HÀNH TRÌNH SÁNG TẠO VÀ QUAN NIỆM CỦA NGUYỄN HUY TƯỞNG VỀ NGHỆ THUẬT

Một phần của tài liệu toàn văn Phong cách nghệ thuật Nguyễn Huy Tưởng (Trang 45)

CỦA NGUYỄN HUY TƯỞNG VỀ NGHỆ THUẬT

2.1. Những nhân tố ảnh hưởng đến việc hình thành thế giới quan và quan điểm nghệ thuật của Nguyễn Huy Tưởng

2.1.1. Gia đình, quê hương và thời đại

Nguyễn Huy Tưởng sinh ngày 06 tháng 05 năm 1912 trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống khoa bảng và giàu lòng yêu nước. Cuộc đời giản dị, thanh bạch của những người thân có sức ảnh hưởng và chi phối lớn đến cảm hứng sáng tác của nhà văn, đặc biệt là hình ảnh người mẹ tần tảo, đôn hậu, giàu tình thương. Từ cuộc đời mẹ, Nguyễn Huy Tưởng cảm nhận được những nét đẹp của truyền thống văn hóa, lịch sử quê hương. Mỗi khi nhớ về mẹ, ông không dấu nổi những cảm xúc mãnh liệt, tự hào, tự dặn mình phải cố gắng, nỗ lực, “làm nên sự nghiệp xuất chúng” để đền đáp công ơn mẹ hiền. Cái bút danh “Điều Tử” (con của mẹ Điều) mà ông ký dưới những sáng tác đã nói lên tình cảm lớn lao mà ông dành cho mẹ.

Với thân phụ, mặc dù ông mất sớm khi Nguyễn Huy Tưởng lên bảy nhưng đức tính cần cù, tinh thần hiếu học và bản tính khảng khái, cương trực của một nhà nho, dù đỗ cao nhưng không ra làm quan, kiên quyết không hợp tác với giặc cũng để lại cho ông những bài học về lẽ sống và nhân cách làm người.

Bên cạnh đó là hình ảnh của người bác, người anh ruột - những người đã mang đến và truyền cho Nguyễn Huy Tưởng những xúc cảm đầu tiên về lịch sử. Qua những tích truyện lịch sử, những câu chuyện về tấm gương các nhân vật anh hùng mà bác và anh trai kể lại đã gây ấn tượng và xúc động mạnh trong tâm hồn chàng trai trẻ Nguyễn Huy Tưởng. Để rồi từ những đồng tiền lẻ mẹ cho ăn học, ông đã dành dụm để mua các cuốn truyện lịch sử và đọc với niềm thích thú, say mê. Trong Nhật ký ngày 12-10-1933, ông viết: “Ta đây tuổi còn trẻ, tính còn ngây thơ, đọc sử Bình Nguyên mà lòng yêu quí non sông phơi phới, trong lúc thán phục các vị anh hùng, muốn nêu các vị vào khúc anh hùng ca để truyền về hậu thế, cho muôn nghìn đời soi vào. Than ôi! Công

nghiệp không phải là dễ, mà ta vốn là kẻ ngu muội, há có thể đảm đang mà nhận cái chức làm thi sĩ của non sông như Homère của Hy Lạp, Virgile của La Mã, Camoens của Bồ Đào không? Than ôi! Ta chẳng biết, nhưng ta cảm các vị anh hùng, thì ta nêu các vị anh hùng lên, đó là chức trách của một người quốc dân vậy”. Cảm hứng về lịch sử dân tộc với hình ảnh những vị anh hùng, những nhân vật đã đi vào sử sách sẽ là những cảm hứng chính trong hành trình sáng tạo của nhà văn.

Sinh ra ở vùng quê xứ Đông Ngàn, Kinh Bắc - một vùng đất giàu truyền thống lịch sử với những huyền tích, huyền thoại, truyền thuyết vẫn còn vang vọng, đó là điều kiện thuận lợi để Nguyễn Huy Tưởng có cơ hội tìm hiểu sâu về lịch sử dân tộc. Đặc biệt làng Dục Tú, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc Đông Anh, Hà Nội) - quê hương ông, nằm ở phía bắc sông Hồng, cách Cổ Loa, kinh đô xưa của An Dương Vương và Ngô Quyền có một cánh đồng. Nơi đây có nhà nghiên cứu từng khẳng định: “Ở đây tất cả mọi cái đều là lịch sử: Lịch sử dựng nước, lịch sử chống ngoại xâm, lịch sử văn hóa, lịch sử xã hội…” (Lưu Văn Lợi). Và qua những dấu tích lịch sử đã gợi lên trong tâm trí Nguyễn Huy Tưởng những câu hỏi lớn, ông từng băn khoăn: “Mỵ Châu! Ta ở gần Loa Thành. Thường hay đến Loa Thành mà không bao giờ xét đến gốc tích chuyện của nàng. Ta không biết cái tâm tính của Trọng Thủy ra sao?” (Nhật ký ngày 31-3-1933). Những băn khoăn, trăn trở ấy sau này sẽ được ông lý giải qua lăng kính của nghệ thuật ngôn từ. Lớn lên trong cái nôi văn hóa ấy, Nguyễn Huy Tưởng sớm hình thành trong suy nghĩ những cảm thức về lịch sử, về sức sống trường tồn của dân tộc, tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa, thủy chung của con người Việt Nam.

Sau này khi là học sinh trường Bonnal - Hải Phòng, Nguyễn Huy Tưởng không ngừng tìm hiểu, đào sâu suy nghĩ về những vấn đề của lịch sử. Với vốn Hán học và Pháp văn vững vàng, ông có nhiều cơ hội để tiếp cận với những vấn đề của lịch sử thế giới từ cổ kim, đông tây để từ đó rọi chiếu, lý giải những vấn đề của lịch sử, đất nước mình. Trước những ngã rẽ của cuộc đời, Nguyễn Huy Tưởng đã tìm được cho mình con đường đi đúng đắn. Những dòng chữ

đầu tiên ông ghi trong Nhật ký đã nói lên quyết tâm và tấm lòng của ông đối với vận mệnh quốc gia: “Phận sự một người tầm thường như tôi muốn tỏ lòng yêu nước thì chỉ có việc viết văn quốc ngữ thôi.” (Nhật ký ngày 19-12-1930). Mượn văn chương để tỏ lòng yêu nước, đó cũng là cách lựa chọn của nhiều

văn sĩ cùng thời. “Họ đã dồn tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt” (Hoài Thanh, Thi nhân Việt Nam). Nhưng với Nguyễn Huy Tưởng, tình yêu

quê hương đất nước không chỉ xuất phát từ tình yêu văn chương thuần túy mà qua những trang văn về lịch sử, ông muốn gieo vào tâm trí, suy nghĩ của nhiều thế hệ về truyền thống lịch sử hào hùng của cha ông.

Song hành với sự nghiệp sáng tác văn chương là những hoạt động dấn thân của Nguyễn Huy Tưởng vào việc gây dựng các phong trào cách mạng trong tổ chức học sinh - sinh viên Hải Phòng. Hành động treo cờ búa liềm ở chợ Sắt (Hải Phòng), tham gia rải truyền đơn chống lại thực dân và tay sai, trở thành huynh trưởng của “bầy sói” trong phong trào Hướng đạo sinh, thành viên tích cực của Hội Truyền bá quốc ngữ,… những trải nghiệm trong đời hoạt động cách mạng là những nguồn tư liệu phong phú, những chất liệu làm nên những sáng tác sau này.

Học xong bậc Thành chung, Nguyễn Huy Tưởng thi đỗ vào ngạch thư ký của Sở Đoan (Thuế) năm 1935. Nhưng cuộc đời buồn tẻ, đơn điệu của người công chức, trải qua những năm tháng “sống mòn”, “chết mòn” về tâm hồn lẫn thể xác khi bị bọn thực dân chèn ép, đè nén, Nguyễn Huy Tưởng càng ý thức hơn nỗi tủi nhục của người dân nô lệ. Và rồi từ căn phòng làm việc ngột ngạt, thiếu sức sống, ông vẫn âm thầm sáng tác, viết lên những tác phẩm đầu tay mang đậm cảm hứng lịch sử và lòng yêu nước thiết tha, sâu nặng.

Một sự kiện quan trọng đánh dấu mốc trong đời văn, đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Huy Tưởng khi ông gia nhập nhóm Văn hóa cứu quốc, tiếp

xúc với Đề cương văn hóa của Đảng (1943). Từ đây, ông nhận thức rõ hơn về

con đường chân lý, về quy luật lịch sử của phong trào đấu tranh cách mạng. Không phải trải qua quá trình “tìm đường, nhận đường” đầy vất vả như các văn sĩ cùng thời, Nguyễn Huy Tưởng tích cực, chủ động và hăm hở tham gia các phong trào cách mạng, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (1946); đại biểu Quốc hội khóa I tỉnh Bắc Ninh; Phó thư ký Hội Văn hóa cứu quốc

Việt Nam, tham gia công tác lãnh đạo quản lý văn hóa văn nghệ của Đảng và là người sáng lập, giám đốc đầu tiên của Nhà xuất bản Kim Đồng (1957).

Trưởng thành từ các phong trào hoạt động cách mạng, được chứng kiến những giờ phút huy hoàng của lịch sử, cảm nhận thấm thía nỗi đau, sự mất mát, hy sinh của con người trong chiến tranh; vẻ đẹp của tình quân dân trong kháng chiến; những thăng trầm, những thành công - thất bại của cách mạng; những bài học đau lòng của công cuộc cải cách ruộng đất; những tồn tại, hạn chế của công cuộc kiến thiết, xây dựng đất nước sau chiến tranh…Đó là hiện thực sôi động mang lại những cảm xúc mạnh để Nguyễn Huy Tưởng nhào nặn, phản ánh qua những tác phẩm của mình. Có thể nói, âm vang hào hùng của thời đại, không khí của cuộc sống mới, những biến động của cuộc đời dù bé nhỏ, tinh vi đều gây những xúc cảm mạnh cho nhà văn bởi ông là người thức thời, có trách nhiệm và giàu tình yêu cuộc sống.

Hải Phòng là nơi ghi dấu những bước đường đầu tiên đến với văn chương và cách mạng, nhưng gắn bó sâu nặng và tha thiết nhất đối với Nguyễn Huy Tưởng lại là Thăng Long - Hà Nội, nơi nuôi dưỡng mạch nguồn sáng tạo, nơi ông gắn bó, hy sinh và cống hiến hết mình cho nghệ thuật, cho Thủ đô hoa lệ “lộng lẫy nhất trần gian”. Đây là vùng đất địa linh, nhân kiệt, nơi ghi dấu và phản ánh gương mặt, tâm hồn ông cha. Từ những khúc tráng ca lịch sử thuở An Dương Vương xây thành Ốc đến Hà Nội những năm binh đao khói lửa chống lại thực dân, xây dựng cuộc sống mới với những con người dũng cảm, thanh lịch, hào hoa… đã đi vào những trang văn Nguyễn Huy Tưởng như một mối cơ duyên, tạo nên nét riêng trong phong cách nghệ thuật của nhà văn.

Có thể nói, truyền thống yêu nước của gia đình; bối cảnh, âm vang thời đại với cuộc chiến đấu anh dũng của dân tộc chống lại dã tâm xâm lược của thực dân và vẻ đẹp của kinh thành Thăng Long - Hà Nội trong quá khứ, hiện tại… đã có tác động lớn đến cảm quan nghệ thuật, thế giới quan sáng tác và là nguồn cảm hứng lớn, dồi dào trong quá trình sáng tạo của nhà văn.

2.1.2. Con người Nguyễn Huy Tưởng

Trong kí ức của những bạn văn cùng thời - những người cùng hoạt động cách mạng, cùng gắn bó, sẻ chia những vui buồn trong hành trình sáng tạo, Nguyễn Huy Tưởng luôn để lại ấn tượng và hình ảnh đẹp về một người chân

thành, giản dị, cởi mở và đôn hậu. Nói về Nguyễn Huy Tưởng, đa số các văn nghệ sĩ đều nhận thấy những phẩm chất tốt đẹp tỏa ra từ cuộc đời và những trang viết của ông. Nhà văn Nguyễn Minh Châu khi soi chiếu cuộc đời và những tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng đã chỉ ra một đặc điểm thống nhất trong con người và văn nghiệp của nhà văn: “Những cái tên sách của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cũng như toát lên từ tính nết của ông thường kín đáo, điềm đạm, thủ thỉ và giản dị.” [176, tr. 582]. Nhà thơ Hoàng Trung Thông thì cho rằng: “Nguyễn Huy Tưởng, con người ấy, nhà văn ấy, như tôi biết là một con người chí tình…đối với bạn bè anh là một người trung hậu.”[176, tr. 562 ]

Là người cùng hoạt động trong Hội Văn hóa cứu quốc, nhiều năm gắn bó với Nguyễn Huy Tưởng, nhà văn Như Phong nhận định: “Anh Tưởng người cao lớn, khỏe mạnh, nhưng có vẻ rất hiền. Đôi mắt lim dim dưới một cặp lông mày thường nhướng cao lên như lúc nào cũng đương ngạc nhiên, một cặp môi luôn luôn hé mở hoặc tủm tỉm cười làm cho anh có vẻ thật thà, cả tin hết sức. Anh có một đức tính hiếm có ở một người đã ở vào một lứa tuổi già dặn là hết sức khâm phục, dễ hâm mộ những chuyện gì hay, những người nào tốt, hoặc anh cho là hay, là tốt. Có lẽ đó là nguyên nhân làm cho sáng tác của anh về sau này phần nhiều thiên về ca ngợi, ca ngợi với tất cả lòng chân thành, trọn vẹn và trong sáng không vẩn một chút dè dặt nào… Anh Tưởng là một người say mê lý tưởng và rất lạc quan tin tưởng ở bản chất tốt đẹp của con người [176, tr. 532-540]

Với nhà văn Lưu Văn Lợi, người bạn học cùng trường Bonnal, từng có những năm tháng làm việc với Nguyễn Huy Tưởng đã có nhận xét tinh tế về người bạn thân của mình: “Trong lao động nghệ thuật, Tưởng có hai nét đặc biệt: viết khó khăn, nhưng say sưa như không biết có gì xung quanh, viết viết, gạc gạc, suy nghĩ tập trung mặt thẫn thờ, cho nên Nguyên Hồng mới đặt cho Tưởng cái tên ông Mao Thuẫn (mặt thuỗn ra)” [123, tr. 31]

Bằng lối nói giàu hình ảnh, nhà thơ Xuân Diệu cảm nhận: “Huy Tưởng không ánh chói, không làm người ta choáng phục ngay; nhưng anh chầm chậm nói chuyện rất có duyên, và dần dần mới hay anh có một sức hấp dẫn sâu sắc [176, tr. 508]

Sau này trong Điếu văn của Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đọc khi Nguyễn Huy Tưởng mất, nhà thơ Nguyễn Đình Thi xúc động viết: “Khiêm tốn trong đời sống hằng ngày, trong cách cư xử, trong khi viết văn…Thật thà với từng ý nghĩ, với từng dòng chữ viết ra…anh là nhà văn của lòng yêu và niềm tin cậy, anh hay nói đến niềm vui trong cuộc sống, miệng anh cười nhân hậu, mắt anh mở nhìn về phía ánh sáng [176, tr. 501-502 ]

Gần đây, khi đánh giá về con người và văn nghiệp của Nguyễn Huy Tưởng, nhà nghiên cứu Phong Lê đã phác thảo rõ nét chân dung, con người Nguyễn Huy Tưởng bằng những câu văn ngắn gọn, ấn tượng: “Con người Nguyễn Huy Tưởng, gương mặt Nguyễn Huy Tưởng: Hiền. Và lành. Chân thành. Và đôn hậu.” (Báo Văn nghệ 16/5/1992)

Còn trong hồi ức của những người thân trong gia đình, Nguyễn Huy Tưởng là người con chí hiếu, nặng tình, sống có trách nhiệm với gia đình. Đặc biệt qua những trang Nhật ký chân thực, sinh động mà ông ghi chép cần mẫn, bền bỉ suốt 30 năm, người đọc thấy hiện lên những phẩm chất đáng quý trong con người Nguyễn Huy Tưởng:

- Ông là người giàu lòng yêu nước, gắn bó sâu nặng với quê hương. Tuổi mười tám đôi mươi ông đã ý thức rõ về trách nhiệm, bổn phận của bản thân trước vận mệnh quốc gia, “viết văn để tỏ lòng yêu nước”. Trải qua những thăng trầm, của đời sống cách mạng và kháng chiến, không lúc nào ông không trăn trở, thao thức về nhiệm vụ cao cả, thiêng liêng phải viết được những tác phẩm lớn nói lên được sức sống mạnh mẽ, trường tồn của văn hóa dân tộc; cái vĩ đại của đất nước, con người Việt Nam. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

- Nguyễn Huy Tưởng là người có khát vọng lớn, khát vọng viết được những tác phẩm có thể đạt giải Nobel như lời tâm sự ông ghi trong Nhật ký ngày 29-3-1945: “Mơ mộng viết một truyện dài, những truyện dài. Khao khát một phần thưởng Nobel. Tác phẩm ấy phải nói lên được tinh thần Việt Nam, ngợi ca, đề cao, tôn trọng con người.” Ông muốn mỗi người dân Việt Nam phải hiểu sâu sắc về lịch sử dân tộc mình, nhất là trong những năm tháng chịu kiếp nô lệ, tù đày, vì “Người không biết lịch sử nước mình là một con trâu đi cày ruộng. Cày với ai cũng được, mà cày ruộng nào cũng được” (Nhật ký ngày 13-01-1932).

- Với Nguyễn Huy Tưởng, công việc viết văn không dễ mà là hành trình đầy gian nan, vất vả nhưng không vì thế mà ông nản lòng. Ông luôn cố gắng, nỗ lực tìm tòi, sáng tạo. Không bao giờ ông bằng lòng, thỏa mãn với những gì đã làm được mà luôn lắng nghe, bình tĩnh suy xét, chỉnh sửa, bổ sung những điều mà ông cảm thấy còn khiếm khuyết, hạn chế trong từng câu chữ, trang văn.

- Một đặc điểm nổi bật trong con người Nguyễn Huy Tưởng là đức tính chân thành, tôn trọng sự thật, nhìn thẳng vào sự thật, không né tránh những vấn đề mà cuộc sống đang đặt ra. Với quan điểm đúng đắn, tiến bộ về con người, về nghệ thuật, Nguyễn Huy Tưởng kiên trì đấu tranh với những tư tưởng tập thể giản đơn, công thức, những hành động nhất thời làm tổn thương tình cảm, cuộc đời con người dù ông biết hậu quả sẽ phải nhận là những hiểu lầm, những thiệt thòi, day dứt.

- Ông là người có niềm tin mãnh liệt vào nhân dân (như bộ ba nhân vật

mà ông gửi gắm trong Lũy hoa: Nhân - Dân - Thắng), vào tương lai tươi sáng

của cách mạng. Ông luôn có cái nhìn biện chứng - lịch sử, nhanh nhạy với những biến động của thời cuộc. Ông thích lối viết hào hùng, trong sáng, giản dị

Một phần của tài liệu toàn văn Phong cách nghệ thuật Nguyễn Huy Tưởng (Trang 45)