0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (74 trang)

Bày tỏ sự xót thương trước vong linh của những người nghĩa sĩ

Một phần của tài liệu GIÁ TRỊ NỘI DUNG VÀ NGHỆ THUẬT TRONG TÁC PHẨM VĂN TẾ NGHĨA SĨ CẦN GIUỘC CỦA NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU (Trang 40 -40 )

5. Phương pháp nghiên cứu

2.2. Bày tỏ sự xót thương trước vong linh của những người nghĩa sĩ

Đúng với tinh thần của một bài văn tế truyền thống, song song với sự ca ngợi công lao người đã khuất, bên cạnh đó Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc còn bày tỏ sự xót thương trước vong linh của những người nghĩa sĩ anh hùng. Bài tế cũng là một tiếng khóc, nhưng tiếng khóc ấy là một tiếng khóc lớn, tiếng khóc có bi nhưng không hề lụy vì nó đan xen vào sự tự hào của dân tộc ta. Nguyễn Đình Chiểu đã nhân danh lịch sử viết lên những lời truy điệu một cách chân thành mà cảm động biết bao!

Phần thương tiếc bắt đầu bằng một đoạn nói là “thương thay”, kỳ thực là ca ngợi hết lời tinh thần gan dạ và hành động chiến đấu anh dũng vô song của họ, rồi sau mới đến một đoạn mới thật sự là thương xót khi họ phải hy sinh.

Làm sao không thương cho được khi một bên là “cơ vệ, ở lính diễn binh, tập rèn, bày bố, mười tám ban võ nghệ, chín chục trận binh thư, bao tấu, bầu ngòi”. Môt bên là “dân ấp dân lân, không đợi tập rèn, không chờ bày bố, áo vải, tầm vông”. Nghĩa là một bên là đội quân chính quy, có tổ chức, có trang bị, được luyện tập kĩ càng. Còn một bên vẫn là dân cày và không thoát ly điều kiện dân cày. Chỉ khác một điều là dân cày thì “mến nghĩa” còn quan quân chính quy triều đình thì không. Ngay khi Tổ quốc cần thì quan quân chính quy đi đâu mất, họ trông chờ tin quan nhưng “trông tin quan như trời hạn trông mưa”. Nguyễn Đình Chiểu đã thay mặt những người con yêu nước mà cất tiếng nói nhầm tố cáo cái triều đình bạc nhược lúc bấy giờ.

Không thể ngồi yên chịu trận nữa, những người nông dân vô danh, cả đời chỉ biết nhỏ giọt mồ hôi xuống luống cày, nương khoai ấy đã quật dậy để bảo vệ quê hương đất tổ của mình. Họ ý thức được rằng:

“Quốc biến thành gia biến. Nước mất thì nhà tan”

Ý thức yêu nước mãnh liệt, họ đứng lên đánh giặc, ném lưỡi cày cán cuốc, không có súng thì dùng dao phay, không có gươm, có giáo thì dùng ngọn tầm vông, cùng manh áo vải khoác trên lưng thế là xong pha ra trận. Đúng như là một tinh thần yêu nước của bộ đội cụ Hồ. Vậy có thương không? Càng thương cho khí phách anh dũng kia bao nhiêu thì lại càng giận lũ ươn hèn bấy nhiêu.

Chúng ta thấy gì trong cách nói: “Vốn chẳng phải là… mà là”. Họ vốn chẳng phải là lính mà là nông dân và mang đậm tính “nông dân” không hơn không kém. Cách nói này tạo nên cái thế đòn bẩy làm nổi bậc lên những điều bất thường. Là lính thì nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc khi cần và dù có hy sinh đi nữa thì sự hy sinh đó cũng là điều khó tránh. Hơn thế nữa các anh cũng đã được trang bị vũ khí, luyện tập võ nghệ, binh thư là nhằm vào việc giết giặc, quyết tử nơi sa trường. Nay họ vốn chẳng phải là lính, tức là những thứ liên quan đến chiến sự thì chưa đến lược họ phải nghĩ và họ nào đâu có biết tới. Họ chẳng qua là “dân ấp dân lân”

nhưng lại vô cùng “mến nghĩa làm quân chiêu mộ”. Đúng như vây. Họ là những người nông dân Nam Bộ, sống cuộc đời cui cút, ruộng trâu, bừa cấy, một cuộc sống bình yên, giản dị. Họ không hề được trang bị một thứ gì của một người lính. Vẫn là người nông dân nghèo khó “ngoài cật” chỉ có một manh áo vải. Áo vải đã nghèo, mà chỉ một manh, nghĩa là một cái áo đã tồi tàn không còn nguyên vẹn nữa. Không hề được trang bị chút gì, chỉ có “ngọn tầm vông”, ‘lưỡi dao phay”, “ rơm con cúi”.

Nghĩa là những thứ họ quơ được trong nhà, trong vườn. Vũ khí ấy làm sao mà chống lại được “đạn nhỏ, đạn to”, “tàu thiếc, tàu đồng” của giặc được. Họ biết được điều đó chứ, nhưng họ nào đâu có sợ, họ cứ “xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có”. Thật là đáng biểu dương tinh thần ấy nhưng càng đau xót thay trước những hành động vô cùng anh dũng đó. Càng cảm phục cái khí phách anh dũng đó bao nhiêu thì lại càng thấy mủi lòng bấy nhiêu khi đoàn người ra trận kia chẳng được trang bị, luyện tập gì cả.

Họ chẳng được trang bị hỏa mai, chỉ có rơm con cúi mà họ cũng đốt xong nhà dạy đạo kia. Họ chẳng được trang bị gươm đao, chỉ có lưỡi dao phay ấy vậy mà lại chém rớt đầu quan hai quân giặc. Họ xông xáo, tung hoành “đâm ngang, chém ngược, hè trước, ó sau”, bắt chấp hiểm nguy, chết chốc.

Cũng là cái thế đòn bẩy, lấy cái kém cỏi của trang bị mà đẩy cái dũng cảm chiến đấu lên cao. Vẫn tăng cái phần thương cảm mà chủ yếu vẽ ra bức tranh hoành tráng của những nghĩ sĩ nông dân.

Nhưng đến câu:

“Nhưng lăm lòng nghĩa lâu dùng; đâu biết xác phàm vội bỏ.”

Thì sự thương xót thật sự bắt đầu, từ khí thế tưng bừng của chiến trận chuyển sang cái giọng điệu tỉ tê, xót thương, buồn lặng. Trong dòng cảm xúc dường như có cái gì đó hụt hẩng. Tưởng chừng như con người đang hăng say chiến đấu bỗng nhiên sựng lại, buông gươm, quỵu xuống.

Xót thương là từ đó, nhưng khóc thương rồi mừng vui cho khí phách hào hùng. Còn ở đây là xót thương đến rơi nước mắt.

Đó là một sự cố lớn, một mất mác trong lịch sử: Vì sự ra đi đó đến những hai mươi bảy người chứ đâu có ít. Cái chết của họ là một cái chết vinh, cái chết ấy

mang một chân lý sáng ngời đó là thà chết đi chứ không chịu làm nô lệ, chết đi để bảo vệ sự sống còn cho tổ quốc. Bằng ngòi bút yêu thương và kính phục Nguyễn Đình Chiểu đã nhân danh lịch sử mà cất tiếng khóc những người anh hùng áo vải hy sinh vì Tổ quốc.

“Đoái sông Cần Giuộc, cỏ cây mấy dặm sầu giăng; nhìn chợ Trường Bình già trẻ gái trai hai hàng lụy nhỏ”.

Sông Cần Giuộc, chợ Trường Bình như là một chứng nhân lịch sử đã chứng kiến những biến động xảy ra trong thời kì lịch sử đầy phong ba bão táp này. Hơn thế nữa đây là những địa danh cụ thể, điều đó càng chứng tỏ rằng đây là một câu chuyện có thật, nói về con người thật, nỗi niềm xót thương thật.

Đó là sự mất mát lớn, trời đất không thể không ảnh hưởng. Nỗi buồn giờ đây đã lan tỏa sang cảnh vật. Trong Bình Ngô đại cáo còn nói đến nhật nguyệt phải mờ, gió mây biến sắc. Ở đây không đến như thế, nhưng suốt dãi sông Cần Giuộc “cỏ cây mấy dặm sầu giăng”. Hình ảnh tíu tít, ồn ào, người mua kẻ bán của chợ Trường Bình ngày nào giờ đây chỉ còn một màu ủ dột. Thật là đau xót biết bao “nhìn chợ Trường Bình già trẻ gái trai hai hàng lụy nhỏ”. Không phân biệt nam nữ, có bà con hay không bà con với người mất. Phàm là người chết đi vì nước nhà, vì một nghĩa lớn thì hỏi làm sao mà không khóc thương cho được?

“Chùa Tông Thạnh năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son gửi lại bóng trăng rằm; đồn Lang Sa một khắc đặng trả hờn, tủi phận bạc trôi theo dòng nước đổ”

Chùa Tông Thạnh là nơi mà nghĩa quân Cần Giuộc làm căn cứ chống giặc, nơi đêm nọ nghĩa quân tập họp tưng bừng. Nay suốt “năm canh” chỉ còn cửa “đóng” then cài, lạnh tanh, lạnh ngắt. Không khí trở nên thật ảm đạm thê lương. Tấm lòng tận trung với nước nay xin gửi lại bóng trăng rằm. Còn hình ảnh cái đồn Lang Sa kia(Lang sa: gọi tắt từ Pha-lang-sa, phiên âm tiếng Pháp) chỉ cái đồn binh Pháp đóng bên sông chợ Cần Giuộc. Trên bờ sông đó, mối hờn, mối giận hãy còn khắc chặt. càng hờn, càng giận bao nhiêu thì càng tủi cho số phận của người đã đi sao quá mong manh, ngắn ngủi, sao vội “trôi theo dòng nước đổ”. Đến đây câu văn trở nền buồn lặng và đau xót biết bao!

Các anh đã mãi ra đi, khoảng trống mà các anh đã để lại cho cảnh vật là một vẻ lạnh lẽo, cô liêu, là một nỗi buồn hoài cổ. Những vật vô tri vô giác, những người

chưa từng quen biết còn khóc thương trước sự ra đi của các anh như thế. Thử hỏi xem, người vợ, người mẹ, người con của các anh sẽ ra sao khi hay tin dữ này? Đây mới thật sự là một khoảng trống có lẽ không gì bù đắp được. Nỗi đau để lại trong lòng những người thân nghĩa sĩ là một nỗi đau âm ĩ, nỗi đau làm xé lòng người:

“Đau đớn bấy mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều; não nùng thay! Vợ yếu chạy tìm chồng, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ”

Người con mất đi, lấy chi bù đắp được khoảng trống trong lòng người mẹ già? Và lấy chi bù đắp được khoảng trống trong lòng người vợ trẻ? Còn gì đau đớn hơn khi đầu bạc phải khóc tiễn đầu xanh, giờ đây trông túp lều nhỏ ấy chẳng thấy con trẻ đâu chỉ còn ngọn đèn khuya chập chờn “leo lét” nỗi đau ấy như khứa đừng đoạn ruột người mẹ. Người chồng mất đi, thân thể, cuộc đời người vợ dường như gãy đứt đi một nửa, “vợ yếu chạy tìm chồng” nhưng biết tìm ở đâu? Đêm đêm, ngày ngày vô định, dật dờ như “cơn bóng xế”. Rồi người mẹ, người vợ này sẽ ra sao khi người trụ cột trong gia đình không còn nữa? Thử hỏi xem nhìn cảnh này mấy ai trong chúng ta lại cầm được nước mắt. Thật là đau đớn và não nùng thay!

Đau đớn bao nhiêu thì càng căm giận bấy nhiêu. Vì ai đã gây nên cớ sự này?

“Vì ai khiến quan quân khó nhọc, ăn tuyết nằm sương; vì ai xui đồn lũy tan tành, xiêu mưa ngã gió.

Sống làm chi theo quân tả đạo, quăng vùa hương, xô bàn độc, thấy lại thêm buồn; sống làm chi theo lính mã tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ.”

Hai lần lặp lại “vì ai” như trút hết nỗi căm hờn, tội lỗi mà quân cướp nước đã gây ra đối với đồng bào ta. Hai lần đệm tới đệm lui “sống làm chi” là muốn nhấn mạnh lòng chính nghĩa của các anh. Sống làm chi mà theo quân tả đạo, theo lính mã tà, sống làm chi mà mắt thấy tai phải nghe những điều dơ bẩn. Vậy thì càng thêm buồn càng thêm hổ. Thà chết đi để chống giặc, để không thẹn với núi sông, để về với quê cha, đất tổ còn vinh, còn hơn.

Xét thấy tin thần tự giác, tự nguyện của những nghĩa sĩ, dám đứng lên đánh giặc. Chết như vậy coi như đã “trả nước non rồi nợ”, có đình, có miếu phụng thờ, tiếng thơm muôn thuở. Những người ở lại cũng thấy nhẹ lòng hơn vì cái chết ấy là một cái chết vinh, cái chết khiến cho người người nể phục kể cả đối phương.

Bằng tất cả lòng thành kính và yêu thương, Nguyễn Đình Chiểu đã thay mặt toàn dân viết nên những lời truy điệu vô cùng cảm động. Ta thấy từ trong trang giấy như hãy còn sụt sùi tiếng khóc của người mẹ, người vợ, của tất cả đồng bào miền Nam cũng như đồng bào trên cả nước. Tiếng khóc đó là một tiếng khóc có bi nhưng không hề lụy. Khóc vì thương tiếc mà cũng khóc vì cảm phục trước những con người ấy, khí phách ấy. Họ chết chẳng phải là hết mà là còn, còn đó tiết nghĩa, còn tiếng thơm, còn “theo giúp cơ binh”, còn để ơn cho cho con cháu, còn để nhớ, để thương chẳng bao giờ dứt, đặc biệt là còn là bài học đắt giá đối với những người đang sống. Và cái chết ấy giờ đây đã hóa thành bất tử. “Có thể nói từ trong cái khoảnh khắc của cái chết, bài tế đã mở ra cái vĩnh cữu của sinh thành - vì cái chết đang gắn liền với cuộc vận động của dân tộc” [3 ; tr 921].

Một phần của tài liệu GIÁ TRỊ NỘI DUNG VÀ NGHỆ THUẬT TRONG TÁC PHẨM VĂN TẾ NGHĨA SĨ CẦN GIUỘC CỦA NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU (Trang 40 -40 )

×