7. Bố cục của luận văn
2.2.1.1. Khái niệm ngữ cảnh
Gillian Brown - George Yule [9] dùng thuật ngữ "ngữ cảnh" (Context) và ngôn cảnh (Co-text). Theo tác giả, ngữ cảnh là môi trường phi ngôn ngữ trong đó ngôn ngữ được sử dụng. Ngữ cảnh có vai trò đặc biệt quan trọng trong phân tích ngữ nghĩa.
Tác giả Nguyễn Thiện Giáp thì đưa ra khái niệm ngữ cảnh tình huống và ngữ cảnh văn hóa. Tác giả cho rằng: "ngữ cảnh văn hóa bao gồm hàng loạt các nhân tố văn hóa như phong tục, tập quán, chuẩn tắc hành vi, quan niệm giá trị, sự kiện lịch sử, những tri thức về tự nhiên và xã hội, về chính trị và kinh tế". Còn "ngữ cảnh tình huống là thế giới, xã hội và tâm lý mà trong đó, ở một thời điểm nhất định người ta sử dụng ngôn ngữ. Nó có thể bao gồm sự hiểu biết về vị trí, thời gian và không gian, sự hiểu biết về phép xã giao trong xã hội và sự hiểu biết về mã ngôn ngữ được dùng (nói hoặc viết), sự hiểu biết về nội dung giao tiếp và bối cảnh giao tiếp". Và đôi khi "ngữ cảnh tình huống còn có cả sự chấp nhận của người nói và người nghe".
Trong các phát ngôn tỉnh lược, một yếu tố vô cùng quan trọng cho phép ta phục hồi cấu trúc trường liên tưởng về nghĩa của các yếu tố bị tỉnh lược là phải dựa vào ngữ cảnh (dựa vào các từ hay nhóm từ bao quanh nó) làm tường minh hóa nội dung của các phát ngôn có thành phần bị tỉnh lược.
Tác giả Nguyễn Thiện Giáp [7, 144] còn cho rằng: "Nghiên cứu văn cảnh còn giúp chúng ta làm sáng tỏ bản chất ngữ nghĩa của hiện tượng tỉnh lược trong lời nói và hiện tượng lây nghĩa (contasion). Tỉnh lược là hiện tượng bỏ bớt các từ trong lời nói, những từ này dễ dàng có thể phục nguyên lại. Khi bị tỉnh lược, nghĩa của các từ bị tỉnh lược dường như được bao hàm trong ý nghĩa của các từ còn lại liên hệ với nó".