cao" với thế giới tâm trạng người nghệ sĩ)
Có thể thấy tâm trạng nổi bật trong thơ Đường nói chung và trong thơ "Đăng cao" nói riêng là tâm trạng buồn, buồn vì "ức hữu", vì "tư hương", buồn vì những gì đã qua và vì những gì sẽ tới. . . Nỗi buồn ấy trở nên sâu thẳm, mặc nhiên khi tâm hồn họ dạt dào, đa cảm và hiểu nhiều quá nên chẳng thể tìm nổi một tri âm trong cõi nhân gian mênh mông, rộng lớn. Những kẻ sĩ lẻ loi trong chí hướng và đơn độc trong cuộc hành trình qua cánh đồng đời. Họ tìm đến thơ, và "Đăng cao" trở thành phương tiện cũng như thành mục đích để họ vượn tới. Khi lên cao, phóng tầm mắt đến tận khả năng con người có thể nhận thức được xung quanh và nhận thức được cả những điều mới mẻ trong mình mà ở dưới thấp, do bị giới hạn bởi tầm nhìn, bởi những hạn chế về không gian chúg ta không nhận ra được.
Giây phút lên cao, Lý Bạch nhận ra cái phù vân của giàu sang phú quý, cái gian nan của "thế lộ":
"Lên núi cao trông ra bốn bể
Trời đất mênh mông biết bao!
Sương phủ màu thu lên muôn vật Gió lùa hơi lạnh qua miền xa xôi Giàu sang như nước chảy về đông Muôn việc đều là sóng gợn
Mặt trời bị che thì ánh sáng lóe ra Mây nổi không có đầu mối nhất định én sẻ làm tổ trên cây ngô đồng,
Uyên loan đậu trong bụi cỏ gai Hãy trở về đi thôi,
Vỗ gươm hát bài "Đường đi khó"
("Cổ phong" - Lý Bạch)
Lý bạch từng ba lần "nhập thế", để rồi sau tất cả những nhiệt tình hăm hở và lăn xả vào đời ấy ông nhận ra thực tế và mộng tưởng trong ông cách nhau xa quá. Sau mỗi lần "nhập thế" thất bại Lý Bạch lại "xuất thế" mong tìm cho tâm hồn mình một khoảnh khắc bình yên, được lắng lọc, tránh xa cõi trần ô hợp. Nhưng ông ẩn cư chỉ để rồi âm thanh của cuộc sống càng như những đợt sóng vỗ mãi trong lòng ông tựa con nước gặp buổi thủy triều. Biết phải làm sao, bởi sinh ra trên đời ông đã chót mang vào mình trái tim đa cảm của người nghệ sĩ và khối óc thông tuệ vượt trước của kẻ du hiệp. Ông loanh quanh giữa xuất và nhập, luẩn quẩn giữa cái được và cái mất trong cuộc đời để rồi hôm nay lên núi cao, trông ra bốn bể thấy:
"Trời đất mênh mông biết bao!
Sương phủ màu thu lên vạn vật Gió lùa hơi lạnh qua miền xa xôi"
Tạo hóa là thế: mùa thu đi, mùa thu lại về mang theo cái lạnh giá của những cơn gió heo may mơn man và cái ảo huyền của những làn sương mỏng. Vạn vật luân chuyển, đổi thay, chẳng có gì là vĩnh viễn trong dòng chảy vô thủy vô chung của thời gian. Vậy thì tại sao con người lại cứ phải tự làm khổ mình bởi những dằn vặt về công danh, về tiền bạc?. Xét cho cùng thì:
"Vinh hoa đông lưu thủy
Vạn sự giai ba lan"
(Giàu sang như nước chảy về đông Muôn việc đều là sóng gợn)
Hóa công sinh ra muôn loài và xếp đặt cho mỗi loài, mỗi sự vật những cái "khuôn", chỗ đứng riêng của mình khó có thể đổi khác:
"Mặt trời bị che thì ánh sáng lóe ra
Mây nổi không có đầu mối nhất định
én sẻ làm tổ trên cây ngô đồng Uyên loan đậu trong bụi cỏ gai"
Và, hình như tạo hóa đã xếp đặt cho con người một chỗ đứng bất yên bởi vì tự bản chất con người luôn không bằng lòng với những gì mình đã có. Con người cứ quay cuồng với những toan tính về vật chất để rồi đến một lúc nào đó chợt nhận ra cái hư vô của vinh hoa, danh lợi. Tính toán để làm chi? Cả đời cứ phải bon chen tị hiềm để làm chi? Sao không tự giải tỏa cho tâm hồn mình đi? Bởi suy cho cùng cuộc sống ngắn ngủi lắm. Trước cái vô hạn của không gian, thời gian, con người thật là nhỏ bé, vậy nên:
"Hãy quay về đi thôi,
Vỗ gươm hát bài "Đường đi khó".
Kim Ki Duk đạo diễn lừng danh thể loại phim nhựa Hàn Quốc từng nói qua bộ phim "Căn phòng trống": "Thật khó khăn để nói rằng cuộc sống chúng ta đang sống đây là thực hay là ảo". Cái ranh giới thực - ảo trong cuộc đời thật khó nắm bắt. Cho nên giá trị của cuộc đời là ở đâu? Cái gì níu giữ con người trong cuộc đời? Cái gì là có ý nghĩa? Trong xã hội Thịnh Đường đỉnh cao của sự phồn thịnh cũng là dấu mốc đánh dấu sự suy vong của chế độ phong kiến, mọi chuẩn mực trên lí thuyết vẫn đề ra khe khắt nhưng thực tế đang bị phá vỡ và rạn nứt. Nạn nhân của mọi sự thay đổi chính là những kiếp người thấp cổ bé họng. Con người càng hiểu biết thì càng cảm thấy bị tổn thương; càng đa cảm thì càng nhanh đổ vỡ niềm tin. Sinh bất phùng thời, mâu thuẫn giữa lý tưởng cao đẹp và thực tại tầm thường. . ., có tài nhưng không được biết đến. . ., tất cả dệt nên tấn bi kịch lớn trong tâm hồn và cả trong cuộc sống vật chất người nghệ sĩ. Chúng ta biết đến Đỗ Phủ với tư cách là một nhà thơ hiện thực vĩ đại, và ở một khía cạnh nào đó chúng ta xót thương cho ông bởi cuộc đời ông đầy bi thảm.
Ông làm bảy bài hát (thơ) khi ở huyện Đồng Cốc trong khoảng năm Càn Nguyên. bài hát số V và VI được viết trong cảm hứng "Đăng cao" đã ghi lại nỗi lòng xót xa, bi thiết của một người tha hương:
"Càn Nguyên trung ngụ cư Đồng Cốc huyện tác ca"
Bài số V:
"Núi bốn bề lộng gió, nước suối đổ dồn dập
Mưa lạnh ào ào, cây khô ướt đẫm. Thành xưa đầy cỏ vàng, mây không tan.
Chồn trắng nhảy trên cầu, chồn vàng đứng xững Đời ta sao lại ở nơi hang cùng?
Nửa đêm ngồi dậy muôn mối cảm xúc dồn tới Hỡi ôi! bài hát thứ năm, lời hát còn dài, Hồn gọi không lại, đang mải về quê cũ. . . "
Bài số VI :
"Phương nam có con rồng đằm ở trên núi
Cây cổ thụ cao vút, cành chằng chịt xen nhau Giữa lá rụng úa vàng rồng cuộn khúc,
Loài rắn miền đông tới lượn lờ trên mặt nước. Ta đến xứ sở lạ lùng này không dám ra, Tuốt gươm toan chém nhưng lại thôi. Hỡi ôi! hát bài thứ 6, tiếng hát có vẻ trầm Núi khe vì ta đưa dáng xuân về".
Như thế không gian trên cao trong thơ không chỉ có ý nghĩa vật lý, cũng không đơn thuần chỉ là một điểm nhìn mang tính thẩm mĩ đối với ngoại giới mà đó còn là không gian tâm trạng của người nghệ sĩ. Người nghệ sĩ lên cao để giãi bày, để nhận thức và để tìm lối đi riêng cho tâm hồn mình. Trước những ngột ngạt, bức bối, bất đắc ý của đời sống, "Đăng cao" giúp con người giải phóng tầm mắt, giải tỏa tâm tư, nhìn vào bên tròng chính mình để tạo nên những phút giây bừng ngộ, những nhận thức mới. "Đăng cao" nhận thức gắn
liền với nỗi buồn nhân thế, nỗi buồn bất lực của những khát vọng. Càng nhiều khát vọng, vỡ mộng càng sâu sắc. Chiều cao tâm linh con người được đo bằng khát vọng, dù là khát vọng không thành thì nỗi buồn cũng đủ nâng con người lên trên hiên thực, do đó, nỗi buồn làm cho con người đẹp hơn lên.