Bệnh herpes

Một phần của tài liệu Bài Giảng Nhãn Khoa Full (Trang 144)

IV: Chỉ còn sẹo trên kết mạc, khỏi bệnh.

Bệnh herpes

Vi rút herpes rất phổ biến ở người. H. simplex typ 1 thường gây bệnh ở mắt và mặt, H. simplex typ 2 gây bệnh herpes sinh dục. Sơ nhiễm herpes thường gặp ở trẻ từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi. Biểu hiện bằng sốt nhẹ, xuất hiện ban rộp trên da quanh mắt. Tổn thương mắt thường nặng hơn do tái nhiễm herpes. Tổn thương mắt chủ yếu ở phần trước nhãn cầu, bao gồm:

Viêm kết-giác mạc hoặc viêm giác mạc chấm nông.

Viêm loét giác mạc hình cành cây: tổn thương nông trên giác mạc, nhuộm fluorescein có bắt màu như hình cành cây hoặc hình amíp, kèm theo mất cảm giác giác mạc.

Viêm loét giác mạc hình bản đồ: tổn thương rộng của biểu mô, nhuộm fluorescein thấy cả một mảng bắt màu rộng.

Viêm giác mạc hoại tử nhu mô.

Viêm giác mạc hình đĩa: đám mờ đục tròn như hình đĩa, tổn thương trong nhu mô làm cho giác mạc dày lên, không bắt màu thuốc nhuộm fluorescein.

Ngoài ra cũng có thể có viêm màng bồ đào hoặc viêm võng mạc (gặp ở trẻ sơ sinh).

Vi rút zona (H. zoster) chủ yếu gây bệnh ở người già và những người bị suy giảm miễn dịch. Biểu hiện ban đầu là sốt nhẹ, nổi hạch, đau tăng dần và xuất hiện những mụn rộp ngoài da trán. Điểm đặc trưng là các mụn rộp chỉ ở nửa mặt và theo phân bố của dây thần kinh V1. Ban phát triển thành mụn rộp và mụn mủ, về sau trở nên khô, đóng vẩy và để lại sẹo. Tổn thương ở mắt do zona có thể gặp ở 50% đến 70% các trường hợp và rất đa dạng:

Tổn thương giác mạc: thường gặp nhất là viêm giác mạc chấm nông hoặc viêm giác mạc dạng cành cây (khác với tổn thương hình cành cây trong bệnh herpes, hình cành cây trong bệnh zona ít bắt màu fluorescein). Cũng có thể có viêm giác mạc hình đĩa hoặc viêm giác mạc dạng đồng tiền. Giác mạc có thể mất cảm giác, nguy cơ dẫn đến viêm giác mạc do dinh dưỡng thần kinh. Đôi khi có khô mắt, viêm giác-củng mạc, loét giác mạc vùng rìa.

Viêm màng bồ đào kèm theo viêm giác mạc hoặc là xảy ra sau viêm giác mạc. Những tổn thương khác: viêm và phù mi gây ra sụp mi, viêm kết mạc (có hột hoặc giả mạc), viêm củng mạc, viêm thượng củng mạc, viêm võng mạc và viêm mạch máu võng mạc, viêm thị thần kinh, liệt thần kinh vận nhãn, có thể tăng nhãn áp.

Một phần của tài liệu Bài Giảng Nhãn Khoa Full (Trang 144)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(185 trang)