Các nhân vật nghịch dị

Một phần của tài liệu Nghệ thuật nghịch dị trong tiểu thuyết nhà thờ đức bà pari của victo huygô (Trang 33)

2.1.1. Nhà thờ Đức bà: cái nôi và mồ chôn

Nhân vật văn học là một hiện tượng nghệ thuật ước lệ cho nên có rất nhiều cách định nghĩa khác nhau về nhân vật. Có tác giả cho rằng: nhân vật văn học là những con người cụ thể được miêu tả trong tác phẩm. Điều đó chưa đủ bởi nhân vật văn học không chỉ là những con người có tên hoặc không tên mà còn có thể là những sự vật, hiện tượng nổi bật trong tác phẩm hay những loài vật khác ít nhiều mang bóng dáng tính cách của con người. Chẳng hạn: “Nhân dân” là nhân vật chính của “Chiến tranh và hoà bình”, “Dế Mèn” là nhân vật trong “Dế Mèn phiêu lưu kí”… Nhân vật cũng có thể là đồ vật như: cái chổi, cái bếp, nồi đồng trong “Cái tết của mèo con”… Cho nên ta có thể hiểu khái niệm nhân vật một cách đầy đủ theo “Từ điển văn học” như sau:

“Nhân vật văn học là yếu tố cơ bản nhất trong tác phẩm, tiêu điểm để bộc lộ chủ đề, tư tưởng chủ đề và đến lượt mình nó lại được các yếu tố có tính chất hình thức của tác phẩm tập trung khắc hoạ. Nhân vật do đó, là nơi tập trung giá trị tư tưởng, nghệ thuật của tác phẩm văn học” (07tr.186). Soi vào tác phẩm ta thấy, bao trùm lên tất cả các nhân vật chính phụ của cốt truyện là toà nhà thờ Đức bà. Mọi tình tiết của câu chuyện đều xoay quanh ngôi nhà thờ khiến cho nhiều nhà nghiên cứu nhận xét rằng ngôi nhà thờ ấy mới là nhân vật trung tâm, thực sự có một linh hồn trong tiểu thuyết.

Ta thấy rằng, bối cảnh của câu chuyện là Pari thời trung cổ được tái hiện qua sức mạnh của định mệnh đè nặng lên các nhân vật, hiện hình qua dòng chữ “AN”AGKH (định mệnh) tạo thành một thế giới kỳ ảo. Trung tâm của thế giới kỳ ảo này là ngôi nhà thờ Đức bà nổi tiếng, tạo ra một ngã tư đường cho những cuộc gặp mặt đối đầu định mệnh. Đồng thời nó vừa là cái nôi để che chở, cưu mang những con người khốn khổ, bất hạnh, vừa là nơi chôn vùi cuộc sống của bao con người. Trong tác phẩm này, ngôi nhà thờ được soi rọi từ nhiều kiểu, lúc thì là một toàn cảnh uy nghi với khuôn mặt bằng đá cũng trăm ngàn điêu khắc dị kỳ, dựng lên sừng sững, trầm mặc; lúc thì là tia phản chiếu quái dị của “ông thần bếp” ám ảnh và ngự trị khắp ngôi nhà, lúc thì hoang đường dữ dội, dưới ánh lửa mà Cadimôđô đã đốt lên để đun nóng chì, bảo vệ Exmêranđa chống lại cuộc tấn công của những người du đãng. Nhưng trước hết ta thấy ngôi nhà thờ được hiện lên là một nơi yên bình, là bến đỗ của chàng Cadimôđô tội nghiệp.

Sinh ra là một đứa trẻ vô thừa nhận với hình thù quái dị cho nên sau khi được Clôđơ Phrôlô nhận về nuôi nâng nó đã trở thành người kéo chuông của nhà thờ Đức bà. “Thời gian trôi qua đã tạo nên mối dây tơ hết sức mật thiết nối liền gã kéo chuông với nhà thờ” (12tr.197). “Nó sống ở đó, ngủ tại đó, hầu như không bao giờ ra ngoài” và có thể nói “Đó là nơi trú ẩn, cái hang lỗ, cái vỏ của nó” (12tr.198), là nơi để nó tránh những cặp mắt soi mói của người đời.

Ngôi nhà thờ giống như một thế giới riêng của Cadimôđô, tách biệt hẳn với lớp người nhốn nháo, phức tạp ở ngoài kia. Hắn yêu ngôi nhà thờ và yêu những giàn chuông của hắn. Cứ thế, dần dần hắn luôn luôn phát triển theo ý tưởng của giáo đường. Không chỉ thân thể, mà cả tinh thần của nó hình như cũng được cấu tạo rập khuôn theo nhà thờ. Do đó “giữa nó và ngôi nhà thờ cổ có một mối đồng cảm tự nhiên rất sâu sắc” (12tr.198) và người ta ví ngôi nhà thờ Đức bà như người anh em sinh đôi với Cadimôđô, “mà mỗi chỗ lồi lõm như khớp với thân hình nó”. Giờ đây ngôi nhà thờ không còn xa lạ gì với nó mà trở nên thân thiết lạ kỳ. Dường như nó còn có sức sống hẳn lên nhờ bàn tay, bước chân và hơi thở của Cadimôđô. Có thể nói, Cadimôđô trở thành phần hồn của cái xác từ lâu bất động và giá lạnh ấy.

Như vậy là Huygô đã “nhích lại gần nhau cái xa cách”, cái tưởng chừng như loại trừ nhau thành một thể thống nhất “đến độ mà những ai từng biết có Cadimôđô đã sống ở đó, sẽ thấy nhà thờ Đức bà, giờ đây sao mà hoang vắng, thê lương, chết chóc. Như có cái gì đó đã tiêu vong. Thân xác đồ sộ này trống rỗng, chỉ còn lại bộ xương, linh hồn rời đi rồi, chỉ còn lại vị trí cũ của nó, có thế thôi. Như chiếc sọ người trên đó vẫn còn hai lỗ của đôi mắt, nhưng đã mất vẻ nhìn” (12 tr.205).

ở đây chúng ta không đề cập đến chủ nghĩa duy linh là một hình thái ý thức đã ảnh hưởng rất mạnh đến Huygô. Điều quan trọng hơn là phải thấy ở đây cách lý giải về thời trung cổ và nhà thờ khác hẳn các nhà lãng mạn khác. “Trung thành với tinh thần của Đạo Thiên Chúa lúc sơ khai khi nó còn đứng về phía kẻ nghèo chống lại những người có quyền lực, Huygô nhìn thấy ở phẩm chất bị che dấu của Cadimôđô - “một loại người bản năng và man rợ” - một lòng bác ái phù hợp với kinh Phúc âm và ông đã chọn Cadimôđô làm biểu tượng cho nhà thờ Đức bà. Cả hai sẽ cứu vớt và che chở cho cô gái nghèo tội nghiệp, nạn nhân của cái ác xã hội” (06tr.36,37) chứ không phải là phó chủ giáo Phrôlô - một người có quyền lực trong xã hội. Vào thời đó trong khu nhà

thờ Đức bà, kẻ tử tù trở nên bất khả xâm phạm. “Nhà thờ là nơi ẩn náu. Mọi công lý loài người đều chấm dứt trên ngưỡng cửa” (12tr.438). Do đó nó trở thành nơi tị nạn lý tưởng cho những con người khốn khổ. Và ở đây cô gái bôhêmiêng xinh đẹp đã được cứu vớt và che chở, thoát khỏi bàn tay của “đao phủ”, tuy nhiên một điều cần thiết là không được ra khỏi nơi đó. Một bước rời khỏi thánh địa là rơi ngay xuống dòng thác lũ. Như vậy, nơi tị nạn cũng chỉ là nhà tù như mọi nhà tù nhưng dù sao nó cũng là nơi che chở cho cô gái nghèo tội nghiệp thoát khỏi một cái chết oan nghiệt.

Có thể thấy rằng, hình tượng nhân vật nhà thờ Đức bà hiện lên không chỉ là cái nôi cưu mang những mảnh đời khốn khổ như Cadimôđô hay Exmêranđa mà nó còn là nơi vô cùng bí hiểm và khiếp sợ, là mồ chôn của những kiếp sống không may mắn.

Trước hết, đó là nơi hành xác và gửi thân của Phrôlô. Phrôlô quyết tâm hiến trọn vẹn cuộc đời mình cho Chúa. “Cho nên hơn bao giờ hết, chàng càng gắn chặt với cái nghiệp tu hành” (12tr.195) chỉ biết vùi đầu vào sách vở và nhanh chóng được cả tu viện kính trọng và khâm phục vì kiến thức lẫn lối sống khắc khổ vốn hiếm thấy ở một người tuổi đời còn rất trẻ. Hình như mục đích duy nhất của cuộc đời con người đó chỉ là kiến thức và ngay từ nhỏ Phrôlô đã “được cha mẹ chuẩn bị cho vào hàng giáo phẩm (…), được dạy phải nhìn xuống và nói nhỏ” (12tr.192). Nói chung tuổi trẻ của Phrôlô bị chôn vùi, bị gò ép trong khuôn khổ của những cuốn sách lễ và bộ từ điển để rồi tình yêu trở thành định mệnh dẫn đến cái chết bi thảm của Phrôlô. Như thế có nghĩa là nhà thờ Đức bà vừa là nơi đưa Phrôlô lên đến đỉnh cao của vinh quang nhưng cũng lại là nơi tiêu diệt cuộc sống nơi trần thế của phó chủ giáo Phrôlô.

Không chỉ chôn vùi cuộc sống của một con người mà nơi đây còn là mồ chôn của biết bao sinh mạng nữa điển hình là trong cuộc “chiến đấu” bảo vệ Exmêranđa giữa một bên là đám ăn mày với một bên chỉ là Cadimôđô. Cadimôđô đã biết lợi dụng những thứ sẵn có ở đây để biến chúng thành vũ khí

chống lại đội quân ăn xin đông đảo chen chúc, có vẻ hơi hỗn loạn song lại rất có tổ chức đang tụ tập dưới sân nhà thờ. Lúc này cảnh tượng nơi đây thật rùng rợn và ghê sợ: những trận mưa đá liên tiếp diễn ra, rồi “hai dòng chì lỏng từ phía trên nhà thờ đang rót xuống chỗ đông nhất của đám người” làm cho “biển người liền xẹp xuống dưới dòng kim khí sôi sục…” (12tr.517). Tại đó họ giãy giụa, rên la đau đớn. Thật là một cảnh hãi hùng! Và những điều mà đám dân chúng chứng kiến được ở ngôi nhà thờ cổ không chỉ có vậy mà dưới ánh lửa bập bùng họ còn thấy vô vàn những điêu khắc hình quỷ sứ, hình rồng hiện lên một cách rùng rợn và ma quái. Đám người ăn mày không giải thích nổi tại sao lại có những điều kỳ lạ như thế và họ cho rằng đây là một ngôi nhà thờ quái đản với những sự việc xảy ra có “hơi hướng ma thuật”.

Nhà thờ còn là nơi diễn ra bao cái chết thảm thiết khác như cái chết của Giăng Phrôlô, Exmêranđa, mụ tu kín… Cả toà nhà nhuốm đầy máu và nước mắt. Nhà thờ Đức bà là chiếc mồ chôn khổng lồ.

Qua tất cả những chi tiết trên ta thấy nhà thờ Đức bà hiện lên với những nét đối lập tương phản: vừa là nơi linh thiêng, tôn kính (nơi có những con chiên ngoan đạo đến đó để cầu nguyện) lại vừa là nơi trần thế, khiếp sợ (nơi dung nạp và bảo trợ nhiều người như chủ giáo, gã kéo chuông, những kẻ tị nạn… và cũng có rất nhiều người đã phải chết dưới chân và xung quanh toà nhà thờ). Cho nên dù được gắn với một địa danh cụ thể nhưng nó vẫn trở nên trừu tượng, huyền bí trước mắt người đọc. Và Cadimôđô được xem là “nhân vật khởi đầu” cho một hệ thống hình tượng nhân vật trung tâm: những con người khốn khổ.

2.1.2. Cadimôđô: dị dạng và hoàn hảo

Nhân vật Cadimôđô là một trong những hình tượng độc đáo trong sáng tạo nghệ thuật của thiên tài Huygô. Đây là một hình tượng con người - nói theo kiểu thuật ngữ ở dạng đầy đủ với toàn bộ những đặc điểm ngoại hình, nội tâm, hành động, thế giới tinh thần. Cái dáng đi nửa người nửa thú của

Cadimôđô là ấn tượng sâu đậm về hình thức bên ngoài mà tác giả vẽ ra cho độc giả của mình. Đây chính là cái chưa đầy đủ của nhân vật nên ngay từ lúc sinh ra nó đã bị hắt hủi, không được thừa nhận là con người về phương diện hình thức mà bị coi là “thằng nhóc quái vật”. Nhưng khiếm khuyết ở mặt này thì lại tràn đầy hơn về mặt khác, bề ngoài Cadimôđô xấu xí bao nhiêu thì trong tâm hồn lại cao quý và trong sáng bấy nhiêu.

Có thể thấy trong suốt chiều dài của cuốn tiểu thuyết, Cadimôđô luôn cho người đọc thấy được bản chất tốt đẹp ẩn chứa đằng sau vẻ bề ngoài xấu xí của mình. Đó là sự tương phản giữa hình thức bên ngoài và tính cách bên trong - một biện pháp nghệ thuật được coi là sở trường của nhà văn lãng mạn Huygô.

Như đã trình bày ở mục 1.2.2, Cadimôđô hiện lên là một nhân vật xấu ma chê quỷ hờn, điều này khiến ta liên tưởng tới nhân vật trong sáng tác dân gian. Cụ thể, trong một số truyện cổ tích ở Việt Nam người đọc bắt gặp nhiều cái tên như nàng Cóc, chàng hủi, Sọ Dừa… với vỏ ngoài xấu xí nhưng bên trong rạng ngời phẩm chất. Với Cadimôđô, anh không phải là con người của thế giới cổ tích nên không có cơ hội để xé bỏ vỏ ngoài dị dạng, chính điều này đã làm cho Cadimôđô trở thành con người bất hạnh, sống một cuộc đời cô độc tách biệt với cộng đồng xã hội loài người.

Qua cách miêu tả của tác giả ta thấy hắn có một khuôn mặt xấu “tự nhiên” vượt xa các kiểu làm trò cố tình khác trong ngày hội Cuồng đãng. Còn nhìn một cách tổng thể Huygô đã khái quát về nhân vật này chỉ trong vài câu “Tên Cadimôđô, thằng gù nhà thờ Đức bà! Cadimôđô, thằng chột! Cadimôđô, thằng khoèo chân!” (12tr.81). Còn người khác, nhân vật khác nhìn vẻ ngoài của hắn thì miêu tả: “Nó xuất hiện: đó là thằng gù. Nó bước đi: đó là thằng khoèo. Nó nhìn ta: đó là thằng chột. Ta nói với nó: đó là thằng điếc…” (12tr.82). Từ vóc dáng đến khuôn mặt, vẻ nhìn của hắn đều khuyết tật, dị dạng.

Nếu vẻ ngoài của hắn khiến người ta kinh sợ và khinh bỉ bao nhiêu thì phẩm chất của hắn khiến người xung quanh phải ca ngợi và kính trọng hắn bấy nhiêu. Huygô đã từng nói: “Cái bình thường là cái giết chết nghệ thuật” và quả đúng như vậy, ông đã chứng minh điều này thông qua mối quan hệ của nhân vật Cadimôđô với các nhân vật khác, đặc biệt là với nhân vật Clôđơ Phrôlô và nhân vật Exmêranđa.

Trước hết ta hãy xét mối quan hệ của Cadimôđô với Clôđơ Phrôlô, Huygô đã gọi đó là mối quan hệ giữa “con chó và chủ nó”. Nếu như với ngôi nhà thờ Cadimôđô gắn bó và yêu mến thì với vị chủ này hắn vừa yêu mến lại vừa cảm phục và trung thành tuyệt đối. Tại sao lại như vậy? Đơn giản chỉ vì Phrôlô là người duy nhất trong đám nhân loại ngày nào không miệt thị và hắt hủi nó. Ông đã mang nó về và nhận nó làm con nuôi. Hơn nữa ông còn dạy nó học, viết. Ông cho nó làm công việc kéo chuông vào các ngày lễ. Ông làm tất cả giúp nó, cho nó, trong khi người khác xua đuổi nó, muốn nó chết ngay khi nó còn là một đứa trẻ. Vì vậy ông là người quan trọng nhất, đáng tôn kính nhất trong lòng nó. Sâu thẳm trong con tim của hắn, hắn hiểu rằng, hắn được sống trên đời này là nhờ có phó chủ giáo. Cho nên hắn luôn gắn liền với chủ của mình, phục tùng mọi mệnh lệnh với thái độ không có gì so sánh nổi. Người đọc có thể nhận thấy, được phục tùng phó chủ giáo là niềm vui, sự sung sướng đáng tạo hào của Cadimôđô. Trong con mắt của kẻ tôi tớ ấy dù chủ hắn có nghiêm khắc, nghiệt ngã đến đâu hắn vẫn ngoan ngoãn phục tùng. Cadimôđô lúc nào cũng kính trọng cúi đầu nghe lời không xét nét, phán đoán. Phải nói rằng Cadimôđô: có lòng tận tâm của người con và tình quyến luyến của đầy tớ, cả sự mê hoặc một linh hồn bởi một linh hồn khác. Sau hết và trên hết là lòng biết ơn. Một lòng biết ơn được đẩy tới tột cùng cho nên có thể nói Cadimôđô yêu phó chủ giáo hơn bất cứ con chó, con ngựa nào từng yêu chủ nó. Chỉ với bấy nhiêu lời, tác giả đã lý giải đầy đủ tại sao Cadimôđô sẵn sàng làm tất cả, kể cả việc “nhảy ngay từ ngọn tháp nhà thờ Đức bà xuống đất”

(12tr.206) để vừa lòng ông ta. Đó là một sự trung thành tuyệt đối. Trước phó chủ giáo, cả hai lần đối mặt (lần 1: trong ngày hội Cuồng đãng; lần 2: trong lần Phrôlô định cưỡng ép Exmêranđa), Cadimôđô đều quỳ xuống, cúi đầu, chắp tay, thế mà chắc chắn Cadimôđô chỉ cần vung tay cái cũng đủ khiến linh mục chết dí nhưng Cadimôđô không dám vì trước sau hắn vẫn một lòng tôn thờ người cha nuôi của mình.

Những hành động đó của Cadimôđô càng chứng tỏ lòng trung thành tuyệt đối của hắn đối với chủ. Chỉ đến khi Exmêranđa bị treo cổ và giữa lúc khủng khiếp nhất ấy Cadimôđô bắt gặp ánh mắt và tiếng cười của phó chủ giáo thì hắn mới “xô ngã ông ta”. Mặc dù hắn không nghe thấy tiếng cười nhưng hắn hình dung ra được tiếng cười đó là “một tiếng cười ma quỷ, tiếng cười chỉ có thể có khi không còn là người” (12tr.612). Hành động đó chứng tỏ mâu thuẫn trong hắn lên cao tột cùng. Hắn hiểu cái chết của Exmêranđa là do bàn tay của phó chủ giáo gây ra. Nhưng hắn không hiểu tại sao con người ta

Một phần của tài liệu Nghệ thuật nghịch dị trong tiểu thuyết nhà thờ đức bà pari của victo huygô (Trang 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(64 trang)