B. NỘI DUNG
1.2.1. Cuộc đời và con người Xôcrát
Trên nền văn hoá cổ đại Hy Lạp, Xôcrát xuất hiện như một nhân cách độc đáo, cả cuộc đời ông là một minh chứng cho lối sống triết học. Những thông tin về cuộc đời nhà triết học khi ông còn chưa trở nên nổi tiếng ở Aten thường mang tính chất giễu cợt hoặc giai thoại.
Có thể biết về nhân cách cũng như lối suy nghĩ của ông thông qua tác phẩm của hai học trò là Platôn và Xênôphan cũng những ghi chép của Aritxtốt.
Ông là con thứ hai trong gia đình một người thợ đẽo đá và một bà đỡ người Aten, ông đã có thời kỳ kế thừa nghề của cha và người ta nói có một số pho tượng ở Akrôpôliút là do bàn tay ông tạo ra.
Cũng giống như những trẻ em khác ở Aten khi đó, Xôcrát được đào tạo khá toàn diện, bao gồm thi ca, âm nhạc, kịch, nghệ thuật tạo hình, điêu khắc, phép tính toán, tu từ học và thậm chí cả triết học ở mức độ cơ sở và ông cũng phải rèn luyện theo những tiêu chí thể chất và tinh thần của một công dân tương lai của nhà nước - thị thành.
Đến tuổi trưởng thành, ông trở thành một chiến binh gan dạ, dũng cảm và vô cùng chính trực. Ông đã từng tham gia một số trận đánh trong chiến tranh Pêlôpônne. Tuy vậy, do gia đình nghèo khó với số tài sản không bằng giá trị của một nô lệ tốt bấy giờ nên ông phải gánh vác những công việc nặng nhọc khi thực hiện nghĩa vụ quân sự. Nhưng điều đó vẫn không làm giảm sút lòng nhiệt thành của một công dân Aten chân chính trong ông. Đã từng hai lần được bầu vào Hội đồng nhân dân, lần đầu tiên, Xôcrát là người duy nhất trong 500 vị quan toà đã lên tiếng chống lại việc xử tử các quân sĩ đã giành thắng lợi quan trọng cho Aten ở đảo Agiútxơ. Lần thứ hai, vào thời kỳ cầm quyền của 30 bạo chúa, ông khước từ không bắt giữ để nộp cho những kẻ tiếm quyền một công dân vô tội.
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, Xôcrát quay trở về với nghề đẽo đá - một công việc đòi hỏi cả về kĩ năng cũng như năng khiếu. Ông được một môn đệ đồng thời là một thính giả trung thành là Critôn giải phóng khỏi công việc không mấy thích hợp này. Theo Platôn, trong bi kịch tù đày và xử tử sau đó, chính Critôn là người đã sắp đặt cho Xôcrát chạy trốn nhưng không được ông đồng ý.
Thực vậy, không chỉ nghề đẽo đá của cha mà đặc biệt chính nghề đỡ đẻ của mẹ đã đóng một vai trò quan trọng với tinh thần Xôcrát. Ông đã coi đó như là linh hồn của một thủ thuật triết học nhằm tác động cho chân lý ra đời trong quá trình đối thoại.
Khác với đa số các nhà triết học đương thời, ông không đi chu du ở các miền đất xa xôi. Ông luôn sống ở Aten và rất thích tranh luận với bất kỳ ai gặp được không phải để thuyết phục họ, mà để tìm tòi chân lý. Vì ông mạnh hơn trong tranh luận nên có khi ông bị túm tóc lôi cổ đi chỗ khác, có nhiều khi ông bị chế giễu và tố giác; nhưng ông chấp nhận tất cả những điều đó mà không chống lại. Một hôm, thậm chí sau khi bị đạp, ông vẫn
nhẫn chịu, và có ai lấy đó làm ngạc nhiên, ông đáp lại: :"Nếu con lừa húc tôi, lẽ nào tôi lại đưa nó ra toà?". Cho đến khi kết thúc hành trình cuộc đời ông vẫn một mực bảo vệ cho chân lý.
Ông cho rằng: chỉ có lời nói sống động mới có thể biểu thị và truyền tải được tư tưởng. Tuy ngoại hình không thực hấp dẫn, song ông lại là hiện thân của một nhà truyền giáo thế tục có tác động đến người khác và có ảnh hưởng không nhỏ đến những biến đổi về đời sống tinh thần của người Aten. Ông cũng làm cho một số người bất mãn, đặc biệt là một số công dân có thế lực. Đó cũng chính là lý do chính dẫn tới bi kịch của cuộc đời ông.
Chính bởi đề cao giá trị sống động của hội thoại, nên sinh thời ông không viết bất cứ một tác phẩm nào, cho nên việc xác định quan điểm của Xôcrát đối với chúng ta là một nhiệm vụ mang tính kiến tạo. Ông không cố gắng làm chủ nhiều kỹ năng mà đặt ra vấn đề sự thông thái nói chung, sự thông thái tự thân nó là gì. Nói cách khác, ông tìm kiếm điểm chung trong mọi hình thức kĩ năng. Theo Xôcrát, việc làm chủ sự thông thái tự thân nó sẽ cho phép dễ dàng làm chủ sự thông thái trong các lĩnh vực riêng biệt. Đó cũng chính là cách tiếp cận của Xôcrát với mọi khái niệm chung: cái thiện và cái ác, cái đẹp và cái xấu, cái công bằng và cái hợp pháp,v.v... Ông đi từ những biểu hiện riêng biệt của một đối tượng đến việc hình thành khái niệm chung về đối tượng ấy. Nhờ phương pháp này Xôcrát đã xây dựng một học thuyết độc đáo và đúng đắn về con người - một phát kiến mà toàn bộ triết học sau này đánh giá rất cao.
Trong các tác phẩm văn học, mà tiêu biểu là vở kịch "Đám mây" của Aritxtôphan - Xôcrát hiện lên trước hết là một người hội thoại hiếu động, quấy nhiễu mọi người bằng những câu hỏi và khéo léo biết cách đặt ra vấn đề cho tư duy từ những điều hiển nhiên nhất. Nhiều người nói về Xôcrát giống như học trò
của ông là một vị tướng nổi tiếng ở Ankiviát đã nói: Ông ta thường đưa tôi vào trạng thái mà tôi có cảm tưởng không nên tiếp tục sống như mình đang sống.
Là một con người có phong cách khiêm nhường và giản dị trong gia đình cũng như ngoài cuộc sống, ông đã để lại những vang vọng lay động lòng người bởi sự chân thành và niềm rung cảm mãnh liệt khi ông hướng con người ta thoát khỏi thực tại đầy rẫy những lo toan, rối ren. Đối với Xôcrát, hạnh phúc không phải là tiền bạc và sự xa hoa, ông cho rằng khát vọng kiếm lợi và làm giàu sẽ đẩy con người ra khỏi con đường đức hạnh và làm cho họ bị suy đồi đạo đức. Theo Xôcrát, con người phải học cách thoả mãn với điều tối thiểu, là bắt chước tấm gương cao cả của thần linh vốn dường như không cần tới thứ gì cả. Bác bỏ sự giàu có, danh vọng và những khoái cảm về nguyên tắc, Xôcrát bác bỏ sự thừa thãi và sự ăn, mặc, ở xa hoa,v.v... Nhân đây ông thường thích nhắc lại câu nói: "Bát đĩa bằng bạc và quần áo bằng gấm vóc thích hợp cho diễn kịch, song không cần thiết cho sinh hoạt". Người ta kể lại rằng Apôlôđô đã đề nghị Xôcrát mặc quần áo đắt tiền thích hợp hơn vào lúc ông sắp bị tử hình, Xôcrát đã trả lời: "Sao lại như vậy? Quần áo cũ của tôi là đủ tốt để sống trong đó nhưng lại không thuận tiện để chết trong đó ư?".
Tuy nhiên, ông không coi sự bần cùng là cơ sở của đức hạnh. Ông cũng không phải là một người sống khắc kỷ. Sự kiềm chế mà ông coi là đức hạnh quan trọng nhất cũng giống với thái độ ôn hoà mà các nhà thông thái Hy Lạp đã ca ngợi từ lâu trước ông.
Ông có nhân phẩm và tinh thần độc lập. Ông thường nói khi nhìn thấy vô số hàng hoá ở chợ: "Có biết bao thứ mà có thể sống thiếu chúng!". Những người bạn và những người hâm mộ Xôcrát nhiều lần đã cho ông tiền bạc và giúp đỡ ông, nhưng đều bị ông khước từ. Điôghen Látsky thông báo rằng Ankiviát tỏ thái độ sẵn sàng dành cho Xôcrát một mảnh đất rộng
để xây nhà. Xôcrát đã từ chối món quà này. Ông nói: "Điều này là thực nực cười giống như khi tôi cần đế giầy thì bạn lại đem cho tôi da để khâu giầy!".
Sau khi chết Xôcrát để lại một gia đình nghèo nàn, nhưng ông vẫn thờ ơ với ý nghĩ cải thiện điều kiện vật chất của mình. Nhà nguỵ biện Antiphôn đã xúc phạm Xôcrát: "Ngài sống không giống như bất kỳ nô lệ nào sống ở chủ nhân của mình; ngài sử dụng đồ ăn và đồ uống nghèo nàn, mặc quần áo không những nghèo nàn mà còn mặc cùng một thứ quần áo cả mùa đông lẫn mùa hè, ngài luôn không đi giày." [10,tr.84]. Việc Xôcrát hoàn toàn bị cuốn hút bởi sứ mệnh tối cao làm người đốt đuốc đi tìm chân lý đã không còn để lại thời gian và sức lực cho những quan tâm khác. Ông thừa nhận tại toà án rằng ông không còn thời gian rỗi để làm một công việc xã hội hay gia đình đáng nhớ nào đó; rằng ông bị đẩy vào cảnh cùng khổ vì ông toàn tâm phục vụ thần linh.
Ông lập gia đình rất muộn và chết đi để lại ba người con chưa đến tuổi trưởng thành. Xôcrát có hai người vợ, người vợ cả Cơsantiphơ hay đay nghiến, rầy rà. Người vợ hai Mirtô là con gái của Ariskit, ông cưới bà trong tình cảnh khó khăn và bởi tôn trọng những kí ức về người cha quá cố của bà. Ông luôn tỏ ra khéo léo trong mọi xung đột gia đình kể cả khi bị vợ hắt nước vào người, ông vẫn có thể làm cho sự nóng nảy của bà tan biến tức thì. Bởi ông cho rằng: sau khi học được cách cư xử với Cơsantiphơ thì tôi cũng dễ dàng tiếp xúc với người khác. Ngay cả khi Cơsantiphơ rất đau khổ khi phải chịu mất mát quá lớn và gánh nặng gia đình Xôcrát để lại bằng cái chết vô lý, ông vẫn hài hước trả lời: "Chẳng lẽ em lại muốn anh chết có lý à?".
Sau khi nền bạo chính bị lật đổ ông đã bị bắt vì lời tố cáo của Milet với tội danh: Xôcrát báng bổ các thần linh đã được thành phố thừa nhận, tôn thờ các thần linh mới; ông cũng bị buộc tội là làm suy đồi thanh niên, do vậy phải chịu mức án tử hình. Hai phần ba thẩm phán đã tán thành cáo trạng. Bị kết án tử hình, Xôcrát đã uống thuốc độc chết vào tháng 5 năm 399 TCN. Trước vụ
án của Xôcrát đã từng có vụ án nhà triết học Anaxago và nhà nguỵ biện Prôtago, họ bị kết tội vô thần và bị trừng phạt buộc phải rời khỏi Aten. Lời buộc tội đối với Xôcrát về hai mục đầu tiên (không thừa nhận thần linh chung của thành phố và du nhập các thần linh mới) hoàn toàn rõ ràng là nằm trong hiệu lực điều luật được Điôpit đưa ra vào năm 433 TCN nhằm chống lại sự vô thần và phổ biến các thần linh mới, tức ngụ ý chống lại Anaxago. Còn mục thứ ba - lời buộc tội Xôcrát làm suy đồi thanh niên - thì toà án ám chỉ tới, thứ nhất, sự làm suy đồi thanh niên bằng cách tạo cho họ thái độ giống Xôcrát đối với tâm linh trong quá trình đối thoại, tức phổ biến các quan điểm phạm tội được đưa ra trong hai mục đầu; thứ hai, - làm suy đồi thanh niên bằng cách dẫn dắt họ bất tuân các cơ sở và trật tự dân chủ của nhà nước - thị thành Aten. Xét về phương diện này thì Xôcrát bị buộc tội phá vỡ các nền tảng nhà nước - thị thành, các luật pháp cơ bản của nó, chứ không phải là phạm một luật cụ thể nào cả. Và với lý do đó mà ông đã bị khép vào tội chết. Đây cũng là bị kịch của cuộc đời Xôcrát, một con người rất mực yêu Tổ quốc và rất trung thành với luật pháp của nhà nước. Với bản lĩnh chính trực và thanh khiết, ông đã từ chối cơ hội được chạy trốn cùng với cơ hội được giảm nhẹ tội bằng sự có mặt của vợ con ông tại toà án. Cái chết của Xôcrát nhuốm đầy đau thương và gây nên niềm tiếc nuối vô bờ của Aten về sau. Đó đồng thời cũng là một tượng đài bất diệt về khí phách và con người ông, là một minh chứng cho bài học đạo đức mà ông là người đã nêu gương sáng. "Cái chết bi thảm của Xôcrát đã đi vào lịch sử như một sự kiện quan trọng, nó chứng tỏ rằng chân lý chỉ có thể có được bằng cái giá của sự hy sinh. Hay, trong mọi trường hợp, tính đích thực của học thuyết được kiểm tra bằng thái độ sẵn sàng của tác giả trải qua những thử thách, đôi khi bằng cái giá mạng sống của bản thân" [10,tr.90].