Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nước ta (FDI); đầu tư gián tiếp qua thị trường chứng khoán (FII), Viện trợ phát triển chính thức (ODA), Vay nợ nước ngoài và các nguồn khác. Đến thời điểm hiện nay, Mỹ đứng thứ 11 trong hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với 419 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 4,1 tỷ USD, các dự án phần lớn còn ở giai đoạn đầu và phần nhiều đầu tư vào hạ tầng dài hạn (khách sạn du lịch, công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ, giao thông vận tải bưu điện). 65% đầu tư của Hoa Kỳ tại Việt Nam là vào lĩnh vực dịch vụ, trong đó khách sạn du lịch chiếm 52%. Đây là khu vực có thể chịu nhiều ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng cụ thể còn phụ thuộc vào tốc độ giải ngân của các dự án tại nước ngoài và tiềm lực, chiến lược đầu tư của từng công ty. Luồng vốn FDI thực hiện trong 10 tháng đầu năm đạt 9,1 tỷ USD, tăng 38,3% so với cùng kỳ năm 2007. Nhìn chung, các nhà đầu tư đến từ châu Âu và Mỹ chỉ chiếm khoảng 5% trong số 59,3 tỷ USD đăng ký, trong khi các nhà đầu tư châu Á chiếm khoảng 80% (13% từ Nhật Bản và 67% từ các nước châu Á khác). Tuy nhiên, khủng hoảng tài chính Mỹ và thế giới không chỉ gây ra khó khăn cho các nhà đầu tư Mỹ mà còn cho các nhà đầu tư từ các nước khác do sự liên thông và lệ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế và các nhà đầu tư.
Đối với nguồn vốn FDI đã bắt đầu bị ảnh hưởng nhẹ. Một số dự án đăng ký mới có xu
hướng chững lại, trong tháng 10/2008, chỉ số 68 dự án đăng ký mới với tổng số vốn đăng ký là 2,02 tỷ USD, thấp hơn so với các tháng đầu năm (bình quân 1 tháng đầu năm số dự án đăng ký mới là trên 98 dự án với tổng số vốn trên 6,25 tỷ USD; 9 tháng đầu năm 2008
có 885 dự án đăng ký với tổng số vốn 56,27 tỷ USD). Tháng 10 năm 2008, tổng số vốn thực hiện chỉ đạt 15% so với số vốn đăng ký mới và tăng thêm. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nước ta sẽ sút giảm nhẹ vì các nước đều khó khăn, các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ khó khăn hơn vì chi phí vốn sẽ đắt đỏ hơn. Hơn nữa, nhiều công ty mẹ yêu cầu các công ty con đầu tư tại nước ta phải giảm đầu tư rút vốn về để tháo gỡ khó khăn cho công ty mẹ.
Về nguồn vốn ODA, trong tháng 10, giải ngân đạt thấp, năm 2008 giải ngân không đạt
như dự báo 2,3 tỷ USD vì các nguồn vốn cũng gặp các khó khăn và hạn hẹp khi các nước đang tập trung chống khủng hoảng tại nước mình. Như vậy, có thể thấy số vốn ODA cam kết và giải ngân tại Việt Nam trong những năm tới sẽ có xu hướng giảm do nguồn lực tài chính của các tổ chức tài chính quốc tế và các nước được dành để cân đối bình ổn thị trường trong từng nước và quốc tế nên sẽ khó khăn hơn trong tài trợ ODA.
Nguồn vốn đầu tư gián tiếp (FII), chúng ta có thể thấy: trong bối cảnh cuộc khủng hoảng
tài chính Mỹ đang lan rộng ra toàn cầu, các định chế tài chính sẽ phải xem xét lại chiến lược đầu tư và danh mục đầu tư của mình. Điều đó có thể sẽ diễn ra sự điều chỉnh nhất định của dòng đầu tư vào thị trường vốn Việt Nam, giảm bớt đầu tư vào Việt Nam và có xu hướng đầu tư vào các kênh an toàn.
Tính đến thời điểm này, có khoảng 70 quỹ đầu tư quốc tế lớn nhỏ đang thực hiện giải ngân trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Khủng hoảng tài chính Mỹ sẽ khiến các quỹ đầu tư nước ngoài khó huy động vốn hơn hoặc sẽ có xu hướng thận trọng hơn trong quyết định đầu tư khi những thị trường lớn của họ đang có vấn đề. Luồng tiền đầu tư gián tiếp vào Việt Nam cũng bị ảnh hưởng và có khả năng sẽ chảy ngược ra nếu tình hình thế giới tiếp tục xấu đi.
- Thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua cũng chịu ảnh hưởng nhiều từ thị trường chứng khoán thế giới. Mặc dù tình hình của Việt Nam 10 tháng đầu năm khả quan, nhưng chịu ảnh hưởng từ sự sụt giảm chứng khoán toàn cầu gây tâm lý cho các nhà đầu tư
nên VN-Index cũng giảm liên tục. Hiện nay, VN-Index đã xuống dưới mức thấp và niềm tin của các nhà đầu tư cũng bị ảnh hưởng nhiều. Nhà đầu tư nước ngoài không bán chứng khoán ồ ạt nhưng cũng không mua vào nhiều chứng khoán.
Một nguồn lực tài chính mà chúng ta có thể hy vọng tương đối ổn định là nguồn kiều hối. Trong một vài năm trở lại đây nguồn kiều hối đã vào nước ta ở mức 9 – 10 tỷ USD, ngoài mục đích hỗ trợ thân nhân và đầu tư kinh doanh, thì trong hai năm qua, nguồn vốn này đưa về nước còn thêm mục đích đầu tư bất động sản và đầu tư chứng khoán.
Tuy nhiên, tình hình khủng hoảng kinh tế Mỹ và thế giới hiện nay có thể làm cho nguồn này giảm vì tỷ lệ thất nghiệp ở các nước gia tăng, thu nhập của nhiều người sẽ giảm mạnh. Hơn nữa, thị trường chứng khoán và bất động sản ở ta cũng không còn hấp dẫn như trước đây nên khoản đầu tư vào các lĩnh vực này qua con đường kiều hối sẽ giảm mạnh.
Cùng với khó khăn của các nguồn vốn trên, thì nguồn vốn vay nước ngoài cũng sẽ bị hạn chế vì khan hiếm về vốn, chi phí vốn cao và người cho vay cũng sẽ bớt đi. Hơn nữa nếu vay để đầu tư trong giai đoạn này thì hiệu quả rất thấp nên cũng sẽ ít nhà đầu tư cố đi vay nước ngoài về để đầu tư nên khả năng đầu tư từ nguồn vốn này sẽ giảm.
Bên cạnh sự khó khăn và giảm đầu tư nước ngoài tại nước ta trong thời gian tới do khủng hoảng tài chính Mỹ và thế giới như đã nêu ở trên, thì chúng ta cũng thấy những cơ hội để các nguồn vốn này giảm không nhiều, đó là:
- Việt Nam đang được coi là nền kinh tế, đất nước có môi trường đầu tư ổn định nên nhiều nhà đầu tư vẫn muốn đầu tư vào nước ta. Nhiều nhà đầu tư vẫn tin vào tương lai và triển vọng phát triển của nền kinh tế nước ta và cho rằng tác động của khủng tài chính Mỹ và thế giới vào nước ta chỉ ở mức độ nhất định và sẽ khắc phục trong thời gian tới.
- Các nhà đầu tư Nhật Bản, Châu Âu đã nhắm vào khu vực Đông Nam Á và lên chiến lược trong 10 năm tới, trong đó nhấn mạnh nhất vào Việt Nam.