Thông qua các Hội thảo chuyên đề cấp trường và cấp cụm trong năm học vừa qua, đề tài đã triển khai thực nghiệm trên tất cả giáo viên của nhà trường. Qua trao đổi thảo luận có thể kết luận cơ bản giáo viên đã nắm bắt được tinh thần và nội dung đổi
mới theo Mô hình VNEN. Từ những nhận thức đúng đắn đó, hoạt động dạy và học của các khối lớp 2,3, 4 và 5 đã và đang được triển khai áp dụng có hiệu quả.
Từ "nói” đến ”làm" còn một khoảng cách nhất định, nếu giáo viên không có sự nhiệt tình, học hỏi, tìm tòi sáng tạo thì mãi vẫn không xóa được khoảng cách đó. Đối tượng học sinh là người dân tộc thì việc thực hành ”làm” lại càng gặp nhiều khó khăn. Trong thời gian vừa qua đề tài đã đề xuất một số giải pháp trong khuôn khổ mục đích nghiên cứu đã lựa chọn và đã từng bước tháo gỡ được các khó khăn đó.
Thông qua các Hội thảo chuyên đề cấp trường và cấp cụm, triển khai cho giáo viên các lớp 2, 3 và 4, 5 tổ chức thực hiện theo các giải pháp đề tài đã đề xuất. Sau một năm học tập trung rèn học sinh, đa số các lớp các em học sinh đã bước đầu thực hiện được việc tự quản. Qua quá trình dự giờ dạy minh họa chuyên đề, dự giờ thăm lớp định kì và đột xuất, đề tài đã đánh giá một cách khách quan:
- Học sinh đã bước đầu thực hiện được nhiệm vụ tự quản, tự học theo dẫn dắt định hướng của giáo viên.
- Các em đã mạnh dạn và tự tin hơn nhiều trong việc tự thể hiện bản thân, tự thực hiện nhiệm vụ. mạnh dạn và tự tin trong các mối quan hệ giao tiếp với bạn bè, với các thầy cô giáo.
- Các em đã có thói quen tự điều hành các hoạt động của lớp, tuy nhiêm mới ở mức độ có sự trợ giúp hướng dẫn của giáo viên.
- Chất lượng giáo dục cũng đã được cải thiện đáng kể. Qua kết quả khảo sát cuối năm học tỷ lệ học sinh thực hiện việc tự quản, tự học chưa tốt đã giảm đi đáng kể so với khảo sát đầu năm học. Tuy nhiên tỷ lệ học sinh thực hiện việc tự quản, tự học tốt cũng chưa cao đồng nghĩa với việc học sinh mới chỉ có thói quen tự quản, tự học; kĩ năng tự quản, tự học còn đang hạn chế.