Học thuyết về phương pháp: phương pháp bà đỡ

Một phần của tài liệu Quan niệm của Xôcrát về đối tượng của triết học.PDF (Trang 39)

B. NỘI DUNG

1.2.2.2 Học thuyết về phương pháp: phương pháp bà đỡ

Bàn đến học thuyết về phương pháp của Xôcrát, chúng ta cần khẳng định tính đặc thù của nó là sự thống nhất giữa nhân cách và tư duy. Đối với ông thì bản thân quá trình tồn tại, bản thân cuộc sống trực tiếp trở thành phương thức triết lý.

Từ đó, Xôcrát đã đặt ra vấn đề đầu tiên trong học thuyết về phương pháp của ông là vấn đề cội nguồn của tư duy. Động cơ dẫn Xôcrát đến với

triết học là sự kinh ngạc mà mặc khải thần thánh đã đem lại cho ông. Khi đặt câu hỏi: "có ai thông thái hơn Xôcrát không?" và nhận được câu trả lời là không có ai như vậy. Xôcrát rất lấy làm ngạc nhiên vì ông hoàn toàn không tự coi mình là người thông thái và quyết định kiểm tra lời tiên tri nhờ việc cầu viện các nhà thông thái tôn kính. Ông giao tiếp với tất cả các nhà hoạt động nhà nước, các nhà thơ, các nghệ nhân. Rốt cuộc, ông phát hiện ra một điều kỳ lạ: vốn là những người thông thạo trong lĩnh vực của mình, dựa trên cơ sở đó, họ tự mạo nhận mình là thông thái trong mọi lĩnh vực. So sánh mình với họ, Xôcrát đi đến kết luận: họ cũng ít xứng đáng được gọi là những người thông thái như ông. Ông nói: nếu như tôi không hiểu biết, thì tôi cũng không cho rằng tôi hiểu biết. Thiết nghĩ, tôi sẽ thông thái hơn một chừng mực nào đó. Khi đó sẽ hiểu được cách ngôn của thần linh rằng: sự thông thái của con người có giá trị không đáng kể hay hoàn toàn không có giá trị gì.

Xôcrát khẳng định: phương pháp bà đỡ chính là con đường tìm kiếm chân lý. Theo ông, không có ý kiến nào xác đáng tới mức được thừa nhận là chân lý. Với những cuộc hội thoại của mình, thông qua việc khắc phục các quan điểm không chân thực và thiển cận, nhà triết học đã đem lại khả năng đi đến quan niệm sâu sắc và chính xác hơn về sự vật. Với những câu hỏi, những lời đáp lại và những nhận xét, Xôcrát dẫn dắt tiến trình suy luận chung là cái dần dần hình thành diện mạo của tri thức chân thực. Ông dường như là người

chỉ đường cho ý thức của những người hội thoại, qua đó là cả ý thức của bản thân, lần tìm dấu vết của chân lý. Nhà triết học gọi phương pháp suy luận này là "đỡ đẻ", tức nghề của mẹ ông. Nếu mẹ ông đỡ trẻ thơ, thì Xôcrát giúp đỡ chân lý ra đời.

Nói cách khác, Xôcrát đề cập tới một đặc điểm quan trọng của tư duy cho phép tìm ra chân lý, - đó là tính mỉa mai của tư duy. Mỉa mai trở thành tinh thần đích thực của tư duy và giao tiếp giữa Xôcrát với mọi người. Nhưng, mỉa mai có mặt ở đâu thì không nên tin vào nghĩa đen của từ ở đó. Phán đoán mỉa mai bao giờ cũng có ẩn ý: nó hàm ý nói đến một cái khác với luận đề theo nghĩa đen. Tính chất mỉa mai, thứ nhất, đã giải phóng tư duy của Xôcrát khỏi quyền lực của những quan điểm đã bám chắc rễ; thứ hai, nó đã thủ tiêu kỳ vọng hiểu biết tất cả có trong bản thân tư duy. Mỉa mai là biểu thị lao động không mệt mỏi nhằm thử thách trí tuệ của bản thân và của người khác, đó cùng là công việc của cả đời ông.

Mỉa mai thường làm cho chân lý bị hoài nghi: nó thể hiện tư duy không

muốn yên tâm với sự hiểu biết hiện có. Ở mỗi thời điểm nhận thức, mỉa mai đều bao hàm ý thức rằng chân lý chúng ta đạt được không phải là chân lý tối hậu và đầy đủ, mà còn có những vấn đề mới và cần tiến hành những nghiên cứu mới. Khám phá vĩ đại đã được thực hiện như vậy: chân lý không nằm trong một tri thức nào đó, mà nằm trong bản thân quá trình nhận thức. Năng lực tư duy là sự đáng tin cậy lớn nhất và biểu hiện cô đọng nhất của lý tính.

Nghệ thuật mỉa mai đóng một vai trò quan trọng về mặt phương pháp luận nhận thức. Theo Xôcrát, nó có ba tác động cơ bản: thứ nhất, tẩy rửa ý thức khỏi tri thức cổ hủ, đã đánh mất tính xác thực của mình do có tính chất giáo điều cố hữu; thứ hai, làm cho tư duy có khả năng tìm kiếm chân lý; thứ ba, cho phép giữ lại nội dung phát hiện ra và thấu hiểu nội dung nhất quán của chúng. Chúng ta xem xét kỹ hơn ba yếu tố này trong mỉa mai của Xôcrát.

Tác động thức nhất: tẩy rửa ý thức

Trong quá trình nhận thức và tư duy, con người tích luỹ kinh nghiệm nhận thức về thế giới và về bản thân mình, kinh nghiệm này được để lại dưới các hình thức văn hoá khác nhau: những quan điểm phổ biến, những chuẩn tắc thống trị trong xã hội, những quy tắc đạo đức, những phương thức điều hành công việc. Kinh nghiệm này làm chỗ dựa vững chắc cho cuộc sống con người, định hướng nó, bổ sung năng lượng và tính hợp mục đích cho nó. Nhưng, đồng thời kinh nghiệm quá khứ cũng bao hàm trong mình một mối nguy hiểm. Nó biến thành dấu ấn để lại ở tư duy sống động, đang diễn ra ở hiện tại. Kinh nghiệm này thúc đẩy tư duy diễn ra, nhưng nó cũng có khả năng hạn chế tối đa tư duy ấy và thậm chí hoàn toàn loại bỏ khả năng tìm kiếm cái mới. Khi đó tư duy biến thành giáo điều, trở nên bất động và chết cứng.

Một khởi điểm giáo điều nào đó luôn đặc trưng cho tư duy - ở chừng mực nó viện vào kinh nghiệm tư duy quá khứ và dựa vào đó. Không một tư duy nào, ngoài tư duy thần linh, là sáng tạo thuần tuý, chỉ sáng tạo ở trong mình và xuất phát từ bản thân mình. Tuy nhiên, việc toàn bộ tư duy bị giáo điều hoá cũng có nghĩa là tư duy dừng lại và bị chết. Do vậy, cùng với việc phát triển và mở rộng kinh nghiệm nhận thức, thì cũng cần phải giải phóng tư duy khỏi quyền lực mang tính giáo điều kinh nghiệm ấy, khỏi việc biến nó thành giáo điều bất khả xâm phạm và tri thức tuyệt đối. Cả hai khởi điểm ấy - dựa vào kinh nghiệm tư duy quá khứ, tái hiện và sử dụng nó trong các hành vi nhận thức mới, một mặt loại bỏ những chân lý, tri thức và những nghĩa đã được thừa nhận trong định hướng vào viễn cảnh mới của tư duy, - mặt khác, đều cần thiết như nhau đối với ý thức và hiện diện một cách có liên hệ qua lại mật thiết với nhau ở trong nó. Bản nguyên thứ nhất trong số đó của ý thức được biểu thị bằng khái niệm "quyền uy", bản nguyên thứ hai - "lý tính" theo đúng nghĩa của từ này (lý tính đồng nghĩa với tìm kiếm chân lý).

Mỉa mai của Xôcrát có mục đích đầu tiên là dọn sạch ý thức khỏi những ý kiến chung mà, do có tính hiển nhiên, tính chung hay tồn tại lâu dài của chúng được thừa nhận là chân lý. Xôcrát nhận thấy vấn đề ở nơi ý thức của những người đối thoại và đồng bào của ông chỉ nhìn thấy những câu trả lời có sẵn. Xôcrát hoàn toàn không bắt đầu từ niềm tin mang tính hư vô chủ nghĩa rằng thế giới không nhận thức được, chân lý không đạt tới được và cần phải hoài nghi mọi tri thức. Không phải như vậy, ông thực sự thành tâm cố gắng hiểu biết. Nhưng ông muốn hiểu biết bằng lý tính, tức không đơn giản nhắc lại những phán đoán chung nào đó, mà làm sáng tỏ ông hiểu biết cái gì một cách thực sự đáng tin cậy và không thể bác bỏ được. Khát vọng thành tâm phát hiện ra tri thức có cơ sở vững chắc và không thể bác bỏ trong ý thức của mình đã đưa ông đến một kinh ngạc rằng ông không sở hữu tri thức như vậy. Do vậy, tri thức chân thực duy nhất là sự thực: Xôcrát không có tri thức như vậy. Chính khám phá như vậy được Xôcrát biểu thị trong luận điểm nổi tiếng: "Tôi biết là tôi không biết gì".

Trên thực tế, biết về sự không hiểu biết của bản thân bao hàm một tiềm năng sáng tạo lớn. Vả lại, cho tới khi chúng ta vẫn coi một điều gì đó là chân lý, chúng ta không có nhu cầu nhận thức điều đó. Chúng ta đơn giản sống, hành động hay phán xét một cách phù hợp với ý kiến đã được mọi người thừa nhận loại bỏ: nó yên tâm về đối tượng mà đã có một ý kiến bền vững và không tiến hành xem xét đối tượng ấy.

Luận điểm "Tôi biết là tôi không biết gì" cũng được các nhà tư tưởng khác biết đến, nhưng chỉ ở Xôcrát nó mới giữ một vị trí quan trọng như vậy. Thuật này là một phần của nghệ thuật hội thoại vì việc đưa ra nó sẽ tạo ra sự chấn động dễ chịu ở thính giả, kích thích cuộc đối thoại. Nhờ nó Xôcrát đồng thời cũng khẳng định nguyên tắc trung thực về mặt trí tuệ đối với bản thân, vì "sự ngu dốt xấu xa trên thực tế là việc cứ cho rằng mình biết điều mà mình

không biết" [105]. Xôcrát nhận xét rằng việc thừa nhận sự dốt nát của mình đồng thời đòi hỏi những nỗ lực không nhỏ: con người có thiên hướng nghĩ rằng họ biết nhiều hay biết đủ. Chính điều này cản trở họ tiếp tục nhận thức. Điểm mới thường bộc lộ ở cái tưởng chừng như quen thuộc đã biết. Xét về mọi mặt, bản thân Xôcrát không khác gì và không muốn khác so với những người khác. Sự khác biệt duy nhất của ông là ở chỗ ông "biết chắc chắn ông không biết gì". Đó chính là sự thông thái của ông.

Tác động thứ hai: tính cởi mở của ý thức

Luận điểm "tôi biết là tôi không biết gì" của Xôcrát đã tạo ra một cuộc cách mạng trong ý thức trì trệ, tự mãn. Khám phá của Xôcrát thực sự đã không thêm một nội dung đáng tin cậy nào cho tư duy. Ông không bổ sung một tri thức cho tư duy và dường như không tiến thêm một bước nào trên con đường dẫn tới chân lý. Song ông đã đạt được một kết quả khác, quan trọng hơn. Với ý thức về sự không hiểu biết của mình, ông khắc phục được tính khép kín của tư duy bản thân ở trong những ý kiến và những phán đoán chung mà không có ai có ý định kiểm chứng tính chân thực của chúng. Nhờ thế mà ý thức của Xôcrát có được phẩm chất cởi mở, tức thái độ sẵn sàng tìm kiếm chân lý, nhận thức. Việc phát hiện ra chân lý bắt đầu tự thái độ sẵn sàng tìm kiếm chân lý, nhận thức. Việc phát hiện ra chân lý bắt đầu từ thái độ sẵn sàng và nguyện vọng tìm kiếm nó; còn nguyện vọng và thái độ sẵn sàng chỉ có thể xuất hiện từ ý thức rằng chúng ta không sở hữu chân lý như vậy. Hay, như Xôcrát nói, chúng chỉ xuất hiện từ sự hiểu biết rằng chúng ta không biết gì.

Tác động thứ ba: thay phương pháp tư duy cho phương thức dạy học

Việc khám phá ra con đường dẫn đến chân lý, tức việc nghiên cứu phương pháp tư duy là công việc chủ yếu của Xôcrát. Chính vì mục đích đó mà ông đã tiến hành hội thoại, phương pháp đỡ đẻ cũng phục vụ mục đích ấy. Nhưng, chúng ta sẽ sai lầm nếu cho rằng tri thức hoàn toàn chân thực về đối

tượng sẽ luôn xuất hiện nhờ các cuộc đối thoại của Xôcrát. Cái tất yếu đạt được đó là việc làm sáng tỏ và xem xét vấn đề, là ý thức về tính không đơn nghĩa và tính phức tạp của nó. Kết quả cuối cùng không hẳn là chân lý tối hậu, mà chủ yếu là năng lực tư duy duy lý - kỹ năng suy luận - không ngừng phát triển.

Như vậy, mục đích các cuộc đối thoại của Xôcrát không hẳn là bước chuyển từ ý kiến không xác thực ban đầu sang ý kiến tuyệt đối xác thực, mà chủ yếu là sức mạnh của lý tính - năng lực nhận thức và thâm nhập ngày một sâu sắc vào bản chất của các sự vật. Năng lực suy luận vấn đề, cũng như năng lực đặt ra, xem xét vấn đề là một khám phá có giá trị của tư duy không kém gì câu trả lời cụ thể.

Xôcrát nói rằng, ông không bao giờ dạy ai một điều gì mà lại cản trở người đó đặt câu hỏi cho ông. Ông cũng không cấm mình đặt câu hỏi cho người khác và giải đáp chúng. Những vấn đề mà Xôcrát đặt ra cho người đối thoại, luôn là rường cột của cuộc hội thoại. Chính vì vậy, chúng làm cho người dân Aten tập trung lắng nghe xem nhà triết học thử thách những người tự coi mình là người thông thái. Đương nhiên, phương pháp bao hàm trong nó quy tắc bắt đầu cuộc đối thoại từ câu hỏi dành cho người đối thoại và chỉ sau đó mới chuyển sang trình bày quan điểm của mình vào thời điểm thích hợp. Đó là thủ thuật mà Xôcrát luôn tuân theo để tránh giao tiếp nhàm chán.

Đương nhiên, phương pháp bao hàm trong nó quy tắc bắt đầu cuộc đối thoại từ những câu hỏi dành cho người đối thoại và chỉ sau đó mới chuyển sang trình bày quan điểm của mình vào một thời điểm thích hợp. Đó là thủ thuật mà Xôcrát luôn tuân theo để tránh giao tiếp nhàm chán. Câu hỏi là hình thức trong đó người đối thoại né tránh nhấn mạnh, cũng như tự hạ thấp quá mức "cái tôi" của mình. Chỉ nên trình bày ý kiến của bản thân mình khi thời điểm thích hợp xuất hiện, tức khi mọi người tham gia đều chờ đợi tiếng nói của mình. Đó là thời điểm bối rối, có vấn đề, bộc lộ ra mâu thuẫn. Nhưng điều

quan trọng ở đây là làm sao để ý tứ nói ra phát triển có lôgíc theo tiến trình hội thoại chung, và được tiếp thu như là xu hướng chung chứ không phải là ý kiến riêng tư. Chính Xôcrát đã hành động phù hợp với chiến thuật đó. Những đối thoại còn lưu giữ được cho tới ngày nay chứng tỏ điều đó. Ông trình bày phát hiện của mình về các thủ thuật mỉa mai và đỡ đẻ. Mỉa mai là một bộ phận của cuộc hội thoại, trong đó các câu hỏi có nhiệm vụ làm lộ ra tính có vấn đề của chủ đề mà lúc đầu mỗi người đã tưởng chừng rõ ràng. Thuật đỡ đẻ bắt đầu vào cuộc khi các câu hỏi được tích cực dùng để giải

quyết vấn đề đang thảo luận.

Nhờ thuật đỡ đẻ Xôcrát còn cố giải quyết vấn đề tại sao con người lại khó chấp nhận tư tưởng cho rằng cuộc sống có đức hạnh là hữu ích đối với bản thân họ. Vả lại, khi có lý tính, họ cần phát hiện ra nó ngay khá dễ dàng, nhưng điều đó lại không xảy ra trên thực tế. Vấn đề là ở chỗ tư tưởng này vốn có ở mỗi người nhưng ở dạng tiềm năng, chưa ra đời, chưa phát lộ. Do vậy mà cần phải giúp đỡ mọi người đẻ ra chân lý, giúp đỡ tâm hồn họ hình thành trí tuệ với tư cách là cơ sở của đức hạnh. Trong đối thoại, Xôcrát đóng vai trò người dẫn dắt, như bà đỡ bế ẵm đứa bé tri thức ra đời.

Tất cả những thành tố nêu trên - phương pháp hỏi đáp, sự mỉa mai và thuật đỡ đẻ, "biết về sự không biết" - tạo thành phép biện chứng Xôcrát. Phép biện chứng này có một số nghĩa ngay chỉ trong cách hiểu của Xôcrát, chứ chưa nói gì tới vô số nghĩa mà nó có thêm trong học thuyết sau này. Theo đúng nghĩa thì thuật ngữ "phép biện chứng" có nghĩa là "nghệ thuật phân tích". Nghĩa này rộng hơn ở Xôcrát - nghệ thuật điều khiển, tổ chức quá trình nhận thức. Việc này được Xôcrát xem là việc tổ chức và điều khiển cuộc đối thoại. Do vậy, nghĩa gần của thuật ngữ "biện chứng" là nhận thức dưới dạng đối thoại, hội thoại, mà quan trọng ở đó là biết cách đặt đúng câu hỏi.

Một phần của tài liệu Quan niệm của Xôcrát về đối tượng của triết học.PDF (Trang 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(85 trang)