2. Các truyện ngắn của Nam Cao
2.1.2. Vấn đề xây dựng tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình trong Đời thừa
trong Đời thừa
* Hoàn cảnh điển hình:
Nếu viết về đề tài người nông dân, Nam Cao đã sử dụng tư liệu từ chính những con người làng Đại Hoàng quê ông thì khi viết về đề tài trí thức tiểu tư sản ông đã
dùng chính những trải nghiệm thấm thía của cuộc đời mình. Trước Nam Cao đề tài người trí thức đã xuất hiện trong các truyện ngắn của Thạch Lam, Nguyên Hồng, Lan Khai, Tự lực văn đoàn. Đến với tác phẩm của Nam Cao, người trí thức “Thường được đặt trong những hoàn cảnh khó khăn, trở ngại. Cái đói, cái nghèo dường như lúc nào cũng đeo đẳng với số phận của nhân vật, xô đẩy họ vào những tình huống tuyệt vọng” (Hà Văn Đức).
Với lối “tả chân”, Nam Cao đặt người trí thức trong những hoàn cảnh ngột ngạt và bế tắc. Văn sĩ Hộ trong truyện ngắn Đời thừa cũng rơi vào tình cảnh đó. Thời tuổi trẻ, anh sẵn sàng hi sinh bản thân vì nghệ thuật: “Đói rét không nghĩa lí gì đối với gã trẻ tuổi say mê lí tưởng”, “Đối với hắn lúc ấy, nghệ thuật là tất cả, ngoài nghệ thuật không có gì đáng quan tâm nữa”. Thế nhưng, Hộ đã rơi vào tình cảnh “áo cơm ghì sát đất”. Sự chật hẹp của không gian nhà trọ, những bận rộn lo toan “vô nghĩa lí” của cuộc sống vật chất, nỗi lo cơm áo đã khiến nhân vật bị “giam hãm, tù túng, luẩn quẩn trong những dằn vặt, lo âu thường nhật” (Trần Đăng Suyền). Đó cũng là hoàn cảnh rất “điển hình” mà những trí thức như Thứ (Sống mòn), Điền (Giăng sáng), Phúc (Điếu văn) phải sống; là hoàn cảnh sống mà một trí thức nghèo ở Pa-ri như Ratixnhắc trong bộ
Tấn trò đời của Ban zắc. Có thể nói, đó là hoàn cảnh sống điển hình của trí thức nghèo khi xã hội đang ở “đêm trước” của một cuộc cách mạng.
* Nhân vật điển hình
Nhân vật Hộ trong tác phẩm điển hình cho kiểu nhân vật trí thức tiểu tư sản của Nam Cao thường bị tha hóa với tấn bi kịch tinh thần. Rơi tình huống bế tắc, Hộ rơi vào bi kịch tinh thần điển hình của người trí thức. Trước hết, đó là bi kịch của một nhà văn tài năng, giàu tâm huyết nhưng cuối cùng đã vi phạm nguyên tắc nghề nghiệp. Đã có một thời, Hộ từng mơ ước viết một tác phẩm làm lu mờ tất thảy các tác phẩm khác cùng thời, một tác phẩm đạt giải Nô ben. Vì thế: “Hắn đọc, hắn tìm tòi, nhận xét và suy tưởng không biết chán”. Anh rất có ý thức lao động nghiêm túc trong nghề nghiệp với quan điểm rõ ràng: “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có”. Yêu cầu văn chương cần có sự sáng tạo và người nghệ sĩ cần có phong cách nghệ thuật, Hộ đứng trên lập trường “Nghệ thuật vị nhân sinh” khi cho rằng văn học đích thực phải
thấm đượm tinh thần nhân đạo và giá trị hiện thực “Một tác phẩm thật có giá trị, phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình... Nó làm cho người gần người hơn”. Tất cả những điều ấy biểu hiện cho khát vọng sống cao đẹp của một nhà văn chân chính, không chấp nhận cuộc sống tầm thường, vô danh, vô nghĩa. Vậy mà sự thiếu thốn vật chất, nỗi lo toan chất chồng cho một gia đình đã khiến Hộ buộc phải từ bỏ ước mơ, hoài bão. “Những bận rộn tẹp nhẹp, vô nghĩa lí nhưng không thể không nghĩ tới, ngốn một phần thì giờ của hắn”. “Hắn chỉ còn nghĩ đến gia đình, chỉ cốt sao nuôi được gia đình”. Vì vậy, anh phải vi phạm nguyên tắc trong nghề nghiệp “Hắn phải viết những cuốn văn viết vội. Hắn phải viết những bài báo để người ta đọc rồi quên ngay sau lúc đọc”, “Toàn những cái vô vị, nhạt nhẽo, gợi những tình cảm rất nhẹ, rất nông, diễn một vài ý trong một thứ văn bằng phẳng và quá ư dễ dãi”. Nhưng điều khiến anh đau khổ là khi buộc phải viết thứ văn chương “dễ dãi”, lương tâm của một nhà văn chân chính vẫn luôn dằn vặt anh, khiến anh rơi vào đau khổ. “Mỗi lần đọc một cuốn sách hay một đoạn văn kí tên mình, hắn lại đỏ mặt lên, cau mày, nghiến răng, vò nát sách và mắng mình là một thằng khốn nạn... Khốn nạn! Khốn nạn! Khốn nạn thay cho hắn! Bởi vì hắn chính là kẻ bất lương”. Nam Cao đã nhập thân vào nhân vật để phân tích diễn biến nội tâm của nhân vật. Nhịp văn nhanh, dồn dập thể hiện xung đột nội tâm căng thẳng và nỗi đau vò xé khi tự đay nghiến chính mình. Những lời nửa trực tiếp đã bộc lộ tâm trạng dằn vặt đau khổ bên trong người trí thức: “Hắn chẳng đem đến một chút gì mới lạ đến cho văn chương. Thế nghĩa là hắn là một kẻ vô ích, một người thừa”.
Rơi vào bi kịch, Hộ cũng đồng thời rơi vào bi kịch của một con người. Triết lí sống mà Hộ hằng theo đuổi đó là: “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai mình”. Anh theo đuổi nguyên tắc sống tình thương, anh đã cưu mang Từ và đứa con bị bỏ rơi. Vì nguyên tắc sống tình thương, dù rất đam mê và có nhiều hoài bão trong nghệ thuật nhưng Hộ đã từ bỏ để chăm lo cho gia đình nhỏ bé “Hắn chỉ còn nghĩ đến gia đình, chỉ cốt làm sao nuôi được gia đình”. Đã có thời Hộ từng nghĩ đến câu nói của một nhà triết học nọ “Phải biết ác, biết tàn nhẫn để sống cho mạnh mẽ” nhưng anh không thể từ bỏ lòng thương bởi dẫu có “nhu nhược, hèn nhát tầm thường”, anh vẫn là con
người. Thiếu lòng thương, con người không khác gì một thứ quái vật bị sai khiến bởi lòng ích kỉ. Nhưng cuộc sống đói khổ và giấc mộng nghề nghiệp tan vỡ đã khiến anh trở nên tàn nhẫn, ích kỉ. Anh trở nên cau có, gắt gỏng với vợ. Tìm đến với rượu, Hộ coi đó là cách thức giải thoát nỗi đau khổ nhưng không những không giúp anh dễ chịu hơn, rượu biến Hộ trở thành kẻ vũ phu. Thực ra, bi kịch tinh thần của Hộ không chỉ đơn thuần là chuyện phải dẹp bỏ “mộng đẹp” hay từ bỏ lòng thương. Cuộc đời đặt anh trước tình huống lựa chọn phi lí, nghiệt ngã: Hoặc là mộng đẹp, hoặc là tình thương. Bi kịch của Hộ là ở chỗ với anh là con người, phải có tình thương và là nhà văn phải có lương tâm nghề nghiệp. Quan niệm ấy đáng quý, đáng trân trọng nhưng anh chỉ được phép chọn một và theo hướng nào anh cũng đau khổ. Chính vì đứng giữa sự lựa chọn khắc nghiệt như thế, trái tim người trí thức đã rỉ máu. Là người đã từng trải qua bi kịch cay đắng, Nam Cao thấu hiểu nhân vật, thấu hiểu nỗi đau vò xé mà người trí thức phải nếm trải. Chính vì vậy, Hộ đã vượt ra khỏi khuôn mẫu của loại nhân vật tư tưởng – nhân vật đóng vai trò là cái loa phát ngôn tư tưởng của tác giả để trở thành một tính cách sinh động với tấn bi kịch tinh thần điển hình cho một giai cấp.
Luôn đặt nhân vật vào trong hoàn cảnh cụ thể, nhìn tính cách trong sự vận động và phát triển dưới tác động của hoàn cảnh là một trong những nguyên tắc tái hiện đời sống của chủ nghĩa hiện thực. Hình tượng nhân vật Hộ là một minh chứng rõ nét. Ôm giấc mộng văn chương, Hộ phải gác lại đam mê vì nỗi lo vật chất. Nỗi lo ấy cũng khiến anh vi phạm lẽ sống tình thương, phải sống kiếp đời thừa và rơi vào bi kịch không lối thoát. Nhân vật trí thức trong tiểu thuyết lãng mạn của Nhất Linh, Khái Hưng, theo nhà nghiên cứu Hà Văn Đức có đặc điểm: “Họ phần lớn xuất thân những gia đình quan lại hay tư sản giàu sang và có một cuộc sống dư dật. Họ nếu không phải là “những khách tình si” suốt đời theo đuổi một mối tình lãng mạn, thì cũng là những “khách chinh phu” mải mê với một lí tưởng cách mạng nào đó”. Cuộc sống của họ được các nhà văn “thi vị hóa”. Tính cách của các nhân vật trí thức trong sáng tác hiện thực chịu sự quy định của hoàn cảnh. Tính cách ấy khá phức tạp đan cài giữa cái cao cả và cái thấp hèn, cái cao thượng và sự tầm thường. Ở tư cách một nhà văn, Hộ là nhà văn có lương tâm nghề nghiệp nhưng anh đã vi phạm nguyên tắc trong nghề nghiệp. Trong gia đình, anh là người chồng, người cha đầy trách nhiệm và tình thương nhưng cũng đã hơn một lần con người ấy trở thành kẻ vũ phu, đối xử tệ bạc với vợ
con. Người đọc hiện đại khó có thể dùng một chữ “thiện” hoặc “ác” để đánh giá nhân vật.