còn vì chưa có tiền lệ. Nếu nhìn dưới góc độ quản lý doanh nghiệp thì có nhiều điểm tương đồng cần suy nghĩ.
Đây là dự án có tầm nhìn 10 – 20 năm tùy thực tế triển khai. Trong thời buổi mọi thứ có thể thay đổi nhanh chóng thì rất khó để các nhà hoạch định chiến lược chỉ rõ chính xác được mọi thứ. Vì vậy, có thể thông cảm được phần nào sự thiếu hụt thông tin về dự án khi trình Quốc hội xem xét. Ở quy mô doanh nghiệp, bình thường cũng chỉ xác định tầm nhìn trong 5 -10 năm và mục tiêu được xây dựng cụ thể trong trung hạn là 1 -3 năm. Vấn đề là doanh nghiệp muốn phát triển bền
vững thì tầm nhìn của người lãnh đạo phải được xây dựng căn cứ trên dữ liệu thực tế khách quan như quy mô thị trường, nguồn lực doanh nghiệp, lợi thế cạnh tranh… chứ không chỉ là mong muốn chủ quan của người lãnh đạo. Ví dụ không thể áp đặt tầm nhìn trở thành một tập đoàn công nghệ hàng đầu trong khi các vị trí kỹ thuật chủ chốt lại không có, công nghệ cốt lõi cũng không.
Về giao thông chúng ta có thể thấy tầm nhìn của người Pháp khi xây dựng chiếc cầu Long Biên hơn trăm năm tuổi đến giờ vẫn có thể khai thác, hay việc họ cho xây dựng tuyến đường sắt Bắc Nam mà bây giờ chúng ta vẫn đang dùng. Còn chúng ta quy hoạch con đường đắt nhất ở Hà Nội bây giờ đi qua không ai nhận ra kiến trúc tổng thể của nó là gì.
Tầm nhìn của chúng ta ở đây đang là đi tắt đón đầu về công nghệ để giải quyết bài toán giao thông Bắc Nam, vì giao thông là điều kiện kiên quyết cho phát triển kinh tế. Nhưng từ tầm nhìn đó, triển khai tiếp các vấn đề khác thì sao?
Trước hết xét về mục tiêu. Đường sắt cao tốc sẽ có những mục tiêu gì cụ thể? Rõ ràng nhất là vận tải hành khách với tốc độ cao, sau đó có thể là hỗ trợ phát triển kinh tế các vùng có tuyến đường sắt này chạy qua, tiếp theo là có thể giảm sức ép đô thị cho 2 thành phố Hà Nội và TP HCM, và có thể còn nhiều mục tiêu nữa.
Tuy nhiên với doanh nghiệp, trong một giai đoạn cụ thể không nên đặt ra quá nhiều mục tiêu, vì đặt ra càng nhiều thì nguy cơ không đạt được càng cao. Và khi đặt ra các mục tiêu thì nên xác định thứ tự ưu tiên, xác định những mục tiêu nào chỉ là hệ quả của mục tiêu chính. Giả sử mục tiêu chính của chúng ta là vận tải hành khách tốc độ cao thì chúng ta sẽ thử phân tích bài toán dựa trên mục tiêu đó.
Tiếp đến là khâu lập kế hoạch. Không một doanh nghiệp nào không phải trải qua bước này. Lập
kế hoạch tốt thì sẽ hoàn thành được mục tiêu đặt ra, làm không tốt thì sẽ phải trả giá về hiệu quả đầu tư, chi phí vốn, chi phí cơ hội. Dựa trên mục tiêu chính giả định ở trên chúng ta sẽ phải lập các kế hoạch chi tiết về công nghệ, nguồn vốn đầu tư, nhân sự, kế hoạch kinh doanh…
Bài toán cơ bản nhất khi lựa chọn công nghệ là tính khả thi, hiện đại và đã được kiểm chứng. Công nghệ của Nhật thì chưa cần phân tích nhiều cũng thấy ưu điểm là hay và hiện đại, nhưng có quá ít kiểm chứng về tính khả thi, về mặt kinh tế cho hành trình dài như tuyến Bắc – Nam của ta. Hay công nghệ đó trong thực tiễn Việt Nam thì ứng phó sao với thiên tai khu vực miền Trung để hàng năm chi phí sửa chữa hỏng hóc do thiên tai không phát sinh quá lớn?
Giả thuyết rào cản công nghệ được vượt qua thì câu hỏi đặt ra là liệu có công nghệ nào có thể thay thế không? Đa phần ý kiến lựa chọn nếu giá vé tương đương nhau, với hành trình dài như vậy thì người dân sẽ lựa chọn máy bay làm phương tiện vận chuyển. Còn nếu cung đường ngắn (~ 300km) thì đúng là đường sắt có ưu thế hơn các phương tiện khác nhưng đấy là với điều kiện giao thông đường bộ của chúng ta chưa phát triển. Vậy bài toán đường sắt siêu tốc lại phải đặt trong bối cảnh chung phát triển chung của hạ tầng giao thông tại Việt Nam trong đó có hàng không và đường bộ. Khi lựa chọn công nghệ thì doanh nghiệp cũng căn cứ vào bài toán đồng vốn bỏ ra đầu tư. Lý tưởng là doanh nghiệp có vốn tự có và sẽ không phải vay vốn ngân hàng hoặc vay với tỷ lệ thấp. Nhưng nếu bản thân doanh nghiệp không có vốn đối ứng thì dám chắc sẽ rất khó tiếp cận với ngân hàng, nhất là với dự án đầu tư lớn. Hơn nữa nếu vốn cho dự án đó thời điểm hiện tại bằng 50% doanh thu của công ty, và có khả năng bằng 100% doanh thu khi hoạch toán cuối cùng thì ngân hàng nào dám cho vay?
Có thể ở quy mô doanh nghiệp còn có các quỹ đầu tư mạo hiểm nhìn nhận được tiềm năng to lớn của dự án để bỏ tiền đầu tư nhưng ở quy mô dự án quốc gia thì IMF hay WB khó lòng mạo hiểm như vậy, nhất là trên thế giới chưa có tiền lệ nước nào vay vốn quá 5 tỷ USD.
Giả thuyết tiếp bài toán nguồn vốn được vượt qua thì bài toán hoàn vốn cũng rất quan trọng. Như tính toán của các chuyên gia kinh tế thì thời gian hoàn vốn là tối thiểu 45 năm nếu đúng như thiết kế. Vậy trong 45 năm đấy chúng ta sẽ phải gánh một khoản lãi khổng lồ. Chúng ta đã có kinh nghiệm nhiều doanh nghiệp lớn cả Việt Nam và thế giới lao đao vì khoản lãi vay quá lớn. Ngay ở cả quy mô quốc gia thì bài học Hy Lạp vẫn còn nóng hổi. Vậy liệu có nên chia bài toán lớn thành nhiều bài toán nhỏ để nhìn thấy lộ trình huy động vốn và hoàn vốn khả thi hơn?
Vấn đề quan trọng không kém chính là truyền thông. Khi chúng ta có tầm nhìn tốt, các mục
tiêu rõ ràng, kế hoạch khả thi thì việc thành công được hay không lại ảnh hưởng nhiều bởi vấn đề truyền thông nội bộ và ra bên ngoài.
Rõ ràng nếu chỉ lãnh đạo ngấm và hiểu được tầm nhìn mà không chia sẻ với nhân viên thì không thể thúc đẩy họ nhìn cùng một hướng. Một kế hoạch tốt mà không truyền thông đầy đủ đến nhà đầu tư hoạc ngân hàng thì lại khó huy động được nguồn vốn. Hoặc khi triển khai mà không lắng nghe các ý kiến phản hồi của nhân viên thì khó đúc rút được các kinh nghiệm để cải tiến kế hoạch và điều chỉnh mục tiêu.
Khi chúng ta có sản phẩm tốt rồi mà không truyền thông ra bên ngoài để khách hàng hưởng ứng tiêu dùng thì sản phẩm lại sẽ tự loại mình ra khỏi cuộc chơi.
Quay lại câu chuyện đường sắt siêu tốc, rõ ràng chúng ta nhìn thấy ý kiến nhiều chiều cả tại nghị trường, chuyên gia, báo chí và người dân. Vậy tại sao không lập một diễn đàn chính thức vừa làm kênh truyền thông vừa để tổng hợp các ý kiến đó, có thể bước đầu giới hạn trong phạm vi các chuyên gia nhiều lĩnh vực, sau mở rộng cho người dân cùng tham gia. Các kế hoạch sẽ được công bố rộng rãi trên đó để lắng nghe được các phản hồi và điều chỉnh.
Suy cho cùng một dự án quy mô như thế nếu thực hiện được sẽ là niềm tự hào của cả dân tộc nên nó cần có ý chí đồng lòng chung của toàn thể nhân dân, và mỗi người dân đang đóng thuế cũng sẽ là một “cổ đông” của dự án, vai trò giám sát của các cổ đông độc lập hay ban kiểm soát trong công ty cổ phần cũng quan trọng lắm chứ?
Phạm Minh Toàn,Chủ tịch HĐQT, Giám đốc công ty Time Universal Communications
các bạn hãy doawload bản đầy đủ 381 trang của cuốn
sách ở địa chỉ sau