7. Bố cục khóa luận
2.2.1. ứng xử làng xã
Việt Nam là một nước nông nghiệp, cuộc sống nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa nên Việt Nam thường phải gánh chịu thiên tai như hạn hán, lũ lụt. Thiên tai không
chừa ai mà chia đều cho tất cả mọi người, “lụt thì lút cả làng”. Do vậy người
làm nông nghiệp phải dựa vào nhau mà sống. Mặt khác, nông nghiệp lại mang tính thời vụ mà nông nghiệp lúa nước lại mang tính thời vụ cao nhất. Điều đó có nghĩa là, để kịp thời vụ mọi người phải liên kết, hỗ trợ cho nhau. Việt Nam là nước có tới 90% dân số theo sản xuất nông nghiệp, người Việt Nam được tổ chức thành cộng đồng xã hội thông qua đơn vị làng, xã. So với
nhiều dân tộc khác thì mô hình này có tính bền vững cao. Làng là đơn vị hành chính, gắn bó với đời sống của mỗi gia đình mỗi cá nhân. ứng xử làng xã có những đặc trưng riêng, nó khắt khe, xét nét hơn và con người bị lệ thuộc nhiều hơn vào cộng đồng. Làng xã là khuôn khổ nảy sinh, phát triển mọi năng lực của các thành viên trong cộng đồng. Nó cung cấp cho những thành viên ấy tri thức đầu tiên, dạy các thành viên phải sống và ứng xử sao cho có chuẩn mực nhằm cố kết cộng đồng lại.
Không phải ngẫu nhiên mà trong Tiếng Việt chúng ta có khái niệm
mang tính truyền thống là “làng nước” chứ không phải “nhà nước”. Từ “làng” đến “nước” có sự gắn bó đặc biệt làm lu mờ các đơn vị hành chính trung gian như huyện, tỉnh. “Làng” và “nước” gắn bó với nhau về mặt ý thức, người Việt luôn đề cao, luôn coi trọng “việc làng” cũng là “việc nước”, mặc
dù nó ở hai cấp độ khác nhau.
Sợi dây liên kết các thành viên trong làng với nhau là tính cộng đồng. Tính cộng đồng tạo nên những tập thể làng xã kép kín mang tính tự trị, các làng tồn tại khá biệt lập với nhau và độc lập cả với triều đình phong kiến. Làng xã Việt Nam như một vương quốc nhỏ với luật pháp riêng (mà các làng gọi là hương ước) và tiểu triều đình riêng (trong đó hội đồng kỳ mục là cơ quan luật pháp, lý dịch là cơ quan hành pháp, nhiều làng tôn xưng bốn vị cao
tuổi nhất là tứ trụ). “Phép vua thua lệ làng” chính là truyền thống thể hiện
quan hệ dân chủ đặc biệt giữa nhà phong kiến với làng xã ở Việt Nam. Và
cũng chính cái “lệ làng” ấy bao giờ cũng có mặt tích cực và tiêu cực. Mặt
tiêu cực là nó còn mang những thói quen, tập quán bảo thủ lạc hậu. Cơ chế làng xã cột chặt người nông dân vào những tính toán riêng rẽ, vụn vặt của
một xã hội nông nghiệp với óc tư hữu, ích kỷ, “trống làng nào làng ấy đánh,
thánh làng nào làng ấy thờ” hay “bè ai người ấy chống”. Và những thói quen
dựa dẫm vào tập thể “nước trôi thì bèo cũng trôi”, tệ hại hơn nữa là tình trạng “cha chung không ai khóc”. Cùng với thói quen dựa dẫm, ỷ nại là tư tưởng
cầu an “an phận thủ thường” và cả nể, làm gì cũng sợ “rút dây động rừng” nên có việc thường chủ trương “đóng cửa bảo nhau”. Nhược điểm nữa là thói đố kỵ, cào bằng, không muốn cho ai tốt hơn mình “xấu đều còn hơn tốt lỏi”, “chết một đống còn hơn sống một người”. Những thói xấu có nguồn gốc từ tính cộng đồng này khiến cho ở Việt Nam khái niệm về “giá trị” chỉ mang tính tương đối. Cái tốt nhưng là cái tốt riêng lẻ thì lại thành cái xấu: “khôn
độc không bằng ngốc đàn”, ngược lại cái xấu nhưng là xấu tập thể lại trở
thành bình thường:
“Toét mắt là tại hướng đình
Cả làng toét mắt chứ mình em đâu”
Điều này đã luôn bị người Việt phê phán “của mình thì giữ bo bo,
của người thì để cho bò nó ăn”.
Do đặc điểm của môi trường sinh sống quy định đặc tính tư duy. Cả hai lối tư duy tổng hợp và biện chứng của người nông nghiệp, dẫn đến sự hình thành nguyên lý âm dương và lối tư duy nước đôi, người Việt vừa có tinh thần đoàn kết tương trợ lẫn nhau lại vừa có óc tư hữu, ích kỷ, vừa có tính tập thể hòa đồng lại vừa có óc bè phái địa phương, vừa có nếp sống dân chủ bình đẳng lại vừa có óc gia trưởng tôn ti, vừa có tính tự lập lại vừa thủ tiêu vai trò cá nhân, vừa có nếp sống cần cù tự cấp tự túc lại vừa có thói ỷ lại. Tất cả những cái tốt và cái xấu ấy cứ đan xen, tồn tại ở người Việt Nam, bởi lẽ tất cả cái tốt cái xấu ấy đều bắt nguồn từ lối sống, sinh hoạt trong làng xã. Tuỳ lúc, tuỳ nơi mà mặt tốt hay mặt xấu sẽ được phát huy.
Song, mặt tích cực đó là nhờ có tính cộng đồng và tính tự trị cao nên làng chính là nơi lưu giữ, bảo vệ nền văn hóa của dân tộc chống lại sự xâm lăng, đồng hóa của văn hóa ngoại lai. Làng xã có ưu điểm là cố kết các thành viên thành một cộng đồng nhỏ bền vững, và lấy tư tưởng cộng đồng làm chuẩn mực cho ứng xử. Để đáp ứng nhu cầu đối phó với tự nhiên, nhu cầu của nghề trồng lúa nước mang tính thời vụ cần nhiều người, người dân Việt
Nam truyền thống không chỉ cần đẻ nhiều mà còn cần liên kết chặt chẽ với nhau. Công việc chung là phải đối phó với môi trường tự nhiên vì thế cả làng hợp sức lại mới hiệu quả. Chính vì vậy người Việt Nam liên kết chặt chẽ với
nhau tới mức “bán anh em xa mua láng giềng gần”. Quan niệm trọng tình,
trọng nghĩa thể hiện rất rõ ở cách quan niệm về tính thân mật với những người xung quanh. Người Việt Nam rất coi trọng mối quan hệ thân thuộc láng giềng, coi láng giềng là người phải giao tiếp thường xuyên, trong ý thức
luôn quan niệm hàng xóm “tối lửa tắt đèn có nhau”. Sự giao tiếp thường
xuyên ấy sinh ra một kiểu quan hệ tình cảm mang tính cộng đồng đặc biệt có khi quan trọng hơn cả máu mủ ruột thịt. Vì vậy, có một nét văn hóa độc đáo mang bản sắc văn hóa dân tộc, tạo nên tình thân ái, gần gũi giữa những người cùng chung sống.
Vì quan hệ làng xóm được coi trọng nên cách ứng xử theo kiểu duy tính đều trở thành phương châm, tính chất của văn hóa ứng xử, đảm bảo được
sự đoàn kết, trong sáng trong “tình làng nghĩa xóm”. Cách ứng xử văn hóa của người Việt ở phương diện này thể hiện qua nhiều câu tục ngữ như “có
trước có sau”, “có trên có dưới”. Người Việt luôn ý thức rất rõ về mối quan
hệ với xung quanh và mối quan hệ kế thừa nhất quán.
Nguồn gốc văn hóa nông nghiệp lúa nước với đặc điểm trọng tình cảm đã dẫn người Việt tới chỗ lấy tình cảm, lấy sự yêu ghét làm nguyên tắc ứng xử :
“ Yêu nhau yêu cả đường đi
Ghét nhau ghét cả tông ti họ hàng”
Hay “ Yêu nhau cau sáu bổ ba
Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười”.
Để giải quyết các tranh chấp và các mâu thuẫn nảy sinh, người Việt bao giờ cũng có xu hướng kết hợp hai mặt, mặt lý và mặt tình, trong đó mặt
Sống ở làng lại biết rõ về nhau nên không thể “cạn tàu ráo máng”, “dứt dây
ai nỡ dứt chồi”. Và chỉ khi nào không giải quyết được về mặt tình, mới phải
đem ra lý, nhưng thường cách giải quyết xung đột phổ biến của người Việt
Nam là “hòa cả làng”.
Từ đó, người Việt luôn nhắc nhở nhau khi nói năng hành động cần phải cân nhắc lựa chọn, không làm ảnh hưởng đến người khác như câu:
“ăn có nhai nói có nghĩ”
Hay “ Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”
Quan niệm sống trọng tình nghĩa chi phối đến tư tưởng và cách ứng xử của người Việt. Lúc có công, có việc người ta đến với nhau vì tình chứ
không phải vì “mâm cao cỗ đầy”. Tinh thần này thể hiện ở cách ứng xử trong
lúc có dịp ăn uống với nhau, người Việt coi trọng tinh thần hơn là vật chất
“lời chào cao hơn mâm cỗ”. Hòa mình vào với cái ta chung của làng xã
nhưng mỗi người dân Việt đều coi trọng cái danh dự, vị thế của mình trong
cộng đồng, tục ngữ có câu “một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”.
Những mặt tích cực trên cho thấy nhờ có tính cố kết chặt chẽ giữa mọi người trong cộng đồng, khởi nguồn từ cuộc sống nông nghiệp mọi người coi nhau như anh em trong nhà đã lan rộng ra phạm vi của một quốc gia,
“Bầu ơi thương lấy bí cùng.
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.
Như vậy, ta thấy được sự đoàn kết yêu thương từ làng đã chuyển ra
đến nước. Người Việt Nam có từ ghép “làng nước”, và luôn xử sự theo câu tục ngữ “sống ở làng sang ở nước”. Làng nước là quốc gia về mặt xã hội.
Tính cộng đồng trong phạm vi làng là cơ sở tạo nên tính đồng nhất trong hàng loạt lĩnh vực: đồng tộc, đồng niên, đồng nghiệp, đồng hương và tất yếu dẫn tới sự đồng nhất trong phạm vi quốc gia là đồng bào.
Có thể coi văn hóa ứng xử làng xã là một trong các tiêu chuẩn kiểm nghiệm về tính bảo lưu của các giá trị văn hóa truyền thống. Nó chính là yếu tố gốc rễ làm nên sự trường tồn của bản sắc văn hóa Việt Nam. Những ứng xử cộng đồng làng xã là cơ sở cho ứng xử cộng đồng dân tộc tạo nên truyền thống văn hóa độc đáo của văn hóa Việt Nam. Qua những câu tục ngữ mà nhân dân lao động dùng như một phương châm xử thế đã bộc lộ một phần nhân sinh quan của mình. Nói một cách khác đó là những tư tưởng trong hệ thống các quan niệm của nhân dân về các lối ứng xử trong mối quan hệ làng xóm.