Chỉ qua một câu hỏi ở trên, bạn đã thấy nội dung của nó bao hàm nhiều ý. Muốn biết được chính xác hàm ý của câu nói, bạn phải suy nghĩ phân tích kỹ. Muốn vậy, phải đặt câu hỏi đó nằm trong bối cảnh nào, và vì sao cấp trên lại hỏi như thế, v.v... Sau đó bạn còn phải quan sát thái độ cử chỉ để hiểu được tâm trạng của cấp trên. Việc đoán định này đạt hiệu quả chính xác tới đâu, còn tuỳ thuộc vào khả năng tư duy hiểu biết, trình độ thông minh sáng suốt, v.v.. của một người. Do đó, khả năng phán đoán của mỗi người sẽ khác nhau. Nhưng nếu bạn biết rèn luyện thì có thể nâng cao khả năng đó.
NHÌN VẺ NGOÀI BIẾT NGAY TÂM LÝ TÍNH CÁCH CON NGƯỜIàPhần 3. ĐOÁN NHANH LÒNG DẠ CON NGƯỜI QUA LỜI NÓI VÀ TIẾNG CƯỜI Mổi người đều có kiểu nói riêng của mình. Điều đó xuất phát từ tâm lý, ý thích, tình cảm của mình mà bộc lộ ra. Cho nên câu nói cửa miệng, là câu nói thường buột mồm nói ra, có nhiều khi tưởng như thừa không cần thiết, nhưng cứ tuôn ra như muốn tô thêm cho câu nói, để thể hiện tâm trạng của mình, hay để dằn giọng, đưa đẩy thêm mắm thêm muối. Vì thế dù ít dù nhiều nó cũng đã thể hiện được tính cách, đặc điểm tâm lý con người đó. Dưới đây là một số câu nói cửa miệng, giúp các bạn tham khảo.
1/. “Tôi chỉ nói cho anh biết thôi đấy nhé.!”
Câu nói này mới nghe tưởng như người này rất tin tưởng bạn. Nhưng thực ra đối với người khác, họ có thể vẫn dùng câu nói như vậy. Điều này có hai ý: Một là, họ giữ điều bí mật nào đó đã đến mức ức chế khó giữ được tiếp bức xúc muốn nói ra cho nhẹ nhõm. Hai là, họ muốn nói xấu ai đó, nhưng lại muốn bảo vệ mình, nên họ nói như thế là mong đối phương cứ tiết lộ điều bí mật đó, nhưng phải kín đáo, và đừng nói "tôi" nói ra. Dù thuộc trường hợp nào, thì người nói đó cũng là người không thật sự trung thành đáng tin cậy. Trường hợp đầu, họ là người nhẹ dạ, dễ bức xúc, dễ bộc lộ bí mật, con người không kín đáo. Trường hợp thứ hai chứng tỏ người đó nham hiểm, hay bịa chuyện nói xấu người.
2/. Mở mồm ra là nói "tôi"
Những người này động nói đến điều gì là "tôi"... thế này "nhà tôi"... thế nọ. Họ muốn bộc lộ mình, chứng tỏ mình; bản năng về cái "tôi" của họ quá mạnh. Họ là người thích hư vinh, thích khoe khoang mình, sợ mọi người không hiểu họ. Họ đánh giá mình quá cao. Họ là những người tự cao, tự đại, thích sĩ diện.
3/. “Tôi biết rồi!"
Những người nói một biết mười, thường là loại kỳ tài, hiếm có. Họ nghe câu đầu, đã biết ý câu sau. Loại người này hiếm có, vả lại họ không bao giờ cắt ngang câu nói của đối phương bằng câu "tôi biết rồi!". Họ luôn là người khiêm tốn, và tự có cách biểu hiện để người khác biết họ đã biết. Nhưng có loại người cứ hễ nghe ai nói, ai kể về sự việc gì, về điều gì mới mẻ, là họ nói xen ngang "tôi biết rồi". Nhưng thực tế họ vẫn lắng nghe để biết tiếp. Họ không biết gì cả, mà cứ bảo "tôi biết rồi", để tỏ ra “tôi" cũng tài ba, cũng nắm bắt nhanh, biết chuyện trước. Họ là loại người khoe khoang, tự phụ.
4/. "Nhưng…. ", "dù sao…"
Những người thường hay dùng câu chữ này trong khi nói chuyện, chứng tỏ họ có khả năng tư duy suy nghĩ nhanh. Khi nói chuyện, họ đã nhạy bén hiểu ngay ra chỗ thiếu kín kẽ trong cách nói, hoặc nói không logíc biện chứng. Họ dùng câu này một cách uyển chuyển để bổ sung thêm ý nói của mình, để ngăn ngừa ý đồ nghi ngờ của đối phương và cũng để tự giải thích, tự biện lý lẽ đối đáp lại.