Ngôn ngữ đối thoại

Một phần của tài liệu nhân vật nữ trong truyện ngắn việt nam từ năm 1986 đến năm 2000 qua sáng tác của các nhà văn nữ (Trang 124)

“Ngôn từ đối thoại là sự giao tiếp qua lại (thường là giữa hai phía) trong đó sự chủ động và thụ động được chuyển đổi luân phiên từ phía này sang phía kia; mỗi phát ngôn đều được kích thích bởi phát ngôn có trước và là sự phản xạ lại phát ngôn ấy. Thuận lợi nhất cho ngôn từ đối thoại là các kiểu tiếp xúc không mang tính quan phương, tính công bằng; là kiểu chuyện trò giản dị , xuề xòa, nói bằng khẩu ngữ; là không khí bình đẳng về tinh thần – đạo đức giữa những người phát ngôn”[97, tr.448]. Với ý nghĩa đó, ngôn từ đối thoại chính là phương tiện nghệ thuật chủ yếu để tái tạo hành vi của con người và các giao tiếp tinh thần giữa họ. Tổ chức đối thoại cho phép nhà văn đi sâu phân tích, mổ xẻ đời sống nội tâm của con người, đồng thời đó cũng là cách để nhân vật tự bộc lộ tính cách của mình. Trong truyện ngắn nữ hôm nay, nhiều nhà văn đã thành công khi sử dụng đối thoại như là một thủ pháp nghệ thuật đắc dụng để nhân vật tự bộc lộ tính cách của mình.

Trong truyện ngắn Thiếu phụ chưa chồng, Nguyễn Thị Thu Huệ đã để My tự bộc lộ tính cách của mình thông qua đoạn đối thoại với Dương, anh rể My:

“Dương ngồi xuống, giọng anh trầm ấm:

- Nông thôn thật tuyệt. Chỉ có cuộc sống ở thành thị là chán thôi. Thanh niên thì học mót lối sống phương Tây. Rặt một lũ trưởng giả học làm sang. Bụi bặm và bon chen. Ra đường nhìn bố nào cũng như tướng cướp, mẹ nào cũng như gái làm tiền, chân thì to, bắp chân như bắp chuối cũng váy… - Dương lắc đầu đầy vẻ khinh miệt.

- Anh nhầm. Cuộc sống ở Hà Nội là lý tưởng. Người nhà quê bây giờ lao lên Hà Nội như điên. Họ có chí hơn dân thành phố bởi họ cần cù, lại khổ quen rồi, lên đó khổ vẫn còn sướng bằng vạn ở quê thế này! – My cãi.

- Nhưng trình độ thì không có, nhà cửa thì không, lên để làm gì?

- Để sống và hưởng thụ. Thế anh cho họ là con trâu hay sao mà suốt đời chỉ cày ruộng cấy lúa cho các anh ăn. Họ cũng là người, cũng biết sung sướng và đau khổ, chẳng qua sinh ra cái kiếp khốn nạn nên họ chịu thôi. – My cáu thật sự, mắt cô cay cay”[53, tr.247,248].

Qua đoạn đối thoại, chúng ta thấy được cách nghĩ thiển cận của My, cô quyết định chạy trốn khỏi nông thôn bằng mọi giá, cố vươn ra Hà Nội, xem Hà Nội như một thiên đường để sống và hưởng thụ mà không hề biết rằng những cạm bẫy đang chờ chực mình.

Hay qua đoạn đối thoại giữa My và chị Hảo, chị gái của My, chúng ta thấy được thái độ bất chấp, trâng tráo của nhân vật này. Cô sẵn sàng dẫm đạp lên cả tình thân để đạt được mục đích của mình. My trắng trợn tuyên bố với chị Hảo là mình và Dương đã yêu nhau và mình sẽ lấy Dương. Ở nhân vật này có sự quẫy đạp rất dữ dội, nhưng là kiểu nhân vật sa ngã. Qua nhân vật này, tác giả muốn lên tiếng cảnh báo cho mọi người sự xuống cấp về mặt đạo đức của một bộ phận giới trẻ, họ sống bất chấp, thực dụng và tàn nhẫn. Cái hay của Nguyễn Thị Thu Huệ là xây dựng những tình huống đối thoại “rất đắt” để nhân vật tự bộc lộ mình, người đọc cũng dễ dàng nhận ra mà tác giả không cần phải bình phẩm dong dài. Trong truyện Một nửa cuộc đời, tác giả để cho Lan và Thắng đối thoại với nhau để bật lên quan điểm của mình:

“- Em có thể sống cả đời ở đây với anh. Yêu anh và được chăm sóc phục vụ anh là một hạnh phúc… Chỉ có hai chúng mình cùng vũ trụ, là những kẻ hạnh phúc nhất trần gian.

- Thường thôi. Trên các bãi biển lúc nào cũng có hang vạn người như chúng mình. Giống nhau cả, thậm chí những ước mơ hão huyền cũng giống… Thắng cười. Lan im lặng nhìn xa xa: - Em sẽ chia tay Hải. Em sợ sống buồn tẻ. Nó giết chết tuổi trẻ và những ham muốn… Chúng mình hãy rũ bỏ tất cả. Đến với nhau đi anh… Em sẽ để cho anh Hải tất cả mọi thứ. Anh cũng để cho vợ anh. Chúng ta ra đi tay không và chỉ cần tình yêu thôi…

- Lấy tiền đâu tiêu khi chúng ta trốn đi với nhau? Cô bé? – Thắng he hé mắt nhìn Lan. Một đợt sóng trùm qua ngực anh.

- Em bán tranh và anh sáng tác nhạc. - Còn công việc cơ quan?

- Bỏ hết.

- Còn những đứa con?

- Ta vẫn gửi tiền nuôi nó. Mình sẽ đẻ những đứa con cho chúng mình… - Sợ lúc ấy em sẽ chán!...”[54, tr.135,136].

Qua cuộc đối thoại giữa Lan và Thắng, người đọc thấy rất rõ trong khi Lan bất chấp tất cả để đến với tình yêu, với khát vọng cháy bỏng thì Hải rất tỉnh táo, xem những khát khao của Lan là hão huyền, tất cả chỉ là một phút xao lòng rồi dừng lại. Hải quá thực tế còn Lan thì quá đam mê.

Thông qua đoạn đối thoại giữa Quyên và nhân vật tôi trong Sau những hẹn của Phan Thị Vàng Anh, người đọc đã phần nào hình dung được tính cách của nhân vật tôi:

“Chị Quyên bước vào, vén màn hỏi: “Thư thằng Lâm phải không ?”. Tôi cười: “Nó chứ còn ai!”. “Nó nói gì nữa ?”. “Tôi không đọc, chắc lại anh nhớ em, mưa buồn lắm, anh không biết em đang làm gì… Lải nhải mãi, sao nó không bỏ vợ đi nhỉ ?”. Chị tôi nhướn mày: “Nó bỏ vợ, mày có lấy nó không ?”. “Không! Tôi ghê nó lắm!”. “Ghê sao mày vẫn đi chơi ?”. “Vì những thằng con trai chưa vợ không rủ

tôi đi!”[7, tr.57]. Dẫu có cảm giác ghê Lâm, một chàng trai đã có vợ nhưng nhân vật tôi vẫn chấp nhận đi chơi, không có một chút tình cảm gì, đơn giản chỉ là vì quá buồn, quá trống vắng và bởi cả những thanh niên chưa vợ không rủ đi chơi. Lâm trở thành trò chơi lạ đối với cô. Nhân vật tôi mang tính cách ương bướng, đôi lúc buông thả nhưng cũng rất tỉnh táo.

Thông qua đoạn đối thoại giữa các thành viên trong gia đình nhỏ trong truyện Điều ấy bây giờ con mới hiểu ra, Y Ban đã làm sống lại các trạng thái tâm lí của người vợ một cách có chiều sâu, không những vậy hiện thực cuộc sống và sự khốc liệt của chiến tranh cũng hiện lên rõ nét:

“Cánh cửa đóng kín sững trước mặt tôi. Tôi đẩy cửa, cửa chốt từ bên trong. Tôi đẩy cửa sổ, cửa sổ cũng cài kín… Tôi bị bỏ rơi. Tôi đập vào cánh cửa.

- Mẹ ơi, mở cửa cho con vào với. - Im lặng.

Tôi đập mạnh hơn. - Mẹ ơi, mở cửa cho con. - Im lặng.

Tôi gào lên và chợt nhớ ra có cả bố trong ấy nữa… Tôi khóc ầm lên. - Bố mẹ ơi cho con vào với.

Bố chạy xô ra cửa. Bố ôm lấy tôi, úp mặt vào bụng tôi cù. Tôi đẩy bố ra. Mẹ đang vấn lại tóc cho gọn… Mẹ cáu bất ngờ. Mẹ xông vào tôi phát lấy phát để, rồi òa khóc. Thế là hai mẹ con tôi cùng khóc. Bố bật cười gỡ mẹ ra:

- Bình tỉnh lại nào, con có lỗi gì đâu…

Mẹ vẫn khóc. Bố quàng tay ôm mẹ vào ngực. Bố ôm gọn cả mẹ và tôi:

- Đừng khóc nữa nào. Em yêu của anh. Sắp đến giờ anh phải đi rồi. Đừng làm cho con sợ.

- Em cũng mong anh từng ngày. Em muốn có thêm một thằng cu… bom đạn nhỡ anh có mệnh hệ nào. Con bé này lớn sẽ đi lấy chồng… Còn có một mình em…

Bố cười rất tươi, bố thì thầm rất nhỏ vào tai mẹ:

- Vâng, lần trước anh cũng bảo em thế. Vậy mà đã 5 năm rồi. 5 năm nữa em sẽ 32”[12, tr.115,117]. Qua đối thoại, người đọc thấy được bi kịch của người vợ trẻ mòn mõi chờ chồng ngoài chiến trận. Khát khao hạnh phúc, khát khao sum họp luôn cháy bỏng. Trong giây phút hiếm hoi được ở bên chồng những tưởng sẽ hạnh phúc thì bị cô con gái nhỏ ngây thơ phá hỏng. Chỉ một lát cắt của cuộc sống nhưng khuôn mặt khốc liệt của chiến tranh hiện lên một cách rõ nét: có chờ đợi, có hạnh phúc, có hy vọng, có thất vọng, có nụ cười và nước mắt. Tất cả hiện lên nguyên vẹn, sinh động.

Lê Minh Khuê rất thành công khi xây dựng một tình huống thoại độc đáo trong truyện ngắn Lời chào ở ngưỡng cửa. Châu là một cô gái trẻ, cô lao vào cuộc tình với một người đàn ông đã có gia đình mà quên đi tuổi xuân của mình. Cô chấp nhận tất cả miễn là có được anh. Nhưng sau mỗi hẹn hò, mỗi cuộc chơi, người đàn ông luôn dừng lại ở ngưỡng cửa với một câu chào: “Thôi em ngủ đi, anh về!”. Người phụ nữ lao vào cuộc tình với sự say mê, nhưng người đàn ông thì quá tỉnh táo, anh vẫn yêu đấy nhưng không thể thoát khỏi cuộc sống gia đình để sống hết mình vì Châu. Chỉ một câu thoại, là lời chào muôn thuở ở ngưỡng cửa, nhưng Lê Minh Khuê đã phác họa rõ một bi kịch của cuộc đời.

Ngôn ngữ đối thoại trong truyện của Phạm Thị Hoài có nhiều nét độc đáo, thông qua việc miêu tả những cuộc đối thoại, tác giả khám phá đời sống tâm lý và giải mã những bí ẩn trong đời sống con người. Truyện ngắn Khách được xây dựng từ một chuỗi đối thoại của ba nhân vật: là đối thoại trực tiếp giữa cô gái và người khách tên là Cô Đơn, đối thoại qua điện thoại giữa cô gái và người yêu. Qua những cuộc đối thoại này, tác giả chiêm nghiệm về tình yêu và cuộc sống của cô gái trẻ. Phải chăng, “lời nói chỉ là chiếc vỏ trứng của im lặng”[51, tr.25], thông qua đối thoại để hiểu nhau, để gần nhau hơn. Nhưng, đôi lúc họ càng xa nhau. “Có hai người ngồi đối diện với nhau trong một căn phòng và người này vẫn cố dẫn người kia vào thế giới của mình. Nhưng khi họ đi trên những con đường khác nhau và thế giới nào cũng bảo hiểm mình vô cùng kĩ lưỡng”[51, tr.27]. Đó chính là sự hạn chế, bất lực của đối thoại. Bởi họ ở bên cạnh nhau nhưng không thể chia sẻ cùng nhau.

Bên cạnh đó, ngôn ngữ đối thoại đã được các nhà văn nữ cá thể hóa, cách nói năng, ứng xử mang tính đời thường, thậm chí là trần trụi, suồng sã. Thông qua ngôn ngữ đối thoại, biểu hiện trạng thái tâm lí nhân vật có chiều sâu, hiện thực cuộc sống vì thế cũng sống động hơn. Chỉ một đoạn đối thoại ngắn giữa Diễm Ecmơlin và Thản trong truyện Đàn sẻ ri bay ngang rừngcủa Võ Thị Xuân Hà, phần nào người đọc hình dung được tính cách nổi loạn của nhân vật này:

“Tôi tỉnh dậy và bắt đầu gây sự. Thản vỗ vỗ vào vai tôi, dỗ dành: - Thôi nào, nằm yên đi cáo Ecmơlin.

- Anh thèm con trai thì đi mà lấy vợ khác - Tôi vẫn không dịu. Thản nhăn nhó:

- Anh biết trước mà, em có con là hê anh ra ngay. Tôi nổi khùng:

- Đàn ông các anh cứ liệu hồn. Khéo không lại tiệt nọc. Cả thế giới mà toàn là lũ đàn bà con gái, chỉ cần uống nước sông cũng chửa được nhỉ - Tôi bật cười - Rồi anh xem, đàn bà chúng tôi dễ chịu hơn các anh nhiều, chỉ cãi vã nỏ mồm chứ không súng ống máu me...

Thản ngồi im, thộn mặt nghe tôi khùng. Tôi dịu cơn, nắm tay Thản, thì thào: - Em vừa nhìn thấy anh Nẫm về. Anh ấy hôn con mình với xem em cởi truồng.

Thản giật nảy: - Cô lại nói bậy.

- Thật đấy! Anh ấy làm như bé Mai là con của anh ấy chứ không phải con anh.

Thản nghĩ tôi nói sảng, không chấp, bảo:

- Hôm nọ anh đã hỏi được phiên hiệu đơn vị anh Nẫm. Bao giờ em khỏe, có lẽ anh sẽ vào đó tìm...”[40, tr.263].

Cái khéo của Võ Thị Xuân Hà là thông qua đối thoại đẩy tốc độ của câu chuyện lên, những đối thoại này cũng chứa đầy thông tin, thể hiện sự ngang bướng,

và cả giấc mơ kì quái của Diễm. Qua đó, tính cách của Diễm cũng được thể hiện rõ nét hơn.

Lê Minh Khuê là một nhà văn có sở trường về đối thoại, sử dụng đối thoại để thúc đẩy diễn biến của câu chuyện và làm phát lộ những tình huống, tính cách nhân vật. Dưới đây là cuộc đối thoại giữa những người thân trong gia đình lão Trương để tranh nuôi đứa em tật nguyền trong truyện Đồng đô la vĩ đại:

“Cô Cẩn túm lấy gáy gã em út khốn nạn, dúi đầu Trọng về phía vợ Khang rồi lại dúi đầu về phía vợ An.

- Mời hai chị. Hai chị cứ róc đôi nó ra, mỗi người một nửa. Quý hóa quá. Đồ thừa thãi thế này bỗng nhiên được lên vua, ai cũng nâng niu yêu chiều. Thôi thì cứ róc đôi nó ra, chả ai kiện tụng gì vì nó sống cũng thế mà thôi. Hai chị em khỏi nhọc lòng lo cho em nó, thêm oải người ra, tội nghiệp.

Vợ Khang giãy đành đạch, cái bụng chửa của mụ rung lên, có cảm giác thằng con trong bụng cũng máu lắm, đang tăng sức lực cho mụ. Mụ như vừa nói với em chồng vừa chửi vợ An.

- Cô không phải chì chiết tôi. Cô biết thừa cái con mặt choắt kia rồi chứ. Nó là con của đồ chó đẻ. Con nhà chó đẻ nên tham. Tham gì mà tham thế. Nó giữ rịt thằng bé hai tháng rồi. Hai tháng, tiền đô để nó mua đầu chó về cúng ông bà tổ tiên bên nhà nó. Đến hôm nay phải cho thằng bé về bên tôi chứ. Nó lại giữ rịt lấy, quá nửa tháng rồi còn gì ? Nay nhắn mai nhắn, mấy lần đến đón hẳn hoi mà nó đâu có nhả ra. Bà thì bà rạch mặt mày ra, bà tưới xăng đốt mẹ nó cả chồng mày, thằng đàn ông không biết dạy vợ, đang núp trong váy vợ kia... ăn gì mà ăn dày thế?”[66, tr.122,123].

Thành công ở đây là tác giả đã gia tăng chất khẩu ngữ trong lời thoại của nhân vật; đồng thời qua đối thoại, người đọc phần nào thấy được sức mạnh khuynh đảo của đồng tiền và sự băng hoại về đạo đức, vì tiền họ bất chấp tất cả, kể cả đối với những người ruột thịt. Đồng thời, tác giả cảnh tỉnh về sự suy thoái đạo đức của một số cá nhân trong xã hội hôm nay. Họ sống thực dụng, bất chấp, trơ lì và vô cảm. “Lê Minh Khuê khéo viết đối thoại. Gọn gàng, chắc chắn, hiếm khi thừa lời và

có ấn tượng. Những đối thoại chính xác, chứa đầy thông tin và ngổn ngang tâm lí”[34, tr.762].

Ngôn ngữ đối thoại trong truyện ngắn nữ hôm nay đã được cá thể hóa sâu sắc. “Dấu vết thời đại qui định cách nói năng, ứng xử. Nhiều lớp từ mới được hình thành , quan niệm về lời nói cũng bổ sung những sắc thái biểu cảm mới. Thông qua ngôn ngữ đối thoại, các trạng thái biểu hiện tâm lí của con người có chiều sâu và hiện thực cuộc sống được cụ thể hóa, sống động hơn”[124, tr.36].

Tóm lại, các nhà văn nữ đã rất chú ý sử dụng đối thoại. Thông qua đối thoại, các tác giả có điều kiện đi sâu phân tích, mổ xẻ đời sống nội tâm của con người, đồng thời đó cũng là cách để nhân vật tự bộc lộ tính cách của mình. Trong truyện ngắn nữ hôm nay, hình thức đối thoại được sử dụng rộng rãi như là một phương tiện nghệ thuật chủ yếu để tái tạo các hành vi của con người và các giao tiếp về tinh thần của họ… Chính ngôn ngữ đối thoại định đoạt tính cách nhân vật, làm phong phú, đa

Một phần của tài liệu nhân vật nữ trong truyện ngắn việt nam từ năm 1986 đến năm 2000 qua sáng tác của các nhà văn nữ (Trang 124)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(162 trang)