Tình huống môn GDCD lớp 12 là những những tình huống có vấn đề HS đã gặp trong cuộc sống hoặc dự đoán sẽ diễn ra trong cuộc sống, nhằm đưa HS vào hoàn cảnh thử thách, buộc phải suy nghĩ, tìm tòi phân tích, tổng hợp, khái quát hóa và vận dụng các thao tác của tư duy để giải quyết.
Vận dụng các tình huống pháp luật thực tế vào giảng dạy phần “công dân với pháp luật” sẽ nâng cao tính thực tiễn của môn học. Sau khi đã được cung cấp các kiến thức lý thuyết, GV đưa ra một tình huống có thực đã diễn ra trong cuộc sống để HS suy nghĩ, sẽ giúp HS có cách nhìn sâu hơn và thực tiễn hơn về nội dung đã được học. Từ tình huống đã được phân tích, đánh giá các em sẽ vận dụng được vào trong đời sống thực tiễn của mình. Khác với việc tiếp thu lý thuyết một cách thụ động, khi được tiếp cận với các tình huống pháp luật, tính sinh động và các tình tiết “thực” của các hành vi pháp luật làm cho HS hứng thú hơn trong học tập.
Vận dụng các tình huống thực tế vào dạy học sẽ nâng cao được kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng phân tích, giải quyết vấn đề, kỹ năng trình bày và bảo vệ ý kiến của mình trước đám đông của HS. Bởi vì, để giải quyết được một tình huống thì các em phải cùng trao đổi, thảo luận, chia sẽ kiến thức, thông tin, biết tôn trọng và lắng nghe ý kiến người khác.
GV với vai trò là người dẫn dắt, cố vấn cũng sẽ tiếp thu được rất nhiều kinh nghiệm và những cách nhìn, giải quyết mới từ phía HS để làm phong phú thêm bài giảng.
Tình huống pháp luật thực tế có thể sử dụng trong rất nhiều tình huống khác nhau như: sử dụng trong quá trình lên lớp dùng để minh họa cho một vấn đề lý thuyết; dùng để tạo tình huống có vấn đề trong quá trình giảng bài mới nhằm tạo môi trường học tập cho HS; tình huống để HS thảo luận hoặc để kiểm tra khả năng ứng dụng bài học pháp luật vào trong cuộc sống của HS…
Các biện pháp tiến hành
Giai đoạn 1: Giai đoạn chuẩn bị, giai đoạn này GV cần chuẩn bị một loạt các hoạt động từ việc xác định mục đích, yêu cầu, nắm vững nội dung bài học đến việc lựa chọn tình huống. Giai đoạn này có ý nghĩa định hướng, vì vậy chất lượng, hiệu quả phụ thuộc rất lớn vào sự chuẩn bị của GV và HS.
Mục tiêu bài học là những gì HS phải đạt được sau một tiết học, mục tiêu bài học phải xác định được một cách cụ thể để từ đó làm cơ sở cho việc đánh giá kết quả học tập của HS. Với đặc thù môn GDCD lớp 12, mục tiêu bài học còn bao gồm cả việc giáo dục cho HS ý thức chấp hành pháp luật của Nhà nước ta, hình thành cho các em thế giới quan, phương pháp luận khoa học.
Thông qua xác định mục tiêu bài học, GV xác định được nội dung bài học nào cần lựa chọn tình huống để đạt được hiệu quả giáo dục cao nhất.
Bước 2, Xác định mục đích sử dụng tình huống pháp luật.
Mục đích của việc sử dụng các tình huống pháp luật thực tế vào bài học GDCD lớp 12 là nhằm giúp các em phát hiện và lĩnh hội các kiến thức cơ bản về pháp luật, đồng thời tạo cho các em có cách ứng xử đúng đắn những tình huống pháp luật thường xảy ra trong đời sống hàng ngày. Thông qua các tình huống pháp luật thực tế, các em được tìm hiểu, được nói lên suy nghĩ, nhận định của mình, từ đó GV nắm bắt được suy nghĩ của từng HS để có hướng khắc phục. Cũng thông qua việc phân tích các tình huống pháp luật thực tế được đưa vào bài học làm cho giờ học sôi nỗi hơn, sinh động hơn, các em cảm thấy chính bản thân mình đươc trải nghiệm thực tế đời sống. Qua quá trình nghiên cứu tình huống, phân tích những hành vi pháp luật đúng, sai, giúp các em có một cuộc sống thoải mái, sẵn sàng có cách ứng phó thích hợp trong mọi tình huống.
Bước 3, Lựa chọn các tình huống liên quan đến nội dung bài học
Trên cơ sở mục tiêu bài học, GV lựa chọn nội dung tình huống phù hợp với trình độ, lứa tuổi của HS. Lựa chọn tình huống cần lưu ý một số điểm sau:
+ Nội dung tình huống phải gần gũi, không quá khó, luôn gắn với nội dung bài học, phù hợp với đặc điểm tâm lý của lứa tuổi HS THPT.
+ Lựa chọn tình huống phải mang tính thời sự, có tính kịch, có điểm xuất phát, có cao trào và có điểm kết thúc.
+ Tình huống đưa ra không quá dài, không có nhiều tình tiết gây rối đối với các em cũng như ảnh hưởng đến hiệu quả của giờ dạy.
Ví dụ: khi dạy bài 2 thực hiện pháp luật (tiết 2), GV đưa một tình huống pháp luật thực tế mà mình đã gặp để HS nghiên cứu hoặc gợi ý để HS đưa ra tình huống:
Tình huống: ngày hôm qua lúc 11h 15 phút, trên đường Đồng Khởi, đoạn đường đi vào Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh, Cảnh sát giao thông đã phạt anh Duy (19 tuổi) và chị Hương (16 tuổi) vì cả hai cùng lái xe đi ngược chiều. Anh Duy không chịu nộp phạt vì lý do không nhận ra biển báo đường một chiều, còn chị Hương thì cho rằng, em chỉ mới 16 tuổi chưa đến tuổi thành niên nên cũng không đóng phạt.
GV yêu cầu HS cả lớp tìm ra những hành vi, vi phạm pháp luật của anh Duy và chị Hương? Cho biết Cảnh sát giao thông phạt anh Duy và chị Hương có đúng không? anh Duy và chị Hương đưa ra lý do như vậy có đúng không? Vì sao?
Giai đoạn 2, Đưa tình huống vào bài học
Tình huống có thể đưa vào để giới thiệu nội dung bài học hoặc cũng có thể đưa vào để khắc sâu thêm cho phần kiến thức đang học.
Tình huống có thể do GV đưa ra hoặc gợi ý để HS đưa ra các tình huống mà các em đã gặp phải trong đời sống.
Các bước tiến hành
Bước 1: GV hoặc HS đưa ra tình huống, GV quy định thời gian thảo luận tình huống.
HS thảo luận chung cả lớp hoặc theo nhóm tùy theo tình huống và nội dung bài học.
Bước 2: Tổ chức cho HS tranh luận xung quanh tình huống Cho HS trong lớp nêu lên ý kiến của mình về tình huống
Bước 3: GV nhận xét, đánh giá những hành vi đúng, sai trong tình huống, từ đó rút ra nội dung bài học.
Giai đoạn 3, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của HS.
Trong quá trình dạy học, kiểm tra đánh giá HS giúp GV tự giám sát mục tiêu của quá trình dạy học. Kết quả học tập cũng chính là nguồn động viên, khuyến khích HS say mê, tích cực học tập. Nội dung kiểm tra, đánh giá bao gồm kiến thức, kỹ năng và thái độ của HS sau mỗi bài dạy học. Vì vậy, nội dung kiểm tra không chỉ dừng lại ở việc học thuộc bài mà phải nắm vững kiến thức, rèn luyện kỹ năng, thể hiện thái độ, biết vận dụng các kiến thức vào giải quyết các vấn đề, tình huống
thực tế, biết liên hệ kiến thức với thực tiễn cuộc sống để điều chỉnh hành vi của mình.
GV cần tạo điều kiện để HS tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau nhằm giúp các em thấy được sự tự tin, phấn khởi thoải mái khi tham gia giờ học.