Giáo dục thẩm mĩ là bộ phận quan trọng của giáo dục phát triển, là thời kì “Hoàng kim” của giáo dục thẩm mĩ. Hầu hết trẻ thơ đều có một tâm hồn nhạy cảm. Đối với các em, thế giới xung quanh chứa đựng bao điều lạ, hấp dẫn. Các em thường tỏ ra dễ xúc cảm đối với người và cảnh vật xung quanh. Tính hình tượng đang phát triển mạnh mẽ hầu như chi phối mọi hoạt động của học sinh... Với các đặc điểm tâm lí như vậy mà năng khiếu nghệ thuật thường được nảy sinh ngay từ tuổi thơ và tất nhiên việc giáo dục thẩm mĩ và nghệ thuật cần tiến hành ngay ở lứa tuổi Tiểu học để ươm trồng những tài năng cho tương lai.
Giáo dục thẩm mĩ là một khái niệm rộng, trong đó chủ yếu là giáo dục thái độ thẩm mĩ với thiên nhiên, lao động, đời sống xã hội, sinh hoạt và nghệ thuật. Bởi vậy, thẩm mĩ thuộc phạm trù quan hệ và đánh giá. Khi có quan hệ
đến đối tượng thẩm mĩ, cá nhân bộc lộ thái độ của mình qua sự đánh giá. Thái độ trong tâm lí được lí giải như một mối liên hệ giữa con người với hiện thực. Tất nhiên, thái độ phản ánh cả tập hợp, động cơ, tình cảm, ý thức. Thái độ thẩm mĩ của học sinh đối với thế giới xung quanh là một hệ thống hoàn chỉnh của những mối liên hệ cá nhân, có chọn lọc của học sinh với những phẩm chất mĩ học xung quanh. Thái độ của học sinh bao gồm: phản ứng của các em với cái tuyệt vời, cái đẹp, những xúc cảm lành mạnh; hoạt động sáng tạo của trẻ, nguyện vọng biến đổi xung quanh vừa sức mình.
Giáo dục thẩm mĩ có mối liên hệ mật thiết với giáo dục đạo đức và giáo dục trí tuệ. Cảm xúc thẩm mĩ không những được xây dựng trên cơ sở cảm thụ cái đẹp mà trên cơ sở hiểu biết sâu sắc nội dung, tư tưởng của tác phẩm nghệ thuật. Những cảm xúc thẩm mĩ có ảnh hưởng lớn đến bộ mặt đạo đức của con người và làm cho tính cách của con người thêm cao thượng. Cảm xúc thẩm mĩ làm phong phú thêm cuộc sống của trẻ, góp phần giáo dục tính lạc quan, yêu đời của các em, khêu gợi ở các em tính tích cực, sáng tạo và ảnh hưởng đến việc hình thành mối quan hệ của các em với cuộc sống và những người xung quanh. Giáo dục thẩm mĩ làm cho sự tự giác được sắc bén hơn, giúp cho việc hiểu cái đẹp đã tự giác được sâu sắc hơn và góp phần phát triển năng lực nhận thức của con người.
Giáo dục thẩm mĩ có liên hệ trực tiếp với giáo dục lao động và thể dục. Bản thân lao động được tổ chức tốt là một phương tiện giáo dục thẩm mĩ.
Với tất cả những ý nghĩa trên, giáo dục thẩm mĩ là một bộ phận của giáo dục xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng vào việc hình thành nhân cách phát triển toàn diện. Giáo dục thẩm mĩ cần được tiến hành ngay ở lứa tuổi Tiểu học. Các hình tượng nghệ thuật tác động vô cùng mạnh mẽ đến các em. Bởi vì các em cảm thụ nhờ tư duy trực quan hình tượng, nhờ tính dễ xúc cảm và nhờ mối quan hệ tích cực của học sinh đối với hiện thực xung quanh.