II. Nhận xét
2. Tồn tại – Nguyên nhân II.1 Tồn tạ
PHẦN 3: BÌNH LUẬN VỤ VINALINES
I. Tổng quan về Vinalines
Ngày 29/4/1995, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam Vinalines (Vietnam National Shipping Lines) được thành lập theo Quyết định số 250/TTg của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở sắp xếp lại một số doanh nghiệp vận tải biển, bốc xếp và dịch vụ hàng hải do Cục Hàng hải Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải quản lý. Hoạt động theo điều lệ về tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam do Chính phủ phê chuẩn tại Nghị định số 79/CP ngày 22/11/1995. Tại thời điểm thành lập, Tổng công Hàng hải Việt Nam gồm có 22 Doanh nghiệp nhà nước, 2 Công ty cổ phần và 9 Công ty Liên doanh với nước ngoài.
Năm 2006, Vinalines đã hoàn thành việc chuyển đổi Tổng công ty theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con, hoạt động theo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 192/QĐ-TTg ngày 12/12/2007;
Năm 2010, tại Quyết định số 985/QĐ-TTg ngày 25/6 Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định chuyển đổi Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, được tổ chức và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Cơ cấu tổ chức quản lý của Vinalines gồm: Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát nội bộ, Tổng giám đốc, các Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng và bộ máy giúp việc.
Tại thời điểm hiện nay, Vinalines có 14 đơn vị hạch toán phụ thuộc (bao gồm các Công ty hạch toán phụ thuộc, Chi nhánh, Văn phòng đại diện); 1 đơn vị sự nghiệp; 32 công ty con (bao gồm các Công ty hạch toán độc lập, Công ty TNHH một
thành viên, Công ty cổ phần, Công ty TNHH 2 thành viên trở lên, Công ty Liên doanh); 40 Công ty liên kết. [29]
(Nguồn: http://vinalines.com.vn)
Tính đến cuối 2011, tổng công ty có vốn điều lệ 8.087 tỷ đồng, số lao động gần 25.000 người, sở hữu đội tàu 149 chiếc với tổng trọng tải đạt 2,7 triệu tấn, chiếm 45% tổng trọng tải của đội tàu biển quốc gia, đầu tư, khai thác và quản lý 18 cảng biển. [30]
• Vận tải biển, khai thác cảng, đại lý vận tải, môi giới, giao nhận, kinh doanh vận tải đa phương thức, sửa chữa tàu biển, cung cấp dịch vụ hàng hải và các hoạt động khác liên quan;
• Xuất khẩu, nhập khẩu nguyên vật liệu và thiết bị chuyên ngành;
• Cung cấp thuyền viên;
• Tham gia liên doanh, hợp tác kinh tế với các đối tác trong và ngoài nước theo đúng quy định của pháp luật.
Vinalines đầu tư ngoài ngành cũng khá nhiều như: Công ty Cổ phần chứng khoán Thủ Đô, Công ty Cổ phần Bất động sản Vinalines, Công ty Cổ phần Bất động sản Vinalines Vĩnh Phúc, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB), Công ty Cổ phần đầu tư dầu khí Sao Mai – Bến Đình, Tổng công ty cổ phẩn Bảo Minh, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Hàng hải tại Bến Tre… [31]
(Nguồn: http://vinalines.com.vn)
II. Vinalines và bí mật ẩn dấu
Manh mối ụ nổi 83M
Theo Đại tá Trần Duy Thanh, cục trưởng C48, tức Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng thuộc Bộ Công an, vụ án tại Vinalines bắt đầu khi xuất hiện các nghi vấn về việc việc sửa chữa ụ nổi 83M thuộc dự án xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam khoảng tháng 01/2012. Sau khi thấy có dấu hiệu tham ô tài sản trong việc sửa chữa ụ nổi này, công an đã lập tức khởi tố điều tra.
Trong báo cáo trước Quốc hội chiều ngày 07/6/2012 vừa qua, Tổng thanh tra Chính phủ, ông Huỳnh Phong Tranh, nêu rõ kết luận của cơ quan thanh tra là Vinalines đã vi phạm pháp luật khi mua ụ nổi 83M với bốn sai phạm chính:
• Toàn bộ dự án sửa chữa tàu phía Nam và ụ tàu nổi là chưa có quy hoạch dù Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo đồng ý cho làm, nhưng theo quy định là phải bổ sung quy hoạch và khi duyệt quy hoạch thì mới được triển khai;
• Mua ụ tàu nổi 43 tuổi, vượt 28 tuổi so với quy định theo Nghị định 49 của Thủ tướng Chính phủ;
• Mua khi chưa có đơn vị nào cam kết tài trợ và mua với giá rất cao, lên tới 489 tỷ đồng, giá bình quân là 70% giá đóng tàu mới của thế giới, trong khi tàu đã vượt 28 tuổi;
• Thời gian kéo dài chưa đưa vào khai thác, đẩy những chi phí khác lên đến trên 24 tỷ đồng và hiện nay hàng tháng phải chi 1,6 tỷ đồng chi phí, trong khi ụ tàu chưa hoạt động. [32]
Những sai phạm chính của Vinalines dưới thời ông Dương Chí Dũng
Ông Dương Chí Dũng được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Vinalines từ tháng 8/2005. Cuối năm 2006, ông Dũng kiêm nhiệm thêm chức Chủ tịch hội đồng quản trị Vinalines, và cho đến tháng 9/2010 thì thôi chức Tổng giám đốc. Mới tháng 02/2012 ông được bổ nhiệm chức Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.
Để phát triển vận tải, trong giai đoạn 2005-2010, Vinalines đã mua tổng cộng 73 tàu với giá trị hơn 22.850 tỷ đồng [33] (đồng thời bán đi 55 tàu) nhưng đa phần trong số này là mua của nước ngoài, đã qua sử dụng. Vinalines mua tới 17 tàu trên 15 tuổi không đủ điều kiện đăng ký tại Việt Nam. Cao tuổi nhất là tàu Lively Falcon với hơn 30 tuổi nhưng vẫn được Bộ Giao thông Vận tải cho phép đăng ký. Với việc sử dụng đội tàu quá tuổi, hiệu suất sử dụng thấp đã gây thất thoát lớn. Chủng loại tàu (đa phần là tàu hàng khô, trọng tải lớn) cũng được đánh giá là không phù hợp với chiến lược phát triển, chưa chú ý đến các loại tàu chuyên dụng. Do khả năng khai thác còn hạn chế, trong thời gian qua, phần lớn trong số đội tàu gần 150 chiếc của Vinalines được cho thuê định hạn. Việc không thể quản lý trực tiếp là nguyên nhân chính dẫn tới hàng loạt vụ bắt tàu mà Hoa Sen hay Vinalines Global chỉ là những ví dụ nổi tiếng.
Về xây dựng, trong giai đoạn 2007-2010, Vinalines đã góp vốn đầu tư vào 3 cơ sở sửa chữa tàu biển (Nhà máy sửa chữa tàu Vinalines phía Nam, Nhà máy Nosco – Vinalines, Nhà máy Đông Đô) nhưng đều không có trong kế hoạch phát triển được Thủ tướng phê duyệt trước đó. Cá biệt trong số các hạng mục đầu tư vào Nhà máy
Vinalines phía Nam, lãnh đạo tổng công ty mà đứng đầu là ông Dương Chí Dũng đã phê duyệt vụ mua sắm ụ nổi 83M, vốn được sản xuất tại Nhật từ năm 1965 với giá lên tới 26,3 triệu USD [34] (gấp đôi dự toán ban đầu). Hiện chi phí duy trì, bảo dưỡng cho thiết bị này vẫn rất lớn.
Bên cạnh việc đầu tư đội tàu, trong giai đoạn 2007-2010 Vinalines đã quyết định đầu tư 14 dự án xây dựng, mặc dù các dự án này đều đúng chủ trương, có trong quy hoạch, nhưng trong quá trình thực hiện, doanh nghiệp vẫn xuất hiện nhiều sai phạm như chậm tiến độ, phê duyệt không đúng thẩm quyền… Như dự án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong có tổng mức đầu tư điều chỉnh là 6.177,6 tỉ đồng. Vinalines đã chi 4,114 tỷ đồng cho lễ khởi công dự án trong khi quyết định của Thủ tướng chỉ cho phép chi phí tối đa là 50 triệu đồng. [35]
Riêng việc quản lý tài chính, giống như nhiều tập đoàn, tổng công ty khác, trong giai đoạn 2007-2010, hoạt động đầu tư của Vinalines được đánh giá là khá dàn trải khi góp vốn vào 158 doanh nghiệp và nảy sinh nhiều bất cập. Doanh nghiệp sử dụng không đúng mục đích gần một nửa số tiền 1.000 tỷ đồng vốn trái phiếu được phép phát hành năm 2010, cho vay công ty con mà không tính lãi, chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế ở một số đơn vị… Đặc biệt là để nợ đọng khoản tiền khó đòi lên tới hơn 23.000 tỷ đồng. [36]
Trong báo cáo với Quốc hội hôm 07/6/2012, ông Huỳnh Phong Tranh nói đã phát hiện ba vi phạm chính của Vinalines, gồm:
• Đầu tư dài hạn “dàn trải và nóng vội, chủ yếu bằng vốn vay chiếm tỷ lệ rất cao” (tổng nguồn vốn và tổng tài sản của Vinalines hiện tại là 48.000 tỷ đồng, đầu tư dài hạn đã chiếm tới 82%);
• Hiệu quả khai thác tàu thấp và quá trình quản lý, vận hành tàu phân tán và manh mún;
• Đầu tư cảng biển, cơ sở hạ tầng trong giai bị thanh tra cho thấy đã không đạt kế hoạch đề ra, chậm tiến độ và phát huy hiệu quả kém. [37]
Lộ diện
Ngày 01/02/2012, hai cán bộ của Vinalines cùng hai người khác bị bắt trong vụ án Tham ô tài sản.
Sang tháng 4/2012, Thanh tra Chính phủ ký kết luận, nhưng không có dấu hiệu cho thấy ông Dũng, cũng như ông Mai Văn Phúc (nguyên tổng giám đốc Vinalines và cũng được lên chức Vụ phó Vụ Vận tải) sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Câu chuyện thay đổi đột ngột vào ngày 17/5/2012, Bộ Công an khởi tố bổ sung tội Cố ý làm trái, khởi tố và bắt tạm giam các ông Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc và Trần Hữu Chiều (phó tổng giám đốc, phó bí thư Đảng ủy Vinalines).
Công an Việt Nam đã công bố kết quả điều tra các vụ án kinh tế tại Tổng công ty hàng hải Việt Nam, tức Vinalines, vào sáng ngày 22/5/2012. Cũng tại buổi họp báo này, Bộ Công an đã phát lệnh “truy nã đặc biệt” trên toàn quốc đối với ông Dương Chí Dũng, nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị của Vinalines – người vừa bị cách chức cục trưởng Cục Hàng hải và đã bỏ trốn được 05 ngày.
Nguyên nhân chính
• Sự “lỏng lẻo” trong quản lý nhà nước. Điều này thể hiện qua việc chậm phát hiện vấn đề, tiếp tục thăng chức cho cựu chủ tịch Vinalines Dương Chí Dũng, và công an để cho ông này bỏ trốn.
• Sự đổ vỡ của Vinashin và giờ là Vinalines là bài học thất bại đắt giá cho các bộ, ngành quản lý về cung cách quản trị doanh nghiệp. Đáng tiếc, những sai phạm của hầu hết các doanh nghiệp nhà nước lại không phải cơ quan chủ quản của những doanh nghiệp này phát hiện. Thế nên mới có sai sót đáng tiếc, trước khi những sai phạm lớn ở Vinalines bị vỡ lở, cơ quan quản lý vẫn quyết định “bơm” thêm 100.000 tỷ đồng cho Vinalines… [38]
• Mô hình phát triển của Việt Nam cũng góp phần tạo ra các vấn đề như Vinashin và Vinalines. Ở các nước, tập đoàn phát triển tự nguyện, theo yêu cầu sản xuất kinh doanh, buộc các doanh nghiệp phải sát nhập với nhau để thành tập đoàn. Còn chúng ta, phát triển tập đoàn dường như theo ý chí, chứ không phải thực tế đòi hỏi. Do đó chúng ta phải gánh hậu quả như việc các tập đoàn sử dụng vốn bừa bãi, trình độ quản lý yếu kém, quản lý nhỏ còn chưa được nay đã phải quản lý lớn, công nghệ què quặt, rồi khả năng quản trị hạn chế, khiến kinh doanh không hiệu quả. [39]
• Tổng số vốn đầu tư từ doanh nghiệp nhà nước lên tới 310.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2006-2010 nhưng “không có chương trình giám sát” lượng vốn đầu tư này. [40]
• Tất cả 12 tập đoàn nhà nước đều đang trong giai đoạn thí điểm, về nguyên tắc thí điểm thì có thể thành công hoặc thất bại, nên phạm vi thí điểm nên hẹp và sau một thời gian phải tổng kết, nếu khẳng định thành công mới triển khai trên diện rộng. Nhưng ngay từ đầu đã thí điểm trên phạm vi rất rộng, tập trung vào lĩnh vực trọng yếu xương sống của nền kinh tế. [41]
• Cuối năm 2009, tại nghị quyết sau cuộc giám sát việc quản lý vốn tài sản Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Quốc hội đã yêu cầu sớm có Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Nhưng cho đến nay dự án này vẫn chỉ nằm trong chương trình chuẩn bị của khóa 13, cũng tức là chưa rõ thời gian cụ thể được đưa ra nghị trường.