Mặc dù doanh thu từ hoạt động nhập khẩu của Cavico Việt Nam Thương mại so với tổng doanh thu là khá cao và tương đối ổn định nhưng hoạt động nhập khẩu ở công ty vẫn còn tồn tại một số điểm hạn chế mà chủ yếu xuất phát từ công tác quản lý nhập khẩu. Những điểm hạn chế đó là: Thứ nhất, thị phần của Cavico Việt Nam Thương mại còn nhỏ bé
Xuất phát điểm là một bộ phận của Cavicovn (Phòng cung ứng vật tư - thiết bị), cho tới nay, công ty vẫn có trên 90% khách hàng là các công ty con thuộc Tổng công ty Cavico Việt Nam nhưng thị phần của Cavico Việt Nam Thương mại lại chỉ chiếm có 40% trong “chiếc bánh” Cavicovn. Trong khi đó, thị phần của Cavicovn trong tổng thị trường các nhà đầu tư xây dựng tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 10%. Như vậy chỉ cần làm một phép tính rất đơn giản, ta có thể tính ra thị phần của Cavico Việt Nam Thương mại trong tổng thị trường Việt Nam là : 40% x 10% = 4%
Nguyễn Thị Huế 42E228
Thị trường Việt Nam
Cavico Việt Nam Cavico Việt Nam Thương mại
Nguyên nhân của sự hạn chế về thị phần này là do:
o Môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt – nhân tố khách quan
Xu thế hội nhập kinh tế quốc tế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia vào môi trường kinh doanh quốc tế, chính sách mở cửa nền kinh tế với nhiều ưu đãi về thuế quan tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài xâm nhập vào thị trường trong nước khiến cho sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước suy giảm. Đặc biệt là sự kiện Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO vào tháng 11/ 2006 vừa qua, Việt Nam ký Tối huệ quốc với hầu hết các quốc gia trên thế giới, theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam được giảm thuế nhập khẩu hàng hóa từ các quốc gia thành viên WTO, dẫn đến sự ra đời của rất nhiều doanh nghiệp thương mại kinh doanh hàng hóa nhập khẩu cạnh tranh nhau giành lấy thị phần tại thị trường Việt Nam. Các nhà sản xuất nước ngoài cũng dễ dàng hơn trong việc xâm nhập thị trường Việt Nam thông qua việc mở các công ty con, các đại lý phân phối hàng hóa, các công ty liên doanh sản xuất, các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài – FDI, ... Với tiềm lực tài chính mạnh, lại sẵn có uy tín, thương hiệu từ trước, các nhà sản xuất nước ngoài có lợi thế hơn về năng lực cạnh tranh so với các doanh nghiệp trong nước, đã chiếm mất cơ hội được trở thành đại diện độc quyền phân phối hàng hóa của các doanh nghiệp này.
o Khả năng của công ty – nhân tố chủ quan
Thiệt thòi do “sinh sau đẻ muộn”, chưa có nhiều kinh nghiệm thương trường, lại đặt dưới sự bảo hộ của Tổng công ty Cavico Việt Nam, Cavico Việt Nam Thương mại với tuổi đời còn non trẻ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tìm chỗ đứng trên thị trường. Tách ra từ công ty mẹ Cavico Việt Nam - một công ty đã có tên tuổi và một vị thế nhất định trên thương trường trong và ngoài nước, Cavico Việt Nam Thương mại được thừa hưởng từ mẹ thương hiệu CAVICO, giúp công ty có một nền tảng khá vững chắc để tham gia vào cuộc cạnh tranh khốc liệt với những đàn anh đàn chị đi trước. Tuy nhiên, với vốn điều lệ chỉ có 5 tỷ đồng, một con số hết sức khiêm tốn đối với lĩnh vực mà công ty hoạt động: kinh doanh máy móc thiết bị thi công hạng nặng dùng cho các công trường xây dựng chuyên dụng – lĩnh vực mà chỉ một sản phẩm thôi giá trị cũng đã lên tới vài ba tỷ đồng. Như vậy nguồn vốn kinh doanh chính của công ty chủ yếu là vốn vay. Với một tiềm lực tài chính hết sức eo hẹp như vậy, công ty đã nhiều lần bỏ lỡ cơ hội kiếm lời từ những hợp đồng bán hàng có giá trị cao, khách hàng đặt hàng với số lượng lớn, vượt quá khả năng tài chính của công ty nên công ty không thể nhập được hàng do không đủ khả năng thanh toán. Khi đó khách hàng sẽ phải tìm nhà cung cấp khác thay thế, công ty mất đi cơ hội được trở thành nhà cung cấp độc quyền cho khách hàng, điều đó làm mất đi thị phần lớn cho công ty.
Hạn chế về tiềm lực tài chính ngoài ra còn khiến công ty bỏ lỡ nhiều cơ hội kiếm được lợi nhuận cao hơn từ những hợp đồng nhập khẩu sau khi nhà cung cấp quyết định tăng giá bán. Khi đối tác bán hàng có quyết định tăng giá sản phẩm trong một thời điểm cho trước trong tương lai, họ sẽ gửi thư thông báo cho doanh nghiệp trước một thời gian giúp cho doanh nghiệp có kế hoạch mua hàng dự trữ với số lượng lớn để sau này bán hàng với giá mới nhằm hưởng chênh lệch sau khi tăng giá. Tuy nhiên, do dòng tiền trong doanh nghiệp luôn vận động, tình hình tài chính hiện tại không cho phép công ty nhập hàng với số lượng lớn và miếng mồi ngon đã tuột khỏi tay công ty chỉ vì thiếu vốn.
Khả năng tài chính hạn chế khiến công ty mất đi sự chủ động trong kinh doanh, là nhân tố cơ bản khiến cho năng lực cạnh tranh của công ty yếu kém, hạn chế khả năng đối phó linh hoạt của công ty trước những biến động của thị trường.
Thứ 2, Rủi ro trong hoạt động nhập khẩu của công ty Nguyên nhân của sự hạn chế này là:
Sự bất cập trong cơ chế chính sách của Nhà nước, đặc biệt là những quy định về mặt hàng nhập khẩu, về hạn ngạch nhập khẩu, về biểu thuế nhập khẩu, sự rườm rà của các thủ tục hành chính, ...
Đây là một nguyên nhân khách quan, thuộc tầm vĩ mô. Như đã phân tích trong chương 1 và minh chứng cụ thể trong chương 2, sự bất cập trong cơ chế chính sách của Nhà nước chính là yếu tố chủ chốt gây ra rủi ro trong hoạt động nhập khẩu của công ty. Vì là khách quan nên yếu tố gây ra rủi ro này rất khó đề phòng, kiểm soát. Tổn thất mà nó đem lại là tổn thất hữu hình, trực tiếp ảnh hưởng tới chi phí và lợi nhuận của công ty.
Thứ 3: Công ty chưa phải là đại diện độc quyền phân phối lốp và xích bảo vệ của hãng cung cấp Nhật Bản
Nguyên nhân của sự hạn chế này là do công ty Cavico Thương mại Xây dựng không đáp ứng được yêu cầu của các nhà sản xuất. Muốn trở thành đại diện độc quyền của nhà sản xuất Nhật thì công ty phải cam kết về doanh số bán hàng, về bảo toàn thương hiệu sản phẩm, và các chính sách sản phẩm khác của nhà sản xuất. Công ty phải phụ trách thị trường tại quốc gia hay khu vực mà mình làm đại diện, có nhiệm vụ quảng cáo sản phẩm, thực hiện bảo dưỡng sửa chữa các sản phẩm của nhà sản xuất, có vai trò như một bộ phận của nhà sản xuất
Vì một số hạn chế nhất định như quy mô nhỏ, nhân lực thiếu, khả năng tài chính eo hẹp, thị phần ít.. Mà công ty đã không thể trở thành nhà phân phối độc quyền của Nhật Bản về sản phầm lốp và xích bảo vệ lốpkhông được hưởng các ưu đãi về giá thành cũng như là số lượng NK của nhà sản xuất Nhật Bản.
Thứ 4: Hạn chế về khâu quản trị rủi ro trong quá trình thực hiện hợp đồng NK của công ty
Công tác quản trị rủi ro mới chỉ dừng lại ở việc đánh giá lại những rủi ro đã gặp phải và tìm cách khắc phục những rủi ro đó. Điều quan trọng là “phòng còn hơn chống” nên vấn đề cần quan lâm hơn nữa đối với nhà quản lý nhập khẩu của Cavico Việt Nam Thương mại đó là việc dự báo và kiểm soát rủi ro để có biện pháp phòng tránh kịp thời, tránh gây ra tổn thất cho công ty. Quản trị rủi ro là phải biết nhận dạng rủi ro, lập bảng danh mục rủi ro, đo lường rủi ro, tổn thất; lựa chọn bảo hiểm rủi ro; phải biết kiểm soát rủi ro bằng cách: né tránh rủi ro, chủ động chấp nhận rủi ro và khi đã gặp rủi ro rồi thì biết cách giảm thiểu tổn thất, xây dựng kế hoạch phục hồi, thực hiện kế hoạch phục hồi và đánh giá lại rủi ro. Các nhà quản trị cuả công ty Cavico Việt Nam Thương mại chưa thực sự có được phương pháp quản trị rủi ro có hiệu quả, nên khả năng đề phòng rủi ro còn hạn chế. Đồng thời, công tác xử lý rủi ro cũng hết sức “qua loa”, không triệt để, dẫn đến những tổn thất gây ra bởi rủi ro này trở thành mầm mống gây ra rủi ro khác, rủi ro nối tiếp như vậy sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hoạt động của công ty.