Cán bộ, công chức là yếu tố quyết định đến hiệu quả và hoạt động của mỗi cơ quan, tổ chức và của cả hệ thống chính trị của cả nước nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng.
Từ thực trạng và nguyên nhân được nêu tại chương 2 của luận văn, chúng ta có thể thấy, nhìn chung, đội ngũ cán bộ công chức của chính quyền cấp huyện hiện nay còn rất hạn chế trên tất cả các mặt: tư tưởng, nhận thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
Để khắc phục được những hạn chế trên, bên cạnh việc đổi mới các cơ chế, chính sách quản lý đối với cán bộ công chức thì Ủy ban nhân dân thành
phố nên giao cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyền chủ động nhiều hơn trong công tác cán bộ. Các quyền chủ động đó có thể là: quyền quyết định về số lượng cán bộ, công chức, quyền được tuyển dụng cán bộ, công chức trên tổng định biên thành phố giao và tiêu chuẩn của mỗi loại cán bộ, công chức; quyền được xét, nâng, trả lương trên cơ sở chính sách chung của cả nước cũng như cơ chế đặc thù của thành phố Hà Nội; quyền về việc thực hiện sát hạch cán bộ, công chức trước khi nâng bậc lương. Tất cả những quyền nói trên đều nhằm nâng cao chất lượng cán bộ tại cấp huyện, đồng thời tạo ra sự chủ động, sáng tạo và tính chịu trách nhiệm đối với hoạt động quản lý nhà nước tại cấp địa phương.
Để nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức cấp huyện tại thành phố Hà Nội, chúng ta cần phải thực hiện một số giải pháp như: tăng cường công tác đào tạo, quản lý cán bộ, tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và đạo đức, ý thức trách nhiệm cho công chức, cán bộ. Bởi nếu cán bộ, công chức hiểu biết pháp luật, áp dụng đúng pháp luật không những là điều kiện đảm bảo cho hiệu quả công việc mà còn là kênh giáo dục, tuyên truyền phổ biến pháp luật cho công dân, góp phần tạo lập trật tự xã hội, trật tự quản lý nhà nước theo pháp luật. Ngược lại, nếu cán bộ, công chức kém hiểu biết, vi phạm pháp luật thì sẽ tác động tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước và ý thức pháp luật trong nhân dân. Việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức chính quyền cấp huyện cần có sự đổi mới về phương pháp, hình thức, đặc biệt là thông qua các lớp đào tạo, tập huấn, qua các phương tiện thông tin đại chúng để chuyển tải thông tin pháp luật và kỹ năng vận dụng cho cán bộ, công chức, xây dựng hệ thống thông tin pháp luật cho hệ thống các cơ quan hành chính địa phương để đảm bảo cho cán bộ, công chức cấp huyện cập nhật kịp thời, đầy đủ những quy định pháp luật hiện hành phù hợp với từng lĩnh vực quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, đối với cán bộ, công chức nói chung, cán bộ công chức thuộc chính quyền cấp huyện Hà Nội nói riêng cần có sự kết hợp với giáo
dục, chính trị, đạo đức và ý thức trách nhiệm với công vụ, bởi thực tế cho thấy rằng, khi tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng quản lý được đội ngũ cán bộ công chức có chuyên môn không đồng nghĩa với việc các đường lối, chủ trương, pháp luật tất yếu được thực thi có hiệu quả trên thực tế. Hiệu quả thực thi pháp luật phụ thuộc nhiều vào ý thức pháp luật và đạo đức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức đặc biệt là trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta hiện nay. Cần có biện pháp nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức đi liền với sự phê phán kịp thời những hiện tượng tiêu cực, biểu dương những điển hình tích cực, nhưng quan trọng hơn cả là làm cho cán bộ, công chức hiểu, thực hiện đúng những quan điểm, nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức công vụ, đòi hỏi ở cán bộ, công chức phải có sự tu dưỡng, rèn luyện, đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong các cơ quan nhà nước, tôn vinh nghề nghiệp, danh dự của cán bộ, công chức trong đó cần tập trung vào giáo dục, đề cao sự trung thực và tin cậy ở mỗi hành vi của cán bộ, công chức nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước, xã hội và công dân.
Từ thực tiễn quản lý nhà nước, đặc biệt là ở các cơ quan hành chính nhà nước địa phương cho thấy rằng, đạo đức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, xét từ cội nguồn của nó cũng bắt nguồn từ chính yếu tố con người, con người là kênh quyết định việc thực thi và tôn trọng pháp luật, cho dù có những hệ thống kiểm soát, giám sát nhưng người dân vẫn luôn quan tâm đến hành vi trung thực và sự tin cậy của cán bộ, công chức.
Bên cạnh việc giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng để nâng cao trình trình độ, tư tưởng, đạo đức của cán bộ, công chức cấp huyện thì chúng ta cũng cần phải thực hiện một số giải pháp khác. Một trong những giải pháp tiếp theo đó là cần có chế độ lương, phụ cấp hợp lý. Trong chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 đã có nêu mục tiêu chế độ tiền lương của cán bộ công chức có thể đảm bảo nhu cầu sống cho cán bộ, công chức và những nhu cầu cơ bản của gia đình. Nhưng chúng ta có thể khẳng
định ngay rằng mục tiêu trên đã không hoàn thành. Vì vậy trong giai đoạn sắp tới, trong kế hoạch thực hiện cải cách hành chính, thành phố Hà Nội cũng nên nghiên cứu cơ chế đảm bảo chế độ tiền lương hợp lý, có chế độ phụ cấp riêng đối với từng cán bộ, công chức, viên chức tại từng cơ quan khác nhau, vị trí công tác khác nhau cũng như các ngành nghề hoạt động để cơ bản đảm bảo tiền lương và phụ cấp đảm bảo nhu cầu cơ bản nhất của người cán bộ, công chức và gia đình.
Một trong những giải pháp tiếp theo của cải cách tổ chức cán bộ đó cấp huyện tại thành phố Hà Nội đó là: nghiên cứu hình thức thi tuyển vào các chức danh lãnh đạo một số phòng, ban chuyên môn hoặc một số đơn vị sự nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện. Để được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo của phòng, ban chuyên môn hoặc đơn vị sự nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, người cán bộ, công chức là cán bộ, công chức thuộc địa bàn thành phố Hà Nội, có kinh nghiệm từ ba đến năm năm; cán bộ công chức này khi dự tuyển cần có những yêu cầu nhất định về trình độ…, những yêu cầu này do Ủy ban nhân dân cấp huyện đề ra và được sự chấp thuận của Ủy ban nhân dân thành phố. Việc tổ chức thi tuyển, công khai thi tuyển vào các chức danh lãnh đạo phòng, ban chuyên môn cũng như tại đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện sẽ tạo ra đội ngũ lãnh đạo có chuyên môn nghiệp vụ cao, quản lý tốt các hoạt động của các phòng, ban chuyên môn, đơn vị sự nghiệp góp phần nâng cao hoạt động của bộ máy hành chính cấp huyện.
Thành phố cũng cần có chế độ khen thưởng hợp lý, kịp thời cũng như các hình thức kỷ luật thích đáng đối với cán bộ, công chức.