Dự báo hệ thống tiền tệ quốc tế trong tương lai

Một phần của tài liệu tiểu luận tài chính quốc tế sự phát triển của hệ thống tiền tệ quốc tế (Trang 36 - 41)

Theo Phó Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Vitor Constancio, mục đích cơ bản của IMS là duy trì một hệ thống thanh toán quy củ giữa các quốc gia. Để hoàn thành mục tiêu này, IMS phải cung cấp các dịch vụ về tiền tệ quốc tế, đảm bảo tính thanh khoản toàn cầu, xác định tỷ giá hoái đoái giữa các đồng nội tệ của các quốc gia, đồng thời bao gồm cả một cơ chế điều chỉnh nhằm tránh sự mất cân bằng tài chính quá mức tại các quốc gia. Tờ The Economist cho rằng hệ thống tiền tệ hiện tại của thế giới đang phải đối mặt với ba điểm bất ổn chính cần giải quyết.

Thứ nhất, cán cân thương mại toàn cầu đã thay đổi, Hoa Kỳ chỉ còn chiếm 24% GDP toàn thế giới nhưng phần lớn dự trữ ngoại hối lại sử dụng đồng USD. Không chỉ không phản ánh đúng thực tế, việc sử dụng đồng USD làm dự trữ như thế sẽ bỏ mặc sự tổn thương của các nước khác do chính sách tiền tệ của Mỹ đưa ra, nền kinh tế toàn cầu phụ thuộc rất nhiều vào việc điều hành chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ.

Thứ hai, hệ thống tiền tệ hiện tại đang tạo ra những khoản dự trữ ngoại hối khổng lồ, nhất là các nền kinh tế mới nổi sau một thời gian dài tích lũy dự trữ nhờ xuất khẩu. Lẽ ra, giá trị nội tệ của họ phải tăng lên theo sự tăng trưởng ổn định và dự trữ quốc gia. Thế nhưng, các nền kinh tế mới nổi lại có xu hướng lo ngại việc tăng giá đồng tiền sẽ làm hạn chế năng lực xuất khẩu, làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. về mặt lý thuyết, nếu như cách đây 20 năm chỉ có khoàng 20 quốc gia trên thế giới tuyên bố thả nổi đồng tiền theo thị trường thì nay có đến 40 quốc gia. Tuy nhiên, các nước này lại dùng ngân hàng trung ương để can thiệp hạ giá nội tệ bằng cách mua vào ngoại tệ khi các dòng vốn nước ngoài đổ sang. Nhiều chính phủ xem việc tích trữ ngoại tệ là biện pháp an toàn trước các dòng vốn đầu tư. Các nền kinh tế mới nổi hiện đang chiếm đến hai phần ba tổng dự trữ ngoại tệ toàn cầu. Dự trữ đã tăng từ mức 1,3 nghìn tỷ USD vào năm 1995 (tương đương 5% GDP toàn cầu) lên mức hiện tại là 8,4 nghìn tỷ USD (tương đương 14% GDP toàn cầu). Những khoản dự trữ khổng lồ này đang vi phạm các nguyên tắc về kinh tế, khi họ là những nước nghèo, cần có nhiều cơ hội đầu tư phong phú hơn, lại đang cho những nước giàu hơn vay rẻ, chủ yếu là Mỹ. Cách cho vay như vậy đẩy mức lãi xuất dài hạn của Mỹ giảm đi, tiền bạc bị đem đi đầu tư tràn lan, gây ra việc tích tụ nguy cơ bùng nổ những cuộc khủng hoảng tài chính. Hơn thế nữa, điều đó còn khiến cho thế giới phụ thuộc hơn vào người Mỹ.

Bất ổn thứ ba là quy mô ngày càng lớn và biến động quá nhanh. Theo ước tính, dòng vốn tư nhân chảy sang các nền kinh tế có thể đạt 400 tỷ USD trong năm nay, con số này cách đây một thập kỷ chỉ là 81 tỷ USD. Các dòng vốn biến động nhanh trở thành nguyên nhân của những cuộc khủng hoảng tài chính. Điển hình là các cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 – 1998.

Qua ba lý do trên, người ta thấy rằng nếu chỉ dựa vào USD để dự trữ thì điều đó quả thực nguy hiểm về mặt chiến lược lâu dài vì nó làm méo mó nền kinh tế toàn cầu. Khi kinh tế thế giới phát triển mà cứ mãi dựa vào USD để dự trữ thì rõ ràng Hoa Kỳ phải không ngừng in tiền để bôi trơn kinh tế toàn cầu. Việc in tiền này có thể không dựa trên các nguyên tắc kinh tế. Cứ thế, khi dự trữ của thế giới càng lớn lên thì nguy cơ càng tăng. Hệ thống tiền tệ quốc tế không thể hoạt động trơn tru là do mọi quyết định đều nằm trong tay của một số quốc gia có quyền lực, chứ không phải là tổ chức toàn cầu. Tuy nhiên, việc thiết lập một hệ thống tiền tệ đa cực lại vấp phải hai vấn đề lớn. Thứ nhất, nếu cùng lúc có nhiều quốc gia phải thảo luận để đưa ra quyết định cho hiện thống tiền tệ quỗ tế thì việc đạt được đồng thuận rất khó khăn, bởi lợi ích của từng quốc gia rất khác nhau. Thứ hai, việc loại bỏ vị trí thống trị của đồng USD như một đồng tiền dự trữ quốc tế cũng không hề dễ dàng.

Hiện nay có nhiều người cho rằng trong tương lai sẽ có những loại tiền tệ khác đứng cùng USD như là đồng tiền quốc tế, bởi nếu chỉ dựa vào USD để dự trữ thì điều đó quả thực là nguy hiểm về mặt chiến lược lâu dài. Trước tình hình trên, người ta đã tính đến việc đa dạng hóa dự trữ ngoại tệ, người ta sẽ nghĩ ngay đến Quyền rút vốn đặc biệt SDR (Special Drawing Rights), một loại tiền tệ của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) được hình thành dựa trên một rổ tiền tệ để làm dự trữ cho các quốc gia. Nhưng kể từ khi chính thức ra đời từ năm 1969 đến nay, vai trò của SDR rất mờ nhạt và cũng chưa có dấu hiệu nào cho thấy vai trò của SDR tăng lên trong tương lai.

Nhiều người cho rằng Trung Quốc sẽ hậu thuẫn cho việc tăng cường vai trò của SDR. Bởi với sức mạnh hiện nay của Trung Quốc, đồng Nhân dân tệ có thể trở thành đối thủ cạnh tranh với USD trên thị trường tài chính thế giới.Tuy nhiên, để trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế không phải là một điều đơn giản. Vì để một đồng tiền trở thành đồng dự trữ quốc tế thì đồng tiền đó phải có khả năng mang tính toàn cầu, khả năng chuyển đổi hoàn toàn và giao dịch trên các thị trường tài chính quy mô lớn với tính thanh khoản cao. Quốc gia sở hữu đồng tiền đó cần đáp ứng 5 điều kiện là có một nền kinh tế thực sự lớn; có sự mở cửa thị trường và các thị trường này hoạt động hiệu quả; có một nền chính trị ổn định và quản lý kinh tế vĩ mô hợp lý; có một hệ thống luật pháp chặt chẽ, minh bạch, bảo vệ được quyền lợi của các nhà đầu tư và có tầm ảnh hưởng về địa chính trị. Như vậy, Trung Quốc buộc phải từ bỏ việc kiểm soát tỷ giá và để tự do hoá hệ thống tài chính. Điều này sẽ khiến kho dự trữ ngoại hối của họ bị tổn thương nghiêm trọng.

Còn về đồng euro, vẫn duy trì là đồng tiền quốc tế quan trọng thứ hai sau USD. Song cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu đang tác động xấu đến vị thế của đồng tiền này và thị phần của đồng euro trên thị trường quốc tế sẽ chỉ có thể tăng lên, một khi khu vực đồng euro (Eurozone) khôi phục được sự ổn định của hệ thống tài chính. Với những lý lẽ trên, các chuyên gia đều khẳng định rất khó để thay đổi vai trò thống trị của USD trong 10 - 15 năm tới.

Tóm lại, thế giới cần xem xét những vấn đề cấu trúc trong hệ thống tiền tệ toàn cầu, trước khi xem xét việc đa dạng hóa đồng tiền dự trữ. Thêm vào đó, tồn tại một thực tế là không một quốc gia nào giữ mãi được thặng dư, dù sớm hay muộn, họ sẽ rơi vào tình trạng thâm hụt và phải viện đến các khoản vay quốc tế. Vì vậy, nếu thiếu sự hợp tác trên toàn cầu trong việc đưa ra quyết định, thế giới sẽ triền miên lâm vào khủng hoảng.

KẾT LUẬN

Định hướng của bất kỳ hệ thống tiền tệ nào cũng chịu giới hạn của cái gọi là “bộ ba bất khả thi” trong kinh tế quốc tế. Nếu vốn tự do chu chuyển xuyên biên giới, các quốc gia phải lựa chọn giữa cố định tỷ giá và độc lập về chính sách tiền tệ. Họ không thể chọn cả hai.

Thời bản vị vàng thế kỷ 19, vốn được tự do chu chuyển và các đồng tiền được gắn với vàng. Hệ thống ấy sụp đổ chủ yếu vì các chính phủ không thể linh hoạt điều hành chính sách tiền tệ.

Dưới chế độ Bretton Woods, các đồng tiền đều được neo vào USD và USD lại được neo vào vàng. Chu chuyển vốn bị hạn chế vì thế các quốc gia kiểm soát được tình hình tiền tệ nước mình. Hệ thống ấy sụp đổ năm 1971 vì Mỹ không muốn chính sách đối nội của mình phải phụ thuộc vào vàng.

Còn hệ thống ngày nay chẳng có bất kỳ “bản vị” nào cả và bao gồm nhiều cơ chế tỷ giá và kiểm soát vốn.Đồng tiền của phần lớn các nước giàu đều được thả nổi tương đối tự do. Kiểm soát vốn được dỡ bỏ ba thập kỷ trước và thị trường tài chính đã hội nhập khá cao.

Nhìn chung, dòng chu chuyển vốn ở các nền kinh tế mới nổi cũng tự do hơn nhờ cả toàn cầu hóa lẫn việc dỡ bỏ các cấm đoán cũ. Về lý thuyết thì cơ chế tỷ giá cũng trở nên linh hoạt hơn. Hầu hết các nước đều chính thức thả nổi đồng tiền của mình. Nhưng phần lớn sự “thả nổi” này lại bị “điều tiết” chặt chẽ. Các nước không muốn đồng bản tệ biến động quá tự do. Khi vốn đổ vào, NHTW mua ngoại tệ để ngăn nội tệ tăng giá. Họ làm thế phần nào vì chính phủ không muốn tỷ giá tăng đột ngột làm tổn hại đến các nhà xuất khẩu. Họ muốn tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và một đồng tiền bị định giá thấp hỗ trợ. Chính phủ nhiều nền kinh tế mới nổi kết luận rằng trong cái thời toàn cầu hóa tài chính này muốn an toàn thì hãy dự trữ thật nhiều.

Các nhà kinh tế từng cho rằng các nước phát triển cần ngoại hối chủ yếu để nhập khẩu khẩn cấp và thanh toán nợ trong ngắn hạn. Một nguyên tắc phổ biến trong những năm 90 là các nước nên có đủ ngoại tệ để thanh toán nghĩa vụ nợ trong năm đó. Nay con số họ cần lớn hơn nhiều.

Trong các nền kinh tế mới nổi, đến nay Trung Quốc là nước có nhiều ảnh hưởng nhất tới hệ thống tiền tệ toàn cầu. Họ là nước lớn nhất và thực tế đồng bản tệ của họ cũng neo vào USD. Hầu như ai cũng cho rằng NDT bị định giá thấp cho dù tỷ giá thực tế của nó tăng nhanh hơn nhiều so

với tỷ giá danh nghĩa. Một mình Trung Quốc chiếm một phần không nhỏ trong kho dự trữ ngoại hối toàn cầu nên mỗi hành động của họ đều ảnh hưởng tới các nước khác.

Nhiều nền kinh tế mới nổi khác, đặc biệt là ở Châu Á, đều miễn cưỡng để đồng nội tệ tăng giá vì sợ ảnh hưởng tới sức cạnh tranh. Kết quả là nhiều nền kinh tế mạnh mẽ nhất thế giới hiện nay đang bảo vệ cho đồng USD, theo một thỏa ước từng được đặt tên là “Bretton Woods 2”.

Hiện nay, đa số các đánh giá mới chỉ dừng lại ở chỗ, nếu nhiều quốc gia đồng tâm hiệp lực thì đồng USD sẽ mất thế thượng phong, nhưng điều đó chỉ diễn ra sau một thời gian khá dài nữa. Trước mắt, USD sẽ vẫn là cổ đông sáng giá trong nhóm các đồng tiền mạnh chừng nào Mỹ vẫn là cường quốc kinh tế số 1 thế giới. Tuy vậy, sức mạnh của đồng USD vẫn phải tùy thuộc vào trật tự kinh tế thế giới được xác lập trong tương lai.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Giáo trình “Tài chính quốc tế” – GS.TS. Nguyễn Văn Tiến – Nxb.Thống kê

2. Giáo trình “Kinh tế quốc tế” – GS.TS.Đỗ Đức Bình – Nxb.Đại học Kinh tế quốc dân

3. https://www.slideshare.net/pikachukt04/h-thng-tin-t-quc-t-33444254

4. Bài báo: Thế giới có tiến đến hệ thống tiền tệ đa cực

https://baotintuc.vn/kinh-te/the-gioi-co-tien-den-he-thong-tien-te-da-cuc- 20120104100858810.htm

5. Bài báo: Thế giới cần một hệ thống tiền tệ khác.

http://cafef.vn/tai-chinh-quoc-te/the-gioi-can-mot-he-thong-tien-te-quoc-te-khac- 20101121120951466.chn

6. Bài giảng: “Lịch sử hệ thống tiền tệ quốc tế “ - Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright http://www.fetp.edu.vn/cache/MPP8-512-L15V-Lich%20su%20He%20thong%20tien%20te %20quoc%20te%20--Do%20Thien%20Anh%20Tuan-2015-11-28-11562065.pdf

7. http://doan.edu.vn/do-an/tieu-luan-he-thong-tien-te-quoc-te-va-che-do-ty-gia-35723/

8. The Gold Standard Explained in One Minute https://www.youtube.com/watch?v=d3PCjk7YAo0

9. The Bretton Woods Monetary System (1944 - 1971) Explained in One Minute https://www.youtube.com/watch?v=RtFz9q26t5A

10. The European Union and the Eurozone Explained in One Minute: Past, Present and Future https://www.youtube.com/watch?v=ZcwIqIAUpVo

Một phần của tài liệu tiểu luận tài chính quốc tế sự phát triển của hệ thống tiền tệ quốc tế (Trang 36 - 41)