Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc trong chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc (7 – 10/4/2015), mục

Một phần của tài liệu ĐỊA CHÍNH TRỊ VÀ CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA VIỆT NAM TỪ 1991 - NAY (Trang 39 - 45)

Bên cạnh đó, mối quan tâm của Trung Quốc đối với khối ASEAN ngày càng tăng. Để tạo những điều kiện thuật lợi nhất để chống âm mưu thôn tính Biển Đông của Trung Quốc thông qua chiều bài đường lưỡi bò, Việt Nam kiên trì đấu tranh, kiến nghị để cùng với các nước ASEAN đang có tranh chấp với Trung Quốc ra một thông cáo chung. Điều này chắc chắn sẽ làm Trung Quốc mất đi tính ưu thế trong tranh chấp với Việt Nam, nhất là khi Trung Quốc muốn tranh thủ sự ủng hộ của ASEAN để mà cạnh tranh với Mỹ. Ngày 20/7/2012, "Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông" của ASEAN được đưa ra sau khi Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần 45 kết thúc tại Phnom Penh đã một lần nữa khẳng định mong muốn, quyết tâm của Việt Nam cũng như của các nước thành viên ASEAN khác tiếp tục duy trì đoàn kết, phát huy vai trò trung tâm của mình trong các vấn đề của khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông. Những hành động vào tháng 8/2010 trong việc cố tạo ra những mâu thuẫn mới trong khu vực Biển Đông đã bị các nước ASEAN lên tiếng gay gắt, chỉ trích.

Có thể nói các nước ASEAN chắc chắn sẽ không nhân nhượng trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước, hải đảo và kiểm soát thềm lục địa. Đặc biệt là các bên liên quan như Việt Nam, Philippin đã tuyên bố kiên quyết bảo vệ chủ quyền của mình.

Bên cạnh các công tác đối ngoại song phương hay đa phương trong lĩnh vực chính trị nhằm làm giải quyết vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, thì chính sách đối ngoại còn diễn ra trong cả lĩnh vực quân sự và quốc phòng. Đối ngoại Quốc phòng là bộ phận, kênh đối ngoại quan trọng; tổng thể các hoạt động, biện pháp hòa bình nhằm thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại, chính sách quốc phòng trong quan hệ với các nước, các tổ chức quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tham gia gìn giữ hòa bình, ổn định của khu vực và trên thế giới.

Đối ngoại Quốc phòng không phải là công tác đối ngoại đơn thuần của Bộ Quốc phòng, quân đội mà bao gồm các hoạt động đối ngoại trong lĩnh vực quốc phòng với các nước, các tổ chức quốc tế, liên quan đến độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia-dân tộc của Việt Nam và an ninh, hòa bình của khu vực, thế giới; đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Chính phủ, trực tiếp, thường xuyên là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng.

Đối ngoại Quốc phòng là một thành tố quan trọng của đối ngoại quốc gia, với những đặc trưng: Một là, vừa hợp tác, vừa đấu tranh để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh, lợi ích quốc gia-dân tộc; hai là, góp phần bảo vệ hòa bình, tạo môi trường thuận lợi, tranh thủ điều kiện quốc tế để xây dựng, phát triển đất nước; ba là góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; bốn là tranh thủ điều kiện từ bên ngoài để xây dựng quân đội.

Trong điều kiện tranh chấp Biển Đông ngày càng căng thẳng, thì để thực hiện được mục tiêu đặt ra, đối ngoại quốc phòng cần phải “Chủ động tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, trước hết là các cơ chế hợp tác quốc phòng do ASEAN giữ vai trò chủ đạo, tham gia các cơ chế đa phương về kiểm soát vũ khí hủy diệt hàng loạt, diễn tập chung và các hoạt động khác. Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII (2016), Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục chủ trương: "Chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh, trong đó có việc tham gia các hoạt động hợp tác ở mức cao hơn như hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, diễn tập về an ninh phi truyền thống và các hoạt động khác.

Việt Nam cũng tham gia các cơ chế hợp tác quốc phòng như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), ARF, Đối thoại Shangri-La... và việc chính thức tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc... Đồng thời, nghiên cứu tham gia các cơ chế hợp tác quốc phòng đa phương khác.

Sáng kiến về Diễn đàn “Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN” được nhóm công tác về hợp tác an ninh đưa ra trong cuộc họp ngày 09/5/2004 tại In-đô-nê-xi-a và được Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 10 họp tại Lào tháng 12/2004 thông qua. Qua các lần Hội nghị (cho tới nay ADMM đã trải qua hội nghị lần thứ 9), Việt Nam luôn tích cực tham gia và chia sẻ quan điểm về những vấn đề an ninh nổi lên ở khu vực, tuyên truyền đường lối và chính sách quốc phòng hòa bình và tự vệ của Việt Nam, qua đó xây dựng lòng tin, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị giữa quân đội các nước ASEAN. Liên quan đến tình hình phức tạp ở Biển Đông, Việt Nam luôn đưa ra những quan điểm và đề xuất các biện pháp giải quyết hòa bình.

Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam năm 2010, có sự tham dự của 18 nhà Lãnh đạo quốc phòng 10 nước ASEAN và 8 nước Đối tác Đối thoại là: Trung Quốc, Nga, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân. Như vậy, kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ADMM+ lần thứ nhất là Hội nghị có số lượng Bộ trưởng Quốc phòng tham dự lớn nhất. Sự thành công của hội nghị này có dấu ấn rất rõ nét của nước chủ nhà Việt Nam; thể hiện rõ uy tín và vai trò của Việt Nam trong năm Chủ tịch ADMM. Việt Nam thực sự đã tạo được sự gắn bó, đoàn kết trong ASEAN, khẳng định được vai trò chủ động của ASEAN trong tiến trình ADMM+ và đã thực hiện rất tốt công tác điều phối giữa các nước ASEAN và các nước đối tác, đối thoại; đặc biệt, trong việc tạo đồng thuận đối với các nội dung của Hội nghị.

Hội nghị cấp cao An ninh châu Á-Thái Bình Dương hay còn gọi là Đối thoại ShangriLa được tổ chức thường niên từ năm 2002 tại khách sạn Shangri-La của Singapore theo sáng kiến của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS). Thành phần tham dự Đối thoại là các Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng,

các quan chức chính trị, ngoại giao của các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Việt Nam tham dự Đối thoại ShangriLa ngay từ đầu. Từ chỗ tham gia ở cấp thấp, Việt Nam đã cử quan chức cấp cao hơn tham dự và gửi đi thông điệp tới bạn bè quốc tế về khát vọng cũng như trách nhiệm của Việt Nam đối với hòa bình, ổn định của khu vực và quốc tế, đồng thời, khẳng định sự cần thiết phải có lòng tin chiến lược trong quan hệ quốc tế, cũng như thiện chí mong muốn ngăn ngừa và giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình.

Việc gia nhập vào các hệ thống và cơ chế này không phải là mục đích của Đối ngoại Quốc phòng. Việt Nam gia nhập hệ thống và tổ chức, cơ chế này nhằm thực hiện những lợi ích của mình trong đó, giành quyền cho Việt Nam và cho các nước có cùng ý tưởng, từ đó cải cách và cải tạo những yếu tố không công bằng, không hợp lý trong hệ thống quốc tế. Thảo luận và làm rõ lợi ích khu vực và quốc tế của Việt Nam, thể hiện mục tiêu và nội dung chiến lược của Việt Nam trong khu vực và quốc tế, làm cho Việt Nam có những mục tiêu rõ ràng và lâu dài khi tham gia ĐNQPĐP, nắm vững và có đối sách rõ ràng đối với các chương trình hoạt động ngoại giao, đồng thời chủ động thúc đẩy chương trình đa phương có lợi cho hòa bình và phát triển của Việt Nam và thế giới.

KẾT LUẬN.

Có thể nhận thấy vai trò địa lý có tác động rất to lớn đối với các chiến lược của các quốc gia và trên thế giới, các nước đều quan tâm đến địa chính trị và gắn nó với các chiến lược của đất nước và quan hệ quốc tế. Việt Nam mặc dù là đất nước nằm trong “vành đai trong” theo lý thuyết của Mackinder. Song, chính vị trí địa lý và sự vận động phát triển của quan hệ chính trị trong khu vực trong thế kỷ XX đã đưa vai trò, vị thế của Việt Nam trở thành mắc xích quan trọng trong địa chính trị khu vực.

Trong chiến lược phát triển của các cường quốc, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc. Đối với Mỹ, mặc dù Liên Xô đã không còn tồn tại, mâu thuẫn đối kháng giữa hai hệ thống tư tưởng chính trị đã không còn nữa, song, nước Nga ngày nay vẫn án ngữ ở “miền đất trái tim” của lục địa Á – Âu, vẫn trở thành nơi có thể thách thức sức mạnh của cả Hoa kỳ. Do đó, sự cần thiết phải giành quyền ảnh hưởng trong khu vực và kiểm soát đối với Việt Nam hiện nay đã trở thành yêu cầu bức thiết nếu Mỹ muốn ngăn chặn sự hùng mạnh trở lại của nước Nga, nhất là sau khi cô lập Nga ở châu Âu và Trung Á. Đồng thời Mỹ cũng cần thiết phải ngăn chặn sự trỗi dậy của các cường quốc khu vực, đặc biệt là Trung Quốc và Nhật Bản, những nước rất cần thị trường tài nguyên giàu có của vùng Đông Nam Á làm bàn đạp trỗi dậy. Do đó chính sách đối ngoại của Việt Nam là cần thiết phải tranh thủ “đồng minh tự nhiên” là Mỹ để tạo ra những điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước, tạo điều kiện tốt hơn nữa để đưa đất nước hội nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế.

Còn đối với Trung Quốc, cũng là quốc gia “vành đai trong” song, chính vị trí đặc biệt của mình ở Đông Á, cùng với việc dân số đông đảo. Trung Quốc có khả năng và tiềm lực tạo nên sự trỗi dậy để thách thức vị trí siêu cường của cường quốc biển là Mỹ và cường quốc lục địa là Nga. Nếu như Trung Quốc kiểm soát được vùng Đông Nam Á thì đồng nghĩa khả năng và tiềm lực đó của Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ, có khả năng đưa Trung Quốc sẽ trở thành siêu cường cả về lục địa và biển. Vì thế chính sách đối ngoại của Việt Nam đối với Trung Quốc là tạo một bước đi trung lập, không đứng về Mỹ để chống Trung Quốc, cũng không đứng về phía Trung Quốc để chống Mỹ. Vừa hợp tác toàn diện vừa đấu tranh nhằm bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền hợp pháp và lợi ích cốt lõi của Việt Nam trong vấn đề tranh chấp Biển Đông.

Ngày nay, ngoài sử dụng thuyết sức mạnh trên biển, trên không thì các nước đang quan tâm nhiều đến thuyết địa chính trị tài nguyên, địa chính trị biển đảo và

các ưu thế của riêng mình để bảo vệ an ninh quốc gia và tăng vị thế của mình trong các đàm phán song phương và đa phương. Theo đó Việt Nam, đã và đang cố gắng sử dụng vị trí, vai trò của mình trong địa chính trị khu vực với phương châm "dĩ bất biến, ứng vạn biến", vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm trong công tác ngoại giao của các thế hệ đi trước để góp phần duy trì môi trường hoà bình ổn định để phát triển đất nước, giữ vững chủ quyền và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Một phần của tài liệu ĐỊA CHÍNH TRỊ VÀ CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA VIỆT NAM TỪ 1991 - NAY (Trang 39 - 45)