Phân tích căn cứ hưởng quốc tịch do sinh ra?

Một phần của tài liệu Trả lời câu 1-20 Bộ đề thi kết thúc học phần Công pháp quốc tế (Trang 29 - 30)

Hưởng quốc tịch do sinh ra là cách thức hưởng quốc tịch phổ biến nhất, được áp dụng để xác định quốc tịch của trẻ em khi sinh ra. Cách thức này được áp dụng ở các quốc gia khác nhau theo những nguyên tắc khác nhau:

- Nguyên tắc huyết thống: Theo căn cứ này đứa trẻ khi sinh ra có quốc tịch theo quốc tịch của cha mẹ bất kể sinh ra ở đâu (Các quốc gia áp dụng là Áo, Nauy, Italia,… ). VD: Đứa trẻ sinh ra trên đất Việt Nam nhưng quốc tịch của cha mẹ đứa trẻ là Nauy thì đứa trẻ vẫn mang quốc tịch Nauy.

- Nguyên tắc nơi sinh: Theo căn cứ này, đứa trẻ sinh ra sẽ mang quốc tịch của một quốc gia nếu sinh ra trên lãnh thổ của quốc gia đó chứ không phụ thuộc vào quốc tịch của cha mẹ (Các quốc gia áp dụng là Braxin, Achentina, Mỹ,… ). VD: Đứa trẻ sinh ra ở Braxin thì mang quốc tịch Braxin.

Trong một số trường hợp, ĐƯQT đã ký kết giữa các quốc gia còn quy định trẻ em sinh ra trên tàu biển hoặc trên máy bay có thể được xem như sinh ra trên lãnh thổ mà tàu biển, máy bay mang quốc tịch. VD: Khoản 2 Điều 2 Luật quốc tịch Canada quy định: Người sinh ra trên tàu thủy Canada, hoặc sinh ra trên phương tiện bay đăng ký tại Canada được xem như đã sinh ra tại Canada. Căn cứ nơi sinh thường không được áp dụng để xác định quốc tịch của con cái viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự.

Việc các quốc gia dựa trên các căn cứ khác nhau để xác định quốc tịch có thể dẫn tới tình trạng một đứa trẻ khi sinh ra sẽ mang hai quốc tịch hoặc không quốc tịch: Không quốc tịch (Cha mẹ là người Braxin sinh con trên đất Áo). Hai quốc tịch (Cha mẹ người Áo sinh con trên lãnh thổ Braxin). Để tránh tình trạng này, bên cạnh việc ký kết ĐƯQT với mục đích hợp tác hạn chế tình trạng hai hay nhiều quốc tịch hoặc không quốc tịch, đa số các quốc gia đều kết hợp cả hai căn cứ huyết thống và nơi sinh khi xác định quốc tịch.

Một phần của tài liệu Trả lời câu 1-20 Bộ đề thi kết thúc học phần Công pháp quốc tế (Trang 29 - 30)