Kiểu con người dấn thân – dấn thân chống lại cái phi lí

Một phần của tài liệu nghệ thuật xây dựng tiểu thuyết trong dịch hạch của albert camus và báo ứng của philip roth (Trang 80)

Trong văn học thế giới, kiểu nhân vật dấn thân là một hình tượng đặc biệt được nhiều nhà văn quan tâm xây dựng. Ta có thể gặp kiểu nhân vật này trong các sáng tác của Hemingway, Sartre, … Kiểu con người dấn thân trong tiểu thuyết đã gợi cho con người nhiều suy nghĩ, liên tưởng về cuộc sống. Bên cạnh hành động, suy nghĩ của các nhân vật cũng có những chuyển biến gây bất ngờ thú vị cho người đọc. Những vấn đề xung quanh hình tượng nghệ thuật này là câu hỏi mà người viết luôn muốn tìm kiếm lời giải đáp. Việc xây dựng kiểu nhân vật dấn thân được nhà văn khắc họa ở ngoại hình, ngôn ngữ, hành động. Đặc biệt, kiểu con người dấn thân luôn hướng đến hành động, luôn dùng hành động để chống trả hoặc giải quyết vấn đề, không bao giờ chấp nhận buông xuôi bỏ cuộc. Chính điều này đã tạo nên sức hút, sức cổ động mạnh mẽ ở các nhân vật dấn thân trong tiểu thuyết, đặc biệt là tiểu thuyết hiện sinh đối với độc giả.

Kiểu nhân vật dấn thân là kết quả của mô hình quan niệm phi lí về cuộc sống của Camus và Roth. Chúng tôi sẽ xem xét kiểu nhân vật này trong mối tương quan với mô hình quan niệm về thế giới của hai nhà văn chứ không đơn thuần chỉ xem xét nhân vật ở mặt nghệ thuật. Chính quan niệm phi lí và những nỗi ám ảnh về cuộc sống đã chi phối đến cách tổ chức, xây dựng nhân vật trong

Dịch hạchBáo ứng.

Dịch hạch nằm trong bộ ba phản kháng của Camus bao gồm: Dịch hạch, Tình trạng giới nghiêm, Người phản kháng sau bộ ba phi lí: Kẻ xa lạ, Huyền thoại Sisyphe và kịch Ngộ nhận. Đây là tiểu thuyết thể hiện rất rõ quan niệm phi lí dấn thân của Camus, đặc biệt là qua các nhân vật: Rieux, Tarou, Grand, Rambert, Panolux,… Dấn thân ở đây có nghĩa là nhân vật không bao giờ chọn thái độ buông xuôi, phó mặc khi gặp bất kì một hoàn cảnh khó khăn nào. Các nhân vật trong Dịch hạch luôn không ngừng vươn lên, không ngừng chiến đấu chống lại cuộc đời phi lí bằng mọi cách.

Đây là kiểu nhân vật tiêu biểu cho văn học hiện sinh. Kiểu con người dấn thân không bao giờ chấp nhận buông xuôi trước thực tại, dù thực tại ấy có khốc liệt đến thế nào đi chăng nữa. Họ luôn hành động để chống trả quyết liệt và vượt lên trên hoàn cảnh, khẳng định giá trị con người bằng sự dấn thân không ngừng vươn lên, bởi: “Đã làm con người thì không bao giờ được bó tay chịu thua. Con người có thể bị tiêu diệt nhưng không thể bị khuất phục.” (Hemingway, Ông già và biển cả). Cũng như ông lão Santiago, nhân vật của Camus dù biết rằng sự chiến đấu của mình có thể không mang lại chiến thắng nhưng họ vẫn hành động đến cùng.

Không gì có thể tước đi mất ý chí của con người một cách dễ dàng như một dịch bệnh truyền nhiễm. Đứng trước thảm họa phi lí này, người ta thường nhanh chóng chấp nhận số phận hoặc tìm cách trốn chạy thoát thân. Nhân vật trong Dịch hạch của Camus thì không như vậy. Ban đầu, có thể là do hoàn cảnh buộc họ phải đối đầu với dịch bệnh: thành phố Oran đóng cửa, dù có muốn bỏ trốn thì họ cũng khó lòng mà đi được. Tuy nhiên, hoàn cảnh dịch bệnh dần dần cho thấy rõ phẩm chất tốt đẹp của con người, giống như một thứ “lửa thử vàng”, để cuối cùng, Camus phải kết luận rằng: “con người có nhiều điều đáng khâm phục hơn là đáng khinh ghét”. Như vậy, hoàn cảnh dịch bệnh cùng các sự kiện trong cốt truyện đã tạo điều kiện làm cho cho tính cách, lí tưởng sống của các nhân vật được thể hiện một cách rõ nét.

Có thể xem Rieux, Tarou, Grand là những nhân vật dấn thân 100%, bởi từ khi dịch bệnh xuất hiện cho đến kết thúc, họ không lúc nào ngơi nghỉ, luôn dùng hết sức mình để giúp đỡ cộng đồng. Rambert cũng là một nhân vật khá tích cực trong hành động chống dịch cứu người, dù lúc đầu, điều quan tâm duy nhất của anh chỉ là làm sao thoát khỏi thành phố, thoát khỏi dịch hạch. Mỗi nhân vật đều có một hoàn cảnh khác nhau nhưng lại gặp nhau ở điểm chung đó là cùng tham gia đội y tế, cùng hành động vì con người.

Là một bác sĩ, triết lí sống của Rieux rất thực tế nhưng lại đáng để bao người học hỏi: “Dịch hạch cũng như mọi bệnh tật trên đời này thôi. Nhưng cái gì đúng với mọi tai họa thì cũng đúng với dịch hạch (…) Nhưng dịch hạch gieo rắc khổ ải và đau thương nên nếu không điên thì cũng mù, không mù thì cũng hèn nhát mới cam chịu bó tay trước dịch hạch” [6, tr.167]. Tuy chọn con đường khác nhau nhưng về căn bản, cả Rieux và Tarou đều có cùng một nền chung đó là sự phản kháng không dựa vào Chúa. Đây cũng chính là thái độ của Meursault trong Người xa lạ khi anh kịch liệt phản đối Chúa, từ chối cầu nguyện cho mẹ, từ chối cầu nguyện trước khi chết, thậm chí chửi cả mục sư. Và chính nó là “cách để tác giả thể hiện tính chất vô thần của mình trong tư tưởng”. Đối với Camus, con người không thể trông cậy vào Chúa bởi Chúa sẽ vẫn cứ một mực lặng im khi con người rơi vào tuyệt vọng hay đau khổ. Thái độ của Rieux đối với Chúa là minh chứng cho hành động phản kháng quyết liệt trước cái phi lí và một sự dấn thân tích cực vì cộng đồng: “Nhưng vì trật tự trên cõi đời này là do cái chết qui định cho nên có lẽ tốt hơn cho Chúa là không nên tin ở Chúa mà cần đem hết sức mình đấu tranh chống lại cái chết, và không ngước mắt lên trời nơi Chúa một mực lặng im”. [6, tr.171]. Dịch hạch đặt nhân vật trong thế phải chọn lựa trước đau khổ, hoặc là y khoa hoặc chọn Chúa. Các nhân vật trong tác phẩm, đặc biệt là Rieux đã chọn y khoa và tập hợp mọi người vào thực hiện lựa chọn này. Nếu như việc lựa chọn Chúa, lựa chọn sự cầu nguyện thể hiện sự yếu đuối, bất lực của con người thì việc chọn niềm tin vào sự can thiệp của y tế là một lựa chọn can đảm, tuy vất vả nhưng khôn ngoan. Khôn ngoan bởi vì dù thế nào thì con người cũng đã không phó mặc vận mệnh của mình cho kẻ khác. Khi Tarou hỏi Rieux có tin vào Chúa không thì anh đã trả lời: “Không, nhưng điều đó có nghĩa lí gì chứ? Tôi đang trong bóng đêm và tôi đang cố gắng nhìn nó cho rõ. Đã từ lâu tôi không còn coi nó là độc đáo nữa (…). Nhưng giờ đây, có các bệnh nhân và cần phải chữa trị cho họ. Tôi cố gắng bảo vệ họ hết sức mình, vậy thôi.” Trong lá thư gửi cho Jean Grenier ngày 21 tháng Giêng năm 1948, Camus

đã viết: “Điều Rieux (tôi) muốn nói, đó là chữa trị tất cả những gì có thể chữa trị được, trong khi chờ để biết hay để thấy. Đó chỉ là vấn đề đợi chờ và Rieux đã nói rằng “tôi không biết”. Tôi đã trở lại sau khi đã đi thật xa để cuối cùng phải thốt lên lời tự thú là mình không biết gì cả. Ta bắt đầu bằng việc luận bàn về cuộc diệt chủng và cuối cùng ta trở về với cái luân lí của những con người bình thường”. (Sổ tay ghi chép của Camus)

Như vậy, thay vì dựa vào Chúa, nhân vật Rieux đã quyết định lựa chọn hành động. Trong Dịch hạch, Rieux là một trong hai nhân vật đầu tiên đã nhận ra sự xuất hiện và hiểm họa mà dịch hạch có thể mang lại (cùng với Castel). Ông phản đối thái độ phản ứng của chính quyền thành phố trong cuộc họp khi họ có có ý muốn né tránh sự thật. Họ chỉ bàn tới bàn lui duy nhất một chuyện đó là có nên gọi dịch bệnh này bằng cái tên thật của nó là “dịch hạch”. Điều này làm Rieux cảm thấy rất bực mình, bởi theo ông, gọi nó tên gì không quan trọng, mà quan trọng là con người nên bàn xem cách ứng phó thế nào, hành động thế nào trước tình trạng dịch bệnh. Ông đã mạnh mẽ khẳng định: “Điều quan trọng duy nhất là chúng ta ngăn chặn không cho nó tiêu diệt một nửa thành phố”

[6, tr.72].

Khác với Tarou luôn muốn phấn đấu trở thành một vị thánh không Chúa, Rieux chỉ quan tâm đến những gì liên quan trực tiếp đến đời sống thường ngày của con người. Ông đã từng cho rằng lí tưởng mang lại hạnh phúc cho con người là quá xa vời với ông. Điều duy nhất ông quan tâm đó là sức khỏe con người, là làm thế nào để tất cả được khỏe mạnh. Nghề bác sĩ buộc ông luôn phải có mối liên hệ thân ái với tất cả mọi người, trong suốt thời gian hành nghề, Rieux phần nào đã trở thành hình ảnh một vị thánh nơi trần thế: luôn lao tới những nơi con người đang đau đớn vì bệnh tật, với một mũi tiêm, vài ba viên thuốc, một vài lời trấn an thế là người bệnh lại đâu vào đấy; trong thời kì dịch bệnh, ông vẫn đến với người bệnh để giúp họ vượt qua đau đớn thể xác bằng tất cả khả năng của mình, ông luôn dành những điều tốt nhất cho bệnh nhân của mình. Vì thế cho

nên, dù ông cảm thấy rằng trái tim ông đang dần rắn lại, lòng ông đang chai sạn, dù thái độ có lạnh lùng nhưng Rieux đã thực sự xả thân để mưu cầu hạnh phúc cho bao người. Ông đã đoạt lại sự sống cho bao người, đem lại hạnh phúc cho bao nhiêu gia đình, ông yêu mẹ, yêu vợ, sẵn sàng chữa bệnh cho người nghèo mà không lấy tiền,…nên cho dù ông chỉ tự nhủ sẽ hoàn thành tốt công việc vì ông là một bác sĩ, nhưng chắc chắn với mọi người, ông chính là cứu tinh cho những người bệnh và gia đình họ. Rieux hoàn toàn có khả năng trở thành vị

thánh không Chúa, nhưng ông đã không chọn con đường đó mà chỉ muốn làm

một con người bình thường vì ông tin vào hiện hữu, tin vào mỗi phút giây con người tồn tại trên đời hơn là tin vào những gì thuộc về hư vô. Do đó, tất cả những gì ông quan tâm là sức khỏe, bởi sức khỏe là hiện sinh, là đời sống, ông không quan tâm đến vấn đề cứu rỗi bởi đó là vấn đề của lí tưởng, của hi vọng, của Thượng đế. Ông không quan tâm đến cái gì nằm bên ngoài sự sống của con người. Cái chết là tất yếu, cho nên ông chỉ bám vào những phút giây thực tại khi con người vẫn còn đang hít thở bầu không khí này…

Quan niệm của Rieux rất thực tế: “Muốn trở thành một vị thánh thì anh phải sống. Anh phải chiến đấu”. [6, tr.367]. Đó cũng là quan niệm hiện sinh mang tính chất dấn thân sâu sắc của Camus. Mọi thứ chỉ có ý nghĩa khi con người hành động và khi con người đang sống. Tất cả những gì nằm ngoài điều này đều hư vô và phi lí. Kiểu con người dấn thân trong Dịch hạch còn mang tư tưởng nhân văn đậm nét. Hành động của họ ở đây là hành động xả thân vì cộng đồng chứ không phải là hành động tội ác. Quan niệm này được thể hiện qua lời phát biểu của Tarou – cũng là một nhân vật dấn thân tích cực trong tác phẩm này: “Dĩ nhiên, đã là con người thì phải chiến đấu vì những nạn nhân. Nhưng nếu con người thôi không còn yêu thương gì nữa hết thì anh ta chiến đấu để làm gì?” [6, tr.334]. Tarou ngay từ đầu đã xác định cho mình trở thành một vị Thánh không Chúa giữa đời thường. Anh luôn đặt niềm tin vào con người, cho rằng họ tốt nhiều hơn là xấu, cái chết là điều tởm lợm nhất mà anh đã từng chứng kiến

khi nó xảy ra với họ. Tarou cho rằng nhiệm vụ của mình là phải khơi dậy điều tốt đẹp tiềm ẩn trong mỗi con người. Chính vì điều đó mà anh đã đi khắp nơi và tham gia các cuộc chiến vì con người. Anh đón nhận dịch bệnh ở thành phố Oran với một thái độ hết sức điềm tĩnh, dù có thể đứng ngoài cuộc chiến chống dịch hạch nhưng anh không làm như vậy mà tích cực cùng Rieux thành lập đội y tế cứu người. Cùng là nhân vật phi lí nhưng Tarou khác Mersault. Cái phi lí của Mersault mang tính thụ động trong sự máy móc, đơn điệu của cuộc đời; cái phi lí của Tarou lại là sự phản kháng quyết liệt trước cái trật tự tởm lợm của xã hội – trật tự được qui định bởi cái chết. Cái phi lí của Mersault bắt nguồn từ sự mâu thuẫn giữa con người với xã hội, cái phi lí của Tarou bắt nguồn từ sự mâu thuẫn của một con người muốn trở thành thánh nhưng khước từ sự tồn tại của Chúa. Chính vì thế, trong khi Mersault đại diện cho sự phân li thì Tarou lại đại diện cho sự tập hợp; trong khi Mersault phản kháng bằng thái độ dửng dưng thì Tarou phản kháng bằng thái độ dấn thân hành động. Và việc dấn thân hành động hết mình vì cộng đồng cũng là con đường để Tarou trở thành vị thánh không Chúa. Thái độ tích cực của Tarou đối với cuộc đời đươc thể hiện sâu sắc nhất khi anh nhiễm bệnh. Dù cận kề với cái chết nhưng anh vẫn không buông xuôi:

“Tôi không muốn chết. Tôi muốn chiến đấu” [6, tr.366].

Thái độ dấn thân của Tarou cũng giống Rieux ở chỗ phản kháng Chúa, không chấp nhận đặt niềm tin ở Chúa. Họ tin vào chính mình, tin vào con người hơn là Thượng đế. Chính niềm tin này đã thôi thúc họ chiến đấu không ngừng vì con người. Cái chết của Tarou ở cuối tác phẩm, khi mà dịch bệnh đã chấm dứt là một điều khẳng định của Camus: chỉ có con người đời thường mới tồn tại, những gì là hư vô, là Thánh thì không thuộc cuộc sống con người. Do đó, nhân vật của Camus là kiểu người dấn thân cho những gì thực tế nhất, đem lại sức khỏe và niềm vui cho con người. Bên cạnh Rieux, thì các nhân vật khác như Grand, Rambert, Panolux cũng chứng minh cho điều Camus đề cập tới là đúng đắn và thiết thực.

Khi bàn về chủ nghĩa anh hùng, người kể chuyện đã chọn Grand là người anh hùng giữa đời thường: “Đúng, nếu quả loài người thiết tha đặt cho mình những tấm gương và những hình mẫu mà họ gọi là những anh hùng, và nếu nhất thiết trong câu chuyện này phải có một người anh hùng, thì người kể chuyện đề nghị chọn người anh hùng tầm thường, mờ nhạt trên đây. Người kể chuyện thấy anh có chút lòng nhân hậu và một lí tưởng thoạt nhìn có vẻ kì cục. Như thế thì sẽ trả lại cho chân lí những gì thuộc về chân lí, trả lại cho phép cộng hai với hai cái tổng số bốn của nó và trả lại cho chủ nghĩa anh hùng cái vị trí thứ yếu vốn là của nó: nó phải ở ngay sau, chứ không bao giờ đứng trước những đòi hỏi hào hiệp của hạnh phúc” [6, tr.184]. Nếu như hành động cứu người của Rieux một phần là do nghề nghiệp của anh qui định, hành động xả thân của Tarou xuất phát từ nhiệm vụ khơi gợi điều tốt đẹp tiềm ẩn trong con người, để trở thành vị thánh không Chúa thì hành động của Grand lại hoàn toàn vì con người một cách thuần túy. Anh tham gia đội y tế với ý nghĩ hết sức đơn giản, có dịch hạch thì cần phải tham gia đội y tế để tiêu diệt dịch hạch, chỉ có vậy. Do đó, chọn anh làm người hùng cho tiểu thuyết này quả là một lựa chọn đúng đắn vì ở anh, người ta có thể tìm thấy hình ảnh nguyên sơ, chân thực nhất của cái gọi là anh hùng. Grand lao động vất vả vừa để cứu người vừa dấn thân vào những con chữ. Cho nên, chỉ một thời gian ngắn tham gia đội y tế mà anh đã trở nên gầy gò, xanh xao. Đây cũng là tình hình chung của đội y tế của Rieux. Ai cũng đang trong tình trạng

Một phần của tài liệu nghệ thuật xây dựng tiểu thuyết trong dịch hạch của albert camus và báo ứng của philip roth (Trang 80)