Nổi bật là bài học về nguy cơ khủng hoang bắt nguồn từ quản lý yếu kém và hiện tượng đầu cơ. Bài học này đặc biệt có ý nghĩa đối với nước đang phát triển như Việt Nam, nơi mà nền kinh tế đã và đang hội nhập đáng kể với thế giới trong thập niên vừa qua.
Hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao, các nước đang phát triển như Việt Nam nỗ lực thu hút ngày càng lớn vốn đầu tư từ các nước đã phát triển. Trong các hình thức đầu tư nước ngoài, đầu tư tài chính (đầu tư vào các sản phẩm tài chính thuần túy) đang chiếm tỷ lệ ngày càng lớn, do sự phát triển nhanh của thị trường chứng khoán Việt Nam trong những năm gần đây. Lợi ích cụ thể của đầu tư tài chính được lí giải thông qua tác động “đòn bẩy” hay “cấp số nhân”, nhằm bù vào thâm hụt trong dự trữ và thương mại của các nên kinh tế đang phát triển. Tuy nhiên, việc sử dụng những tác động này, nếu thất bại, sẽ dẫn đến tăng trưởng bong bóng của nền kinh tế và hậu quả là dẫn tới khủng hoảng.
Cụ thể là, phần lớn các nhà quan sát cho rằng những yếu kém trong quản lý thị trường vốn và các khoản vay ngân hàng là nguyên nhân dẫn tới bùng nổ về tín dụng. Vì vậy, bài học cho Việt Nam là hải xây dựng được một hệ thống quản lý đủ tinh vi để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực trên, đảm bảo sự phát triển ổn định của hệ thống tài chính. Điều này không có nghĩa hạn chế đầu tư nước ngoài mà để quản lý tốt hơn các nguồn vay bên ngoài, đặc biệt là các nguồn vay chưa phân tán rủi ro, nhằm giảm thiểu những khoản nợ không có khả năng thu hồi trong tương lai.
Do đặc trưng của hình thức đầu tư tài chính là nhà đầu tư có thể rút vốn dễ dàng, vào giữa năm 1994, các nhà đầu tư nước ngoài đã rút vốn ồ ạt của họ từ Mexico và trực tiếp gây ra khủng hoảng tài chính ở nước này. Vì vậy, Việt Nam hiện nay cần tiến tới xây dựng một hạ tầng tài chính đủ vững vàng để ổn định trước những thay đổi trong nguồn vốn đầu tư nước ngoài và biến động trên thị trường tài chính thế giới. Bên cạnh đó, các nhà quản lý tài chính cần có những quy định phù hợp để buộc những nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn tham gia giải quyết hậu quả (trong trường hợp xảy ra khủng hoảng). Vì, thực tế từ cuộc khủng hoảng tài chính ở Mexico (cũng như các cuộc khủng hoảng tài chính trước đó) cho thấy những nhà đầu tư này thường tìm cách tháo chạy với rất ít trách nhiệm đối với nước nhận vốn đầu tư, mặc dù, chính sự rút vốn bất ngờ và ồ ạt của họ là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến khủng hoảng ở các nước này.