Việc phân cấp nguồn thu phải đảm bảo cho địa phương có sự độc lập và linh hoạt nhất định trong nguồn lực tài chính của địa phương, hoàn thiện việc chia sẻ nguồn thu dựa trên công thức có tính khách quan và hợp lý. Việc phân cấp nguồn thu phải đảm bảo cho chính quyền địa phương có được những nguồn thu thoả đáng để hoàn thành trách nhiệm được giao. Các giải pháp có thể thực hiện như sau:
- Tạo một số nguồn thu cho địa phương. Các loại thuế có thể trao quyền tự chủ nhiều hơn cho địa phương trong thời gian tới như: thuế nhà đất, thuế chuyển quyền sử dụng đất, tiền sử dụng đất.
- Cải tiến phương thức phân chia nguồn thu giữa Trung ương và địa phương. Chính phủ cần xem xét cải tiến phương thức phân chia giữa Trung ương và địa phương đối với một số thuế nhằm đảm bảo tính công bằng cho các địa phương có đóng góp vào nguồn thu như thuế thu nhập doanh nghiệp. Đối với thuế VAT, những địa phương có tham gia vào doanh thu của doanh nghiệp mẹ, cần được tham gia vào tỷ lệ phân chia thuế tính theo mức độ tiêu dùng tại mỗi địa phương, ngoài ra nghiên cứu những địa phương tạo ra (sản xuất) sản phẩm nhưng tiêu dùng ở địa phương khác thì thuế VAT đó cũng được chia cho địa phương nơi sản xuất. Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp: việc phân chia số thu giữa Trung ương với địa phương có tham gia tạo ra thu nhập sẽ được tính dựa trên bảng lương của các doanh nghiệp đóng tại các tỉnh, hoặc tài sản và doanh thu để xác định tỷ lệ phân chia cho địa phương, cần có tiêu chí để phân chia cụ thể.
- Quy định cụ thể nhiệm vụ thu của chính quyền cấp huyện và xã. Cần quy định cụ thể về nhiệm vụ thu cho chính quyền cấp huyện và cấp xã. Trong thời gian vừa qua, phân cấp cho chính quyền cấp tỉnh quyết định nhiệm vụ thu cho chính quyền cấp huyện và cấp xã cho thấy nhiều tỉnh đã tập trung nguồn thu chủ yếu vào cấp tỉnh và hạn chế phân cấp cho cấp dưới dẫn đến cấp dưới phụ thuộc quá nhiều vào cấp trên. Do vậy, nên quy định rõ trong Luật ngân sách nhà nước về nhiệm vụ thu và các nguồn thu của chính quyền mỗi cấp.