Hạn chế trong triết học của L.Feuerbach

Một phần của tài liệu tính tích cực và hạn chế trong tư tưởng duy vật của l feuerbach (Trang 61 - 68)

5. Kết cấu luận văn

2.3.2 Hạn chế trong triết học của L.Feuerbach

Triết học Feuerbach cũng bộc lộ những hạn chế. Là một nhà duy vật trong triết học tự nhiên và lý luận nhận thức, song L.Feuerbach không thừa nhận tên gọi đó. Thái độ này xuất phát từ những hạn chế của chủ nghĩa duy vật máy móc thế kỷ XVIII, chủ nghĩa duy vật tầm thường giữa thế kỷ XIX. L.Feuerbach cho rằng chân lý không phải là chủ nghĩa duy vật, không phải là chủ nghĩa duy tâm, chân lý – chỉ có thể là thuyết nhân bản. Như vậy, theo F.Engels, L.Feuerbach đánh đồng chủ nghĩa duy vật như thế giới quan phổ biến với hình thức đặc biệt của chủ nghĩa duy vật thế kỷ trước, với những hạn chế cố hữu của nó, nhất là với hình thức thô sơ, tầm thường trong học thuyết của “những nhà truyền giáo lãng du”. L.Feuerbach không nhìn thấy trong những thay đổi của các trường phái duy vật có hàm chứa các yếu tố phát triển, không nhìn thấy một điều rằng “giống như chủ nghĩa duy tâm, chủ nghĩa duy vật đã trải qua một loạt giai đoạn phát triển”. Mặc dù L.Feuerbach phục hồi và phát triển tiếp tục trên mảnh đất Đức những giá trị tích cực của chủ nghĩa duy vật thế kỷ XVII –XVIII, song bản thân ông lại gọi triết học mình không phải là chủ nghĩa duy vật mà là thuyết nhân bản. Trên cơ sở nguyên lý nhân bản L.Feuerbach có ý định thiết lập triết học mới, “biến con người bao gồm cả tự nhiên như cơ sở của con người, thành đối tượng tư duy nhất, phổ quát và cao nhất của triết học,… biến thuyết nhân bản… thành khoa học phổ quát”.

Chủ nghĩa duy vật Feuerbach do chịu sự chi phối của điều kiện sống và những thiên kiến chính trị, đã bộc lộ một số điểm thậm chí lạc hậu so với trình độ nhận thức chung của thời đại. L.Feuerbach sống vào thời kỳ khoa học tự nhiên phát triển mãnh

liệt với ba phát minh vạch thời đại và hàng loạt những khám phá khác. Song, làm thế nào mà một nhà triết học “buộc phải nông dân hóa và rầu rĩ trong một ngôi làng nhỏ”, “sống cô quạnh ở nông thôn lại có thế theo dõi những tiến bộ khoa học một cách đầy đủ để có thể đánh giá đúng những phát minh mà ngay cả bản thân những nhà khoa học tự nhiên lúc đó cũng phần còn không thừa nhận, phần còn chưa biết sử dụng một cách đầy đủ?”. Sự giản đơn và thiếu luận chứng trong nhận định của L.Feuerbach về một vấn đề bản thể luận và nhận thức luận triết học cần được khắc phục. Hạn chế này tất yếu dẫn đến hạn chế tiếp theo, đó là không tiếp cận hợp lý phép biện chứng của G.W.F.Hegel. L.Feuerbach nói nhiều đến sự phát triển phổ biến, nhưng lại bế tắt khi bàn về nguồn gốc, động lực của phát triển, chỉ vì ông đã không tự mình đến với tư tưởng biện chứng về thế giới và quá trình nhận thức. Nhiều nội dung của phép biện chứng G.W.F.Hegel bị ông xem là sản phẩm thuần túy của tư duy. L.Feuerbach chưa vượt qua trình độ của chủ nghĩa duy vật siêu hình.

Hạn chế chung của chủ nghĩa duy vật thế kỷ XVII – XVIII lẫn L.Feuerbach là tính không triệt để. Tất cả những tên tuổi lớn trong lịch sử triết học trước Marx hầu như điều là những nhà duy tâm về xã hội. Duy vật về tự nhiên nhưng duy tâm về xã hội làm nên đặc trưng của chủ nghĩa duy vật thế kỷ XVII – XVIII và L.Feuerbach. Và trong “Ludwig Feuerbach và sự cáo chung về triết học cổ điển Đức” F.Engels đã giành hẳn Chương III để làm rõ đặc trưng này của triết học Feuerbach trong quan niệm về tôn giáo và đạo đức. Chủ nghĩa duy tâm thực sự của L.Feuerbach lộ rõ ra khi chúng ta nghiên cứu tới triết học tôn giáo và đạo đức học của ông. L.Feuerbach hoàn toàn không muốn xóa bỏ tôn giáo; ông muốn hoàn thiện tôn giáo. Bản thân triết học cũng phải hòa vào tôn giáo.

Nếu G.W.F.Hegel xem xét tôn giáo trong quá trình vận động của ý thức, thì L.Feuerbach ngược lại, ông tuyên bố tôn giáo là kết quả của sự dốt nát và mê tín, còn về mặt thế giới quan, là đồng minh của chủ nghĩa duy tâm. L.Feuerbach chưa nhìn thấy những nguồn gốc xã hội của tôn giáo, chưa đặt nó trong những điều kiện xã hội hiện

thực. Ông mong muốn thay tôn giáo bằng thứ tôn giáo mới được xây dựng trên sự thần thánh hóa các quan hệ giữa người với người.

Hạn chế cơ bản của L.Feuerbach nằm trong quan niệm về con người. L.Feuerbach dựa vào khái niệm "con người cộng đồng" để tự tuyên bố mình là người cộng sản. Con người, theo L.Feuerbach, chỉ là “con người trừu tượng” mà không phải là con người hiện thực của lịch sử. Đối với những người cộng sản, con người là sản phẩm của tự nhiên và vấn đề cần xem xét ở con người hiện thực của lịch sử là hành động thực tiễn của con người nhằm thay đổi thế giới hiện có. Nói về “bản chất cộng đồng” của con người, L.Feuerbach nhấn mạnh tình yêu như là yếu tố quan trọng nhất, là biểu hiện của quan hệ chân chính. Nhân loại đến với nhau không vì thù địch nhau, mà vì yêu thương nhau. Đó là mục tiêu lớn. Về phần mình, mục tiêu ấy được xác lập từ tình yêu giữa những con người bằng xương bằng thịt, giữa nam và nữ. Đó là những sáo ngữ, tình yêu không bản sắc. Do đó, tư tưởng đạo đức của L.Feuerbach đầy ấp những giấc mơ đẹp, nhưng lại không vạch ra từ đâu và bằng cách nào để biến chúng thành hiện thực. F.Engels viết: “… đối với L.Feuerbach thì tình yêu, ở đâu và bao giờ cũng là một ông thần lắm phép lại có thể giúp vượt mọi khó khăn của đời sống thực tiễn, và điều đó diễn ra trong một xã hội chia thành những giai cấp có những lợi ích đối lập hẳn với nhau!... hãy yêu nhau đi, hãy ôm hôn nhau đi, không cần phân biệt nam nữ và đẳng cấp. Thật là những giấc mơ thiên hạ thuận hòa!”. Quan niệm thiện – ác, hạnh phúc – đau khổ, tình yêu – thù địch ở L.Feuerbach bị chia tách một cách siêu hình, thiếu hẳn yếu tố tác động và chuyển hóa trong đời sống đạo đức phong phú và phức tạp. Đấy là bước thục lùi so với G.W.F.Hegel. “Theo G.W.F.Hegel, ác là hình thức, dưới đó là động lực của sự phát triển lịch sử tự biểu hiện ra. Câu đó hai nghĩa: một mặt, mỗi bước tiến mới sẽ tất yếu biểu hiện ra như là một sự xúc phạm tới cái thiên liêng, là một sự nổi loạn chống lại trạng thái cũ, đang suy đồi nhưng được tập quán thần thánh hóa, và mặt khác, từ khi sự đối lập giữa các giai cấp xã hội xuất hiện thì chính những dục vọng xấu xa của con người… đã trở thành cái đòn bẩy cho sự phát triển lịch sử”. Đối với L.Feuerbach tất cả điều trở nên tốt đẹp nếu cùng hướng đến, không cần biết phải trải

qua những thời kỳ đầy bi kịch như thế nào, một tôn giáo của tình yêu, nơi mỗi người trở thành vị chúa nhân từ và hào hiệp. Ngay cả đem so sánh với I.Kant, L.Feuerbach cũng quá đơn điệu, dù ngôn từ ông dùng thật nhiều hình tượng. F.Engels cho rằng “đạo đức học của L.Feuerbach được gọt giũa cho thích hợp với xã hội tư bản chủ nghĩa”. Thực ra xã hội ấy không cần đến đạo đức theo môtíp tình yêu phổ quát như một tôn giáo (mà theo L.Feuerbach, tôn giáo là kết quả của óc tưởng tượng), còn các lực lượng xã hội đang tiến hành cuộc đấu tranh sinh tử vì công bằng và dân chủ thì càng khó chấp nhận nguyên lý nhân bản phù hợp cho tất cả. Cho nên F.Engels viết thêm “… học thuyết của L.Feuerbach về đạo đức… được gọt giũa cho thích hợp với mọi thời kỳ, mọi dân tộc, mọi hoàn cảnh, và chính vì thế không bao giờ nó được áp dụng ở đâu cả”.

Trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa duy tâm của G.W.F.Hegel, L.Feuerbach không biết rút ra cái “hạt nhân hợp lý” từ đó mà vứt bỏ luôn cả phép biện chứng của G.W.F.Hegel. Ví như ông tắm rữa cho một đứa trẻ, nhưng khi đổ bỏ chậu nước ông đã đổ luôn đứa trẻ. Chủ nghĩa duy vật Feuerbach mang tính siêu hình. Marx theo quan điểm duy vật của L.Feuerbach để phê phán chủ nghĩa duy tâm của G.W.F.Hegel, nhưng ông đã giữ lại cái “hạt nhân hợp lý” trong triết học Hegel, đó là phép biện chứng. Ông đã cải tạo phép biện chứng của G.W.F.Hegel theo quan điểm duy vật.

Tuy không có những công trình triết học đồ sộ như I.Kant và G.W.F.Hegel, song những gì mà L.Feuerbach để lại cho di sản văn hóa nhân loại là vô cùng quý giá. Cùng với phép biện chứng duy tâm của Hegel, chủ nghĩa duy vật siêu hình của Feuerbach đã trở thành một tiền đề đề lý luận quan trọng cho sự hình thành triết học Marx. Tuy nhiên K.Marx và F.Engels chỉ tiếp nhận những hạt nhân hợp lý, những nhân tố duy vật trong hệ thống triết học của hai nhà tiền bối này, mà phê phán những hạn chế, lọc bỏ tất cả những yếu tố bất hợp lý của họ như tính duy tâm khách quan, tính bảo thủ (Hegel) phương pháp pháp nhìn nhận siêu hình về xã hội (Feuerbach).

Cũng chính nhờ chủ nghĩa duy vật của Feuerbach đã giúp K.Marx và F.Engels đoạn tuyết với chủ nghĩa duy tâm của Hegel và phái Hegel trẻ. K.Marx và F.Engels đã

cải tạo chủ nghĩa duy vật của Feuerbach phát triển lên một hình thức mới cao nhất đó là chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử.

Mặc dù còn những hạn chế, triết học L.Feuerbach vẫn có ý nghĩa to lớn trong lịch sử triết học. Với những thành tựu to lớn và toàn diện của mình, chủ nghĩa duy vật của L.Feuerbach cùng với phép biện chứng của G.W.F.Hegel được coi là nguồn gốc lý luận trực tiếp cho sự ra đời của triết học Marx.

KẾT LUẬN

Triết học cổ điển Đức là một giai đoạn lịch sử tương đối ngắn nhưng nó đã tạo ra những thành quả kỳ diệu trong lịch sử triết học. Trước hết, nó đã từng bước khắc phục những hạn chế siêu hình của triết học duy vật thế kỷ XVII, XVIII. Thành quả lớn nhất của nó là những tư tưởng biện chứng đã đạt tới trình độ một hệ thống lý luận – điều mà phép biện chứng cổ đại Hy Lạp đã chưa đạt tới và chủ nghĩa duy vật thế kỷ XVII – XVIII cũng không có khả năng tạo ra. Tìm hiểu quan điểm triết học của những nhà triết học cổ điển Đức đã cho ta thấy được sự vô giá trong những đóng góp to lớn của các bậc vĩ nhân kiệt xuất. Tuy triết học cổ điển Đức còn mang những hạn chế như là tính chất duy tâm khách quan của G.W.F.Hegel, còn về chủ nghĩa duy vật của L.Feuerbach thì xét về thực chất không vượt qua được trình độ chủ nghĩa duy vật thế kỷ XVII – XVIII Tây Âu, những từ những đóng góp đó mà ta đã rút ra từ đó những ý nghĩa và những bài học quý báo đối với hoạt động nhận thức và thực tiễn.

Ludwig Feuerbach đã có công lớn trong việc phê phán chủ nghĩa duy tâm của G.W.F.Hegel cũng như chủ nghĩa duy tâm và tôn giáo nói chung. Những cống hiến của L.Feuerbach đã góp phần cũng cố thế giới quan duy vật, vô thần, khẳng định một vấn đề có tính quy luật của lịch sử phát triển tư tưởng triết học: trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa duy tâm tôn giáo, chủ nghĩa duy vật luôn chiếm ưu thế và chỉ có chủ nghĩa duy vật mới giúp con người tiến lên phía trước, nhận thức chúng và cải tạo thế giới đạt hiệu quả. Điều đó luôn nhắc nhở chúng ta phải xây dựng, cũng cố và phát triển thế giới quan duy vật biện chứng, chủ nghĩa vô thần, khoa học và nhân sinh quan cộng sản chủ nghĩa, có như vậy mới có đủ sức mạnh để cải tạo thế giới vì sự tiến bộ và hạnh phúc của con người.

Với tất cả tấm lòng trân trọng và kính phục, chúng ta sẽ luôn tưởng nhớ đến một con người vĩ đại, trọn đời đấu tranh chống chủ nghĩa duy tâm tôn giáo, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa vô thần. Đi theo con đường của ông, chúng ta tiếp tục giữ gìn và kế thừa, phát triển những thành quả mà ông để lại, tiếp tục cũng cố và xây dựng thế giới quan duy vật biện chứng, thế giới quan khoa học, cách mạng để đưa

sự nghiệp đỗi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thành công cùng nhân dân tiến bộ toàn thế giới xây dựng cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc giống như điều Feuerbach.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Tri Thức (2006), Triết học cổ điển Đức: những vấn đề nhận thức luận và đạo đức. NXB chính trị quốc gia, Hà Nội.

2. K.Marx – F.Engels (1995), C.Mác Ph. Ăngghen toàn tập. NXB chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội. Tập 3.

3. K.Marx – F.Engels (1995), C.Mác Ph. Ăngghen toàn tập. NXB chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội. Tập 21.

4. Vladimir Ilych Lenin (1980), Lênin toàn tập NXB Tiến bộ, Hà Nội. Tập 15. 5. Doãn Chính – Đinh Ngọc Thạch (2003), Vấn đề triết học trong các tác phẩm

của C.Mác – Ph. Ăngghen Lênin. NXB chính trị quốc gia, Hà Nội.

6. Nguyễn Tiến Dũng (2006), Lịch sử triết học Phương Tây. NXB tổng hợp,

thành phố Hồ Chí Minh.

7. Vũ Ngọc Pha (2001), Triết học Mác-Lênin. NXB giáo dục, Hà Nội.

8. Lê Doãn Tá (2004), Một số vấn đề triết học Mác –Lênin. NXB chính trị quốc

gia, Hà Nội.

9. Ngô Thành Dương (2004), Giới thiệu một số tác phẩm kinh điển của C.Mác

và Ph. Ăngghen. NXB lý luận chính trị, Hà Nội.

10. Nguyễn Hữu Vui (1998), Lịch sử triết học. NXB chính trị quốc gia, Hà Nội.

11.Trang Phúc Linh (2003), Lịch sử chủ nghĩa Mác. NXB chính trị quốc gia,

Một phần của tài liệu tính tích cực và hạn chế trong tư tưởng duy vật của l feuerbach (Trang 61 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(68 trang)