2.3.1. Bài học kinh nghiệm.
Sách giáo khoa là một công trình lớn. Sự chính xác của SGK (cả về kỹ thuật và kiến thức) có ảnh hưởng rất lớn tới cả người dạy và người học. Tuy nhiên trên thực tế vẫn đang có những sai sót do biên soạn sách và in ấn. Đó có thể là những sơ suất về lỗi kỹ thuật hay những thiếu sót về kiến thức. Thực tế này đòi hỏi khi tiếp cận SGK, cả giáo viên, sinh viên, học sinh,... (nói chung là những người sử dụng sách) cần phải quan tâm và lưu ý tới những vấn đề sau đây:
Trước hết, phải bảo đảm sử dụng đúng SGK của Nxb Giáo dục và Đào tạo. SGK của Nxb Giáo dục và Đào tạo là sách mà những kiến thức cơ bản mang tính chính thống được nhà nước lựa chọn đúng quy định về chuẩn kiến thức ở bậc học phổ thông. Người dạy và người học cũng cần lưu ý, tránh mua
phải những cuốn SGK giả, sách ngoài luồng. Loại sách này thường hay tồn tại những lỗi, đặc biệt là lỗi về kỹ thuật, in ấn, có khi mất dòng, mất trang.
Khi tiếp cận SGK, giáo viên với tư cách nhà chuyên môn phải chủ động nghiên cứu để thấu hiểu nội dung và phương pháp của từng bài, mục. Thực tế cho thấy: Trong việc giảng dạy giáo viên cần đảm bảo đúng và đủ dung lượng kiến thức trong SGK, nhưng không nên quá phụ thuộc vào sách. Bản thân mỗi giáo viên cần phát huy tinh thần độc lập và sáng tạo trong giảng dạy. Việc này giúp cho người dạy chủ động kiểm soát những sai sót đáng tiếc của sách. Thông qua đó, họ sẽ hạn chế được tới tới mức thấp nhất những sơ suất trong quá trình giảng dạy và những sai phạm của sách. Với trình độ của học sinh nói chung, các em thường chưa thể phát hiện ra những sai sót của SGK. Khi giáo viên phát hiện ra những thiếu sót nào đó của sách, thì cần phải kịp thời hướng dẫn học sinh nhận thức lại cho đúng và chỉnh sửa.
Học sinh cũng cần phải chủ động trong việc tiếp cận SGK. Trước hết, học sinh cần đọc kỹ từng bài học trong sách. Các em có thể phát hiện những lỗi về kỹ thuật. Trên cơ sở đó, dưới sự hướng dẫn của giáo viên, học sinh sẽ tiến hành sửa chữa những sai sót đó. Trong quá trình làm bài tập (ở SGK và SBT), sau khi giải xong mỗi một bài, học sinh cần phải tham khảo phần đáp án và lời giải có in ở phần cuối của sách. Nếu thấy có sự khác biệt, cần xem lại bài giải của mình, nếu như chắc chắn đáp số của mình mới là đúng, phải cùng với giáo viên nhận ra lý do đã dẫn đến sự sai sót đó. Quá trình tương tác giữa người học và người dạy trong tình huống ấy cũng là một giải pháp tốt để nâng cao chất lượng đào tạo.
2.3.2. Một số kiến nghị
Là sinh viên đại học sư phạm, cũng đã qua 12 năm học phổ thông và tương lai sẽ có thể gắn bó nhiều với SGK, tôi muốn đưa ra một số kiến nghị
với hy vọng những đóng góp của mình có thể góp phần nhỏ bé vào việc hoàn thiện công trình SGK nói chung và SGK môn toán nói riêng.
Trước hết, việc biên soạn và thẩm định hệ thống SGK và SBT cần phải được làm cẩn thận, tỉ mỉ để đảm bảo sự chính xác cao nhất.
Mỗi trường học cần thường xuyên có những buổi thảo luận, trao đổi ý kiến về chuyên môn, kinh nghiệm giảng dạy. Thông qua những buổi trao đổi ý kiến như vậy, nhiều vấn đề sẽ được giải quyết, trong đó có việc tìm ra những thiếu sót của SGK và cách khắc phục những thiếu sót đó.
Trong phần lời giải ở SBT các môn khoa học tự nhiên nói chung và toán học nói riêng nên đưa ra nhiều cách giải cho một bài. Nhờ đó, hiện tượng đáp án sai sẽ được khắc phục. Bên cạnh đó, giáo viên cũng như học sinh sẽ có nhiều cách tiếp cận và giải quyết mỗi bài toán.
Những điều trình bày trên đây càng nói nên rằng: tốt nhất là phải có một cuốn sách, một bộ SGK thật chuẩn mực. Để nói về điều này, tác giả xin được nêu những thông tin mới nhất ở cấp nhà nước trong mối quan tâm về SGK.
Tại hội nghị tham vấn các chuyên gia giáo dục, nhà khoa học về chương trình - sách giáo khoa phổ thông do Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức ngày 5/4/2013, có nhiều ý kiến xoay quanh việc tìm giải pháp để khắc phục những bất cập của SGK hiện nay. Một trong những ý kiến được nhiều người quan tâm và nhất trí đó là huy động nhiều tổ chức, cá nhân, các viện nghiên cứu, các trường đại học có chuyên môn tham gia việc biên soạn công trình SGK. Với 200 người tham gia thiết kế chương trình và trên 600 người tham gia biên soạn SGK hiện hành là một đội ngũ khá hùng hậu. Tại hội nghị, có ý kiến cho rằng nên chọn lọc tinh hơn đội ngũ xây dựng chương trình và SGK, nhưng cũng có ý kiến nêu cần mở rộng để nhiều người cùng góp sức. GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng cần
tận dụng chất xám các nhà khoa học của các hội chuyên môn như hội sinh học, vật lý, sử học... để thiết kế chương trình - SGK: “Tôi không thấy Bộ GD- ĐT mời chúng tôi tham gia, trong khi ở nhiều nước khác, các viện nghiên cứu, hội nghề nghiệp cũng có thể viết SGK. Trong tay tôi có tới 70 cuốn SGK sinh học của các nước do các nhóm tác giả khác nhau viết, họ viết rất tốt... Vậy thì tại sao chúng ta phải lo ngại? ”. Đây thực sự là những đề xuất hứa hẹn mang lại nhiều hiệu quả. Bản thân tôi rất mong muốn đề xuất này được nhanh chóng thực hiện trong công tác biên soạn SGK trong tương lai.
TS Vũ Văn Dụ - nguyên vụ trưởng Vụ Giáo viên, Bộ GD-ĐT - nhận xét khuyết điểm mãn tính của tất cả các cuộc cải cách giáo dục và đổi mới giáo dục là đội ngũ giáo viên “ngơ ngác” trước các vấn đề đổi mới ở bậc phổ thông. “Đúng ra cần bắt đầu từ các trường sư phạm. Với việc nghiên cứu đổi mới chương trình - SGK phổ thông, Bộ GD-ĐT phải tập hợp các trường ĐH sư phạm mạnh cùng nghiên cứu, cùng thực hiện và đổi mới đầu tiên từ việc đào tạo giáo viên trong các trường này. Nhưng các cuộc cải cách giáo dục và đổi mới giáo dục vừa qua, việc nghiên cứu, việc chỉ đạo, thực hiện vẫn chỉ được làm trong các nhà trường phổ thông, còn trường sư phạm đứng ngoài cuộc hoặc chỉ phối hợp theo kiểu đứng hàng hai”. Đồng quan điểm, GS Nguyễn Đức Chính cho rằng: “Thiết kế một chương trình, thiếtkế bộ SGK có chất lượng đã là việc khó, nhưng nếu không có một đội ngũ giáo viên để thực hiện nó thì mục tiêu giáo dục còn khó đạt được hơn”. Theo GS Chính, với việc thay đổi mục tiêu giáo dục “chú trọng phát triển năng lực cho người học, thì người thầy phải bứt khỏi lối dạy truyền thụ để chuyển sang làm công việc tổ chức quá trình tự học của người học. Muốn vận hành một chương trình theo hướng tích hợp, phân hóa thì giáo viên phải được đào tạo để làm điều này”.Theo sự phân tích của những nhà chuyên môn, chúng ta thấy rằng, chủ
thể của hoạt động giáo dục vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu. Thực tế cho thấy, chính lực lượng giáo viên là những người sau khi tiếp cận với SGK, thông qua quá trình thực tiễn giảng dạy, họ sẽ phát hiện những vấn đề bất cập của sách. Và cũng chính lực lượng giáo viên, bằng kinh nghiệm giảng dạy của mình, họ sẽ có những giải pháp đúng đắn và phù hợp để định hướng khắc phục những nhược điểm đó. Vậy thì, việc nâng cao chất lượng giáo viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Khi chất lượng giáo viên được đảm bảo, họ sẽ không bị thụ động trong việc tiếp cận sách và đặc biệt khi gặp những sai sót của SGK.
KẾT LUẬN
Lịch sử tiến hóa của nhân loại là lịch sử phát triển của những phương thức sản xuất, phương thức sản xuất sau bao giờ cũng cao hơn. Dấu ấn của những phương thức đó đã được vật chất hóa trong những công cụ, phương tiện mà con người đã chế tạo và sử dụng chúng. Có công cụ lao động, con người tạo ra năng suất lao động cao hơn để từng bước hoàn thiện mình. Vì thế chính con người luôn chăm lo cải tiến và chế tạo công cụ ngày một mới và tốt hơn. Với ý nghĩa đó, sự thay đổi của phương thức sản xuất đánh dấu sự tiến bộ của lực lượng sản xuất, trong đó công cụ sản xuất giữ vai trò quan trọng.
Như đã xác định ở chương I của khóa luận: SGK là công cụ, phương tiện của quá trình dạy và học của loài người. Xin khẳng định chỉ có loài người mới có công cụ là SGK để dạy và học, qua công việc vĩ đại đó, loài người làm cho nhau mang tính “người” hơn. Trong ý nghĩ đó SGK phải là một công trình cực kỳ quan trọng. Suy cho cùng, SGK là sách để đào tạo những người làm chủ tương lai. Chất lượng của loại sách đó phải là tốt nhất trong các loại sách. Tất cả những việc làm nhằm đạt mục đích đó cần được xem trọng và khích lệ.
Những nhiệm vụ, mục đích được đề ra khóa luận đã từng bước giải quyết. Trong khuôn khổ một cuộc tập sự làm khoa học của một sinh viên sắp bước vào nghề, tác giả thật sự phấn khởi và tự tin hơn để đến với nghề. Chắc là sau này, tác giả sẽ kế nghiệp của cha mình - thầy giáo dạy toán ở phổ thông vì tác giả cũng thật sự yêu môn toán và yêu nghề dạy học. Công việc của khóa luận này cũng thể hiện niềm khát khao mong mỏi của tác giả về những cuốn SGK có chất lượng cao, góp phần để học sinh được tiếp cận tri thức của nhân loại ngày càng tốt hơn, góp phần phát triển hơn nữa sự nghiệp đào tạo và giáo dục nước nhà . Có như vậy, thế hệ trẻ Việt Nam mới đáp ứng kỳ vọng của
Chủ tịch Hồ Chí Minh: “ Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có bước lên đài vinh quang để sánh vai các cường quốc năm châu hay không, phần lớn nhờ vào công học tập của các em”.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2012), Bài tập Hình học 11, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2012), Hình học 11, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2011), Ngữ văn 6, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
4. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2011), Ngữ văn 8, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
5. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2011), Tiếng anh 6, tập 2 Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
6. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2011), Toán 6, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
7. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2006), Vật lý 8, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
8. Bộ Giáo dục và đào tạo- Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam (1999), Đại từ điển tiếng Việt, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
9. Vương Tất Đạt (2011), Logic học đại cương, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
10. Nguyễn Bá Kim (2011), Phương pháp dạy học môn toán, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội.
11. Trần Thị Tuyết Oanh (2010), Giáo dục học đại cương, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội.
12. Nguyễn Quang Uẩn (2011), Tâm lý học đại cương, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội.