Chương 3.Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
3.2. Một số biểu hiện của tăng trưởng nóng ở Việt Nam
● Lạm phát
Trong thời kỳ 2000-2005, lạm phát trung bình của các nước đang phát triển là 4,5%/năm, thấp hơn mức 6,6% của Việt Nam. Chênh lệch về lạm phát trung bình giữa hai thời kỳ 1999-2001 và 2002-2004 ở các nước đang phát triển là âm 5.6% (lạm phát giảm). Ngược lại, mức chênh lệch này ở Việt Nam là 6.4% (lạm phát tăng). Theo thời báo The Economist, chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam đã tăng gần 20% trong năm 2010, đứng thứ 3 trong 27 nền kinh tế mới nổi được nghiên cứu. Mức lạm phát này thậm chí còn cao hơn ở Ấn Độ (9%), Trung Quốc (gần 6%) và Malaysia(3%).
Từ năm 2012 đến 2015, lạm phát Việt Nam có xu hướng giảm từ 9% xuống mức thấp nhất là 0,8% vào năm 2015. Tuy nhiên từ năm 2016 đến năm 2018, mức lạm phát lại tăng liên tục đến 3,5% và cao hơn các nước khác trong khu vực. Theo
Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, mức lạm phát năm 2019 dự kiến vẫn sẽ tiếp tục ở mức trên 3%.
Biểu đồ 3 1: Tỷ lệ lạm phát của Việt Nam giai đoạn 2000 – 2017
Đơn vị : %
(Nguồn: data.worldbank)
● Tốc độ tăng GDP
Trong hai thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 20, Kinh tế Việt Nam luôn tăng trưởng với tốc độ ổn định hàng năm là từ 5-7%. Đây có thể nói là một tỷ lệ tăng trưởng vàng mà nhiều nước muốn đạt được, tuy nhiên nó cũng gây ra những mối lo ngại lớn khi mà ở nhiều khu vực, cơ sở hạ tầng và trình độ kỹ thuật chưa theo kịp tốc độ phát triển, gây ra tình trạng đầu tư không hiệu quả, kinh tế phát triển theo chiều ngang, chủ yếu là nhờ nguồn vốn đầu tư đổ vào.
Biểu đồ 3 2: Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam giai đoạn 2000-2017 Đơn vị : %
(Nguồn: data.worldbank)
Riêng trong năm 2018, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam cao hơn hẳn các nước trong khu vực và cao nhất trong 10 năm kể từ năm 2008.
Biểu đồ 3 3: Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2018 của Việt Nam so với một số nước trong khu vực
( Nguồn: World Bank và IMF)
● Tốc độ tăng trưởng tín dụng
Các nhà kinh tế đánh giá Việt Nam là một trong những nước có tín dụng và vốn đầu tư tăng với tốc độ choáng váng. Tuy nhiên, một vấn đề nổi lên là tốc độ tăng vốn đầu tư không đi liền với tốc độ tăng GDP danh nghĩa, điều này có nghĩa là đồng vốn đầu tư được sử dụng không hiệu quả. Ở những nền kinh tế mới nổi, khi ngành tài chính phát triển thì việc GDP danh nghĩa tăng chậm hơn so với mức tăng trưởng tín dụng có thể được coi là chuyện bình thường. Tuy nhiên, khi độ chênh lệch lên tới mức quá cao thì đây lại là một vấn đề lớn. Xem ở hình dưới ta thấy ở Việt Nam, tăng trưởng tín dụng tăng nhanh hơn tăng trưởng GDP danh nghĩa lên tới 8%, trong khi ở Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước khác, tỷ lệ này là dưới mức 0.
Biểu đồ 3 4: Mức chênh lệch giữa tốc độ tăng trưởng tín dụng và tốc độ tăng GDP trong 12 tháng của năm 2011
(Nguồn: The Economist)
● Tỷ lệ vốn đầu tư
Tỷ lệ vốn đầu tư trong GDP ở Việt Nam tỷ lệ thuận với tốc độ tăng GDP. So với các nước khu vực Đông Á và Đông Nam Á, tỷ trọng đầu tư trong GDP của Việt Nam thuộc hàng các nước đứng đầu. Năm 2007, tỷ trọng này ở Việt Nam chỉ thấp hơn so với TrungQuốc (44,2%), nhưng cao hơn so với Hàn Quốc (29,4%), Thái Lan (26,8%), Malaysia (21,9%)... Trong khi tỷ trọng đầu tư so với GDP ở hầu hết các nước có chiều hướng giảm đi, thì tỷ lệ này ở Việt Nam lại tăng mạnh. Trong khi đó, GDP tính trên đầu người của Việt Nam lại thấp hơn nhiều lần so với nhiều nước. Điều này có nghĩa là, Việt Nam đang thực hiện một mô hình kinh tế tiết chế tiêu dùng để tích lũy và đầu tư ở mức độ thuộc loại cao nhất ở Đông Á và Đông Nam Á. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong những năm qua, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng chủ yếu dựa vào vốn. Giai đoạn 2000-2005, vốn đóng góp vào tăng trưởng lên tới 64,63%, trong khi phần đóng góp của lao động chỉ là 19,25% và đóng góp năng suất tổng hợp là 16,12%.
Trong 10 năm gần đây, Việt Nam liên tục bị bội chi khi thực hiện chính sách tài khóa tăng thu để bù chi tiêu công. Tuy nhiên, có một thực tế là tốc độ tăng thu ngân sách luôn luôn cao hơn tốc độ tăng GDP. Đồng thời, Chính phủ cũng quyết định chi hằng năm khoảng 1/3 ngân sách cho đầu tư phát triển. Tổng nguồn vốn đầu tư
trong xã hội cũng không ngừng tăng, bình quân mỗi năm tăng 13,9%. Khu vực đầu tư nước ngoài có tốc độ tăng nhanh nhất - gấp 5,1 lần từ 2000-2009; tiếp đến là khu vực kinh tế ngoài quốc doanh với 3,5 lần và cuối cùng là khu vực kinh tế nhà nước, với 2,5 lần. Ngay cả vào năm 2008, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu, Chính phủ chủ trương cắt giảm đầu tư công, song số vốn đầu tư công chỉ ở mức thấp hơn so với năm 2007 và đến năm 2009 lại tăng vọt, nhằm thực hiện chủ trương “kích cầu đầu tư”. Ngoài ra, mức chênh lệch về tốc độ tăng trưởng đầu tư của Việt Nam giữa hai thời kỳ 2002-2004 và 1999-2001 là 4.7% GDP so với mức chung của các nước đang phát triển là 1.3%. Lưu ý thêm rằng mức chênh lệch này của Việt Nam chỉ thấp hơn của Trung Quốc(5.8%) và một hai nền kinh tế nhỏ khác trên thế giới.
● Thâm hụt tài khoản vãng lai
Tài khoản vãng lai của Việt Nam bị thâm hụt liên tục suốt từ năm 2002, có lúc lên tới 4.9% GDP, trong khi ở các nước đang phát triển nói chung khác là thặng dư liên tục từ năm 2000. Chênh lệch về thặng dư trên tài khoản vãng lai của các nước đang phát triển giữa hai thời kỳ 1999-2001 và 2002-2004 là 1.3%, so với mức của Việt Nam là âm 6.2% (tức cán cân thương mại đã bị xấu đi nhanh chóng). Gần đây nhất, trong năm 2011, thâm hụt tài khoản vãng lai của Việt Nam đã ở mức gần 4% GDP, và năm 2010 là khoảng 3,8%. Trong khi đó, hầu hết các nước trong khu vực Đông Nam Á và Đông Á đều có thặng dư tài khoản vãng lai.
Biểu đồ 3 5: Cán cân tài khoản vãng lai một số nước năm 2011 (%GDP)
(Nguồn: The Economist)
● Giá chứng khoán
Thực tế là chỉ số trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng nhiều lần kể từ khi thành lập và đã xấp xỉ ngưỡng 1.000 điểm vào năm 2007. Đây là một sự tăng trưởng rất nóng, trong khi doanh thu của đa phần các doanh nghiệp niêm yết chỉ tăng khoảng trên dưới 10%/năm. Điều này có nghĩa là thị trường chứng khoán đang bùng nổ theo kiểu bong bóng và đang đối mặt với rủi ro bong bóng xì hơi, mà hậu quả có thể là việc các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn ra khỏi Việt Nam.
● Thị trường lao động
Tăng trưởng kinh tế đã góp phần chuyển dịch thị trường lao động theo hướng công nghiệp hóa và đô thị hóa. Trong khi phần lớn lực lượng lao động tiếp tục làm việc ở khu vực nông nghiệp, tỷ lệ người làm trong khu vực công nghiệp và xây dựng đã gia tăng đáng kể. Vì vậy mà tử lệ lao động nông nghiệp đã giảm từ 65,3% năm 2000 xuống còn 47,6 năm 2009 trong khi tỷ lệ lao động trong ngành công nghiệp tăng từ 12,4% lên 21,8% trong thời gian này. Lao động ở khu vực dịch vụ tăng từ 22,3% năm 2000 lên 30,6% năm 2009. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, với nền
kinh tế gặp nhiều khó khăn, khủng hoảng ở nhiều khu vực, rất nhiều sinh viên sau khi ra trường không xin được việc làm phù hợp. Việc làm ở khu vực sản xuất hàng xuất khẩu và ở các làng nghề thủ công bị thu hẹp và nhiều công nhân nhập cư buộc phải trở về quê hương. Những số liệu trên đã chứng tỏ rằng Việt Nam đã mức tăng trưởng quá cao trong giai đoạn vừa qua, tiềm ẩn nhiều rủi ro và bất ổn.