Liên quan tuổi và giới với tiến triển bệnh

Một phần của tài liệu Đánh giá tiến triển bệnh glôcôm góc mở nguyên phát (Trang 131 - 133)

Trong nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ bệnh tiến triển cao nhất (38,5%) nằm trong nhóm tuổi từ 18 tuổi đến 34 tuổi, tỷ lệ bệnh tiến triển thấp nhất (9,5%) nằm trong nhóm tuổi từ 51 tuổi đến 65 tuổi. Tỷ lệ này không phù hợp với những khuyến cáo về ảnh hưởng của tuổi lên tiến triển bệnh, đó là, tuổi càng cao, nguy cơ tiến triển bệnh càng tăng lên [26],[72]. Trong nhóm tiến triển ở độ tuổi từ 18 tuổi đến 34 tuổi có 5 mắt thì 4/5 mắt thuộc giai đoạn trầm trọng, 1/5 mắt còn lại thuộc giai đoạn tiến triển, những mắt này đều đã được dùng nhiều loại thuốc tra hạ nhãn áp, có trường hợp đã được phẫu thuật 2 hoặc 3 lần. Có thể do giai đoạn bệnh muộn, đồng thời nhãn áp chưa hạ được đến mức an toàn là yếu tố gây tiến triển bệnh mặc dù tuổi của bệnh nhân vẫn dưới 34 tuổi.

Mặc dù, từ trước đến nay trên thế giới, trong nhiều nghiên cứu, tuổi đã được chứng minh là yếu tố có ảnh hưởng đến tiến triển bệnh, nhưng trong nghiên cứu của chúng tôi, tuổi trung bình của nhóm có tiến triển và không tiến triển khác nhau không có ý nghĩa thống kê. Kết quả này có thể do thời gian nghiên cứu của chúng tôi chưa đủ dài, đồng thời còn nhiều yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến tiến triển bệnh đã chi phối mối liên quan giữa tuổi với tiến triển bệnh trong nghiên cứu của chúng tôi. Trong nghiên cứu của Lee JM, tuổi trung bình của nhóm có tốc độ tiến triển nhanh là 65,9±9,9 tuổi, nhóm có tốc độ tiến triển chậm là 64,1±11,0 tuổi, tuổi trung bình của hai nhóm này khác nhau với p=0,03. Đồng thời trong nghiên cứu này cũng thấy rằng thấy rằng cứ tăng 10 tuổi thì nguy cơ tiến triển bệnh tăng gấp 1,2 lần (OR=1,2; 95%CI: 1-1,5) [72]. Musch DC kết luận về liên quan của tuổi với tiến triển bệnh theo cấp độ 10 tuổi là cứ tăng thêm 10 tuổi

thì nguy cơ giảm độ nhạy cảm của thị trường 3dB tăng lên 35% [26]. Nghiên cứu của Mahdavi KN thấy tuổi có liên quan chặt chẽ với tiến triển bệnh, cứ tăng 5 tuổi thì nguy cơ tiến triển tăng gấp 1,3 lần (OR=1,3; 95%CI: 1,1-1,5) [40]. Nhóm nghiên cứu EMGT qua theo dõi 6 năm cũng thấy rằng tuổi và tiến triển bệnh có liên quan với hệ số tương quan 1,01 [85]. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu NTGS không tìm thấy mối liên quan giữa tuổi với tiến triển bệnh trong nghiên cứu đánh giá tiến triển bệnh trên những bệnh nhân đã điều trị [86]. Tương tự Christopher KL cũng không tìm thấy mối liên quan giữa tuổi với tiến triển bệnh (p=0,3) [19].

Các nghiên cứu cho kết luận khác nhau về ảnh hưởng của tuổi lên tiến triển bệnh glôcôm, có nghiên cứu không tìm thấy mối liên quan của tuổi với tiến triển bệnh, nhưng theo cơ chế tổn hại đầu thị thần kinh và lớp sợi thần kinh quanh gai thì rõ ràng tuổi càng cao, mức độ tổn hại đầu thị thần kinh và lớp sợi thần kinh càng nhanh. Chính vì vậy, trong quá trình đánh giá tiến triển bệnh glôcôm, yếu tố tuổi cần phải cân nhắc đến.

Trong nghiên cứu của chúng tôi, không thấy có mối liên quan của giới với tiến triển bệnh. Nghiên cứu của Lee JM cũng cho kết quả tương tự, kiểm định sự khác nhau về giới ở hai nhóm có tiến triển và không tiến triển cho giá trị p= 0,16 [72]. Grewal DS và Mahdavi KN cũng không thấy có liên quan giữa giới với tiến triển bệnh với giá trị p > 0,05 [75],[40]. Leske MC theo dõi tiến triển bệnh glôcôm trong 6 năm dựa trên tiêu chuẩn tiến triển của EMGT thấy giới không liên quan đến tiến triển bệnh với p =0,87 [85]. Yếu tố giới không những không có ảnh hưởng lên tiến triển bệnh, mà còn không thấy sự khác biệt trong phân bố bệnh glôcôm ở hai giới.

Một phần của tài liệu Đánh giá tiến triển bệnh glôcôm góc mở nguyên phát (Trang 131 - 133)