Toàn vùng ĐBSCL có khoảng 26.906 km sông rạch, hình thành mạng lưới chằng chịt, với mật độ 2.0 - 4.0 km/km2 vì vậy nhu cầu đầu tư cầu là rất lớn và cầu thường có khẩu độ lớn do sông rộng, phải đảm bảo khổ thông thuyền để kết hợp với giao thông thủy; vào các tháng mùa mưa, nền mặt đường thường bị ngập sâu, hiện tượng ách tắc giao thông phổ biến trên diện rộng. Hệ thống giao thông vùng ĐBSCL còn phải đảm bảo cao độ phù hợp với quy hoạch thoát lũ.
Theo quy hoạch phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông ĐBSCL đến năm 2020, hệ thống đường bộ phải hoàn thành 4 trục dọc chính nối ĐBSCL với Đông Nam Bộ. Toàn bộ hệ thống QL đạt quy mô 2 làn xe trở lên, mặt đường nhựa hoặc bê-tông xi măng (BTXM).Các tuyến đường tỉnh được nhựa hóa 100%; các tuyến đường tới trung tâm xã, tỷ lệ cứng hóa mặt đạt 70%, cơ bản xóa bỏ cầu khỉ.
Riêng đối với hệ thống giao thông nông thôn (GTNT) phải đáp ứng các yêu cầu: Phát triển GTNT gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế xã hội. Công tác quy hoạch mạng lưới GTNT vùng ĐBSCL phải xuất phát từ mục đích đầu tư GTNT là để phục vụ nông nghiệp, kết nối với các trung tâm chế biến sản phẩm nông ngư nghiệp, tạo các tuyến đường đưa sản phẩm từ nông thôn đến thành thị hay các vùng kinh tế khác trong cả nước; dựa vào các cụm tuyến dân cư để quy hoạch đầu mối GTNT. Do đặc thù sông nước, địa chất, phát triển GTNT vùng ĐBSCL là việc rất khó khăn, tốn kém và lâu dài mới hoàn thành được vì vậy để hỗ trợ vùng ĐBSCL xây dựng hệ thống GTNT thì việc nghiên cứu tiêu chí cho phù hợp với đặc điểm riêng của vùng trong bối cảnh BĐKH là rất quan trọng.