Phân loại truyện cổ tích được sử dụng trong chương trình SGK Tiếng

Một phần của tài liệu Truyện cổ tích và vai trò của truyện cổ tích đối với việc giáo dục học sinh tiểu học (Trang 27)

Trong chương trình SGK Tiếng Việt Tiểu học, truyện cổ tích được sử dụng chủ yếu ở ba phân môn: Tập đọc, Kể chuyện và Tập làm văn. Trong đó, Tập đọc và Kể chuyện được sử dụng với số lượng truyện cổ tích nhiều nhất.

Phân môn Tập đọc không chỉ giúp học sinh rèn luyện kĩ năng: đọc đúng, đọc hiểu, đọc diễn cảm, đọc nghệ thuật mà nó còn giữ vai trò quan trọng đưa đến cho học sinh những văn bản truyện thành hệ thống từ lớp 2 đến lớp 5.

Truyện cổ tích được sử dụng chủ yếu vào phân môn Tập đọc (trừ lớp 1). Với việc tiếp cận toàn bộ văn bản cũng như đoạn trích của truyện, học sinh có điều kiện tìm hiểu rõ nét hơn về thế giới cổ tích.

Trong mỗi tiết Tập đọc, ngoài việc rèn kĩ năng đọc, các em còn được tìm hiểu về xuất xứ nội dung câu chuyện, được đánh giá hành động của các nhân vật, hành động ấy có gì đúng? Sai? Vì sao? Qua câu chuyện em hiểu tác giả dân gian muốn gửi cho chúng ta thông điệp gì? Từ đó học sinh tự tìm ra nội dung chính của bài. Ý nghĩa nội dung của mỗi câu chuyện được các em tự nêu ra sau mỗi bài học chính là nội dung nhằm giáo dục các em.

Bên cạnh Tập đọc, Kể chuyện là một phân môn không thể thiếu trong nhà trường Tiểu học. Bởi lứa tuổi học sinh Tiểu học (từ 6 – 11 tuổi) là lứa tuổi các em rất hồn nhiên, ngây thơ, mọi thứ đối với các em đều xa lạ, mới mẻ. Các em không thể ngồi hàng giờ để nghe một bài giảng đạo đức hay một bài lí luận về nhân cách. Chương trình phân môn Kể chuyện ở Tiểu học được xây dựng dưới những dạng bài sau: Kể chuyện theo tranh, kể chuyện đã nghe, đã đọc, Kể chuyện chứng kiến hoặc tham gia. Truyện cổ tích được xây dựng trong phân môn Kể chuyện chủ yếu dưới hai dạng chính: Kể chuyện theo tranh và Kể chuyện đã nghe, đã đọc (theo một chủ đề nào đó).

Dạng bài kể chuyện theo tranh được sử dụng ở tất cả các lớp. Rêng lớp 1, 100% các câu chuyện cổ tích được kể theo tranh: Cô bé trùm khăn đỏ, Trí khôn, Sự tích bông hoa cúc trắng, Cô chủ không biết quý tình bạn và Sự

tích dưa hấu. Với dạng kể này, học sinh không được tiếp cận trực tiếp với văn bản kể chuyện mà thông qua tranh được in sẵn trong SGK, các em sẽ nghe lời kể của giáo viên, sau đó tự mình kể lại toàn bộ câu chuyện.

Ở dạng bài kể chuyện đã nghe, đã đọc chỉ xuất hiện ở lớp 4,5. Học sinh kể lại những câu chuyện mà mình đã nghe, được đọc trong SGK, trên báo, tạp trí hoặc qua lời kể của người thân, bạn bè mà kể lại. Bởi vậy, với mỗi chủ đề

“Ca ngợi cái đẹp hay phản ánh cuộc đấu tranh giữa cái thiện với cái ác, cái đẹp và cái xấu”, học sinh tìm những câu chuyện cổ tích: Cô bé lọ lem, Tấm Cám, Sọ Dừa,... với chủ đề “dũng cảm” học sinh có thể tìm đọc Thạch

Sanh, Một nhà thơ chân chính,... Với việc tìm câu chuyện đúng chủ đề để kể trước lớp, học sinh đã phần nào tự mình khám phá được câu chuyện. Khi học sinh kể chuyện dù theo lời của mình, lời của tác giả hay lời của nhân vật thì các em đã được hóa thân vào câu chuyện. Đây là một hình thức dạy học mới giúp các em không chỉ đứng ngoài nhận xét, bình giá mà con được “sống” trong truyện.

Một dạng nữa cũng rất phổ biến đó là dạng kể lại chuyện đã học ngay sau giờ Tập đọc. Loại truyện này chủ yếu được thực hiện ở lớp 2, lớp 3 (17/31 truyện). Nhờ được đọc nhiều lần và tìm hiểu kĩ cốt truyện mà các em có thể kể lại câu chuyện đó một cách dễ dàng dựa trên trí tưởng tượng và sự hiểu biết của mình.

Trong phân môn Tập làm văn, truyện cổ tích cũng góp phần không nhỏ vào dạng bài văn kể chuyện (lớp 4): hình thành cho học sinh kĩ năng về xây dựng cốt truyện, xây dựng đoạn văn trong bài kể chuyện, luyện tập phát triển câu chuyện. Với phân môn này, học sinh không chỉ dừng lại ở đọc văn bản kể chuyện hay kể lại câu chuyện cổ tích nữa mà các em được sáng tạo ra đoạn truyện dựa trên đoạn mở đầu và kết thúc đã có sẵn. Tiếp đó các em được sáng tạo ra cả câu chuyện mà bản thân các em là nhân vật chính, các em cũng được

gặp ông Bụt, bà Tiên, cũng được thực hiện ước mơ theo trí tưởng tượng của mình. Có thể nói đây là một điểm rất mới trong chương trình SGK Tiếng Việt nói chung và phân môn Tập làm văn nói riêng.

Như vậy, đời sống tinh thần của trẻ cần đặc biệt quan tâm. Ngoài những bài học thực tế trong gia đình và xã hội, nhân dân ta còn sử dụng triệt để truyện cổ tích như là một phương tiện để giáo dục thiếu nhi. Truyện cổ tích đã tác động vào trẻ em theo con đường: từ xúc cảm nghệ thuật đi đến những nhận thức lí tính. Khi đọc truyện cổ tích các em không nhanh chóng rút ra bài học mà dành nhiều thời gian để đồng cảm với những số phận, những cuộc đời trong truyện. Sự rung cảm nghệ thuật đó là công cụ thiết thực trong việc giáo dục nhân cách cho học sinh Tiểu học.

Dựa vào khái niệm truyện cổ tích đã trình bày ở trên, người viết đã lựa chọn ra 35 truyện cổ tích trong chương trình SGK Tiếng Việt Tiểu học. Tất cả số truyện này bao gồm truyện cổ tích trong nước và truyện cổ tích nước ngoài. Người viết đã phân loại truyện theo khối lớp và theo từng phân môn (phụ lục).

Cũng dựa vào khái niệm truyện cổ tích mà có những truyện trong SGK Tiếng Việt ở Tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 5) không cho đó là truyện cổ tích nhưng người viết vẫn xếp chúng vào thể loại văn học này để phục vụ đề tài nghiên cứu. Tuy nhiên, công việc này chỉ mang tính chất tương đối.

Theo sự thống kê đó, tôi thấy rằng truyện cổ tích được sử dụng trong 3 phân môn: Tập đọc, Kể chuyện, Tập làm văn. Trong đó, Tập đọc và Kể chuyện chiếm một số lượng nhiều hơn cả: Tập đọc (21 truyện), Kể chuyện (21 truyện), Tập làm văn (3 truyện). Như vậy các soạn giả rất quan tâm đến mục tiêu giáo dục, không chỉ hình thành kiến thức mà còn hình thành cả kĩ năng và thái độ của học sinh. Một câu chuyện cổ tích được sử dụng trong nhiều phân môn không gây ra sự nhàm chán mà trái lại ở mỗi phương diện,

mỗi phân môn đều rèn cho học sinh những kiến thức, kĩ năng riêng. Từ đó, truyện cổ tích giúp học sinh có nhiều hiểu biết sâu sắc và toàn diện hơn về một vấn đề.

Truyện cổ tích cũng xuất hiện trong rất nhiều chủ đề chương trình SGK. Trong đó:

Lớp 1 có các chủ đề: Gia đình, Thiên nhiên – Đất nước.

Lớp 2 có các chủ đề: Cha mẹ, Bạn trong nhà, Chim chóc, Nhân dân, Bốn mùa.

Lớp 3 có các chủ đề: Măng non, Mái ấm Quê hương, Anh em một nhà, Thành thị - Nông thôn, Lễ hội, Bầu trời và Mặt đất.

Lớp 4 có các chủ đề: Thương người như thể thương thân, Măng mọc thẳng, Người ta là hoa đất, Vẻ đẹp muôn màu.

Lớp 5 có chủ đề: Vì cuộc sống thanh bình.

Tóm lại, truyện cổ tích tập trung vào bốn mảng đề tài lớn: Bản thân, Gia đình, Thiên nhiên và xã hội. Như vậy trẻ em từ 6 – 11 tuổi, trẻ không còn bó gọn trong môi trường gia đình mà với nhu cầu hiểu biết vô tận của mình, các

em muốn vươn xa hơn để giải đáp thắc mắc về Ai? Cái gì? Vì sao và như thế nào? Điểm mới đó trong chương trình đã giúp học sinh có khả năng hình

thành và phát triển toàn diện nhân cách cho học sinh Tiểu học. Cũng dựa trên sự phát triển toàn diện của nhu cầu nhận thức, nhu cầu giáo dục đạo đức đó mà lớp 1,2,3 chủ yếu là những câu chuyện cổ tích có nội dung đơn giản, với số lượng nhân vật, những mối quan hệ ít hơn. Ở lớp 4,5 do nhận thức, sự hiểu biết và óc phán đoán suy luận đã phát triển vượt bậc so với giai đoạn trước nên những câu chuyện cổ tích đến với các em có nhiều tuyến nhân vật, nhiều cảnh đời, số phận với mối quan hệ phức tạp rất nhiều. Ở hai lớp này luôn có nhu cầu tìm hiểu những quy luật, những mối quan hệ phụ thuộc giữa các hiện tượng. Chính vì vậy, những câu chuyện cổ tích trong nước và nước ngoài có

những tình tiết phức tạp, nội dung kéo dài hoàn toàn phù hợp với đặc điểm tâm lí của các em.

Một điều dễ nhận thấy là có sự chênh lệch giữa truyện cổ tích trong nước và truyện cổ tích nước ngoài ở hầu hết khắp các lớp. Sự chênh lệch này theo tôi đó là tùy thuộc vào mỗi chủ đề nhằm giáo dục các em. Bởi khả năng giáo dục truyện cổ tích dù trong nước hay nước ngoài là như nhau mà mỗi chủ đề lại được sắp xếp theo hướng phát triển nhận thức của các em. Như vậy các soạn giả đã quan tâm chính và trước hết đó là khả năng giáo dục của truyện cổ tích phù hợp với chủ đề giáo dục.

Nhìn chung có thể đánh giá sự xuất hiện của truyện cổ tích trong các phân môn Tiếng Việt là khá dầy. Các tác giả của các câu chuyện này là nhân dân lao động. Họ đúc rút từ những kinh nghiệm của mình để tạo ra các tác phẩm dân gian. Qua truyện cổ tích, các em sẽ biết đến mối quan hệ, những lối sinh hoạt, những phong tục tập quán... Đó chính là cơ sở cho các em khám phá thế giới xung quanh. Sự sắp xếp, phân bố hợp lí các câu chuyện cổ tích trong SGK Tiểu học như trên có tác dụng lớn trong việc giáo dục nhận thức; bồi dưỡng tình cảm và hình thành nhân cách đồng thời giáo dục thẩm mĩ cho học sinh Tiểu học.

CHƯƠNG 2: VAI TRÒ CỦA TRUYỆN CỔ TÍCH ĐỐI VỚI VIỆC GIÁO DỤC HỌC SINH TIỂU HỌC

2.1 Vai trò truyện cổ tích đối với việc giáo dục nhận thức cho học sinh Tiểu học.

2.1.1 Truyện cổ tích giúp học sinh có những hiểu biết về tự nhiên

Khám phá thế giới xung quanh mình luôn là một nhu cầu thường trực trong nhận thức của học sinh Tiểu học. Các em luôn muốn biết thế giới xung quanh mình vận động và biến đổi như thế nào? Vì sao lại như vậy? Đầu tiên là những sự vật, hiện tượng còn riêng lẻ, sau đó là một chuỗi các sự vật được liên hệ lẫn nhau mà phải qua hoạt động học tập và hoạt động thực tiễn mới có được. Truyện cổ tích không chỉ đơn thuần là câu chuyện thời xa xưa mà bằng kinh nghiệm của bản thân, tác giả dân gian luôn có những cách lí giải hóm hỉnh và rất cụ thể. Bởi vậy, thông qua truyện Trí khôn (lớp 1), học sinh không chỉ biết đến sự thông minh nhanh trí của con người trong việc sử dụng con vật to khỏe hơn mình nhiều lần (con trâu ) và đấu tranh chống lại thú dữ (con hổ ). Đồng thời các em còn biết đến một đặc điểm của loại trâu là không có hàm răng trên,của loài hổ là vằn lông. Và với cách lí giải rất “hồn nhiên” của tác giả dân gian, các em được biết vì sao lại có hiện tượng đó. Truyện Cò và Vạc lại đưa đến cho trẻ nhận thức loài Cò thì thường có lông trắng, loài Vạc thì thường có lông màu đen. Qua truyện Sự tích dưa hấu (lớp 1), học sinh biết được dưa hấu là giống dưa vỏ xanh, lòng đỏ, hạt đen và người đầu tiên trồng dưa hấu đó là Mai An Tiêm.

Cũng là sự lí giải hiện tượng tự nhiên, học sinh sẽ được biết đến một kinh nghiệm ngàn đời của cha ông ta. Đó là khi Cóc nghiến răng thì trời sắp đổ mưa (truyện Cóc kiện trời). Không dừng lại ở đó, thông qua, câu chuyện Cóc đi kiện trời và cuộc đấu tranh trên thiên đình, tác giả dân gian đã giải

thích được nguyên nhân của hiện tượng ấy. Từ đó, các em biết yêu quý và bảo vệ những loài vật có ích. Lòng hiếu thảo của cô bé với mong muốn mẹ mình sống thêm được lâu hơn nữa nên đã xé những cánh hoa cúc ra thành nhiều cánh nhỏ trong truyện Bông hoa cúc trắng ( lớp 1) đã lí giải được nguồn gốc của hoa cúc trắng.

Những câu chuyện Sự tích Hồ Ba Bể, Sự tích chú Cuội cung trăng đã phần nào thỏa mãn được những thắc mắc của các em. Sự lí giải các hiện tượng tự nhiên bằng cách riêng của mình rất phù hợp với tâm hồn ngây thơ của lứa tuổi học sinh Tiểu học. Vì vậy, truyện cổ tích đã đi vào tâm trí các em dễ dàng và đọng lại sâu sắc.

2.1.2 Truyện cổ tích giúp học sinh có những hiểu biết về xã hội và con người

Đối với học sinh Tiểu học bên cạnh những hiện tượng tự nhiên các em còn được biết đến những hiện tượng xã hội mà ở đó có người tốt, kẻ xấu; có những cuộc đấu tranh giữa người giàu với người nghèo, giữa thiện và ác, giúp các em phát hiện và lên án những tính xấu của con người và ca ngợi những phẩm chất đạo đức tốt đẹp mà con người vươn tới.

Trẻ có thể bước đầu chưa biết đánh giá, phê phán nhưng trẻ biết và phân biệt đâu là điều tốt, điều xấu; đâu là cái thiện, cái ác, gắn với con người thường có những nét tính cách, những tư tưởng, tình cảm; lòng thương người, lòng dũng cảm, tình yêu thương đất nước; sự chăm chỉ, chất phác... Đó không phải là những khái niệm trừu tượng mà ở đó có những biểu hiện cụ thể gắn với từng cuộc đời, từng số phận, từng nhân vật và thông qua những hình ảnh cụ thể ấy các em ghi nhớ để khi cần đem ra so sánh: chăm chỉ như anh nông dân (trong truyện Cây tre trăm đốt), có sức khỏe phi thường như Thạch Sanh, hiền lành như cô Tấm, độc ác như mụ phù thủy, mụ dì ghẻ... Có thể nói vấn đề xã hội được truyện cổ tích đề cập tới rất sâu sắc. Tuy nhiên, trong khả

năng nhận thức của mình, học sinh chỉ có thể hiểu một cách đơn giản như vậy.

Không chỉ cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về tự nhiên, xã hội và con người, truyện cổ tích còn cho các em thấy được mối quan hệ biện chứng giữa chúng. Bởi ở đó, có những con người cụ thể trong môi trường tự nhiên và xã hội cũng rất cụ thể. Ngay cả khi con người xuất hiện thì những nhân vật loài vật cũng mang những đặc điểm tính cách của con người. Truyện Cóc kiện trời bên cạnh việc lí giải hiện tượng tự nhiên, câu chuyện còn cho thấy ý nghĩa xã hội: Trong mọi khó khăn con người cần đoàn kết, liên hợp, hiệp đồng. Sự gắn bó khăng khít giữa tự nhiên, xã hội và con người như vậy đã giúp học sinh có cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn về thế giới xung quanh mình.

2.2 Vai trò của truyện cổ tích đối với việc bồi dưỡng tình cảm và hình thành nhân cách cho học sinh Tiểu học

2.2.1 Truyện cổ tích góp phần hình thành và phát triển ở học sinh Tiểu học tình yêu quê hương đất nước

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó vượt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.

Như vậy, người ta khẳng định lòng yêu nước của nhân dân ta mang tính truyền thống rõ rệt, nó trải qua bao thời đại và càng ngày càng được phát huy. Nhiệm vụ của giáo dục ở bất kì thời đại nào cũng góp phần tích cực trong việc làm cho các thế hệ kế thừa được truyền thống quý báu đấy, nhân rộng nó ra, phát triển nó lên để phát triển một thứ tình cảm mang tính thời đại.

Một phần của tài liệu Truyện cổ tích và vai trò của truyện cổ tích đối với việc giáo dục học sinh tiểu học (Trang 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(64 trang)