới là một bộ phận của ngân sách cấp trên. Trong phân cấp quản lý chi ĐTPT ngân sách nhà nước, việc quy định thẩm quyền, nhiệm vụ của các cấp địa phương còn chung chung, chưa cụ thể. Chính điều này đã tạo ra sự thiếu rõ ràng trong thẩm quyền và trách nhiệm của các cấp ngân sách. Do vậy cần phân định rõ ràng về thẩm quyền và trách nhiệm của các cấp ngân sách trong thực hiện các nhiệm vụ chi ĐTPT ngân sách nhà nước. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc hướng đến xây dựng một hệ thống phân cấp quản lý ngân sách nói chung, phân cấp quản lý chi đầu tư ngân sách nhà nước nói riêng một cách đầy đủ hơn, trong đó chính quyền các cấp địa phương có sự tự chủ và quyết định lớn hơn về ngân sách cấp mình, độc lập với chính quyền cấp trên. Từ đó sẽ tạo điều kiện nâng cao trách nhiệm giải trình của mỗi cấp ngân sách.

Để khắc phục tình trạng trùng lặp, lồng ghép trong nhiệm vụ, thẩm quyền quyết định chi đầu tư của các cấp chính quyền địa phương cần phải dựa vào những căn cứ mang

tính khoa học để phân định ranh giới nhiệm vụ chi đầu tư của mỗi cấp chính quyền. Cần xác định rõ, những nhiệm vụ chi nào nên để cho cấp nào thực hiện sẽ đem lại hiệu quả tối ưu nhất. Đồng thời, khi thực hiện phân cấp về nhiệm vụ chi cần gắn trách nhiệm của mỗi cấp trong việc thực hiện những nhiệm vụ đó. Việc phân định ranh giới nhiệm vụ chi đầu tư của mỗi cấp là cần thiết để khắc phục tình trạng cấp trên chuyển giao nhiệm vụ cho cấp dưới và tăng cường trách nhiệm giải trình của cấp dưới.

3.2.5. Thể chế hóa quy trình phân cấp quản lý chi ĐTPT ngân sách nhà nước

Hiện nay, quy trình quản lý đối với chi đầu tư NSNN đã được quy định song vẫn chưa cụ thể trong từng khâu của quá trình thực hiện quản lý dự án đầu tư. Ở các cấp, quy trình thực hiện dự án thường được làm theo kinh nghiệm, chưa được áp dụng thống nhất theo văn bản. Vì vậy, quy trình lập kế hoạch, phân bổ vốn cần được xây dựng thống nhất, được thể chế hóa thành văn bản và có sự hướng dẫn cụ thể. Đồng thời, những các văn bản về quy trình quản lý thực hiện dự án đầu tư này cần được cung cấp đầy đủ cho các bên liên quan để tất cả các cơ quan, đơn vị đều biết rõ quyền hạn và trách nhiệm của mình trong quá trình thực hiện.

3.2.6. Nâng cao năng lực quản lý của chính quyền các cấp địa phương

Thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp cho chính quyền địa phương, các cấp địa phương được phân giao nhiệm vụ, thẩm quyền lớn. Tuy nhiên cần phải có sự tương quan giữa thẩm quyền và năng lực của các cấp chính quyền địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ để có được hiệu quả cao nhất. Đây chính là một trong những yếu tố quyết định tới hiệu quả phân cấp quản lý chi đầu tư ngân sách nhà nước nói riêng, phân cấp quản lý ngân sách nhà nước nói chung.

Hiện nay, phần lớn năng lực của các chính quyền địa phương cấp huyện, xã còn nhiều yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý đối với các nhiệm vụ được phân cấp, đặc biệt là năng lực của chính quyền cấp xã. Để đảm bảo thực hiện được nhiệm vụ, chính quyền cấp tỉnh vẫn phải thực hiện phân cấp quản lý cho chính quyền cấp huyện, xã song thực hiện phân cấp từng bước để các chính quyền cấp huyện, xã có thể dần thích nghi và đáp ứng được các yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Đối với các chính quyền địa phương cấp

huyện, xã có năng lực, chính quyền cấp tỉnh sẽ phân giao các nhiệm vụ với phạm vi lớn hơn. Đồng thời, chính quyền cấp tỉnh cần có những biện pháp nhằm nâng cao năng lực của chính quyền cấp huyện, xã để hướng tới thực hiện được mục tiêu đề ra.

Để có thể nâng cao năng lực của các chính quyền địa phương cấp huyện, xã cần tập trung:

Củng cố hoàn thiện tổ chức bộ máy. Để có thể đáp ứng được các yêu cầu, nhiệm vụ mới đặt ra, cần phải kiện toàn bộ máy để năng cao năng lực của các cấp chính quyền. Kiện toàn tổ chức bộ máy phải nhằm đảm bảo các cơ quan trong hệ thống hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, tinh gọn, khắc phục tình trạng quan liêu, trùng lặp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của mỗi tổ chức, đảm bảo hiệu quả hoạt động của cả hệ thống.

Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức. Hiện nay, ở nước ta, đội ngũ cán bộ công chức cấp huyện, xã còn nhiều yếu kém. Phần lớn chưa được đào tạo một cách bài bản, chính quy về chuyên môn nghiệp vụ. Năng lực quản lý điều hành còn yếu kém. Bên cạnh sự thiếu hụt, bất cập về số lượng và yếu kém về chất lượng thì việc xây dựng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, lập kế hoạch… và công tác sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở chưa được các địa phương trong tỉnh quan tâm. Mà yếu tố con người luôn là là yếu tố quyết định tới năng lực quản lý của chính quyền địa phương. Vì vậy, cần thiết phải có các giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở nhằm đáp ứng với tình hình, nhiệm vụ được phân giao. Một vài biện pháp cần thực hiện để góp phần nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ công chức cấp cơ sở như: tổ chức điều tra, khảo sát, đánh giá một cách khách quan về thực trạng tình hình đội ngũ cán bộ công chức. Tiến hành xây dựng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở cho từng giai đoạn và từng năm, phù hợp với điều kiện và đặc điểm của từng địa phương…

Đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tiếp tục hoàn thiện và đổi mới hệ thống thể chế, luật pháp, đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền dân chủ của nhân dân. Chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước được điều chính, sắp xếp phù hợp hơn, năng lực quản lý nhà nước của các cấp chính quyền sẽ ngày càng tốt hơn. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính nhà nước

được nâng lên, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ. Thể chế, pháp luật về quản lý tài chính công được tích cực xây dựng và từng bước hoàn thiện. Thủ tục hành chính và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước có bước đổi mới, hiệu lực, hiệu quả được tăng cường hơn.

KẾT LUẬN

Như vậy, trong giai đoạn 2008 – 2012, Hải Dương đã thực hiện đẩy mạnh phân cấp quản lý chi đầu tư phát triển NSNN cho các cấp huyện, xã. Điều này được thể hiện rõ nét qua tốc độ tăng chi đầu tư của cấp huyện, xã trong các năm. Đồng thời, mức vốn đầu tư phân bổ cho các huyện khá đồng đều đảm bảo sự công bằng, chủ động cho các địa phương trong quản lý các nhiệm vụ thu, chi ngân sách. Bên cạnh đó, phân cấp chi ĐTPT ngân sách nhà nước ở Hải Dương cũng còn bộc lộ nhiều hạn chế đó sự không tương xứng trong phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi, mức phân cấp giữa các địa phương trong tỉnh còn có sự chênh lệch, hạn chế về quy định thẩm quyền, nhiệm vụ chi đầu tư… Mặc dù vậy, phân cấp quản lý chi ĐTPT ngân sách nhà nước đã góp phần nâng cao hiệu quả quản trị hành chính công của tỉnh Hải Dương, góp phần tăng cường tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của chính quyền.

Phân cấp quản lý chi đầu tư phát triển ngân sách nhà nước là một vấn đề lớn cả về lý thuyết và thực tiễn. Vì vậy, trong quá trình nghiên cứu, đề tài không thể tránh khỏi những thiếu sót. Phương pháp nghiên cứu chủ yếu của đề tài là sử dụng các tài liệu thứ cấp, thu thập số liệu để phân tích thực trạng và tác động của phân cấp chi đầu tư vì vậy còn nhiều hạn chế trong phân tích, đánh giá. Phạm vi nghiên cứu chỉ trong tỉnh Hải Dương nên không có sự đối chiếu so sánh về thực trạng phân cấp chi đầu tư với các tỉnh thành khác.

Một phần của tài liệu Giải pháp hoàn thiện phân cấp quản lý chi đầu tư phát triển từ nguồn vốn ngân sách nhà nước tỉnh Hải Dương (Trang 48 - 64)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(64 trang)
w