Là sinh viên có học lực giỏi của khoa công nghệ thông tin trường Đại Học Bách Khoa HCM, Thắng được nhận vào làm việc trong một công ty chuyên về mảng công nghệ thông tin. Với mong muốn mang kiến thức học tập ứng dụng vào trong thực tế, Thắng năng nổ, nhiệt tình trong mọi công việc. Nhưng suốt thời gian đầu vào làm việc bạn luôn gặp phải những tình huống khó xử. Thắng tâm sự: ” Tôi cũng học được kinh nghiệm từ các anh chị đi trước rằng phải chịu khó, nhiệt tình. Song hoàn cảnh đôi lúc không cho phép. Có những lúc tôi đang làm việc thì lại phải chạy sang phụ việc cho một anh thuộc phòng ban khác. Điều này làm chậm tiến độ công việc được giao. Bạn phải kiêm 2,3 công việc cùng một lúc. Thắng cũng cảm nhận được sự khó chịu của các đồng nghiệp khác khi Thắng năng nổ mọi hoạt động trong công ty. Lắm lúc tôi cũng không biết sử xự như thế nào? Năng nổ thì bị ghét mà làm đúng việc của mình thì bị nói là không biết giúp đồng nghiệp”
Qua tình huống trên, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng cho rằng bạn Thắng cư xử chưa thật khéo. Điều này cũng cho thấy cách giao tiếp với đồng nghiệp là một yếu tố để một nhân viên có thể hòa nhập với môi trường làm việc.
Giao tiếp là một trong những kỹ năng quan trọng mà một nhân viên cần có để hỗ trợ cho công việc của mình. Giao tiếp với đồng nghiệp lại càng quan trọng hơn vì nó là yếu tố chính xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp và môi trường thuận lợi cho việc phát triển nghề nghiệp. Tuy nhiên, không ít bạn trẻ khi đi làm đã gặp khó khăn trong giao tiếp với đồng nghiệp và cấp trên của mình.
Việc giao tiếp được thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau như giao tiếp bằng lời, giao tiếp bằng văn bản, lắng nghe và ứng xử phù hợp với hoàn cảnh.
Trong quá trình làm việc, bạn phải thường xuyên thảo luận và bàn bạc công việc với đồng nghiệp. Vì vậy, bạn phải có kỹ năng giao tiếp bằng lời tốt. Sử dụng từ ngữ phù hợp với môi trường, biết lắng nghe và phản hồi tích cực là yêu cầu tối thiểu khi tiếp xúc nói chuyện với đồng nghiệp. Bên cạnh đó, nếu bạn làm việc tại một công ty nước ngoài thì kỹ năng ngoại ngữ của bạn phải giỏi để tránh sự hiểu lầm hay mơ hồ khi trao đổi với đồng nghiệp người nước ngòai.
Giao tiếp trong công việc sẽ tốt hơn nhiều nếu bạn biết trau dồi kỹ năng trình bày. Kỹ năng trình bày tốt cũng rất quan trọng đặc biệt khi bạn làm việc theo nhóm hay với cấp trên. Thực tế rất nhiều bạn trẻ khi đi làm thiếu kỹ năng này do ít có cơ hội được rèn luyện trong quá trình học tập. Kết quả là nhiều bạn không biết cách nêu vấn đề, đặt câu hỏi và trình bày suy nghĩ, quan điểm của mình trước nhiều người dẫn tới khả năng thuyết phục kém, không chứng tỏ được năng lực của mình với đồng nghiệp và cấp trên. Do vậy, khi trình bày quan điểm của bạn về một vấn đề, bạn nên sắp xếp, tổ chức các ý của mình bằng các ghi chú ngắn gọn. Khi chưa nắm bắt vấn đề, bạn nên đặt ra các câu hỏi để tìm ra những ý cốt lõi. Ngoài ra, bạn cũng nên khéo léo vận dụng những kiến thức của mình khi trình bày, mổ xẻ vấn đề. Thực hiện được các công việc này bạn sẽ hợp tác tốt với đồng nghiệp cũng như phát huy được năng lực của mình.
Giao tiếp qua văn bản thường bao gồm qua email và thư từ. Cách trình bày về hình thức và nội dung của một email hay thư từ, cách dùng từ ngữ, văn phong, cách đặt vấn đề sẽ thể hiện rõ bạn có phải là người giao tiếp tốt hay không?. Nếu nội dung súc tích, cách trình bày rõ ràng bạn sẽ tạo ấn tượng tốt với đồng nghiệp. Do đó, bạn nên thường xuyên rèn luyện cách viết email, thư từ hay văn bản để sử dụng những hình thức này như một công cụ giao tiếp hiệu quả.
Biết lắng nghe chủ động và tích cực sẽ giúp bạn học hỏi được nhiều điều và tránh được những sai sót trong quá trình làm việc. Luôn sẵn sàng tiếp thu ý kiến, góp ý của người đi trước sẽ giúp bạn chứng tỏ thái độ làm việc nghiêm túc của mình. Ngòai ra, bạn còn có thể hiểu rõ được đồng nghiệp của mình hơn nếu thường xuyên trò chuyện và lắng nghe họ. Từ đó, bạn sẽ biết cách điều chỉnh cách cư xử của mình một cách khéo léo và phù hợp.
Cách ứng xử của bạn cũng là một nhân tố cần thiết để bạn bước đầu hòa nhập được với môi trường làm việc. Luôn hòan thành tốt công việc của mình và hỗ trợ đồng nghiệp sẽ giúp bạn tạo thiện cảm với mọi người. Bạn nên tìm hiểu văn hóa công ty để điều chỉnh bản thân, tìm hiểu các quy định, quy trình làm việc để tránh ảnh hưởng đến công việc chung của tập thể. Ngoài ra, bạn cũng nên học tập phong cách làm việc khoa học và ngày càng hoàn thiện nó để hòa nhập với phong cách làm việc chuyên nghiệp của công ty. Ví dụ bạn nên lập kế hoạch cụ thể cho công việc của mình theo từng tuần, từng tháng. Khi gặp khó khăn trong công việc, cách tốt nhất là bạn nên trao đổi thẳng thắn và yêu cầu được hỗ trợ từ cấp trên của mình. Chẳng hạn như tình huống trên, Thắng nên gặp trực tiếp cấp trên của mình, trình bày những khó khăn vướng mắc để tìm ra giải pháp.
Giao tiếp tốt sẽ giúp bạn có nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp, nâng cao các kỹ năng khác và thăng tiến trong công việc. Nếu bạn muốn hiểu thêm về vai trò của kỹ năng này trong công việc, bạn hãy tham gia vào chương trình tư vấn “Hội nhập môi trường doanh nghiệp” do Jobviet.com tổ chức với sự tài trợ của công ty Tân Hiệp Phát. Đợt tư vấn thứ hai sẽ diễn ra vào 8 giờ 30 phút ngày 18/4/2006 tại trường Đại học Dân lập Ngoại ngữ Tin học với chủ đề “Cách giao tiếp với đồng nghiệp trong hai tuần đầu đi làm”. Hy vọng chương trình này sẽ đem đến cho các bạn sinh viên, đặc biệt là các bạn năm cuối nhiều thông tin bổ ích.
Những bạn ở xa có thể sử dụng diễn đàn giao lưu trực tuyến của Jobviet.com để trao đổi với các doanh nhân cũng như xem các câu hỏi và câu trả lời đang diễn ra tại hội trường trường Đại học Dân lập Ngoại ngữ Tin học.
(Theo Jobviet.com) 7 "MẸO" ĐỂ CÓ MỨC LƯƠNG CAO
Thăng tiến luôn đi kèm với mức lương cao. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực và sự cố gắng của bạn trong công việc. Ngoài ra, có thể đi theo những bước sau đây.