1. Kết luận
Từ những kết quả khảo sát trên, chúng tôi rút ra một số kết luận sau:
-Khó khăn tâm lý là những trở ngại tâm lý cản trở hoạt động của con người. Khi gặp khó khăn tâm lý học sinh sẽ gặp trở ngại trong hoạt động, nếu những khó khăn tâm lý không được giải quyết kịp thời sẽ có thể gây ra những hậu quả khó lường.
- Hầu hết học sinh trung học phổ thông huyện Đan Phượng đều có những khó khăn tâm lý ở mọi khía cạnh thuộc cả 4 nhóm khó khăn tâm lý: khó khăn trong học tập, khó khăn trong việc hướng nghiệp, khó khăn trong các mối quan hệ và khó khăn tâm lý có xuất phát từ bản thân cá nhân được khảo sát với nguyên nhân, tỷ lệ và mức độ khác nhau. Các khó khăn tâm lý này ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống và học tập của học sinh.
- Trong 516 khách thể khảo sát, có 9 khách thể trả lời rằng, các em đã từng tìm đến sự trợ giúp tâm lý qua hình thức viết thư lên báo, tư vấn qua mạng internet… tuy nhiên, hiệu quả của sự trợ giúp tâm lý này không cao, do vậy, các em mong muốn trường mình có phòng tâm lý học đường để nhận được sự trợ giúp chuyên nghiệp từ các chuyên gia tâm lý được đào tạo chuyên sâu.
- Học sinh trung học phổ thông huyện Đan Phượng đang gặp một số khó khăn tâm lý ở cả bốn nhóm khó khăn được khảo sát (khó khăn trong hướng nghiệp, khó khăn trong học
tập, khó khăn trong các mối quan hệ, khó khăn trong vấn đề cá nhân) ở một số lĩnh vực chủ yếu là: Lựa chọn nghành, nghề phù hợp; khó tập trung chú ý trên lớp, áp lực trong học tập, kiến thức được học quá nhiều so với khả năng của bản thân ; khó khăn trong việc hiểu và đáp ứng mong muốn của người khác (khó khăn trong các mối quan hệ); khó khăn trong giao tiếp, thiếu tự tin… những khó khăn này có tỷ lệ lựa chọn thường xuyên khá cao.
- Có những khó khăn tâm lý học sinh có thể tự mình vượt qua. Với những khó khăn ấy, các em thường cố gắng “tự mình suy nghĩ, đưa ra quyết định giải quyết vấn đề” . Ở những vấn đề mà các em thấy bối rối, khó khăn hơn, khi đó các em tìm đến sự giúp đỡ của người khác. Khi cần sự nâng đỡ về mặt tâm lý như vậy thì người đầu tiên các em tìm đến để chia sẻ là” bạn thân” , tiếp đó là “một người đáng tin cậy nào đó” sau nữa là “mẹ”.
-Nguyên nhân gây nên khó khăn tâm lý của học sinh bao gồm cả nguyên nhân chủ quan (ví dụ như khí chất, kỹ năng sống…) và nguyên nhân khách quan ( ví dụ như sự phát triển về mặt thể chất, các yếu tố tác động từ môi trường xã hội…) . Trong đó tác động nhiều nhất là từ phía chủ quan, do tính cách của bản thân và do kinh nghiệm còn hạn chế.
- Vì vậy, phần lớn học sinh mong muốn nhận được trợ giúp tâm lý chuyên nghiệp, được thực hiện bởi những chuyên gia tâm lý được đào tạo chuyên sâu. Đa số học sinh có mong muốn nhà trường có phòng tư vấn tâm lý học đường. Hình thức trợ giúp tâm lý mà học sinh kỳ vọng nhiều nhất là qua thư điện tử, internet, điện thoại…
-Phần lớn học sinh có nhu cầu trợ giúp tâm lý học đường phong phú, đa dạng ở nhiều lĩnh vực khác nhau với những mức độ khác nhau: học tập, hướng nghiệp, trong các mối quan hệ, trong chính bản thân các em…
- Thực tế điều tra cho thấy, đa số học sinh trung học phổ thông huyện Đan Phượng chưa được tiếp cận với các hoạt động trợ giúp tâm lý học đường. Chiếm một tỷ lệ nhỏ học sinh “đã từng nghe nói đến” hoạt động trợ giúp tâm lý học đường là từ kênh thông tin “truyền thông đại chúng (đài, báo, TV…), tiếp sau đó là qua mạng internet. Điều đó cho thấy, cần tuyên truyền rộng rãi về hoạt động trợ giúp tâm lý học đường để học sinh được biết, được tham gia các hoạt động trợ giúp tâm lý.
- Cũng từ kết quả khảo sát cho thấy các em có nhu cầu cao về việc tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về các vấn đề tâm lý; lựa chọn nhiều nhất của các em ở các buổi nói chuyện này là chủ đề hướng nghiệp; tình bạn – tình yêu, giới tình gia đình; khám phá bản thân. Những mong muốn này phù hợp với sự phát triển tâm lý của các em.
2.Khuyến nghị
Từ cơ sở của kết quả nghiên cứu, chúng tôi đề xuất một số ý kiến nhằm hỗ trợ học sinh giải quyết những khó khăn tâm lý của mình:
-Đối với học sinh: những học sinh đang có khó khăn tâm lý, đặc biệt là những học sinh “thường xuyên lo lắng và bất an” nên nỗ lực tìm cách vượt qua hoặc tìm kiếm dịch vụ trợ giúp phù hợp để tránh những tác động tiêu cực do khó khăn tâm lý gây ra. Ý thức được sự cần thiết của việc trau dồi các kiến thức tâm lý học và các kiến thức xã hội khác để hiểu được tâm lý của bản thân và tự nhận ra vấn đề/ khó khăn của mình. Học sinh nên chuẩn bị tâm thế trước mọi hoàn cảnh, sẵn sàng đón nhận thử thách, khó khăn trong cuộc sống, học tập và nỗ lực tìm cách khắc phục chúng. Khi cần trợ giúp nên tìm đến những dịch vụ hay những loại hình trợ giúp tâm lý chuyên nghiệp để tránh những rủi ro của dịch vụ tư vấn “lá cải”.
- Về phía giáo viên: nên quan tâm, tìm cách trợ giúp cho nhóm học sinh đang “thường xuyên lo lắng và bất an” , đồng thời cũng nên tìm giải pháp hỗ trợ cho những học sinh “thỉnh thoảng”. Tìm hiểu đặc điểm tâm sinh lý học sinh mình đang giảng dạy, trên cơ sở đó lựa chọn phương pháp, hình thức dạy học phù hợp. Gần gũi học sinh hơn nữa, không chỉ thông qua giao lưu trong tiết học mà nên chủ động trò chuyện, quan tâm tới học sinh để xóa đi khoảng cách giữa người học và người dạy; để thấu hiểu học sinh; biết được nhu cầu và nguyện vọng của học sinh; tránh gây áp lực không cần thiết lên học sinh. Tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của học sinh; để hỗ trợ học sinh phòng ngừa, phát hiện sớm những khó khăn tâm lý và trợ giúp kịp thời.
- Về phía nhà trường: tạo điều kiện hỗ trợ các học sinh đang có khó khăn tâm lý hiện nay. Thành lập phòng tư vấn tâm lý học đường trong trường học. Quan tâm đầu tư cả nguồn nhân lực (chất xám) và tài chính cho việc đào tạo chuyên sâu đội ngũ chuyên gia tư vấn tâm lý học đường. Khi có đội ngũ chuyên gia tâm lý học đường được đào tạo chuyên sâu thì họ không chỉ giúp học sinh giải quyết những khó khăn tâm lý gặp phải mà họ còn giúp phòng ngừa những khó khăn có thể xảy ra; đặc biệt là phát hiện và can thiệp sớm những khó khăn tâm lý mới xuất hiện. Chuyên gia tâm lý học đường không chỉ trợ giúp cho các em học sinh mà còn hỗ trợ giáo viên, nhà trường và cả phụ huynh học sinh trong việc chăm sóc cho các em có đời sống tâm trí khỏe mạnh.
References