III/ ĐỐI VỚI GIA ĐÌNH VÀ GIÁO DỤC 1 Đối với gia đình
1.2/ Ảnh hưởng tiêu cực
Gia đình Việt Nam ngày nay được xây dựng trên những quy tắc mới nhằm bảo đảm những quan hệ lành mạnh và có kỹ năng giữa các thành viên trong gia đình. Cùng với việc kế thừa những giá trị tốt đẹp của truyền thống, chúng ta còn phê phán và loại bỏ những yếu tố tiêu cực đang ảnh hưởng tới việc xây dựng gia đình văn hóa mới, đang cản trở công cuộc đổi mới ở nước ta.
Chủ nghĩa gia đình, căn bệnh từng bán rễ, ăn sâu trong xã hội cũ giờ đây vẫn còn tồn tại trong suy nghĩ và hành động của nhiều người.
Do ảnh hưởng của Nho giáo, trên thực tế việc giải quyết các vấn đề trong đời sống xã hội thường bị phụ thuộc vào tình cảm cha con, mẹ con, vợ chồng, anh em... Thói chiếu cố, cưu mang rộng rãi đến bà con, họ hàng vẫn
còn. Ở nhiều nơi vẫn còn tình trạng cán bộ lợi dụng chức quyền đưa người thân vào cơ quan nắm giữ những chức vụ quyền lực quan trọng, né tránh không dùng những người chính trực để mưu lợi cá nhân. Mặt khác, họ biến các quan hệ cơ quan thành quan hệ kiểu gia đình. Nhìn bề ngoài, kiểu quan hệ này có vẻ ấm cúng, nhưng nó lại chứa đựng mầm mống mất dân chủ, mất đoàn kết, bè phái và nhiều hành vi tiêu cực khác. Đây là tiền đề đi tới những vụ tham nhũng tập thể có hệ thống, có tính toán chặt chẽ. Các vụ tham nhũng tập thể có khả năng vô hiệu hóa các hoạt động kiểm tra, thanh tra của các cơ quan chức năng.
Quan niệm "nhà trước, nước sau" hầu như đã trở thành đạo lý khống chế tư duy và hành động của một bộ phận xã hội.
Chúng ta lên án chủ nghĩa cá nhân của hệ tư tưởng tư sản, đồng thời cũng cần lên án thứ chủ nghĩa cá nhân của những con người; còn mang nặng hệ tư tưởng phong kiến trói chặt mình vào gia đình, một thứ chủ nghĩa cá nhân mà thực chất là chủ nghĩa vị kỷ gia đình. Tình cảm gia đình là tình cảm sâu sắc và thiêng liêng của con người. CNXH không xóa bỏ gia đình mà tạo điều kiện để xây dựng và củng cố gia đình bền vững. Nhưng tình cảm của con người phải vượt qua ngưỡng cửa gia đình, vươn tới tình cảm lớn lao, đó là tình yêu Tổ quốc. Quá nặng tình cảm gia đình, quá tính toán vì danh lợi riêng của gia đình, thiên vị, che đậy cho bà con anh em, kéo bè kéo cánh trong dòng họ để đối lập với lợi ích công cộng của địa phương và xã hội là điều cần lên án và loại bỏ.
Sinh thời, Hồ Chí Minh đã từng phê phán những quan điểm và hành vi lệch lạc trong quan hệ gia đình. Người đã nêu rõ tình trạng kéo bè kéo cánh, đưa bà con bạn hữu không có tài năng gì vào chức này chức nọ mà quên mất rằng việc là việc công chứ không phải việc riêng gì của dòng họ ai.
Người còn căn dặn phải cân nhắc, lựa chọn giữa gia đình to (cả nước) với gia đình nhỏ. Người cách mạng bao giờ cũng chọn gia đình to. Đến
CNXH hay CNCS, gia đình chung đã có hạnh phúc thì gia đình riêng cũng có hạnh phúc. Vì vậy trong lúc cách mạng gay go phải chọn cái lớn. Nếu phải hy sinh gia đình nhỏ cho gia đình lớn cũng phải làm.
Nhân dân ta đã từng đổ mồ hôi, xương máu để giành lại độc lập; tự do, xây dựng một cuộc sống bình đẳng và dân chủ. Gia đình phải là nền tảng của xã hội mới, phải góp phần bảo vệ những thành quả đã đạt được. Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với vấn đề gia đình sẽ vừa đáp ứng được nhu cầu đổi mới của đất nước, vừa khai thác những truyền thống tốt đẹp của gia đình cũ, trong đó có những nhân tố tích cực của Nho giáo.