5.1. Lợi thế so sánh chủ yếu của Việt Nam trong khu vực Đông Á
Việt Nam có mức độ ổn định chính trị và ổn định xã hội cao so với hầu hết các nước trong khu vực và trở thành điểm đến an toàn cho dòng vốn đầu tư dài hạn trên toàn cầu, đặc biệt là của Nhật Bản, Hàn Quốc, và Đài Loan.
Việt Nam có vị thế địa kinh tế nằm ở trung tâm khu vực Đông Á, có tiềm năng lớn để trở thành nút gia thông trung chuyển quan trọng của toàn khu vực Đông Á. Vị thế này của Việt Nam ngày càng gia tăng tầm quan trọng cùng với việc hình thành mạng lưới giao thông dựa trên các trục đường bộ và đường sắt Bắc – Nam, hành lang cao tốc Đông – Tây, hệ thống cảng biển và sân bay quốc tế, hệ thống thông tin-viễn thông, hệ thống điện và năng lượng, kết nối cơ sở hạ tầng toàn khu vực, đồng thời quá trình nhất thể hóa môi trường kinh doanh, kết nối khu vực về mặt thể chế kinh tế trong khuôn khổ Cộng đồng kinh tế ASEAN và hàng loạt các FTA đa phương và song phương đã và đang triển khai giữa các nước trong khối ASEAN cũng như toàn khối với các nước đối tác Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Úc và New Zealand.
Việt Nam có vị trí ngày càng quan trọng trong tiến trình hội nhập ASEAN và Đông Á hiện đang tăng tốc. Việt Nam đang tích cực và có trách nhiệm hội nhập ngày càng sâu vào mạng lưới các hiệp định thương mại và đầu tư tự do song phương và khu vực như AFTA, Cộng đồng kinh tế ASEAN, ASEAN + 1, Đông Bắc Á, Cộng đồng kinh tế Đông Á, APEC, TPP,… vai trò của Việt Nam như một điểm nút quan trọng ngày càng tăng.
Nguồn nhân lực trẻ, dồi dào là một lợi thế dài hạn. Hiện 75% dân số 87 triệu người của Việt Nam dưới tuổi 40, và theo một số nghiên cứu gần đây, lực lượng lao động của Việt Nam sẽ ổn định trong dài hạn, ít nhất đến giữa thế kỷ 21. Thêm vào đó, mức lương bình quân năm của một công nhân và kỹ sư làm việc tại Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực, thậm chí còn thấp hơn cả Indonesia, India và Phillippines.
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh, bền vững trong gần suốt 25 năm qua. Đặc biệt là nền kinh tế đã thể hiện sức đàn hồi lớn, nhanh chóng vượt qua các cú sốc lớn như khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, khôi phục đà tăng trưởng cao gần 7%/năm.
Thực trạng ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá mới chỉ ở giai đoạn sơ khai và xếp hạng cạnh tranh ở vị trí thấp so với trình độ công nghiệp hỗ trợ các nước khác trong khu vực ASEAN như của Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore. Về cơ bản, ngành công nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu là tham gia vào khâu giá trị gia tăng thấp trong chuỗi giá trị: khâu gia công, lắp ráp; Do vậy, Việt Nam phải nhập khẩu hầu hết các nguyên liệu, linh kiện và phụ tùng phục vụ sản xuất từ ngành công nghiệp dệt may, ngành công nghiệp điện tư,… cho đến ngành công nghiệp đóng tàu.
Trên thực tiễn, trong khi ngành sản xuất xe máy và ngành điện gia dụng ở Việt Nam được đánh giá là đã đạt được những thành công bước đầu trong việc thực hiện nâng tỷ lệ nội địa hóa lên mức khá cao (tương ứng là 70% và khoảng 70-80%), thì các ngành còn lại chỉ đạt tỷ lệ nội địa hóa rất thấp (khoảng 5-10% trong ngành sản xuất ô tô) và hầu như chỉ tham gia vào khâu gia công, lắp ráp giai đoạn cuối của các sản phẩm công nghiệp này. Một mặt, trong ngành sản xuất xe máy hiện đã có khoảng trên 230 doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn của Việt Nam tham gia sản xuất các linh kiện và phụ tùng để cung cấp cho các doanh nghiệp lớn hơn sản xuất và lắp ráp xe máy. Trong đó, có trên 81 doanh nghiệp chuyên sản xuất linh kiện và phụ tùng thuộc thành phần khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (chủ yếu là của các nhà đầu tư hàng đầu của Nhật Bản và của Đài Loan) với số vốn đạt trên 260 triệu USD với chất lượng cao và ổn định. Mặc khác, trong ngành sản xuất và lắp ráp xe ô tô, chỉ có một số ít các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia sản xuất cung cấp các chi tiết nguyên vật liệu, linh kiện và phụ tùng ở trạng thái rất đơn giản với giá trị gia tăng thấp như ghế ngồi ô tô, bộ dây điện trong xe ô tô, nhựa, và một vài chi tiết kim loại đơn giản,… Như vậy, ngành sản xuất ôtô trong nước về căn bản chỉ ở dạng lắp ráp CKD, còn hầu hết trên 90% các linh kiện và phụ tùng ô tô đều phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Đối với ngành đúc nhựa của Việt Nam, mặc dù đã có trên 200 doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ tham gia lĩnh vực sản xuất đúc nhựa nhưng đầu ra của những doanh nghiệp này lại chủ yếu là các sản phẩm hàng nhựa tiêu dùng cuối cùng chứ không phải là các linh kiện và phụ tùng nhựa đúc trung gian để cung cấp cho các doanh nghiệp khác sản xuất các sản phẩm công nghiệp. Ở Việt Nam hiện nay có rất ít các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ (kể cả doanh nghiệp thuộc khu vực có vốn đầu tư nước ngoài) có đủ khả năng cung cấp các nguyên vật liệu, linh kiện và phụ tùng nhựa đúc phục vụ lĩnh vực sản xuất công nghiệp (ví dụ, hiện vẫn chưa có công ty nào ở Việt Nam có đủ năng lực để có thể cung cấp “phụ tùng nhựa” đạt chuẩn về tiêu chuẩn chất lượng và năng lực cung ứng ổn định cho các doanh nghiệp sản xuất ôtô).
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với ngành công nghiệp dệt may của Việt Nam. Trên thực tế, chỉ có rất ít các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ của Việt Nam có đủ khả năng cung cấp các nguyên vật liệu cần thiết cho các nhà sản xuất may mặc phục vụ nhu cầu xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng nội địa. Do đó, các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam đã phải nhập khẩu hàng năm trên 80% nguyên liệu vải để cung cấp cho ngành may, đồng thời nhập khẩu hầu như toàn bộ nguyên liệu may khác như khuy áo, móc, chỉ, da, đế, keo
dán… Hậu quả, giá trị gia tăng mà các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị cũng chỉ vẻn vẹn đạt mức thấp quanh 10%.
Còn đối với ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam, hiện chỉ có khoảng 25% số doanh nghiệp trong toàn ngành này tham gia sản xuất linh kiện và phụ tùng (trong đó hầu hết lại là các doanh nghiệp có vốn FDI) và tỷ lệ nội địa hoá sản phẩm trong ngành công nghiệp điện tử chỉ ở mức thấp đạt khoảng 20% (tập trung chủ yếu là khâu sản xuất bao bì và linh kiện nhựa). Trên thực tế, hầu như chưa có doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước nào đủ tiêu chuẩn để sản xuất và cung cấp các linh kiện điện tử cho các doanh nghiệp sản xuất ôtô ở Việt Nam. Thậm chí, ngay cả việc đã đạt đến mức 80% linh kiện nội địa hóa trong sản xuất chiếc xe máy (Waweα) ở Việt Nam, nhưng hãng sản xuất xe máy Honda của Nhật Bản cho đến nay vẫn đang cố gắng tìm kiếm các nhà thầu phụ trong nước để cung cấp hai bộ công tắc xe máy nơi tay cầm và bộ khóa cổ xe máy. Điều này có nghĩa rằng, hiện tại vẫn chưa có doanh nghiệp vừa và nhỏ nào ở Việt Nam nào đủ năng lực và tiêu chuẩn để sản xuất và cung cấp những linh kiện điện tử này cho hãng sản xuất xe máy Honda của Nhật Bản.
Theo kết quả khảo sát điều tra của tổ chức JETRO (Nhật Bản) trong năm 2010 tại thị trường Việt Nam, yếu tố ngành công nghiệp hỗ trợ yếu và thiếu của Việt Nam đã được các doanh nghiệp đầu tư Nhật Bản đánh giá là yếu tố gây trở ngại lớn thứ 3 trong hai năm liên tiếp (2008-2009) đối với hoạt động sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản (chỉ đứng sau yếu tố rủi ro cơ sở hạ tầng yếu kém; và yếu tố hệ thống luật pháp chưa hoàn thiện và một số vấn đề trong thực thi pháp luật).
Bảng 7: Rủi ro và trở ngại cản trở công ty Nhật Bản tại Việt Nam,
(năm 2008-2009)
Nếu chỉ tính riêng cho các ngành công nghiệp chế biến, ngành thương mại, ngành bán buôn và ngành bán lẻ của Nhật Bản tại Việt Nam có thể thấy trật tự xếp hạng của yếu tố ngành công nghiệp phụ trợ yếu và thiếu đã tụt xuống vị trí thứ 4.
Bảng 8: Những rủi ro và trở ngại cản trở doanh nghiệp (ngành công nghiệp chế
biến, thương mại, bán buôn và bán lẻ) của Nhật Bản tại Việt Nam
Nguồn: JETRO, 2010.