Trong quá trình hoàn thiện quy trình ngân sách cần hướng vào sự tách biệt giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, do đó Quốc hội chỉ nên quyết định dự toán Trung ương, phân bổ ngân sách Trung ương và quyết toán ngân sách Trung ương; đồng thời Quốc hội chỉ quyết định bổ sung ngân sách từ Trung ương cho các địa phương. Từng bước xoá bỏ lập dự toán và quyết toán theo mô hình lồng ghép. Hội đồng Nhân dân các cấp quyết định dự toán, phân bổ ngân sách, phê chuẩn quyết toán ngân sách cấp mình, báo cáo lên cấp trên để thông qua chung cả nước. Quốc hội thông qua chung dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước. Do vậy cần tiến hành cải cách từng bước quy trình ngân sách theo hướng sau đây:
- Chủ động điều hành ngân sách trong quá trình chấp hành ngân sách. Trong quá trình chấp hành ngân sách, cần tạo điều kiện cho chính quyền mỗi cấp chủ động trong điều hành ngân sách, tránh tình trạng cấp dưới lệ thuộc vào cấp trên. Các khoản chi của cấp trên thực hiện trên địa bàn nên bổ sung có mục tiêu mà không nên ủy quyền vì sẽ không kịp thời cũng như buông lỏng trong quản lý. Những khoản bổ sung cân đối và bổ
sung có mục tiêu phải đảm bảo cấp phát kịp thời, tránh tình trạng cấp phát tuỳ tiện, để ngân sách cấp dưới bị động và lệ thuộc quá nhiều vào ngân sách cấp trên. Cần quan tâm nhiều hơn đối với các tỉnh nghèo, tỉnh dựa vào trợ cấp cân đối khá lớn, nếu trợ cấp không kịp thời sẽ ảnh hưởng đến yêu cầu chi dẫn đến ảnh hưởng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
- Cần hoàn thiện hệ thống thông tin báo cáo trong lĩnh vực tài chính - ngân sách, bảo đảm cung cấp kịp thời các thông tin về chấp hành ngân sách của mỗi cấp chính quyền địa phương, để giúp cho Ủy ban Nhân dân các cấp nắm được tình hình quản lý tài chính - ngân sách để có những quyết định kịp thời, chính xác để ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực làm thất thoát ngân sách nhà nước.
- Cần nghiên cứu lại quy định về thời gian quyết toán cho hợp lý nhằm nâng cao chất lượng quyết toán. Ủy ban Nhân dân các cấp phải có giải pháp nâng cao chất lượng báo cáo quyết toán và rút ngắn thời gian nộp báo cáo quyết toán cho Hội đồng Nhân dân và cấp trên để các cơ quan này có đủ thời gian và điều kiện xem xét để phê chuẩn quyết toán một cách chính xác.
- Giao quyền chủ động trong quyết định ngân sách địa phương. Hội đồng Nhân dân tỉnh sẽ quyết định toàn bộ dự toán ngân sách tỉnh. Quốc hội sẽ quyết định ngân sách Trung ương và số bổ sung cho ngân sách địa phương. Đối với những khoản chi bổ sung có mục tiêu thì Hội đồng Nhân dân thông qua dự toán chi đáp ứng yêu cầu mục tiêu của Trung ương và phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Trung ương không nên phân bổ chi tiết dự toán cho từng ngành ở địa phương. Đồng thời các Bộ, ngành Trung ương không được căn cứ vào hướng dẫn phân bổ của Bộ Tài chính mà thông báo đến các sở, ngành của địa phương, gây vướng mắc trong việc phân bổ, mà phải để cho chính quyền địa phương chủ động phân bổ ngân sách của địa phương. Tăng cường vai trò và thực quyền của Hội đồng Nhân dân các cấp trong quyết định ngân sách cấp mình, khắc phục tình trạng hình thức trong lập và phân bổ dự toán.
Tiếp tục củng cố và hoàn thiện bộ máy tổ chức, nâng cao trình độ cán bộ quản lý điều hành ngân sách. Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chức năng, kiện toàn hệ thống tổ chức, chuẩn bị các điều kiện để hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý tài chính phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính trong giai đoạn mới.
Đẩy nhanh tiến độ tổ chức sắp xếp lại hệ thống cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, gắn đào tạo và công tác quản lý thực tiễn. Tiếp tục tăng cường kết hợp giữa đào tạo cán bộ theo chức danh tiêu chuẩn, theo quy hoạch với việc đào tạo cán bộ chuyên sâu, bồi dưỡng cập nhật kiến thức, lý luận chính trị và quản lý nhà nước.
Tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả công tác kế toán, kiểm toán, thanh tra và thực hiện công khai, minh bạch tài chính - ngân sách. Từng bước hoàn chỉnh việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế về nghiệp vụ kế toán, kiểm toán bắt buộc đối với tất cả các đơn vị sử dụng ngân sách trên cơ sở tăng cường hệ thống kiểm toán nhà nước.
Tăng cường thực hiện chế độ công khai tài chính, ngân sách đầy đủ đối với tất cả các cấp, các cơ quan, đơn vị. Nghiên cứu thành công nhiều thiết chế tự chủ, dân chủ để tăng cường sự giám sát của cộng đồng và nhân dân trong quản lý nền tài chính quốc gia.
KẾT LUẬN
Phân cấp NSNN là một trong những vấn đề căn bản trong tổ chức quản lý tài chính công. Thông qua phân cấp NSNN, chính quyền các cấp có thể tự chủ nguồn lực tài chính để thực thi các hoạt động ở cấp mình, đồng thời tạo sức mạnh cho các chính quyền địa phương trong quản lý ngân sách.
Ở nước ta đã có những bước tiến đáng kể trong phân cấp ngân sách, nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều việc phải tiếp tục hoàn thiện để tăng cường quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý ngân sách nhà nước.
Phân cấp ngân sách là một quá trình khó khăn, phức tạp và không thể nóng vội. Vì vậy cần có các giải pháp đồng bộ và tiến hành từng bước, bảo đảm tính hiệu quả, góp phần cho quá trình cải cách tài chính ở nước ta.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Tài chính (2003), Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện, Hà Nội.
2. Chính phủ (2003), Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước.
3. PGS.TS. Dương Đăng Chinh, TS Phạm Văn Khoan (2007), Giáo trình Quản lý tài chính công, NXB Tài Chính, Hà Nội.
4. TS. Nguyễn Thanh Dương, Chuyên đề Ngân sách nhà nước, TP.HCM.
5. TS. Trần Văn Giao (2009), Giải đáp về quản lý tài chính công, NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội.
6. Đào Xuân Liêm (2007), Hoàn thiện cơ chế phân cấp ngân sách nhà nước cho các cấp chính quyền địa phương, TP.HCM
7. PGS.TS. Sử Đình Thành (Chủ biên), TS. Nguyễn Hồng Thắng, ThS. Bùi Thị Mai Hoa (2006), Lý thuyết tài chính công, NXB Đại học Quốc gia, Tp. Hồ Chí Minh.
DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT
GTGT: Gía trị gia tăng HĐNN: Hội đồng nhân dân UBNN: Ủy ban Nhân dân NSĐP: Ngân sách địa phương NSNN: Ngân sách Nhà nước NSTƯ: Ngân sách Trung ương