Còn các chuyên gia Mỹ thì đánh giá rằng, mối quan hệ Việt Nam và Trung Quốc vẫn còn rất nhiều những bất đồng lớn, trong đó là vấn đề chủ quyền đang tranh chấp tại Biển Đông, vì thế Việt Nam rất cần một “liên minh” để cân bằng cán cân này, vì thế Việt Nam là một “liên minh” tự nhiên với nước Mỹ. Tức, Mỹ cần thiết phải giành lấy sự ảnh hưởng của mình ở Việt Nam. Tuy nhiên, giữa Việt Nam và Mỹ cũng còn nhiều bất cập trong mối quan hệ bang giao, đặc biệt là sự khác biệt về ý thức hệ, áp lực về các chính sách can thiệp của Mỹ thông qua các chiêu bài như “nhân quyền”, “tự do”. Do đó, đây cũng là trở ngại để người Mỹ xích lại gần Việt Nam hơn. Mặc dù Mỹ vẫn xem Việt Nam như yếu tố chính trong vấn đề ngăn cản sự bành trướng của Trung Quốc tại Đông Nam Á, nhưng Việt Nam chưa bao giờ mong muốn mình trở thành một bộ phận trong chiến lược chống Trung Quốc của Mỹ27.
Mặc dù trọng tâm chiến lược của nước Nga hiện nay là ở Châu Âu, nơi mà cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa Nga và Nato bao trùm lên toàn bộ các nước không gian hậu Xô viết. Đồng thời nước Nga cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi các chính sách cấm vận của Mỹ kể từ khi Nga sáp nhập Cộng hòa Crime. Cho nên chính sách hiện nay của Chính phủ Nga là hướng vào châu Á, vào Đông Nam Á, nơi có các thị trường tiềm năng có thể giúp Nga hồi phục nền kinh tế của mình. Nga đồng thời duy trì mối liên hệ của mình với cả Trung Quốc và Việt Nam.
Nga với Việt Nam và ASEAN không phải là láng giềng về mặt địa lý, trong quá khứ Nga cũng không để lại các “dấu tích” của các cuộc xâm lược thuộc địa khu vực này. Và từ lâu, mối quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga đã là những đối tác quen thuộc và đáng tin cậy. Chiến lược kinh tế của Nga ở vùng này không chỉ nhắm vào các nguồn nguyên vật liệu, sản phẩm nông nghiệp mà chủ yếu đó chính là xuất khẩu thiết bị quân sự - nguồn thu ngoại tệ tương đối của nước Nga.