Vùng cacxtơ Bắc Hà

Một phần của tài liệu Địa hình cacxtơ của miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ (Trang 26 - 27)

Đặc điểm của đá vôi này là cũng chứa nhiều tạp chất và đôi khi có xen kẽ những lớp kẹp đá phiến. Vùng cacxtơ này cũng chịu ảnh hưởng của vận động tân kiến tạo khá mạnh mẽ nên có độ cao trung bình từ 1400 – 1500m. Đỉnh cao nhất ở gần Ngọc Uyển đạt tới độ cao 1868m. Nhưng độ cao thấp dần từ tây bắc xuống đông nam, nghĩa là đạt tới mức lớn nhất ở nơi tiếp giáp với khối granit thượng nguồn sông Chảy và hạ thấp dần về phía thung lũng sông Hồng. Sông Chảy cắt qua vùng cacxtơ này tạo thành một vết xẻ sâu dài tới 60km.

Địa hình cacxtơ ở đây đã hóa trẻ cho ảnh hưởng của vận động tân kiến tạo. Nhưng không phải bất cứ chỗ nào trong vùng cũng có dạng địa hình cacxtơ trẻ bởi vì ở nhiều nơi đá vôi đã bị phân hủy đến tận gốc làm cho nhân đá phiến tuổi Prôtêrôzôi lộ ra. Ở những nơi này quá trình xâm thực của dòng chảy trên mặt đã trở thành động lực phát triển địa hình quan trọng. Ở đây xuất hiện địa hình cacxtơ trẻ với các hố hút nước, các lũng kín…Các dòng chảy trên mặt thường mất hút vào các khu cacxtơ này và ở đây nước ngầm thường tụt xuống dưới sâu. Ở những khu vực cacxtơ này và những khu vực phụ cận, nạn thiếu nước khá trầm trọng.

Vùng cacxtơ này đã bị chia cắt bởi nhiều sông nhánh của sông Chảy và sông Hồng. Tuy nhiên ở các khu vực phân thủy trong vòng uốn của sông Chảy và nằm giữa sông Chảy và sông Hồng vẫn còn tồn tại những bề mặt san bằng sót lại ở độ cao 1000m và 1500m. Thị trấn Bắc Hà nằm ở một bề mặt san bằng sót lại như thế ở độ cao 974m trong phạm vi khu vực phân thủy ở vòng uốn sông Chảy. Bề mặt này cũng bị quá trình xâm thực hiện đại cắt xẻ làm xuất hiện những đồi đá phiến xen kẽ với những khối cacxtơ sót. Tuy nhiên, sự cắt xẻ ấy chưa sâu sắc nên bề mặt này vẫn duy trì được sắc thái của một nửa bình nguyên sót lại trên cao. Vì thế khối đá vôi này được gọi là cao nguyên Bắc Hà.

Đá vôi Cambri sớm vốn có nhiều tạp chất và có xen kẽ những lớp hẹp đá phiến làm cho địa hình cacxtơ ở đây ít sắc sảo. Trên bề mặt đá thường có tàn tích che phủ. Rừng ở đây tuy bị phá hủy nhiểu nhưng vẫn còn ở một số nơi và đại bộ phận là rừng thứ sinh. Trong vùng cũng đã tìm thấy một số khoáng sản có giá trị như chì và sắt. Ngoài ra, cũng giống như các cao nguyên cacxtơ thuộc vùng cao biên giới đã nói ở trên, vùng này cũng thuận lợi cho việc trồng các loại cây ôn đới và cận nhiệt đới.

Một phần của tài liệu Địa hình cacxtơ của miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ (Trang 26 - 27)