2. Các giải pháp phát triển M&A ngân hàng tại Việt Nam:
2.6.1 Tuyên truyền đầy đủ thông tin cần thiết về việc sáp nhập.
Để hạn chế những thông tin ngoài luồng không chính thức có thể gây ảnh hưởng xấu đến tình hình kinh doanh của ngân hàng. Ban điều hành ngân hàng cần thiết phải công bố những thông tin ở mức cần thiết cho từng đối tượng là nhân viên chủ chốt, hay chính sách duy trì đối với khách hàng.
- Đối với cán bộ nhân viên, ban điều hành nên tổ chức các cuộc họp nội bộ tuyên truyền thông tin về thương vụ tới toàn thể nhân viên một cách rõ ràng từ đó tạo thái độ yên tâm làm việc cho họ
- Đối với khách hàng, cần xây dựng một kênh công bố thông tin chính thức tránh gây hiểu nhầm để họ yên tâm giao dịch, đảm bảo hoạt động ngân hàng mới diễn ra bình thường. Xây dựng kế hoạch công bố thông tin cho khách hàng theo từng giai đoạn, tránh những thông tin xuyên tác gây tâm lý hoang mang.
2.6.2 Đánh giá đúng tác động của sự cộng lực.
Việc nghiên cứu khảo sát không tường tận tiềm năng thực sự của ngân hàng mục tiêu dẫn đến đánh giá quá cao hiệu quả của tác động cộng lực là một trong những lý do dẫn đến thất bại sau sáp nhập. Vấn đề xác định được hiệu quả sau sáp nhập mang lại, khả năng cạnh tranh của ngân hàng mới, thị phần
hoạt động, khả năng phát triển thị phần, năng lực quản trị rủi ro, chất lượng nhân sự, hệ thống khách hàng, các yếu tố kinh tế vĩ mô tác động….. là những tiêu chí cần được phân tích kỹ trong quá trình đánh giá sự cộng lực
2.6.3 Đánh giá đầy đủ và chính xác đối thủ, các khoản nợ xấu, nợ tiềm năng.
Do đánh giá và thẩm định chi tiết không đầy đủ, chính xác nên nhiều ngân hàng thâu tóm sau khi thực hiện xong thương vụ đều gặp phải nhiều vấn đề về nợ xấu. Các khoản nợ này gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh doanh của ngân hàng sau sáp nhập. Vì vậy, ngân hàng thâu tóm phải tiến hành xác minh và định giá cẩn trọng các khoản nợ hiện hữu của ngân hàng mục tiêu. Do các ngân hàng Việt Nam hiên nay đánh giá nợ xấu theo tiêu chuẩn là khoản nợ đã quá hạn trên 90 ngày, trong khi quốc tế thường tính theo khả năng trả nợ đáng lo ngại của con nợ. Vì vậy cần phải xác định các khoản nợ theo tiêu chuẩn quốc tế để đảm bảo tránh những tổn thất có thể phát sinh sau khi sáp nhập. Trong cuộc cạnh tranh trong ngành tài chính, đánh giá đúng đối thủ là một bước đi quan trọng giúp ngân hàng tồn tại và phát triển. Luôn tự đổi mới mình cho phù hợp với hoàn cảnh kinh tế và sức ép của cạnh tranh từ phía các ngân hàng nước ngoài phải được các ngân hàng nội chú trọng nếu không muốn bị loại trong cuộc chạy đua khốc liệt nay.
2.6.4 Lập kế hoạch hợp nhất phần mềm hệ thống giao dịch.
Vấn đề hệ thống thông tin của ngân hàng là rất quan trọng, nếu khi sáp nhập hệ thống giao dịch của hai ngân hàng không liên kết được với nhau thì sẽ gây ra những phiền toái trong việc quản trị và điều hành ngân hàng. Do vậy, ngân hàng thâu tóm phải làm việc với nhà thầu cung cấp phần mềm giao dịch cho ngân hàng thâu tóm và ngân hàng mục tiêu để chuẩn bị cho việc hợp nhất hệ thống. Nếu chuẩn bị không kỹ sẽ gây nên tình trạng đình trệ trong hoạt động kinh doanh, gây tâm lý lo ngại cho khách hàng, ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của ngân hàng sau sáp nhập. Việc xúc tiến đặt hàng nhà thầu về chương trình công nghệ thông tin sử dụng chung cho hai ngân hàng là vấn đề cần được quan tâm. Đây là những công việc quan trọng nhằm hạn chế tối đa những tổn thất có thể gặp phải như:mất dữ liệu, sai lệch thông tin khách hàng, mất khả năng truy cập, không thể liên kết giữa các chi nhánh…