5.1.1 Đo lường thông tin bất cân xứng
Áp dụng mô hình Glosten và Harris (1988) để đo lường thông tin bất cân xứng (TTBCX) có những hạn chế nhất định do giả định của mô hình. Ngoài ra, xét về tổng quan mức độ TTBCX được áp dụng theo ba mô hình gồm: mô hình George, Kaul và Nimalendran (1991) theo biến chỉ báo; George, Kaul và Nimalendran (1991) theo hiệp phương sai; và Kim và Ogden (1996) cần lưu tâm và có xu hướng gia tăng trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2015, giai đoạn có sự mở rộng biên độ dao động giá giao dịch, tăng từ 5% lên 7%.
Sau cùng, dựa trên kết quả đo lường TTBCX; mức độ tương quan giữa TTBCX và các biến chỉ báo gồm: tính thanh khoản cổ phiếu, tỷ lệ nợ, và cơ hội tăng trưởng; và kiểm định sự thay đổi của TTBCX ở hai giai đoạn điều chỉnh biên độ dao động giá, có thể cho rằng mô hình George, Kaul và Nimalendran (1991) theo biến chỉ báo là mô hình phù hợp có thể được áp dụng để đo lường TTBCX trong bối cảnh ở Việt Nam.
5.1.2 Đặc điểm Hội đồng quản trị và thông tin bất cân xứng
Tồn tại sự tác động cùng chiều của quy mô HĐQT đến TTBCX. Trong khi đó, thành viên HĐQT độc lập không điều hành và trình độ học vấn của HĐQT tác động ngược chiều đến TTBCX nhưng tác động ngược chiều này chỉ thể hiện ở nhóm các công ty có vốn Nhà nước. Ngoài ra, loại hình doanh nghiệp có vốn Nhà nước làm thay đổi độ mạnh sự tác động của tính độc lập và trình độ học vấn của HĐQT đến TTBCX. Đồng thời, tồn tại mối quan hệ phi tuyến giữa tỷ lệ sở hữu cổ phiếu của HĐQT và TTBCX được thể hiện qua giá trị ngưỡng 1.74% của tỷ lệ sở hữu cổ phiếu của HĐQT ảnh hưởng đến TTBCX.
Tuy nhiên, sự tác động của thành viên nữ trong HĐQT và quyền kiêm nhiệm đến TTBCX không được tìm thấy trong nghiên cứu này, kể cả xét riêng cho loại hình doanh nghiệp có và không có vốn Nhà nước.